14 November 2013

Mãnh Thú, thơ Trần văn Lương

Dạo:
      Thong dong lên núi tìm trăng,
Nào hay mãnh hổ nhe răng chực chờ
           
,
.
,
.
,
.
,
.
             
Âm Hán Việt:
       
           Mãnh Thú
Sơn trì thủy để thụy Hằng Nga,
Tịch mịch sâm lâm, dã thú đa.
Thân trước kim y, manh hạc vũ,
Thủ trì ngõa kính, á hầu ca.
Đồng Phong lão hổ vô cương trảo,
Bách Trượng đại trùng cụ lợi nha.
Khách dục đăng cao tung ngoạn nguyệt,
Thùy tri bán lộ ngộ Trường Sa.
               Trần Văn Lương
  
Dịch nghĩa:
                 Thú Dữ
Dưới đáy nước của cái ao trên núi, mặt trăng nằm ngủ,
Rừng rậm lặng yên, thú hoang nhiều.
Mình mặc áo vàng, con hạc mù nhảy múa,
Tay cầm cái gương soi làm bằng ngói (1) , con khỉ câm hát.
Con hổ già của Đồng Phong không có nanh vuốt cứng, (2)
(Trái lại) con cọp của Bách Trượng có đầy đủ răng sắc. (3)
Khách muốn lên núi cao ngắm trăng,
Nào hay nửa đường gặp phải Trường Sa.  (4)
Chú thích:
(1)  Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 3, truyện Nam Nhạc Hoài Nhượng Thiền Sư
     Niên hiệu Tiên Thiên (đời Đường) năm thứ 2, Sư (Hoài Nhượng) đến núi Hoành Nhạc, trụ ở chùa Bát Nhã.     
     Nơi viện Khai Nguyên có vị sa môn tên Đạo Nhất (tức Mã Tổ) thường ngồi Thiền.  Sư biết đó là pháp khí (người có giá trị trong đạo) bèn đến hỏi:
    - Đại đức ngồi Thiền để muốn làm gì?
    Đạo Nhất nói:
     - Muốn thành Phật.
    Sư bèn lấy một cục gạch đến mài trên hòn đá trước am của Đạo Nhất. Đạo Nhất hỏi:
     - Mài gạch để làm gì?
     Sư đáp:
     - Để làm gương soi.
     - Gạch mài làm sao thành gương được?
     - Nếu mài gạch đã không thể thành gương thì ngồi Thiền cũng làm sao thành Phật?
     Đạo Nhất hỏi:
     - Thế nào mới phải?
     Sư nói:
     - Như con bò kéo xe, nếu xe không đi thì đánh xe là đúng hay đánh con bò là đúng?
     Đạo Nhất không đáp được.
     Sư lại nói:
     - Ngươi học ngồi Thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi Thiền thì Thiền không phải ngồi nằm, còn học ngồi Phật thì Phật không có cái tướng nào nhất định. Phải ở nơi pháp không trụ, không được thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp vào tướng ngồi thì chẳng thấu được lý.
(2)  Bích Nham Lục, tắc 88, Đồng Phong Hổ Thanh 
Cử :
    Một ông tăng đến nơi ở của Đồng Phong Am Chủ và hỏi:
    - Nếu chỗ này bỗng gặp cọp thì phải làm sao?
    Am Chủ làm tiếng hổ gầm. Ông tăng làm ra dáng sợ hãi. Am Chủ cười ha ha. Ông tăng nói:
   - Cái tên giặc già này !
   Am Chủ nói:
   - Vậy ông làm gì được lão tăng nào?
   Ông tăng bèn thôi, bỏ đi.
     Sư (Tuyết Đậu) nói:  Đúng thì có đúng, nhưng hai tên giặc gian ác này chỉ có biết bịt tai đi ăn trộm chuông mà thôi.
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
"...
