23 March 2014

Gõ Cửa Trái Tim

Anh Nguyễn Nhật Ngọ (ĐS10/CH7, còn có biệt danh là "Nghé Ngọ") vừa trải qua một cuộc thông tim với kết quả thành công mỹ mãn! Xin chúc mừng bác "Nghé Ngọ". Vắng bóng bác trên Diễn đàn email mấy tuần nay mà không rõ lý do tại sao? Nay mới biết được nguyên nhân! Xin chuyển tiếp bài viết rất công phu này cho quý anh chị để tùy nghi. Riêng tôi, tôi rất thích phần nhận xét của bác "Nghé Ngọ" sau lần thông tim của bác:
".  .  . Sau lần thông tim này, tôi rút ra được một vài điều hay hay về cuộc sống của mình hiện tại: lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ, yêu đời; nên có óc khôi hài; giữ cho “thân tâm” lúc nào cũng “an lạc”; đừng hờn, đừng giận, đừng ganh ghét, đừng sân si, đừng thương/ghét quá đáng (nói chung là “hỉ nộ ái ố”) sẽ có ảnh hưởng tai hại đến trái tim. Cũng nên TRÂN QUÝ trái tim của chúng ta hơn, THƯƠNG YÊU trái tim của chúng ta hơn, đừng để “TRÁI TIM (lầm) LỠ”, đừng “GÕ (cửa) TRÁI TIM”, cũng đừng bỏ (lăn lóc) “TRÁI TIM BÊN LỀ” (đường)  .  .  .  ."
Đúng vậy, thưa anh Ngọ: Quỹ thời gian của chúng ta không còn bao nhiêu. Mỗi người trong chúng ta, ai cũng đã mua sẵn cho mình "one way ticket" và chỉ chờ ngày giờ sắp xếp chuyến bay mà thôi! Cho nên, quãng đời còn lại, chúng ta nên đối xử tử tế với nhau để giử cho nhau những tình cảm đẹp...

Một lần nữa, xin chúc mừng anh Ngọ đã "tai qua nạn khỏi", và chiếc xe "lô-ca chưn" của anh đã tune-up kỹ lưỡng rồi thì nên tiếp tục lên Diễn đàn email để "rồ-gas" chạy cùng anh chị em nhé!
Thân mến, (Nguyễn Văn Sáu)
 **
Tựa đề nầy đặt ra cho vui thôi, chứ thực sự sau khi bác sĩ “Gõ Cửa Trái Tim” của tôi (bằng tâm điện đồ) thì thấy “Trái Tim (của tôi) Không Ngủ Yên” mà đập loạn xạ, bất bình thường.  Kết quả là sau đó tôi được đưa vào Bệnh Viện Tim để được thông tim. Bài viết sau đây nói về Phép Tạo Hình Mạch Tim hay vắn tắt là Phuơng Pháp Thông Tim, tiếng Tây họ gọi rằng là angioplasty.

Ngày Thứ Ba, 11-3-2014, trong 1 lần đến gặp bác sĩ gia đình, tôi than với bác sĩ (rằng trong tuần lễ trước đó), thỉnh thoảng tôi bị tức ngực và đôi lúc khó thở. Các triệu chứng này chỉ xảy ra trong chốc lát rồi biến mất. Bác sĩ bèn cho tôi thử Tâm Điện Đồ ngay tại chỗ, mới phát hiện ra là nhịp tim của tôi đập một cách bất bình thường. Bác sĩ  liền cho tôi uống ngay 1 viên aspirine 325 mg và để dưới lưỡi (cho tan) 1 viên nitroglycerine 0.4 mg. Sau đó bác sĩ  nói với tôi là cần đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu ngay.  Bác sĩ bảo y tá gọi 911. Chừng 5 phút sau thì một xe cứu hỏa và 1 xe paramedic chạy tới, đậu trước cửa bệnh viện và 4-5 nhân viên cấp cứu chạy ngay vào phòng tôi đang khám bệnh với đầy đủ các đồ nghề và dụng cụ cấp cứu. Lúc đó, tôi hoàn toàn tỉnh táo và đi đứng nói năng bình thường. Các nhân viên cấp cứu cho tôi nằm trên 1 băng ca có bánh xe đẩy. Người tôi lúc đó quấn đầy dây chạc, cổ tay tôi được gắn kim chích để truyền qua tĩnh mạch (gọi là IV) để họ chuyền nước biển vào người tôi, mũi tôi được gắn ống thở dưỡng khí để giúp tim làm việc dễ dàng hơn, ngực thì đầy các thứ dây gắn vào 1 máy đo tâm điện đồ (loại xách tay).

