14 February 2013

STENDHAL ET MES SAISONS EN ENFER COMMUNISTE

 STENDHAL VÀ NHỮNG MÙA DƯỚI HỎA NGỤC CỘNG SẢN
Nguyễn Kim Quý
Lời Người Dịch: Hè 1991, sáu năm sau ngày đến Mỹ, cựu đại úy Nguyễn Kim Quý, cựu tù nhân cải tạo, cựu thuyền nhân, tiến sĩ và giáo sư Pháp văn và Latin tại Đại Học Eastern Washington University, đã được Phù Luân Hội (Rotary Club) Antony, mời đến Paris thuyết trình về đề tài "Việt Nam sau 1975". Ông đã chọn nói về những năm ông bị giam trong các trại cải tạo Việt Cộng. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện bằng tiếng Pháp trong đó ông mô tả các trại tù và sự độc ác của Việt Cộng và cho biết nhờ ơn Thượng Đế và tiểu thuyết của Stendhal ông đã được sống còn như thế nào, sau tám năm đày ải.

Bài thuyết trình của Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý (tựa đề lấy theo từ một bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Rimbaud, “Une saison en enfer”) là một phối hợp độc đáo, lý thú, giữa văn chương huyễn mộng qua Stendhal và thực tế ghê tởm qua những tù ngục Việt Cộng.

Stendhal, tên thật Henri Beyle, là văn sĩ Pháp, thế kỷ XIX, tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng, Le Rouge et le Noir, La Chartreuse de Parme... mà những nữ nhân vật đều tuyệt đẹp, và những nam nhân vật đều bị vào tù, thực tế hoặc theo nghĩa bóng. Thế giới trong tiểu thuyết của Stendhal, kể cả những truyện về tù ngục, vì thế, ngạt ngào phấn hương nhờ tình yêu, hạnh phúc và hình bóng mỹ nhân. Lúc Stendhal còn sống, không ai đọc sách của ông. Mãi 50 năm sau khi chết, ông mới được nổi tiếng và trở thành một hiện tượng trong văn học sử Pháp. Hiện tại, ông là một trong những văn sĩ hiếm hoi được nghiên cứu, phê bình, ái mộ nhiều nhất. Có cả một Hội gọi là Stendhal Club, tại Paris và Grenoble.
Ngoài ra, luận án tiến sĩ (1990) của giáo sư Nguyễn Kim Quý có tựa đề: “La prison dans l’œuvre romanesque de Stendhal” (Tù ngục trong tiểu thuyết của Stendhal). Tháng 3, 1992, cùng với một số giáo sư đại học trên thế giới, ông được mời thuyết trình về Stendhal nhân ngày mất lần thứ 150 của văn sĩ được tổ chức tại Paris, dưới sự chủ tọa của Tổng thống Pháp François Mitterrand. Bài của các thuyết trình viên đều được in thành sách bán tại Paris. (Lê Khánh Thọ)

"Tôi không thể sống mà không mộng mơ"

1. Tôi không bao giờ biết tại sao tôi yêu thích Stendhal và tiểu thuyết của ông nhiều đến thế. Và điều đó, ngay từ thời trung học khi mà tôi thích thú đọc đi đọc lại những trang đầy hương của Đỏ và Đen và Tu Viện thành Parme, mặc dù cha tôi, một giáo dân Công giáo mộ đạo gần như cực đoan, rất ghét. Về chuyện này, tôi sực nhớ câu mà ông Victor del Litto, Hội trưởng Stendhal Club, đã bất thình lình hỏi tôi nhân dịp tôi đến Grenoble lần chót, cách đây bốn năm: “Tại sao anh thích Stendhal?” Tôi bối rối, không biết trả lời sao. Trong những lần phỏng vấn xin dạy học ở Mỹ, tôi cũng nghe lặp lại câu hỏi tương tự. Nói thực, tôi thú nhận hoàn toàn không biết những lý do nào khiến tôi ái mộ văn sĩ ngoại biên lỗi lạc này –nhưng được ít người biết, và có lẽ ít người thích trong đám độc giả cùng thời với ông.

