15 September 2013

Chị trong hình ảnh Mẹ

Nguyễn Vũ
Viết cho Chị Nhung, người đã mở rộng trái tim thương yêu để cứu sống đời em !

Dưới ánh đèn xanh của căn phòng giải phẫu, Vũ nằm yên lặng, suy nghĩ, bình tĩnh lắng nghe những nhân viên đang chuẩn bị cuộc giải phẫu, họ làm việc như một cái máy với vẻ chuyên nghiệp, chuẩn bị tất cả dụng cụ cần thiết..Bác Sĩ Wright, vị Bác sĩ với mái tóc bạc, biểu hiệu cho những năm kinh nghiệm trong nghề, bước đến bên cạnh Vũ, ông với tay thay bịch nước biển, một cảm giác lạnh buốt truyền từ cánh tay vào cơ thể. Vũ thấy có ai để cái gì chụp lên mặt, và Vũ không còn nhớ gì nữa....


Những tiếng động chung quanh làm Vũ tỉnh giấc, bên mình, các Bác sĩ và y tá đang xúm quanh, họ đang kiểm soát kết qủa của cuộc giải phẫu ghép thận cho Vũ. Vừa mở mắt ra Vũ lên tiếng hỏi:

- Chị tôi đâu ? cho tôi gặp chị tôi..
- Ông đừng lo, Chị Ông khoẻ, và đã về phòng rồi !
Những hình ảnh cũ lại trở về với Vũ, từ 2 năm nay, Vũ mắc bạo bệnh, hai quả thận bị hư và Vũ phải theo một chương trình lọc máu, mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 6 tiếng. Lúc đó, Vũ mang một tâm trạng của một loài chim gãy cánh, một cánh chim đã một thời tung bay khắp năm châu, trong ước mộng nhỏ bé, đóng góp phần đời còn lại để phục vụ cho lý tưởng tự do. Vũ đã đi khắp đó đây, và mỗi nơi, đều ghi lại những kỷ niệm đẹp. Nhưng oái ăm thay, cánh chim bị gãy đổ vì cơn bệnh, cánh chim cố lết để tìm về một nơi an lành, cam chịu những gì mà thượng đế đã an bài.

- Cậu Vũ à, Chị đã hỏi thăm Bác sĩ Trọng,, cậu gửi loại máu của cậu về, nếu hợp, chị sẽ cho cậu một quả thận,. Chị lớn tuổi rồi, chị hy sinh cho cậu, cậu còn trẻ, nhìn cậu mắc bạo bệnh, Chị không cam lòng.. Nghe lời Chị đi em...

Vũ nghe bàng hoàng trước nghĩa cử thương yêu của Chị Nhung, người Chị lớn duy nhất còn sinh sống tại Việt Nam, chị là người con duy nhất trong nhà được đáp đền chữ hiếu khi bố mẹ nằm xuống. Với một gia đình đầm ấm, bên cạnh chồng và các con các cháu, Chị luôn luôn là một người đàn bà mẫu mực trong vai trò người vợ hiền, người mẹ thương yêu và người bà chiều chuộng các cháu. Nhưng tại sao Chị lại quyết định hy sinh một phần thân thể để cứu em ?

- Cậu Vũ, Lúc Mẹ đang bạo bệnh, căn bệnh giống như căn bệnh của cậu ngày nay, trong lúc thập tử nhất sanh, Bác sĩ điều trị cho biết, chỉ còn cách ghép thận mới cứu Mẹ được, Chị đã nắm tay Bác Sĩ và cầu xin hãy lấy một quả thận để cứu mẹ... rất tiếc, lúc đó nền y khoa tại Việt Nam chưa đủ, nên không thể thực hiện. Nay Chị cho cậu, Chị nghĩ, Chị đã thay Mẹ để lo cho Cậu, Cậu cứ an tâm.

- Chị Nhung ! em rất cảm kích về tình thương của Chị dành cho em, nhưng em không dám hòi Chị cũng như những anh chị em khác trong gia đình. Thôi, Chị cứ để định mệnh an bài, và em sẽ chờ đến khi nào em nhận được. Riêng chị, Chị còn phải lo cho Anh và các cháu !

- Chị đã nói chuyện này với Anh và các cháu, cả gia đình ai cũng vui trước quyết định này của Chị, em cứ gửi mẫu máu về để thử nghiệm, nếu hạp, đón Chị sang..