(Hình minh họa) Tâm điện đồ: nhịp tim đập bình thường (trái)
và không bình thường (phải)

Xin mở ngoặc đóng ngoặc: Những điều tôi trình bày sau đây chỉ mục đích chia sẻ kinh nghiệm mà tôi đã trải qua với các bạn, theo sự hiểu biết thông thường của tôi mà thôi. Tôi thực sự không rành về y khoa cho nên còn nhiều thiếu sót. Nếu cần, các bạn nên tìm hiểu thêm qua các tài liệu y khoa và tìm sự giúp đỡ/cố vấn nơi các bác sĩ chuyên về TIM thì tốt hơn. Cũng xin nói thêm là cách nay 26 năm (tháng 5 năm 1988) tôi cũng suýt bị “heart attack” và đã được thông tim 1 lần rồi. Nhờ ăn uống kiêng cử và có lối sống (theo tôi nghĩ) lành mạnh, cho nên tôi đã “kéo dài” được cho đến ngày nay, mà không bị thông tim lại. Nghe nói có người sau khi thông tim, sẽ trở lại để thông tim lần nữa chỉ vài ba tháng hay vài ba năm sau. Lại có người không những bị nghẹt 1 mạch mà nhiều mạch tim nên phải thông tim làm nhiều lần.

Vì chỗ tôi khám bệnh chỉ là 1 bệnh viện nhỏ ở địa phương cho nên họ phải đưa tôi đến 1 bệnh viện lớn hơn trong vùng. Trên đường đi chuyến, xe paramedic AMR vừa chạy vừa hú còi ầm ĩ. Đến bệnh viện lớn thì chừng 6-7 y tá vây quanh tôi để đo tim, kiểm huyết áp, rút máu để thử nghiệm, chụp hình quang tuyến trái tim ngay tại chỗ. Các y tá hỏi tôi các thứ thuốc đã uống, tiền sử bệnh trạng, lần thông tim lúc trước, các triệu chứng như tức ngực, khó thở, vân vân...

Sau đó tôi được đưa vào nằm trong phòng hồi sức, có y tá chăm sóc 24/24. Nằm giường có nút bấm (bằng 1 hộp tự động) điều chỉnh nâng người lên xuống, nằm hoặc ngồi, có TV riêng, phòng vệ sinh riêng (có phòng tắm đứng). Lại có sẵn tờ thực đơn đủ các món ăn nước uống, và điện thoại (kế bên giường) để gọi đặt trước các bữa ăn sáng, trưa, chiều.

Hình minh họa: Mạch máu bị nghẹn/đứt/vỡ khiến ảnh hưởng đến bộ não 
(sanh ra tại biến mạch máu não)
Các y tá cứ cách 2 tiếng vào kiểm huyết áp, tâm điện đồ, và hỏi thăm sức khỏe (ngay cả lúc 1 – 3 giờ khuya cũng vào đo huyết áp). Họ gắn một hộp nhỏ (cỡ bằng cái iPhone) có 4-5 dây gắn chặt vào ngực tôi, bỏ vào túi áo trước ngực của áo choàng bệnh viện (có lẽ để theo dõi nhịp tim), cổ tay thì được chuyền nước biển, mũi vẫn được thở bằng dưỡng khí. Cổ tay trái của tôi được đeo một vòng nhựa có tên họ, ngày sanh và số hồ sơ bệnh nhân.  Cứ mỗi lần làm cái gì trên người tôi (như đo huyết áp, đo tâm điện đồ, rút máu thử nghiệm, cho thuốc uống, vân vân) các y tá đều dùng 1 hộp quét (scanner) rà lên cái vòng này để đưa dữ kiện vào máy computer, hầu tránh sự nhầm lẫn hoặc trùng hợp.