Quả vậy, đối với tôi, yêu thích Stendhal cũng giống như yêu một người đàn bà, hay một người đàn ông. Yêu hay không yêu, thế thôi. Nhất là với Stendhal, khởi đầu như một tiếng sét ái tình rất êm ái. Sự kết tinh, để dùng chữ của ông trong De l’amour, chỉ đến chậm và rất lâu sau đó. Và một tiếng sét ái tình, “nạn nhân” nào cũng biết, là không cắt nghĩa được.


Năm tháng trôi qua. Và bây giờ tôi lại ngồi trước tờ giấy trắng tìm lại một câu cắt nghĩa mới có thể – hoặc đúng hơn không có thể. Tôi yêu thích Stendhal, có lẽ bởi những tiểu thuyết của ông, và trong tiểu thuyết của ông, bởi các nhân vật nữ bất tử, tuyệt đẹp, dịu dàng quá đỗi, đã mê hoặc không chỉ những nam nhân vật, tình nhân của các nàng, và những độc giả như tôi có tâm hồn đa cảm, mà còn những phê bình gia hiện đại nghiêm khắc nhất nữa trong số có Paul Valéry, Jean-Paul Sartre và Julien Gracq chẳng hạn, giữa nhiều người khác.

Tôi yêu, hơn nữa, trong tác phẩm của Stendhal, mùi hương thần tiên, ngất ngây, trường cửu như trong Proust, không gian diễm ảo, phi thời gian, cấu thành bởi thực và hư trộn lẫn, biến hình, đã vỗ về lòng tôi trước bao nhiêu “sự thật thô bạo”, như chính Stendhal đã viết, của cuộc đời, và làm tôi mơ đến những khoảng trời xanh hơn, những âm thanh tinh tuyền hơn cho những ca khúc vĩnh cửu tôi dâng cho ái tình và nhan sắc.
2. Trong thời chiến tranh Việt Nam, lúc ấy là sĩ quan của quân lực Miền Nam, tôi luôn mang theo trong túi quần áo trận tuyệt phẩm trữ tình Truyện Kiều của thi hào dân tộc Nguyễn Du, tập Les Fleurs du Mal của Baudelaire và một quyển tiểu thuyết của Stendhal mà tôi đọc giữa hai trận đánh, dưới giao thông hào, trong trại binh hay quán rượu... Nguyễn Du, Baudelaire, và nhất là Stendhal, như thế ấy, đã giúp tôi thoát khỏi cái thực tế trĩu nặng mà, theo Nerval nói, “không luôn luôn là em gái của mộng mơ”. Tôi thường để hồn ru theo nỗi êm đềm của một cuộc đời tưởng tượng trong tất cả vẻ rạng ngời của nó, tràn ngập những mây hồng, những tình yêu thắm xanh, những nụ hôn vô tận, một cuộc đời không có tên ở trần gian này. Cái chết rình rập chúng tôi mỗi giờ, nhưng văn xuôi Stendhal, còn hơn là rượu và mỹ nhân, hay ma túy trong thơ Baudelaire, đã cho tôi sự can đảm phi thường để đương đầu với nó, trực diện: tôi đã quên nó, chưa đủ, tôi đã khinh bỉ nó, một cách rõ ràng, dứt khoát. Như những nhân vật của Stendhal: Julien, Fabrice, Octave, Lucien v.v...

