06 September 2013

Cách Mạng Tháng 8, nội chiến, và nội chiến cộng sản

Khi nhân danh một lý tưởng để phát động hoặc tham gia một cuộc nội chiến là người ta không còn chấp nhận chia sẻ một tương lai chung nữa, không những không chấp nhận nhau mà còn giết nhau.
Điều cần phải giải tỏa là một số người vẫn cho rằng nếu những người không muốn chủ nghĩa cộng sản khuất phục thay vì chống lại đảng cộng sản thì nội chiến đã không xảy ra.
Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng

Sòng phẳng với quá khứ là điều kiện cần thiết để hòa giải dân tộc và xây dựng tương lai. Đó cũng là thái độ phải có để rút ngắn lộ trình dân chủ hóa.

Chúng ta lại kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945 và Quốc Khánh 2 tháng 9 một lần nữa. Dù 68 năm đã trôi qua nhưng nhận định những biến cố sôi động trong giai đoạn này vẫn còn là điều chia rẽ người Việt Nam một cách trầm trọng.

Cách Mạng Tháng 8 có cần thiết và vinh quang thực không?

Đối với nhiều người sự cần thiết và vinh quang của Cách Mạng Tháng 8 và quốc khánh 2-9 không thể chối cãi. Đó đã là những ngày mà dân tộc Việt Nam vùng dậy vất bỏ ách ngoại thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập mới và xác nhận trước thế giới văn minh rằng dân tộc Việt Nam cũng có quyền có chỗ đứng ngang hàng với mọi dân tộc khác. Tuy vậy đối với một số người ngày càng đông đảo Cách Mạng Tháng 8 thực ra không cần thiết nếu quả nhiên độc lập là mục tiêu duy nhất. Họ lý luận rằng chủ nghĩa thực dân đã chết sau Thế Chiến II và độc lập tự nhiên phải đến sau dù có hay không có Cách Mạng Tháng 8 bởi vì đó là khuynh hướng tất yếu, cũng như mặt trời phải mọc lên vì trái đất đã xoay dù con gà có gáy hay không. Bằng cớ là tất cả mọi quốc gia muốn độc lập, kể cả tại Châu Phi Da Đen, đều đã có độc lập và hơn thế nữa trong đa số các trường hợp còn giành được độc lập trước và ít tốn kém hơn chúng ta. Nhiều người cũng không nhìn ngày 2-9 như ngày quốc khánh, hiểu theo nghĩa một ngày lễ tưng bừng và hân hoan của dân tộc. Đối với họ ngày 2-9-1945 đã chỉ khai sinh ra một nhà nước cộng sản và mở đầu cho một giai đoạn nội chiến kéo dài và thực ra vẫn chưa chấm dứt sau ngày 30-4-1975.

Một cách bình tĩnh, ta phải nhận định rằng độc lập dân tộc là điều không thể nhân nhượng và cần được đánh đấu một cách thực mạnh mẽ và long trọng sau gần một thế kỷ ngoại thuộc. Đó là một vấn đề danh dự dân tộc. Cách Mạng Tháng 8 phải có và đảng cộng sản cũng có lý khi nói rằng đó là công lao của họ. Họ là tổ chức chính trị duy nhất có thực lực vào thời điểm đó sau khi đã chiến đấu kiên cường trong suốt giai đoạn Thế Chiến II và đã trả giá rất cao. Điều này phải được nhìn nhận. Ngày 19-8-1945 và ngày 2-9-1945 chắc chắn phải được ghi nhận như những ngày lịch sử lớn.