Qua ngày sau (Thứ Tư 12-3) thì tôi được chuyển đến 1 phòng Quang Tuyến để chụp hình tim qua 1 cái máy lớn (mà sau tôi có hỏi chuyên viên kỹ thuật thì họ nói là máy nuclear medicine) Tôi phải nằm ngửa, dơ 2 tay qua khỏi đầu, bất động trong vòng 15 phút. Sau đó tôi được di chuyển sang 1 phòng kế bên, để họ làm “stress test”. Có 2 loại: một là chạy trên một máy treadmill (giống như cái máy chạy tập thể dục ở nhà – mục đích để đo “tâm điện đồ gắng sức”); hai (trường hợp của tôi) họ bảo tôi nằm dài trên một cái giường lưu động, điều chỉnh độ cao và độ nghiêng của thân mình tôi vừa phải, sau đó họ giải thích là sẽ chích cho tôi 1 loại thuốc. Thuốc này khi chích vào làm cho tôi có cảm giác như mình đang chạy lên dốc, khó thở, gắng sức ghê gớm lắm. Đương nhiên họ vẫn kiểm soát nhịp tim và huyết áp của tôi trong thời gian này. Chừng 5 phút thì xong, người nhẹ nhõm trở lại, hít thở bình thường. Tôi lại được y tá dẫn ra ngoài, dùng bữa ăn trưa (đã đặt sẵn từ trước và y tá mang theo) chừng 20 phút, thì lại vào nằm để chụp hình tim (sau khi “stress test”) như lần trước để so sánh 2 phim tim trước và sau khi làm “stress test”.

Hình minh họa: Máy chụp hình tim (gọi là nuclear medicine) 
bệnh nhân phải nằm bất động trong 15 phút
Tôi được đưa trở về nằm trong phòng riêng. Y tá dặn không ăn uống gì sau nửa đêm để hôm sau thông tim. Sáng hôm sau (Thứ Năm, 13-3) thì xe paramedic lại chuyển tôi qua 1 Bệnh Viện Chuyên Về Tim trong vùng (lần này thì xe chạy mà không hú còi). Tại đây tôi được bác sĩ chuyên khoa về tim làm thủ thuật thông tim cho tôi. Bác sĩ cho biết qua các hình chụp tim lúc trước, bác sĩ sẽ thông tim cho tôi theo mạch ở cổ tay bên phải. Sau đó, các y tá đẩy băng ca, đưa tôi vào 1 phòng, nằm thẳng cẳng trên giường, phía trên đầy các máy móc, màn hình, dây chạc. Bác sĩ nói họ sẽ chích cho tôi 2 mũi thuốc, một mũi giúp tôi thư giãn, an thần, một mũi là thuốc cản quang để họ xem mạch máu tim của tôi bị nghẹt chỗ nào.  Tôi cảm thấy tơ lơ mơ chút đỉnh, nằm bất động, vẫn nghe tiếng nói chuyện lao xao củabác sĩ và các y tá. Chừng 20 phút sau thì họ lại đẩy băng ca, đưa tôi ra ngoài phòng chờ. Tại đây tôi hỏi bà y tá “Chừng nào đưa tôi vào phòng mổ để thông tim?”  Bà ấy cười, trả lời “Xong rồi!”  Tôi chưng hửng, vì họ làm nhanh quá. Tôi cứ ngỡ cũng vài tiếng đồng hồ (như lần thông tim lúc trước). Bà y tá đưa cho tôi xem 2 tấm hình (in đen trắng), một tấm cho thấy 1 mạch máu trong tim của tôi bị nghẹt (khoảng 80%), một tấm cho thấy chỗ nghẹt đã được nới rộng ra. Khác với lần thông tim trước (chỉ nong mạch máu bằng bong bóng mà thôi) lần này thì sau khi nong xong, họ để lại trong động mạch tim của tôi (chỗ bị nghẹt) 1 ống nhỏ bằng kim loại không rỉ sét (gọi là stent) nằm đó vĩnh viễn luôn, để tránh gây nghẽn mạch máu tim trong tương lai. Cũng khác với lần trước (thông từ háng thông lên tim) lần này thì bác sĩ thông từ cổ tay mặt của tôi.  (Sau vài ngày thì chỗ thông tim lành lặn, vết sẹo chỉ nhỏ như đầu 1 cây tăm.) Tôi được bác sĩ cho toa mua thuốc uống (ngoài các thuốc cũ) nhằm làm loãng mạch máu giúp cho máu dễ lưu thông.