Giai đoạn hậu chiến sắp cho quý vị thấy tiểu thuyết, và đặc biệt của Stendhal, đã làm tôi mê đắm một cách vừa chuyên chế vừa lợi ích như thế nào
3. Chúng ta đang ở vào năm 1975. Nền hòa bình nhục nhã, áp đặt bởi những siêu cường lực trên đất nước chúng tôi ngày 30 tháng 4, chấm dứt một cuộc chiến cũng không kém nhục nhã và khai tử quốc gia VNCH từ nay bị trao vào tay bọn bạo tàn Miền Bắc, kẻ chiến thắng không ngờ. Ngày đó, bỗng nhiên tôi trở thành “tù binh” và “kẻ thù của nhân dân” mà không biết chính xác tại sao. Chế độ mới, tự gọi là “cách mạng”, đỏ từ đầu đến chân, nhanh chóng tự gắn cho mình một nhiệm vụ “vĩ đại”: lùa tất cả sĩ quan và cán bộ Miền Nam vào tù. Tại đó bắt đầu mọi bất hạnh của chúng tôi. Nhưng rồi, lòng tin vào Thượng Đế bỗng nhiên thức dậy trong tôi và sự mê say không phai nhạt đối với Stendhal và những tiểu thuyết của ông thực sự đã cứu vớt tôi, không chỉ thoát khỏi những xấu xí của đời sống mà còn sự tàn nhẫn của cái chết –cái chết mà bây giờ tỏ ra ngàn lần đe dọa hơn trong lúc chiến tranh. Như thế, nhờ ơn Chúa và nhờ Stendhal, tôi đã có thể sống sót sau tám năm giam hãm, đói khát, đau khổ, thiếu thốn, trong những trại tù khác nhau và cuộc đọa đày khủng khiếp xuống dưới hỏa ngục.

Hỏa ngục Cộng sản, dĩ nhiên. Nhưng không có ngôn ngữ nào có thể mô tả đủ sự tàn ác của một trại tù do bọn Cộng sản Việt Nam –tức là Việt Cộng– thiết lập. Đó là bọn cai ngục bẩm sinh, quý vị hãy tin tôi đi, phô diễn một khả năng và kinh nghiệm canh phòng vô địch. Không một nơi giam giữ nào, hư cấu hay có thực, mà tôi được biết, kể cả Quần đảo Goulag của Soljenitsyne, hay Hồi ức về căn nhà tử tội của Dostoïevski, có thể so bằng những trại Việt Nam trong cái mà tôi gọi là “độc ác tinh vi”: ở đây người ta giết tù nhân một cách khoa học, tiệm tiến, nhẹ nhàng một cách khủng khiếp, bằng cái đói triền miên. Để chế ngự chúng tôi hiệu quả hơn, bọn khốn nạn đã khai thác khéo léo cái bản năng thấp nhất, tệ nhất của con người: nhu cầu ăn. Ít ra trong tù, những nhân vật của Stendhal có thể ăn và uống đầy đủ: Fabrice lại còn có sô-cô-la của Clélia và Julien có sâm banh và xì-gà của Mathilde gửi cho. Còn chúng tôi, còn tôi, mỗi ngày, bắt buộc phải tự nhìn thấy mình chết lần chết mòn như con vật bị vây hãm, sống một cái chết hoàn toàn đúng nghĩa tồi tệ, nhục nhã, hèn hạ, cố tình bày ra bởi lũ Cộng sản –đồng hương của chúng tôi. Một cái chết đến chậm, kéo dài, kéo dài, với trong hồn mỗi người tù sự phẫn nộ bất lực, sự xấu hổ bị dồn vào thế buộc phải thường trực, mỗi ngày, nghĩ đến cái dạ dày trống không và cách nào để làm đầy nó.

Bọn họ đã ra lệnh cho các sĩ quan phải trình diện những “ủy ban cách mạng nhân dân”, chuẩn bị một khóa học cải tạo mà theo thông cáo chính thức với lối hành văn mơ hồ và bịp bợm sẽ kéo dài chỉ mười ngày hoặc một tháng tùy theo cấp bậc. Lúc ấy vào tháng sáu 1975. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng đối với tất cả, đó sẽ là một “cuộc hành trình cuối đêm” xứng đáng với Céline, kéo dài từ tám, mười, cho tới mười bốn năm, và đối với nhiều người, một vé đi không về, một lần vĩnh biệt cuộc đời và thế gian, trong hai nghĩa đen và bóng.

