Ls Lê Đức Minh
Sau chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã tiến hành những cuộc chiến tranh gây nhiều tranh cãi khác bao gồm cuộc chiến tại Afganistan, Iraq. Thêm vào đó Hoa Kỳ đã có vai trò quan trọng trong việc lật đổ những chế độ độc tài tại Lybia, Ai Cập...
Tuy nhiên trong thực tế những cuộc chiến tranh đó không giải quyết được vấn nạn khủng bố Hồi giáo trên phạm vi toàn thế giới. Những cuộc chiến tranh đó không làm Hoa Kỳ trở thành một quốc gia an toàn hơn. Tệ hại hơn cả, những cuộc chiến đó đã mang chết chóc cho hàng trăm ngàn người dân vô tội và biến tình hình tại Trung Đông, vốn phức tạp lại càng phức tạp hơn.
Sau nhiều năm được Hoa Kỳ và phương Tây ngấm ngầm dung dưỡng, các thể chế độc tài tại Ai Cập, Iraq, Lybia đã bị dân chúng tại những quốc gia này hết sức chán ghét và vô tình tạo điều kiện cho những thế lực Hồi giáo cực đoan có cơ hội tìm được sự ủng hộ của đa số dân chúng. Do đó một khi các chế độ độc tài này sụp đổ vì không còn sự ủng hộ của phương Tây, các thế lực Hồi giáo cực đoan lập tức nắm được quyền lực, điển hình là tại Ai Cập. Tại Lybia đã có nhiều dấu hiệu cho thấy các thành phần Al Qaeda hiện hữu trong chính quyền mới. Tại Syria sự hiện diện của những chiến binh Al Qaeda trong thành phần quân nổi dậy đã được khẳng định.
Mặc dầu là những chính quyền độc tài, chính phủ các nước Ai Cập, Lybia trước đây và chính quyền Syria hiện tại đều là những chính quyền thế tục, chống lại sự can thiệp của tôn giáo vào chính trị. Những chính phủ này làm mọi cách để trấn áp các thế lực Hồi giáo cực đoan và ổn định tình hình chính trị tại Trung Đông.
Khi các chính quyền độc tại tại Iraq và Ai Cập bị lật đổ, chỗ trống quyền lực lập tức được những thành phần Hồi giáo cực đoan điền thế. Từ đó các phong trào thánh chiến chống Mỹ và phương Tây đã không giảm đi mà lại còn phát triển mạnh hơn trước. Tình hình Trung Đông hiện tại bất ổn ở một mức độ nguy hiểm.
Hoa Kỳ đã từng cảnh cáo Syria rằng phương Tây sẽ can thiệp quân sự nếu chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học giết chóc chính người dân nước họ. Dĩ nhiên Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ thực hiện lời hứa này sau sự kiện hàng ngàn người Syria chết vì vũ khí hóa học.
Tuy nhiên ai là những người được hưởng lợi nếu Hoa Kỳ can thiệp vũ trang tại Syria? Trước hết là lực lượng Al Qaeda và những thành phần Hồi giáo cực đoan. Những gì xảy ra tại Ai Cập, Iraq và Lybia khiến phiến quân tại Syria tin rằng nếu Hoa Kỳ can thiệp quân sự, chắc chắn họ sẽ lật đổ được chính quyền Syria và lên nắm quyền lực.
Chính quyền Syria biết rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu quân đội dùng vũ khí hóa học. Dĩ nhiên tổng thống Assad của Syria không dại dột gì mang vũ khí hóa học ra dùng để Hoa Kỳ có cớ để tấn công. Những cuộc điều tra tại Syria cho thấy rằng quân nổi dậy hay những thành phần nằm vùng của Al Qaeda trong quân đội Syria đã dùng vũ khí hóa học để mời gọi Hoa Kỳ can thiệp.
Rõ ràng tổng thống Obama đã ở vào một tình huống nan giải khi phải quyết định tấn công Syria. Phe thân Do thái trong chính trường Hoa Kỳ đã gây áp lực dữ dội để ông Obama ra lệnh tấn công Syria bất chấp việc Hoa Kỳ biết rằng tổng thống Assad đã không hề ra lệnh dùng vũ khí hóa học. Phe chủ chiến tại Hoa Kỳ cũng lờ đi sự thật rằng hơn 60% người Mỹ chống lại việc can thiệp vũ trang vào Syria sau khi đã thấy rõ kết quả những can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Afghanistan và Iraq. Hậu quả việc Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào Syria có thể còn bi đát hơn cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan nhiều lần.