Nằm bệnh viện thêm một đêm nữa, đến ngày Thứ Sáu, 14-3, sau khi kiểm soát thấy tất cả đều ổn định, bác sĩ đã ký giấy cho tôi xuất viện về nhà. Y tá đã dặn dò kỹ lưỡng phải giữ gìn chỗ cắt để thông tìm ra sao, các sinh hoạt hàng ngày, không được khiêng vác gì nặng hơn 10 lbs trong vài ngày, và nếu có triệu chứng gì bất thường (sưng nhiễm, chảy máu) phải gọi cấp cứu ngay. Họ còn đưa cho tôi 1 tập hồ sơ dày cộm nói các triệu chứng của “heart attack” và “stroke”, về thông tim, cách đề phòng, và thay đổi nếp sống, tập thể dục, vân vân. Buổi chiều hôm đó thì tôi thay quần áo mang sẵn (lúc mới nhập viện) để chờ con gái tôi đến rước về. Lúc đó cô y tá bảo cho tôi biết con gái tôi chỉ cần đậu xe ngay trước cổng chính của bệnh viện, cô ấy sẽ đẩy xe lăn cho tôi xuống đó. Lúc ngồi chờ ở cổng chánh khoảng 10 phút mà chưa thấy con gái tôi đến, tôi có năn nỉ cô y tá hãy để tôi ngồi nơi băng ghế trước cửa bệnh viện, còn cô hãy trở về làm nhiệm vụ. Cô cứ lắc đầu cười hoài. Sau này tôi mới biết, chánh sách của bệnh viện là nhân viên y tế phải đích thân giao bệnh nhân cho thân nhân xong, mới được trở về nhiệm sở. Cũng tương tự, khi các nhân viên cấp cứu của xe paramedic đưa tôi vào bệnh viện (2 lần), họ bàn giao giấy tờ, chờ cho tôi có chỗ nằm và các bác sĩ, y tá chăm sóc xong, họ mới rút lui.

Tôi thực may mắn (số chưa “chết bất đắc kỳ tử”) khi bác sĩ gia đình đã kịp thời đo Tâm Điện Đồ, gọi cấp cứu, đưa tôi vào bệnh viện lớn ngay. Tình trạng tim của tôi cũng chưa đến nỗi nặng lắm mới phải đưa vào các Bệnh Viện Chuyên Khoa Tim trong vùng LA. Cũng may tôi chỉ bị nghẹt có 1 mạch tim, chứ nếu nghẹt nhiều chỗ thì sẽ làm thông tim nhiều lần, và có nguy cơ phải “giải phẫu banh lồng ngực” để nối kết các mạch máu tim (gọi là open heart bypass surgery). Cũng không phải đặt máy trợ tim trên ngực (pacemaker).