Đầu tiên chúng tôi bị giam giữ trong những trại ở Miền Nam. Rồi một ngày đẹp trời, bọn họ quyết định chuyển ra Miến Bắc khoảng một trăm ngàn “phần tử” bị xét là “phản động” nhất, nghĩa là nguy hiểm nhất, trong đó có Tổng giám mục Sài Gòn Nguyễn Văn Thuận và một số tướng lãnh. Trên biển. Trong vài chiếc tàu chở than cũ kỹ tịch thu của “ngụy quyền”. Chúng tôi bị còng tay, bị nhốt hàng ngàn người trong các hầm tàu, và như thể súc vật. Chuyến đi kéo dài ba ngày. Ba thế kỷ. Không khí thiếu. Nước cũng thiếu. Thức ăn cho cả ngày là một ảo tưởng: mỗi tù nhân được phát hai phong bánh bích qui mốc của lính made in China, lớn bằng hai hộp diêm, chỉ vừa đủ để khỏi chết đói. Phía trên, không có gì ngoài một vòm tối đen. Chung quanh, những thân xác bất động chất đống cạ vào nhau và mình mẩy dính đầy bụi than. Cái nóng kinh hồn hành hạ tù nhân. Ngay những giờ đầu, bốc lên một mùi hôi thối, làm ngộp thở, đầu độc căn hầm đầy người. Khắp nơi, im lặng như chết.

Từ cảng Hải Phòng, nơi mà cuối cùng chúng tôi được cập xuống, đến những trại tập trung khác nhau, còn một chuyến đi nữa không kém kinh hoàng, kéo dài khoảng hai hoặc ba ngày, bằng tàu lửa hay xe cam nhông. Vì biện pháp an ninh, cửa lớn và cửa sổ xe lửa phải đóng kín mít, dưới cái nắng nung người. Trong những hỏa lò lưu động ấy, sự ngộp thở kinh khủng đến nỗi một số tù nhân già yếu và kiệt lực sau chuyến vượt biển đã chết trước khi đến nơi chỉ định.

Những trại tù ở Miền Bắc, tôi nghĩ khoảng ba mươi, dành cho chúng tôi, đều nằm trong vùng núi –nơi sinh sống của những sắc dân thiểu số lạc hậu nhất hay gia đình của những người bị đi đày biệt xứ vì lý do chính trị từ thời Pháp thuộc và sau Điện Biên Phủ– gần biên giới Tàu và Lào, ở đó những con muỗi to bằng những con ruồi hoặc gần như thế. Trên đường, những trẻ em và bà già, bị thúc đẩy bởi mối hận thù từ lâu nuôi dưỡng và luôn kích thích do sự tuyên truyền thô bỉ, đã ném thẳng tay vào chúng tôi đất đá, đồ dơ và hét lên những tràng chửi bới thậm tệ. Cũng như các bạn đồng cảnh khổ, tôi cố gắng nuốt những giọt nước mắt. Tủi nhục, đắng cay, uất giận.

Cuộc sống tại các trại Miền Bắc còn hơn là hỏa ngục. Không cách nào đào thoát được. Chúng tôi bị bao vây một cách tuyệt vọng bởi những rặng núi trùng điệp làm thành những tường lũy thiên nhiên kiên cố. Nhưng rồi, ngay cả nếu thoát được, làm sao, ở trên núi, có thể sống sót với cái lạnh, đói khát và sức kiệt? Chúng tôi bị giam trong những túp nhà cũ thấp mái rạ, nằm ngủ trên một thứ giường tập thể làm bằng những tấm gỗ thô, không chiếu, không gối, không đệm, để rồi sáng mai thức dậy mặt mày, mình mẩy rải đầy những vết rệp và muỗi cắn. Ngoài ra, cái lạnh tột độ, làm buốt xương. Về quần áo, người ta chỉ phát cho chúng tôi một bộ đồng phục màu xanh da trời bằng vải thô dùng trong kỳ hạn hai năm và một tấm chăn cũ nát nhỏ xíu bằng len xấu. Không săng đan, không tất vớ, không mũ nón. Những thứ này, chúng tôi phải tự xoay xở lấy, người ta bảo chúng tôi, hoặc là mặc kệ! Vào mùa đông hay mùa mưa, không tài nào ngủ được, vì cái lạnh và ẩm ướt khắc nghiệt, không thể chịu nổi nữa và chúng tôi bị cấm đốt lửa trong nhà.