Trong bối cảnh đó tổng thống Nga Vladimir Putin đã cứu tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama một bàn thua trông thấy.
Từ lâu nay chính giới Hoa Kỳ vẫn luôn coi nước Nga hậu cộng sản là một con cọp không nanh vuốt. Những kiểu suy nghĩ thời còn chiến tranh lạnh trong các chính khách Hoa Kỳ khiến họ luôn luôn cho rằng bất cứ lời đề nghị nào từ phía Nga đưa ra cũng đều có dụng ý chống lại phương Tây hay có ý đồ trục lợi riêng cho nước Nga.
Tuy nhiên việc tổng thống Putin đưa ra đề nghị là Syria giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học để đổi lấy hòa bình, cho thấy rằng Hoa Kỳ và thế giới nên xem xét lại quan điểm đầy thành kiến vốn dành cho Nga và tổng thống Putin từ trước đến nay.
Việc Putin đề nghị Syria giao nộp vũ khí hóa học để đổi lấy hòa bình vừa bảo vệ được chính quyền Syria, vừa tránh cho tổng thống Obama phải quyết định một cuộc chiến mà bản thân ông Obama và đảng Dân chủ đều không muốn, vừa phục vụ cho những mối quan tâm thiết thực của chính nước Nga.
Nước Nga tin rằng việc Syria tiếp tục giữ kho vũ khí hóa học sẽ tạo cớ cho Hoa Kỳ và phương Tây can thiệp vũ trang vào Syria không biết lúc nào. Thứ hai nước Nga hoàn toàn có cơ sở để lo ngại rằng những vũ khí hóa học đó có cơ rơi vào tay của lực lượng nổi dậy tại Syria. Và cuối cùng nếu những tay phiến quân Hồi giáo cực đoan này dùng vũ khí hóa học đó để tấn công Do thái thì hậu quả không biết sao mà lường. Xét cho cùng việc thắng thế của các thế lực Hồi giáo cực đoan trên phạm vi toàn thế giới là mối lo chung của cả Hoa Kỳ và Nga.
Những lực lượng Hồi giáo cực đoan hiện tại đang ủng hộ phe nổi dậy tại Syria cũng là những lực lượng đang ủng hộ các phong trào Hồi giáo cực đoan đang nằm vùng chờ cơ hội tại Nga. Nếu các thành phần Hồi giáo cực đoan nắm được chính quyền tại Syria thì cả Hoa Kỳ, Nga và Israel đều ăn không ngon và ngủ không yên.
Sự hợp tác giữa Nga và Hoa Kỳ trong vấn đề Syria chỉ ra một sự thật rằng Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong nhiều trường hợp không phải là cơ quan quốc tế có thể giải quyết mọi vấn đề. Trong những trường hợp này sự cộng tác song phương giữa các cường quốc có thể mang lại những giải pháp khả thi.
Điều quan trọng khác mà tổng thống Nga Putin vừa chỉ ra cho tổng thống Obama và Hoa Kỳ là đã đến lúc Hoa Kỳ nên từ bỏ quan điểm Hoa Kỳ là cảnh sát quốc tế trong mọi cuộc xung đột. Trong bài viết đăng trên tờ New York Times, ông Putin đã phê bình quan điểm rằng Hoa Kỳ là một quốc gia được Thượng đế ân sủng và có trách nhiệm trừng trị những quốc gia nào đi trệt ra khỏi những nguyên tắc hành xử mà Hoa Kỳ cho là mẫu mực. Ông Putin nhấn mạnh rằng trong khi ca ngợi ân sũng của Thượng đế, Hoa Kỳ cần nhớ rằng Chúa sinh ra tất cả mọi người, mọi dân tộc đều bình đẳng.
Hơn nữa đứng trên góc độ công pháp quốc tế, quyết định đơn phương của Hoa Kỳ tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại một quốc gia khác, mà không được Hội đồng Bảo an chấp thuận là vi phạm pháp luật. Đặt quyền quyết định tiến hành chiến tranh chống lại một quốc gia khác vào tay của vị tổng thống mà không thông qua quốc hội là một việc làm phản dân chủ.