       Đúng thì có đúng song cả hai đều không thấu triệt, cho nên từ thiên cổ đến nay thường bị người đời phê phán. Tuyết Đậu nói, " Đúng thì có đúng, nhưng hai tên giặc gian ác này chỉ có biết bịt tai đi ăn trộm chuông mà thôi".  Cả hai tuy đều là kẻ cắp, nhưng gặp cơ lại không dùng được, cho nên đành giống kẻ bịt tai đi trộm chuông. Hai lão này giống như bày ra trận giết nhau chỉ để tranh một cái chổi.
      Nếu luận về việc này thì phải có khả năng giết người không chớp mắt mới được. Nếu chỉ biết buông mà không biết nắm giữ, chỉ biết giết mà không biết làm cho sống thì khó mà không bị người chê cười. Tuy nhiên như thế, nhưng người xưa cũng chẳng có gì là nhiều chuyện. Nhìn họ hai người như vậy cũng chỉ là thấy cơ mà hành động thôi.
..."
(3)  Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 4, truyện Hoàng Bá Hy Vận Thiền Sư
     Ngày kia Bách Trượng hỏi Sư (Hoàng Bá, đệ tử của Bách Trượng):
     - Từ đâu đến?
     Sư đáp:
     - Từ chân núi Đại Hùng hái nấm đến.
     Bách Trượng hỏi:
     -  Có thấy cọp không?
     Sư giả tiếng cọp gầm. Bách Trượng nhặt búa lên làm thế chém. Sư bèn cho Bách Trượng một cái tát tai. Bách Trượng cười hi hi rồi trở về, sau đó thăng tòa bảo đại chúng:
     - Dưới chân núi Đại Hùng có một con cọp, các ông phải coi chừng cho kỹ. Lão già Bách Trượng hôm nay bị nó táp một miếng!
(4)  Bích Nham Lục, tắc 36,  Trường Sa Du Sơn
Trích lời Bình của Viên Ngộ:
"...
     Ngưỡng Sơn cơ phong sắc bén được xếp vào bậc nhất. Một ngày kia Sư cùng đi với Trường Sa (*) để ngắm trăng. Sư chỉ mặt trăng nói:
    -  Ai ai cũng có cái đó, chỉ là người ta không dùng được cái đó mà thôi.
    Trường Sa nói:
    - Thế thì mời ngươi dùng cái đó !
    Ngưỡng Sơn nói:
    - Xin Hòa thượng dùng thử xem.
    Trường Sa bèn đạp cho Ngưỡng Sơn một cái ngã nhào. Ngưỡng Sơn đứng dậy nói:   
     - Lão huynh (**) giống như cọp vậy.
     Từ đó thiên hạ gọi Trường Sa là "con cọp Cảnh Sầm" (Sầm đại trùng).
..."
(*) Trường Sa Cảnh Sầm Lộc Uyển Chiêu Hiền Thiền Sư là pháp từ của Nam Tuyền Phổ Nguyện và đồng vai vế với thầy của Ngưỡng Sơn là Qui Sơn Linh Hựu. Qui Sơn là đệ tử của Bách Trượng Hoài Hải. Bách Trượng và Nam Tuyền cùng là học trò của Mã Tổ Đạo Nhất.
(**) Đúng lý ra Ngưỡng Sơn phải gọi Trường Sa bằng "sư thúc" như trong bản dịch tiếng Việt của Thiền Sư Thích Mãn Giác. Nhưng trong bản nguyên tác Hán văn đang có, chữ "lão huynh" được dùng. Do đó, đành tuân theo nguyên bản.
Phỏng dịch thơ:
            Thú Dữ   
Ao khuya lặng khép bóng trăng tà,
Dã thú rừng sâu vụt kéo ra.
Hạc nhỏ mù lòa lăn lóc múa,
Khỉ già câm điếc véo von ca.
Hùm thiêng Bách Trượng toàn nanh vuốt,
Cọp dữ Đồng Phong chỉ thịt da.
Khách tục tìm non cao thưởng nguyệt,
Ngỡ ngàng lối hẹp gặp Trường Sa.
                Trần Văn Lương
                  Cali, 11/2013

Lời than của Phi Dã Thiền Sư :
    Non cao vòi vọi, mãnh thú đầy rừng.
    Cọp nào có răng, cọp nào không răng, làm sao phân biện?
    Hỡi ơi ! Ghê gớm thay nanh vuốt của con cọp Cảnh Sầm !

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...