Tuy nhiên, tất cả những thứ ấy không là gì so với cái đói, cực hình tồi tệ nhất. Phần ăn hằng ngày của chúng tôi, quả vậy, là một chén sắn (khoai mì) cho một trong hai bữa. Không có ăn sáng. Không cơm. Không sữa không đường. Không thịt không rau. Khoai mì mà người ta cho chúng tôi đã được phơi khô và được dành những khi mất mùa cho heo –mà heo, tôi đoán, cũng từ chối không ăn. Vì nó có màu đen đen, vị chua chua, mùi thum thủm. Nhưng cái đói chiến thắng mọi ghê tởm và chọn lựa. Với món ăn kinh khiếp này, những anh chàng to con nhất, sau vài tháng, có màu da xanh mét, vẻ hốc hác, mặt teo lại. Sau một năm, trở thành những bộ xương biết đi. Óc đặc lại, người ta không thể suy nghĩ hay phản ứng gì nữa. Quên đi phẩm cách, một số người chỉ còn nghĩ đến cái ăn, và đó cũng tự nhiên thôi. Tệ hơn, người ta đánh mất ý chí chống đối, phản kháng, tự trọng, và tất cả điều đó hoàn toàn phù hợp với kế hoạch dự trù của Việt Cộng. Sự thiếu dinh dưỡng và thiếu thuốc men sinh ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo, không tránh khỏi, ví dụ bệnh thiếu sinh tố và phù thũng –mỗi ngày, cùng với bệnh sốt rét, chóng vánh đua về bên kia thế giới, một cách nhẹ nhàng, một hay hai tù nhân khốn khổ.

Những người còn sống sót cứ tiếp tục nhai sắn khô bằng thích, tiếp tục đói, tiếp tục đau, và nhất là tiếp tục lao động khổ sai. Cai tù không ngớt lặp đi lặp lại rằng lao động là nguồn gốc mọi vinh quang, rằng khởi thủy, con người đầu tiên, nghĩa là ông tổ của chúng ta, là một con khỉ, rằng con khỉ ấy vì phải trèo lên cây hái trái, xuống ruộng trồng lúa, vào rừng săn thỏ, vắn tắt, lao động vất vả, đã dần dần mất bộ lông dài để trở thành đẹp đẽ, trơn tru như chúng ta hôm nay. Vì thế, người ta hét vào tai chúng tôi, hãy tống cổ những kẻ chây lười lao động, ăn bám, mình còn đầy lông lá, ra khỏi thiên đàng Cộng sản!

Về lao động hằng ngày, chúng tôi được chia thành nhiều đội và tổ, và phải ra hiện trường làm việc tám tiếng mỗi ngày và sáu ngày mỗi tuần, ngày Chúa Nhật dành cho học tập chính trị và những công việc vặt vãnh khác nhau. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ, thay đổi việc làm, tổ đội, đồng đội cứ mỗi sáu tháng, đại khái: trồng rau cải, xà-lách, lúa, bắp –những sản phẩm mà chúng tôi không được quyền ăn. Hoặc sáng sớm vào rừng chặt gỗ, đốn tre. Xây hay sửa nhà, cầu, đường với dụng cụ thô sơ từ thời Thượng cổ. Hoặc thay bò kéo cày trong ruộng, giữ trâu, nuôi heo, còn gì nữa? Nói ngắn gọn, làm tất cả những công việc đối với chúng tôi –đại úy, đại tá, và tướng lãnh– cho đến lúc ấy hoàn toàn xa lạ, chưa hề biết, kỳ quặc, vì thế rất mệt. Thêm vào đó là cái đói, cái lạnh, sự tàn tạ thể xác và suy nhược tinh thần, và quý vị hiểu tại sao mức độ tử vong trong các trại tù lên cao như vậy.