Cũng như nhiều lần khác trong lịch sử, nước Anh là quốc gia sớm nhận ra những sai lầm trong chính sách đối ngoại trước tiên, và đã có những thay đổi có tầm ảnh hưởng lớn. Có thể nói quyết định chống lại việc quân đội Anh tham chiến tại Syria là một quyết định vô cùng quan trọng. Rõ ràng quyết định này đã làm cho Hoa Kỳ phải suy nghỉ lại về vị trí của nước Mỹ trên chính trường thế giới trong một thời đại mới.
Quyết định không tham chiến của quân đội Anh chứng tỏ rằng nước Anh không ưa gì tổng thống Syria Assad nhưng người Anh không muốn thấy các lực lượng Hồi giáo cực đoan toàn thắng nhờ vào vũ khí của nước Anh và sinh mạng của binh sĩ Anh.
Sáng kiến của tổng thống Nga Putin và sự đáp ứng của phương Tây khẳng định lại một điều rằng sự tồn tại của một thế giới đa cực là rất cần thiết cho hòa bình và ổn định. Cần nhớ lại một điều là nước Nga hiện tại không phải là một nhà nước cộng sản và tổng thống Putin trong khi tìm cách xây dựng lại vị trí của nước Nga trên trường thế giới, hoàn toàn không có ý đồ tái lập lại một đế quốc Sô viết của thời chiến tranh lạnh.
Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng sau sự kiện này, vị trí của tổng thống Putin và của nước Nga sẽ thay đổi trên chính trường quốc tế. Các lực lượng Hồi giáo cực đoạn khắp nơi đã đồng loạt lên tiếng phản đối đề nghị đổi vũ khí lấy hòa bình của tổng thống Putin. Ngược lại ông Putin nhận được sự đồng tình của dư luận toàn thế giới.
Dĩ nhiên những người đa nghi sẽ lý luận rằng liệu Nga có thực tâm yêu cầu Syria giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học trong khi chính Nga là người chủ yếu cung cấp toàn bộ vũ khí cho chế độ của tổng thống Assad. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề Syria đã được giải quyết sau khi tổng thống Assad đồng ý với đề nghị của Nga.
Khác với Trung Quốc, nước Nga của ông Putin rõ ràng là một quốc gia có khả năng giải quyết những xung đột quốc tế. Khác với một số dư luận cố mô tả Putin như là một nhà lãnh đạo độc tài, lạnh lùng, ông Putin là một nhà lãnh đạo có viễn kiến. Tổng thống Putin đã thấy rõ cơ hội để nâng cao vị trí của nước Nga. Vào thời điểm quốc hội Anh bỏ phiếu chống tham chiến, các cuộc thăm dò cho thấy 60% dư luận Mỹ chống can thiệp quân sự, nước Pháp từ chối tham chiến tại Syria đơn phương, và nước Nga tổ chức hội nghị G20, ông Putin đã đưa ra sáng kiến hòa bình của mình. Chính tại điểm này ông Putin cho thế giới thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo có tầm cỡ quốc tế.
Trong những giai đoạn khó khăn của hòa bình thế giới, tổng thống Putin đã làm cho tất cả mọi người nhận thức được một vấn đề rằng thế giới không thể thiếu nước Nga.
(Chú thích: Hôm nay, 10 giờ sáng, giờ địa phương, ngày 28/9/13, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết giải giáp vũ khí hóa học của Syria, sau khi văn bản dự thảo này được cả Hoa Kỳ và Nga nhất trí. Toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu đồng thuận. Thỏa thuận này đã phá vỡ thế bế tắc tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syria suốt hai năm rưỡi qua. Thế giới thêm an toàn hơn một chút. Lần tới thêm Iran & Bắc Hàn về vũ khí nguyên tử. BBC).
Tài liệu tham khảo:
1. Uwe Klussmann,What Putin Wants: Moscow's Fear of Jihad Drives Policy on Syria, Spiegel Online International, 16/09/13
2. Mathew Schweitzer, Morality and Practicality: America’s Syrian Intervention, theriskyshift.com, 09/2013
3. Fiona Hill, Putin Scores on Syria, Foreign Affair, 11 Sep 2013
No comments:
Post a Comment