Nhưng điều còn chắc chắn hơn là Cách Mạng Tháng 8, theo cách mà nó đã diễn ra, đã mở đầu cho một chuỗi thảm kịch dài tàn phá đất nước ta và đã khiến chúng ta tụt hậu bi đát như ngày nay. Trong tiệc chiêu đãi tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25-7 vừa qua ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: "Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước kém phát triển Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình". Sai lầm lố bịch. Thu nhập bình quân hàng năm trên mỗi đầu người trên thế giới hiện nay là sấp sỉ 10.000 USD, thu nhập của một người Việt Nam là 1200 USD, chỉ bằng 12% mức trung bình thế giới. Các nhà lãnh đạo cộng sản vẫn chưa hiểu rằng chúng ta nghèo khổ và tụt hậu một cách vô cùng bi đát, và nguyên nhân chính là những cuộc chiến mà họ lấy làm hãnh diện và bắt đất nước phải biết ơn.

Vào thời điểm 1945, Cao Ly và Việt Nam ở mức độ phát triển tương tự, Việt Nam còn có phần khá hơn. Cả hai nước đều đã bị ngoại thuộc nhưng ách thống trị của người Nhật còn tàn bạo gấp bội ách đô hộ của người Pháp. Ngày nay GDP (tổng sản lượng nội địa) của 90 triệu người Việt Nam chưa bằng 1/10 GDP của Hàn Quốc (Nam Cao Ly) với 50 triêu dân. GDP của Việt Nam chỉ bằng một nửa doanh thu của công ty Samsung. Phải nhìn nhận rằng từ lâu người Cao Ly đã phát triển hơn xa chúng ta về nhiều mặt nhưng gần một thế kỷ Pháp thuộc và tiếp xúc trực tiếp với phương Tây cũng đã giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách một cách đáng kể; nếu không có Cách Mạng Tháng 8 và những hậu quả của nó thì ngày nay chúng ta cũng có thể gần bằng Hàn Quốc, nghĩa là có mức sống cao gấp 20 lần hay ít nhất 15 lần hiện nay.

Vậy thì cái gì đã sai trong Cách Mạng Tháng 8?

Phải trả lời thật dứt khoát: nội chiến. Cả hai cuộc chiến gọi là "chống Pháp" và "chống Mỹ" đều là những cuộc nội chiến. Khi người trong một nước giết nhau trên một qui mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến, dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vả lại số người Pháp và người Mỹ thiệt mạng trong hai cuộc chiến này chỉ là những tỷ lệ không đáng kể so với số tử vong của người Việt. Cả hai cuộc nội chiến này đều phải bị lên án.

Nội chiến hủy diệt các quốc gia. Khi người ta có thể giết những người đồng bào mà mình không hề quen biết, dù vì bất cứ lý do nào, là người ta không còn coi tình đồng bào ra gì nữa. Tình cảm dân tộc tan biến trong một cuộc nội chiến. Và người Việt Nam đã giết nhau không phải trong vài tháng hay vài năm mà trong gần ba mươi năm. Sư kiện người ta nhân danh một lý tưởng, dù là lý tưởng cộng sản hay một lý tưởng nào khác, để biện minh cho cuộc nội chiến không biện minh gì cả mà chỉ khiến tác dụng phá hủy quốc gia của cuộc nội chiến trở thành dữ dội và toàn diện hơn bởi nó vì đánh vào chính nền tảng của quốc gia. Quốc gia là gì nếu không phải là một dự án tương lai chung? Lãnh thổ, lịch sử, chủng tộc v.v. xét cho cùng đều chỉ là thứ yếu bởi vì những người vừa nhập tịch cũng có thể là những công dân, thậm chí những cấp lãnh đạo, gương mẫu. Quốc gia trước hết là sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Khi nhân danh một lý tưởng để phát động hoặc tham gia một cuộc nội chiến là người ta không còn chấp nhận chia sẻ một tương lai chung nữa, không những không chấp nhận nhau mà còn giết nhau.

Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể nhân danh chính nghĩa nào để nói rằng hai cuộc chiến trong giai đoạn 1945-1975 không phải là những cuộc nội chiến. Khi có những người vì bất cứ lý do gì không muốn chủ nghĩa cộng sản thì họ vẫn phải được tôn trọng vì một lý do giản dị là họ cũng là những người Việt Nam. Và số người này đông đảo hơn hẳn những người muốn chủ nghĩa cộng sản. Năm 1954 đã có một triệu người di cư vào miền Nam, số người di cư còn có thể lớn gấp nhiều lần nếu không bị cấm cản; ngược lại đã có bao nhiêu người tập kết ra Bắc? Sau ngày 30-4-1975 cũng đã có hơn hai triệu người bỏ nước ra đi. Nếu cần tranh luận xem giữa những người theo và những người chống lại chủ nghĩa cộng sản ai có lý hơn ai thì ngày này câu trả lời đã rõ ràng.

Nhưng vấn đề không phải là ai có lý hơn ai, vấn đề là nếu tình thần dân tộc còn một nội dung nào đó thì mọi xung đột quan điểm phải được giải quyết bằng thảo luận và thoả hiệp chứ không phải bằng cách giết nhau. Trong hai cuộc nội chiến này dĩ nhiên đã có sự can thiệp từ bên ngoài. Đó là điều không tránh khỏi trong bối cảnh chiến tranh lạnh, nhưng không phải chỉ có phe quốc gia dựa vào nước ngoài, phe cộng sản cũng đã nhận viện trợ ào ạt từ "các nước xã hội chủ nghĩa anh em", nhất là Liên Xô và Trung Quốc, và cũng đã có hàng trăm ngàn quân Trung Quốc được gửi sang Việt Nam như sau này người ta được biết. Cuối cùng thì phe cộng sản đã thắng bởi vì Liên Xô tiếp tục tận tình giúp miền Bắc trong khi Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam. Đó là một cuộc nội chiến đích thực trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Ngày 27-01-2013 vừa qua, nhân kỷ niệm 40 năm hiệp định Paris, báo Tuần Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên ủy viên bộ chính trị và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao. Ông Cầm đã nhắc lại như sau: "cố tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một cách đơn giản: Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô !". Lý do khiến đảng cộng sản không nhìn nhận đây là những cuộc nội chiến (mà là những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm) chỉ là vì họ không muốn thỏa hiệp với những người Việt Nam khác, họ muốn nội chiến đến cùng.

Nội chiến tai hại hơn nhiều so với chiến tranh chống lại một quốc gia khác

Mọi quốc gia đều rất khó gượng dậy sau một cuộc nội chiến. Nước Pháp vẫn chưa phục hồi sau cuộc Cách Mạng 1789 và giai đoạn nội chiến kế tiếp. Trước 1789 Pháp là cường quốc mạnh nhất và tiến bộ nhất thế giới trên gần như mọi mặt, những chia rẽ vì phân tranh đã làm Pháp liên tục yếu đi. Ngày nay dù với vị trí rất thuận lợi, lãnh thổ rộng lớn và phì nhiêu, văn hóa cao và phong phú, khoa học kỹ thuật hiện đại hàng đầu, Pháp vẫn không vươn lên được và ngày càng bị nhiều nước qua mặt vì đồng thuận dân tộc không đủ mạnh. Dịp kỷ niệm 200 năm Cách Mạng 1789 đã chỉ cho thấy người Pháp vẫn chưa hòa giải được với nhau. Nước Nga vẫn chưa hồi phục và có lẽ sẽ không bao giờ hồi phục được hoàn toàn sau những thương tích của Cách Mạng Tháng 10 và cuộc nội chiến sau đó. Espana suy sụp và không gượng dậy được sau cuộc nội chiến 1936-1939. Hoa Kỳ cũng đã mất hơn một thế kỷ mới tạm hàn gắn được những vết thương của cuộc nội chiến 1861-1865 dù ngay sau đó đã dồn mọi cố gắng để thực hiện hòa giải dân tộc một cách quả quyết và thành thực. Ngược lại Đức và Nhật đã phục hồi một cách nhanh chóng sau khi bị chiến tranh tàn phá toàn diện bởi vì đó là những cuộc chiến với nước ngoài chứ không phải là những cuộc nội chiến. Những cuộc nội chiến không chỉ gây đổ vỡ vật chất và thiệt hại nhân mạng, chúng còn gây những tổn thất lớn hơn và dai dẳng hơn về tình cảm. Chúng hủy diệt tinh thần dân tộc và đồng thuận sống chung. Một quốc gia không bao giờ có thể hoàn toàn hồi phục sau một cuộc nội chiến.