Phi trường Vancouver ngập nắng, ánh nắng chói chang của một ngày hè đang làm rộn lòng Vũ trong những giây phút chờ đợi đón Chị Nhung. Trước quyết định của Chị, Cơ quan Y tế B.C Transplant đã thiết lập hồ sơ và xúc tiến việc khám nghiệm tổng quát về mọi phương diện hầu bảo đảm một cuộc ghép thận hoàn toàn thành công.


Chị em gặp nhau sau nhiều năm xa cách, Chị không mấy thay đổi và trẻ so với tuổi đời, có lẽ sức khoẻ là tác dụng chính để con người được vui vẻ..Mừng mừng tủi tủi, Chị em Vũ cầm tay nhau tung tăng đi, như những ngày còn thơ ấu.

- Ông Vũ, kết qủa thử nghiệm cho biết, về phương diện y khoa, Ông và người Chị hoàn toàn hợp nhau, việc ghép thận sẽ xúc tiến trong một ngày gần đây.

Vũ bàng hoàng khi nghe Sharon, người phụ trách chương trình Living donnor của B.C Transplant thông báo kết qủa. Một vài suy nghĩ hiện dần ra trong tâm tư Vũ. Trong khi chờ đợi, Vũ vẫn phải theo chương trình lọc máu, nhưng trong một tâm trạng mới, Vũ còn có một niềm tin và thấy giữa bóng đêm mù mịt vô định, đã lóe lên một ánh sáng.

***

Cả gia đình tụ tập trước phòng chuẩn bị giải phẫu, Đức, đứa con trai lớn, nghỉ việc từ hai hôm nay để lo cho Bố, bé Diễm, dù đang bận rộn với luận án ra trường, cũng rời Montreal để qua với Bố, với ước mong được cầm tay Bố như để truyền niềm thương yêu... Vũ cầm chặt tay hai con, như muốn gửi gấm tất cả tình thương cho các con, trước khi vào phòng giải phẫu. Bên cạnh Vũ, những người thân yêu và các cháu tại quê nhà đều đang cầu nguyện cho Chị Nhung và Vũ sớm được bình phục.

Với sự tiến bộ của y học, việc giải phẫu đã thành công, Vũ đã hồi phục nhanh chóng, sự hồi phục nhanh chóng đó, phần lớn đến được từ lòng thương yêu vô bờ bến mà Chị Nhung đã dành cho Vũ, và chính tinh thần Vũ đã tự giúp cho Vũ vượt qua những khó khăn để phục hồi sinh lực.

Chị Nhung kính mến !

Em biết viết gì đây để bầy tỏ lòng biết ơn Chị, Chị đã hy sinh một phần thân thể để cứu mạng đời em, nghĩa cử này sẽ ghi mãi trong lòng em, như em đang giữ những gì trong thân thể mà Chị đã cho em.

Tình thương của Chị, em tìm thấy như tình thương bao la của một người mẹ, vết đau của Chị, còn đau hơn những cơn đau khi Chị sanh các cháu, Chị đã chấp nhận cơn đau đó. Lúc còn thơ ấu, có lúc Mẹ cho Chị một miếng bánh, Chị cũng chia cho em một nửa, và ngày hôm nay, thân xác Mẹ cho Chị, Chị cũng cho em một phần để cứu mạng em...Đây là một mối tình bao la như biển cả, mà chỉ có người mẹ mới lo cho các con, và Chị đã đem tình mẫu tử cao cả đó trao lại cho em...

Chị Nhung ơi,
Chị có biết rằng sau cơn giải phẫu, em mệt lắm không ? nhưng lòng em không yên khi chưa gặp lại Chị. Và, như có một sức mạnh vô hình đã truyền đến cho em, khiến cho em quên đi mọi cơn đau, để dò dẫm từng bước sang thăm Chị, để được nắm lấy bàn tay thương yêu, vuốt lên mái tóc em, như hình ảnh một người mẹ hiền. Đôi mắt em, đã nhòa đi vì cảm động, và hình ảnh của Mẹ đã về trên khuôn mặt của Chị.

Suốt cuộc đời còn lại này, em sẽ vui hơn, vui vì căn bệnh được thoát khỏi, vui vì em biết, em đang có một tình thương vô bờ bến, một tình thương mà Mẹ đã dành cho em, qua đôi bàn tay Chị.

Vancouver, một ngày nắng sau cơn mưa.

Nguyễn Vũ

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...