Nhất là sự suy nhược tinh thần. Nó giết người cũng tàn nhẫn như cái đói và bệnh hoạn. Trong cảnh khổ, người ta không thể bỏ qua sức mạnh của tinh thần và chịu đựng của tâm hồn. Không có sự can thiệp cứu rỗi của tinh thần, án tử hình sẽ không được bãi bỏ, không hoãn lại. Có nhiều người trải qua suốt tháng, kể cả suốt năm, ngồi than vãn số phận, tiếc hão một hạnh phúc, một vinh quang, hay một tình yêu vĩnh viễn bay mất, hay bám víu một cách tuyệt vọng vào thực tại ghê tởm. Những người ấy, cái chết không bao giờ bắt hụt.

Nhưng đó cũng chính là điều tôi đã làm thời gian đầu. Tôi cũng đã khóc như mọi người trong đêm Giáng sinh đầu tiên tại trại. Và như mọi người, tôi thấy đói kinh khủng, không cử động nổi, thường té vì mệt. Sức mạnh thể xác và tinh thần suy sụp chầm chậm, nhưng chắc chắn. Rồi một ngày, được nhìn thấy, bất lực, một người bạn thân thiết chết trong hoàn cảnh hãi hùng và bất xứng của một con vật người ta đem đi thọc huyết, tôi giật mình sợ hãi. Tôi không muốn chết như vậy, tôi lặp lại cho chính mình trong cơn giận dữ đè nén. Chuyện kể trong Terre des hommes của Saint-Exupéry về chàng Guillaumet mệt nhoài, nhưng cứ lầm lũi bước đi trong tuyết ngày này qua ngày khác, để khỏi gục ngã, bỗng trở về trong ký ức, rất đúng lúc. Và rồi, phục hồi sinh khí tôi không biết nhờ sức mạnh thần linh nào, tôi bắt đầu buông lại lời thách đố năm xưa cho cái chết hỗn láo, cái chết xanh xao trong một bài thơ của Horace, cái chết mà tôi đã vất vả vật lộn với, từ thời chiến tranh, nhưng nó không bao giờ chụp bắt được tôi, nhờ ơn Chúa. Nhất là, tôi la lớn, không bao giờ bỏ cuộc.

Bấy giờ, tôi bắt đầu cầu nguyện trở lại, ban đêm, và đọc lại với sự say mê của một người tình cũ những tiểu thuyết Stendhal, nhưng bằng trí nhớ, dĩ nhiên. Từ đó, tôi sống một thực tế khác, tự xem mình đã chết đối với cuộc đời, như Octave trong Armance. Tôi quên, cố gắng quên, bọn cai ngục và trại tù, đói và bệnh, quần áo tả tơi và thân xác khô héo –tất cả những điều nhắc tôi không ngừng vẻ xấu xí của địa ngục. Tôi chiến thắng nỗi bất hạnh của tôi bằng cách thôi tưởng nhớ những người đàn bà đẹp mà tôi đã quen biết và có khi yêu thương trong cuộc đời và bây giờ đã trở thành một thực tế khó với nắm, còn xa xôi hơn cả chính mộng mơ. Trái lại, tôi chỉ nghĩ đến những nữ nhân vật của Stendhal –Mathilde, Mme de Rênal, Clélia, la Sanseverina, Armance, Mme de Chasteller, giữa những nàng khác– mà hình bóng trác tuyệt, vĩnh viễn trẻ và đẹp, đã đưa tôi rất nhẹ nhàng ra khỏi thực tế phũ phàng và tầm thường, cái thực tế mà tôi nghĩ tôi không phải sinh ra để ôm lấy, ngay cả thời trước khi vào tù. Ngày tháng của tôi trôi qua như thế, êm đềm, như nước trôi qua cầu, và tôi dám nói thêm, hạnh phúc, dưới bóng những tình nhân đẹp như hoa, ít nhiều như trong Proust, ít nhiều lạ thường, nhưng sẽ chung thủy, tôi hy vọng, với tôi cho đến phút lìa trần –những người yêu dấu duy nhất đã đến thăm tôi trong tù, đem lại bình an và ánh sáng. Nhờ các nàng và sự hiện diện thường trực, vỗ về, tù ngục của tôi, tuy không bao giờ có thể trở thành thiên đường như của Julien Sorel hay Fabrice del Dongo, cũng đã mất đi vẻ thê thảm để cho tôi kéo lê, trong nghĩa cụ thể, cuộc sống của tôi, hay đúng hơn cái chết của tôi, một cách xứng đáng nhất, cho đến ngày 18 tháng ba 1983, thời điểm tôi được thả. Sau tám năm trời!