Chúng ta đã trải qua ba mươi năm nội chiến và tổn hại nhiều lắm, nhiều lắm. Nhưng hình như chúng ta chưa ý thức được sự tàn phá ghê gớm của nội chiến cho nên cho tới một ngày gần đây nhiều người vẫn chưa thấy sự cần thiết và cấp bách của cố gắng hòa giải dân tộc, thậm chí nhiều người còn viện dẫn mọi lý do để chống lại. Nhưng một dân tộc sau một cuộc nội chiến chỉ có hai chọn lựa, một là hòa giải với nhau để đất nước tiếp tục, hai là không hoà giải và chấp nhận tan vỡ. Nếu những người chống hòa giải dân tộc bình tĩnh rà soát tâm tư của chính mình họ sẽ nhận ra là họ không yêu nước, hoặc chỉ yêu nước một cách rất tương đối.

Vì sao chúng ta đã lâm vào nội chiến ?

Có lẽ ít ai phủ nhận rằng chủ nghĩa cộng sản đã là nguyên nhân đưa đến xung đột và nội chiến. Điều cần phải giải tỏa là một số người vẫn cho rằng nếu những người không muốn chủ nghĩa cộng sản khuất phục thay vì chống lại đảng cộng sản thì nội chiến đã không xảy ra. Đây là một đòi hỏi vô lý, nhưng điều cần ý thức thật rõ rệt là ngay cả nếu nó được thỏa mãn, nghĩa là những người không cộng sản khuất phục hoàn toàn, thì nội chiến cũng vẫn không tránh khỏi. Lý do là vì nội chiến nằm trong bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản là đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp không gì khác hơn là nội chiến bởi vì được thực hiện bằng bạo lực.

Sự phủ nhận quốc gia là một trong những thành tố nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngay trước Cách Mạng 1917, Lenin đã khẳng định: "Ai chấp nhận đấu tranh giai cấp thì cũng phải chấp nhận nội chiến vì nội chiến là sự tiếp nối, phát triển và tăng cường tự nhiên của đấu tranh giai cấp". Câu nói này sẽ còn được Lenin và các đồng chí của ông nhắc lại rất nhiều lần. Sau khi đã nắm được chính quyền Lenin dõng dạc tuyên bố: "Đúng, bọn tiểu tư sản đã chiến đấu bên cạnh chúng ta, nhưng bây giờ đường ai nấy đi, đã đến lúc phải chiến đấu một cách không nể nang không thương hại chống lại bọn chúng". Nhưng chiến đấu thế nào khi Đảng Công Sản Xô Viết đã cầm quyền và những người tiểu tư sản hoàn toàn không có tổ chức và vũ khí? Dzerjinski, trùm công an và phụ tá đắc lực của Lenin, trả lời: "Không có gì hiệu lực bằng một viên đạn vào đầu để khiến một người phải im lặng".

Chính sách khủng bố này đã đặt những người không cộng sản trước tình thế không chống lại cũng chết và đưa dến cuộc nội chiến không cân xứng 1918-1920 làm Trotski reo mừng: "Đảng ta chủ trương nội chiến, nội chiến muôn năm!". Tại nước ta, sau năm 1954 những người địa chủ tiểu tư sản miền Bắc đã hoàn toàn khuất phục nhưng dầu vậy vẫn có tàn sát trong đợt Cải Cách Ruộng Đất. Đó cũng là một cuộc nội chiến, dù là nội chiến một chiều.


