17 February 2013

Chắc Tận Thế Mất!

Phiếm luận của Điền Thảo
Tờ rờ mờ sáng hôm kia chỉ có một cục vẩn thạch nhỏ đi lạc và lao vào khí quyển nổ tung trên không phận  Nga mà đã gây ra những chấn động nhiễu loạn từ trường cắt đứt điện đàm, miểng vung vãi làm bể cả nhà cửa và có đến 960 người bị thương!

Ngay buổi chiều lại có tin một vẩn thạch khác lớn hơn, đường kính khoảng 25m nghĩa là cao bằng một cao ốc hình hộp 7 tầng (3.5mx7) lại tính ghé thăm trái đất. Trên đường bay vòng quanh mặt trời, nó bay sát trái đất, lúc gần nhất chỉ cách hành tinh chúng ta có 27,700 km, 1 phần 10 khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng. Trái đất đang yên ổn(?) không muốn bị can thiệp, nhưng nhiều khi khách không mong đợi vẫn cứ đến. Phiền thiệt!

Vũ trụ mênh mông nên gọi đó là vẩn thạch, hạt bụi, chứ so với vóc dáng con người, thì đó chả phải là hạt bụi. Nó mà chui vào khí quyển theo góc nhanh nhất, cháy không hết, đâm vào vỏ trái đất mà nổ thì ôi thôi... , nhẹ thì trái đất rung rinh, mà lớn thì thành mùa đông nguyên tử, trái đất nứt ra dung nham trào lên, khói dầy đặc bao phủ hành tinh nhiều thập niên, sinh vật chết dần, càng lớn càng chết mau. Những con khủng long (dinosaurs) không còn nữa sau khi chỉ một vẩn thạch lớn đâm vào trái đất cách đây 50 triệu năm.

Thiên tai có vẻ ngày một nhiều. Đặc biệt là động đất. Hình thái động đất thường xẩy ra nhất khi hai lớp vỏ trái đất tiến sát, va chạm, đẩy nhau, một phía trồi lên, một phía sụp xuống (subduction). Trận động đất ngoài khơi phía tây đảo Sumatra ngày 26. 12. 2004 đã gây nên đợt sóng thần cao 30 mét tràn quét các bờ biển lân cận khiến 230,000 người vong mạng. Đó là thiên tai gây chết người nhiều nhất trong thời kỳ hữu sử. Gần đây hơn, trận động đất 9.03 cùng loại ngoài khơi Nhật Bản gây nên đợt sóng thần cao 40.5 mét. Trận động đất đã khiến đảo lớn nhất Honshu của Nhật xê dịch về phía đông 2.4 mét và làm nghiêng trục quay địa cầu từ 10 cm tới 25 cm. Trận động đất đã làm gần 16,000 người vong mạng và trên 6000 người bị thương.

Con người chết dễ như bỡn và rất nhiều bất ngờ. Cuối năm dẫn nhau tới bờ biển nghỉ mát, đang vui vẻ yêu đời bỗng sóng ập tới nhận chìm và cuốn phăng đi. Tuyết đổ đầy sân lối trước ngã sau quanh ngôi nhà khang trang nhiều người nhìn mà thèm, thế là xách xẻng ra xúc tuyết, trước là thi hành luật thành phố, sau là giữ đẹp cơ ngơi: đúng quá đi chứ lỵ! Nhưng có biết đâu tuổi già sức yếu, đâu có còn mạnh như xưa - mà chẳng có ai còn mạnh như xưa cả - xúc hoài tuyết vẫn còn, gắng thêm chút nữa cho xong. Tuyết quang, người mệt, vào nhà không còn ngồi nổi, lên phòng nằm để nghỉ ..... giấc ngàn thu, về với tiên tổ, bỏ lại ngôi nhà trả gần xong mortgage!

Ai bảo sức người vô hạn chứ như mỗ này thấy con người yếu xìu. Ngay cả những con người ý chí cùng mình như "Bác" Hồ hay những người có khối óc đầy mưu kế như  Mao quân "chủ tịch vĩ đại" lãnh tụ của cái xứ "vừa là đồng chí vừa là anh em" phía bắc, cả hai vị nhiều khi cũng có hiện tượng tiêu cực, nhất là lúc sắp vĩnh viễn lìa bỏ quyền lực mình đã tạo dựng được để về gặp Diêm Vương. Chuyên bí ẩn cung đình lọt ra ngoài truyền thổi rằng khi về già ông Hồ thường ngồi một mình và hay khóc. Còn Mao quân lúc sắp chết hỏi "cục phân" bác sĩ riêng của ông ta rằng: "Any hope?" (Còn chút hy vọng gì không?). Có lẽ những nhà độc tài chỉ khi gần chết mới thấy mình cũng chỉ là một con người yếu đuối và lắm khi bất lực.