Sau hơn một năm thất bại ê chề trong những mưu toan vượt trốn quê hương và nỗi khổ bị bắt lại –lần này như một thuyền nhân kém may mắn– tôi và cô em gái, một đêm đen, được lên trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ một hôm đã thả chúng tôi xuống căn cứ hải quân Subic Bay của Mỹ tại Manila sau tám ngày, tám đêm trôi dạt trên Thái Bình Dương, giữa cơn bão lớn. Nhưng đó là chuyện khác. Tôi trải qua một năm rưỡi tại hai trại tỵ nạn ở Philippines trước khi đến Mỹ định cư ngày 25 tháng giêng 1985. Tôi hứa với lòng một ngày nào sẽ đến viếng Đúc Mẹ Lộ Đức và viết điều gì đó về Stendhal. Trong năm năm, tôi đã thực hiện hai lời hứa ấy. Luận án tiến sĩ của tôi –được chấp nhận với lời khen của các giáo sư trường Đại Học Oregon, và được ông del Litto nhận in trong thư mục Stendhal qua nhà xuất bản Droz, Genève– có chính cái tựa đề Tù ngục trong tiểu thuyết Stendhal. Tôi không bao giờ có thể cảm tạ đủ Thượng Đế đã cứu vớt tôi như thế bằng cách cho tôi một tâm hồn rất lãng mạn, rất mơ mộng và cho tôi niềm si mê về văn chương và, mâu thuẫn thay, về Stendhal, người ta còn nhớ, không luôn luôn dễ thương đối với Ngài.

 4. Tôi đã quá tuổi tiếc thương hư ảo rồi, nhưng mỗi tiểu thuyết của Stendhal rực rỡ trong tôi như ánh sáng thiên đường tìm thấy lại. Một mảnh đời tan vỡ. Tôi không thể sống mà không mộng mơ. Cũng giống như những ngày trước, trong địa ngục Cộng sản. Thật là chán nản vô cùng khi phải luôn bám vào thực tế, khi mỗi ngày không đọc một trong những trang sách Stendhal đầy ắp yêu thương, mừng vui, và mùi hương phấn. Dầu sao, để bắt chước Pascal trong cuộc cá độ hy hữu của ông, quý vị sẽ mất gì khi đọc một tiểu thuyết của Stendhal? Không mất gì hết. Nhưng nếu thắng, quý vị sẽ được cả một trời mơ, trước mặt, cùng với, và chung quanh quý vị.

Và để kết thúc, tôi mạn phép được trích những dòng cuối từ quyển sách của tôi về tù ngục trong Stendhal mà từ nay “là một cõi niết bàn, thực ra, không tưởng (có tù nhân nào hưởng được số phận của Julien và Fabrice?), nhưng vô cùng quý hóa cho tất cả chúng ta bị ném vào cuộc khiêu vũ giả trang được gọi là đời sống, ở thế giới của giờ thứ hai mươi lăm này trong đó con người, sau những chấn song và kém may mắn hơn những nhân vật Stendhal, phải luôn đi tìm kiếm, như Henri Beyle trong suốt cả đời, một hạnh phúc hão huyền, một dòng sông Léthé không còn chảy nữa, một giọt lệ không bao giờ được khóc.”

Bài thuyết trình của
GS. cựu Đại úy Nguyễn Kim Quý
Nữ họa sĩ Lê Khánh Thọ (Châteauroux, Pháp)
giới thiệu và dịch
__________
Hình ảnh do TTR

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...