Chúng ta không phải chỉ lâm vào nội chiến, chúng ta còn lâm vào nội chiến cộng sản

Nội chiến cộng sản khác nội chiến thường ở chỗ nó toàn điện và tuyệt đối. Quốc gia không chỉ bị coi thường mà còn bị phủ nhận. Đối thủ không chỉ bị giết mà còn bị căm thù, mạt sát và nhục mạ, bị chối bỏ cả tư cách đồng bào lẫn tư cách con người, để không còn tư cách thỏa hiệp, để có thể bị giết một cách thản nhiên hơn. Đó cũng là cuộc nội chiến trong đó cứu cánh biện minh cho mọi phương tiện bởi vì như cả Marx lẫn Lenin đều nói "chính quyền cách mạng" không bị ràng buộc bởi bất cứ luật pháp nào và các giá trị đạo đức đều vô nghĩa.

Chúng ta lâm vào nội chiến và nội chiến cộng sản. Phong trào cộng sản đã là thảm kịch cho nhiều dân tộc, nhưng có lẽ không dân tộc nào tan nát vì nó hơn chúng ta. Sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin đã là một tai họa lớn nhất cho nước ta trong suốt dòng lịch sử. Nó tàn phá đất nước và con người Việt Nam hơn chúng ta tưởng. Đảng Công Sản Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Và người có trách nhiệm lớn nhất là ông Hồ Chí Minh. Chính ông đã du nhập chủ nghĩa Mác–Lenin vào Việt Nam. Chính ông, người có toàn quyền vào thời điểm Cách Mạng Tháng 8 và nhiều năm sau đó, đã góp phần quyết định nhất đưa đất nước vào nội chiến. Trong lịch sử Việt Nam không ai gây thiệt hại cho đất nước bằng ông.

Chúng ta đều muốn quên đi những trang sử đau buồn của dân tộc để hòa giải với nhau và cùng hướng về tương lai, nhưng khi, như trong dịp kỷ niệm này, đảng cộng sản huênh hoang kể công và tâng bốc ông Hồ Chí Minh như một con người vĩ đại, một tấm gương đạo đức và một ân nhân cho cả dân tộc thì bi kịch của đất nước và ký ức của hàng triệu nạn nhân buộc chúng ta phải sòng phằng. Sòng phẳng với quá khứ là điều kiện cần thiết để hòa giải dân tộc và xây dựng tương lai. Đó cũng là thái độ phải có để rút ngắn lộ trình dân chủ hóa vì chế độ cộng sản đang cố dựa trên vinh quang giả tạo của Cách Mạng Tháng 8 và thần tượng Hồ Chí Minh để kéo dài thêm thời gian thống trị.

Chỗ đứng nào cho Cách Mạng Tháng 8?

Không ai thay đổi được quá khứ. Cách Mạng Tháng 8 và Quốc Khánh 2 tháng 9 phải được giữ lại như những ngày lễ lớn. Nhưng không phải để huênh hoang và hớn hở mà để suy nghĩ và rút ra những bài học từ những câu hỏi lớn.

Thí dụ như tại sao một chủ nghĩa sai lầm đã bị vất bỏ trên quê hương của chính nó từ gần một thế kỷ rồi lại có thể làm mê cuồng một số đông đảo người Việt nam, kể cả nhiều trí thức? Nếu không phải là vì chúng ta đã thiếu một tầng lớp trí thức chính trị? Tại sao vào thời điểm 1945 đảng được hưởng ứng mạnh nhất lại là đảng kêu gọi hận thù giai cấp và theo đuổi một chủ nghĩa mà một trong những chủ trương nền tảng là xóa bỏ quốc gia? Nếu không phải là vì tinh thần dân tộc của ta thấp và nước ta đã chín muồi cho một tiếng gọi thù hận? Và nếu như thế thì tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của chúng ta là những điều cần được nâng niu, xây dựng và củng cố, hay để vận dụng và lạm dụng?

(8/2013) (Source: ThongLuan)

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...