Nhưng khi còn tráng kiện, họ coi trời bằng vung, luôn luôn tìm cách áp đặt ý muốn của mình lên người khác, lên thiên hạ. Khi hiểu ra quyền lực là gì thì họ bám chặt lấy nó, một mặt vì nó vuốt ve thỏa mãn những gì cái ngã muốn. Nguyên việc sai khiến được người khác phải cúi đâu răm rắp làm theo hiệu lệnh của mình thì cũng đã khoái chí lắm rồi. Hai là vì sau đó tiền bạc rủng rỉnh vô nhà, gia đình mũ áo xênh xang, họ hàng ăn theo vui vẻ.

Đó vẫn còn là chuyện nhỏ, nhằm nhò gì, vì cái hệ lụy nhiều lắm cũng chưa ra khỏi ngõ. Nhưng khi áp đặt ý định của mình lên cả một khối người, lên cả một đất nước thì sự việc sẽ nguy to. Để bè nhóm có lý do chính đáng mà cai trị, họ tìm mọi cách để biện minh. Đảng giành được độc lập thì đảng là người có quyền trị vì. Nếu đảng tha hóa sợ nội loạn thì tìm cách gây căng thẳng với những nước khác. Ai cũng biết tướng ngoài trận địa được phép tiền trảm hậu tấu. Dân nào nghe vậy mà chả sợ run lên cầm cập.

Trời đất và xã hội con người có những quy luật giống nhau. Hai lớp vỏ đại dương chèn nhau thì sinh động đất và sóng thần. Hai nước rồi hai khối chèn nhau tất sinh chiến tranh. Cả hai cùng gây dao động và chết chóc.

Chiến tranh chỉ xẩy ra khi hai bên (1) thấy không còn cách nào khác và (2) hai bên đều cho rằng mình sẽ thắng. Tất nhiên cuộc chiến nào cuối cùng cũng có kẻ thắng người bại. Như vậy việc tính toán đã hàm chứa 50% là sai, là lầm, là hố. Có nhiều yếu tố đưa đến sai lầm. Cái lợi khi chiến thắng lớn quá. Không dám đối đầu sẽ bị mất mát lớn quá và phù phiếm hơn: nhục nhã quá. Nhưng quan trọng nhất phải là tìm cho ra lẽ chính đáng để mà cai trị.

Ở phía tây, một nước Tầu to lớn quá, uy danh quá khứ huy hoàng quá không thể để một nước gồm dăm ba hải đảo ngang nhiên chiếm đất "của mình". Ở phía đông, có nhiều dấu hiệu tinh thần Phù Tang đang trỗi dậy. Chắc hẳn dân Nhật cũng biết rằng Mỹ sẽ chẳng bao giờ đứng mũi chịu sào để bảo vệ nhóm đảo Senkaku cho mình. Có thể dân Nhật tin rằng Mỹ sẽ không thể để cho nước Nhật bại trận trước một nước Tầu đang gây khó cho kinh tế và  thế chính trị của Mỹ. Nhật mà bại, Mỹ không còn đồn tiền tiêu vì Nam Hàn chắc cũng không còn cùng phe và Việt Nam hết đu dây.

Nước Tầu không có nhiều kinh nghiệm hải chiến như Nhật, nhưng lại có hậu phương lớn mạnh. Nước Nhật làm sao bỏ bom hết các thành phố kỹ nghệ của Tầu cùng một ngày cho được. Nhưng có một điều ít ai để ý là Hoa Lục có biên giới chung với 16 nước lận; lại nữa những nước này ít khi coi Bắc Kinh "vừa là đồng chí vừa là anh em" với họ.

Cho đến giờ này hai bên tỏ ra không nhượng bộ. Cuối năm qua Nhật đã mua lại ba đảo chính trong nhóm đảo này từ chủ tư nhân. Phía Hoa Lục đã liên tục phái tầu chiến ra vào nơi mà Nhật cho là lãnh hải của mình. Mới đây vào tháng giêng năm 2013, Bắc Kinh hê lên rằng họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra thổ nhưỡng các hải đảo này như một phần của "chương trình bảo vệ quyền lợi hải dương của họ".

Không thiếu những nhà quan sát cho rằng chiến tranh khó tránh khỏi giữa hai cường quốc Á Châu. Nếu thật sự có chiến tranh, hệ quả khó lường.

Rất lâu trước khi mặt trời trở nên nguội lạnh, chính con người vì ham hố sẽ cùng với thiên tai đưa ngày tận thế tới nhanh hơn chăng?

Điền Thảo

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...