Cũng nhân dịp này tôi xin cám ơn BX tôi đã 1 mình chạy vắt giò lên cổ, chăm sóc đứa cháu ngoại vừa chập chững biết đi và bập bẹ biết nói của chúng tôi (mấy ngày nằm trong bệnh viện, tôi nhớ nó quá trời); các con tôi đã thăm hỏi, khích lệ; nhất là cô con gái lớn, đang làm ở Bệnh Viện Kaiser gần đó, phải bỏ bữa ăn trưa, lái xe 10-15 phút đến thăm tôi và chờ đợi hàng giờ để bác sĩ thông tim cho biết kết quả. Cũng không quên cám ơn các thân nhân, bạn bè đã gửi lời thăm hỏi, chúc lành tôi!

Xin các bạn nếu có thời giờ và muốn tìm hiểu thì nên đọc thêm các bài viết về Bệnh Tim và Cách Thông Tim đính kèm (mặc dù không đầy đủ, nhưng cũng để có một khái niệm sơ sơ về bệnh tim và cách chữa trị). Cũng cần phân biệt  Cơn Đau Tim  (“heart attack”) và Tai Biến Mạch Máu Não (“stroke”) để đối phó kịp thời. Đại khái, 2 bệnh này giống nhau ở chỗ các mạch máu tim bị nghẹt/đứt/vỡ, và nếu không cứu chữa kịp thời, sẽ chết ngay tức khắc (người Việt mình không biết, nên gọi là “chết bất đắc kỳ tử”). Khác nhau là “heart attack” thì liên quan đến tim (nghẽn mạch máu tim, khiến tim không còn dưỡng khí, các tế bào tim sẽ bị tổn hại, hoặc chết, đưa đến việc tim ngừng đập), còn “stroke” thì liên quan mạch máu đưa lên não bị nghẹt/vỡ/đứt, não thiếu dưỡng khí, sẽ chết hoặc biến chứng làm cho cơ thể bị tê liệt (các triệu chứng tai biến mạch máu não như mặt mày méo xẹo, líu lưỡi, đi đứng khó khăn, mắt nhìn lệch lạc, vân vân). Tùy theo các triệu chứng mà cách điều trị của 2 loại này hoàn toàn khác nhau (xin đọc tài liệu đính kèm)

Sau lần thông tim này, tôi rút ra được một vài điều hay hay về cuộc sống của mình hiện tại: lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ, yêu đời; nên có óc khôi hài; giữ cho “thân tâm” lúc nào cũng “an lạc”; đừng hờn, đừng giận, đừng ganh ghét, đừng sân si, đừng thương/ghét quá đáng (nói chung là “hỉ nộ ái ố”) sẽ có ảnh hưởng tai hại đến trái tim. Cũng nên TRÂN QUÝ trái tim của chúng ta hơn, THƯƠNG YÊU trái tim của chúng ta hơn, đừng để “TRÁI TIM (lầm) LỠ”, đừng “GÕ (cửa) TRÁI TIM”, cũng đừng bỏ (lăn lóc) “TRÁI TIM BÊN LỀ” (đường)
.  .  .  . 
Nhớ lại đầu Xuân Giáp Ngọ năm nay, trong dịp Khai Bút Đầu Xuân, tôi có ước ao chiếc xe hiệu “Cà Tàng” đời 1942 nầy (hy vọng) chạy thêm vài chục ngàn miles nữa. Nay theo tình hình thông tim này, thì không biết liệu chiếc xe rệu rạo này còn lết được bao nhiêu ngàn miles nữa đây?

Cho đến hôm nay (22-3) khi đăng bài viết này, tôi đã trở lại sinh hoạt bình thường, sức khỏe (hy vọng) như xưa, và có lẽ tốt hơn, nhờ (như chiếc xe hơi tuy cũ) đã được “tune-up” toàn diện, làm thắng, thay nhớt máy và dầu transmission, cho nên điện/nước đầy đủ, sẽ lăn 4 bánh dài dài từ đây cho đến năm .  .  .  .

NGUYỄN NHẬT NGỌ

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...