Theo
BBC Việt Ngữ ngày 21/6/2012, ngay khi Quốc Hội Việt Nam, cùng ngày,
thông qua Luật Biển khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các Quần Đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, lập tức Hoa Lục – trước đây còn mập mờ phủ
nhận, đã chính thức công bố “Thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, quản lý các đảo, bãi ngầm và vùng biển của
quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”. Điều này có nghĩa là Hoa Lục cho xây dựng một đơn vị hành chính cấp “Địa Khu”
nhỏ hơn cấp Tỉnh nhưng lớn hơn cấp “Quận” để quản trị một vùng biển và
đảo do ăn cướp được hoặc không thuộc chủ quyền của mình - bao gồm Hoàng
Sa (cưỡng chiếm năm 1974) và toàn bộ Trường Sa hiện do Việt Nam làm chủ
và trấn giữ và có thể bao gồm luôn cả Bãi Cạn Scarborough nơi Phi Luật
Tân tuyên bố chủ quyền về mình. Đây là một hành vi vô cùng ngang ngược và đáng xấu hổ của một đại cường lúc nào cũng rêu rao với thế giới là “hòa bình, hợp tác và hữu nghị”. Trước đó vào ngày 20/6/2012 theo các
trang điện tử VOA và BBC, Bộ Ngoại Giao Hoa Lục đã triệu tập đại sứ của
Việt Nam tại Bắc Kinh để phản đối khi Việt Nam loan báo “Trung đoàn không quân tiêm kích 940, lần đầu tiên đưa máy bay chiến đấu Su-27 phát xuất từ Căn Cứ Phù Cát - Bình Định ra tuần tiễu bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa.”
Đây là những phản ứng về ngoại giao cực kỳ vô lý chưa từng thấy trên
trường quốc tế và dĩ nhiên Việt Nam đã cực lực bác bỏ những luận điệu “vừa đánh trống vừa ăn cướp” này một cách rất chừng mực.
Sự
tàn ác của giặc Tàu đối với nước ta qua 1000 năm dài nô lệ ai ai cũng
đã biết nhưng sự ngang ngược của bọn vua quan Đại Hán đối với vua quan
ta trong thời tự chủ, khi đọc lại sử Việt, chúng ta không khỏi nghẹn
ngào, uất ức. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép việc Sài Thung (còn có
tên là Xuân) đến nước ta dưới triều Vua Trần Nhân Tông như sau: “ Xuân
ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên
Trường ngăn lại, Xuân dùng roi
ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến Điện Tập Hiền, thấy giăng bày màn
trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Thượng TướngTrần Quang Khải đến
sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong
phòng, hắn cũng không dậy tiếp”. Khi
muốn gây sự hoặc xâm chiếm đất nước ta, bọn vua quan Phương Bắc đều lấy
cớ triều cống bê trễ, mượn đường đánh Chiêm Thành, yêu cầu các vua của
ta sang chầu, hoặc lấy cớ khôi phục lại quyền hành cho các kẻ phản quốc
như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…Nhưng ngày hôm nay, bọn chúng không làm như vậy. Khoác bên ngoài cái vỏ “hòa bình, hợp tác và hữu nghị”,
chúng dùng vũ lực gây hấn với Nhật Bản ở Quần Đảo Senkaku, cỏn ở Biển
Đông là các nước yếu, chúng công bố Đường Lưỡi Bò để khẳng định chủ
quyền của mình rồi cho tàu Ngư Chính, tàu Hải Giám tới xua đuổi, bắt
giữ, thậm chí tịch thu tàu bè, giết hại ngư dân của các quốc gia có chủ
quyền đang mưu sinh trên các vùng đảo này. Độc hại hơn nữa chúng cho các
dàn khoan khổng lồ tới thăm dò hoặc khai thác dầu khí trên các vùng
biển không thuộc chủ quyền của chúng, trong khi đó dùng
áp lực kinh tế để các công ty đệ tam quốc gia phải hủy bỏ hợp đồng khai
thác /thăm dò với các quốc gia có chủ quyền thật sự. Cứ với cái đà này,
với thủ đoạn độc địa này, Hoa Lục sẽ không cần nổ một tiếng súng, lần
hồi bá chủ Biển Đông trước sự bất lực của toàn thế giới. Tại sao Hoa Lục
dám làm như vậy trong khi chúng ta có Liên Hiệp Quốc, NATO và hàng trăm
tổ chức bảo vệ nhân quyền khác?
Thứ nhất: Nhìn cho kỹ và kinh qua lịch sử chúng ta thấy Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ là “bình phong” đôi khi là “con rối”
của các siêu cường. Liên Hiệp Quốc không phải là ông cảnh sát thấy cướp
thì bắt, thấy tội phạm thì truy lùng mà LHQ cần có 1/5 hội viên thường
trực đưa ra sáng kiến mà Hoa Kỳ là thành viên có tiếng nói áp đảo nhất.
Nếu Hoa Kỳ làm lơ không khởi động chi cả
thì coi như LHQ “ ngủ yên” và ông Tổng Thứ Ký cùng các bà Cao Ủy chỉ có nước “ngồi chơi sơi nước”. Ngoài ra, nghị quyết của LHQ nếu không có Hoa Kỳ cung cấp vài chục ngàn binh sĩ cùng tàu chiến, máy bay B1& B52 để
thi hành…thì cũng coi như tờ giấy xếp vào ngăn kéo. Trong tình hình
hiện tại, liệu Hoa Kỳ có dám vận động LHQ để đưa ra một nghị quyết yêu
cầu Hoa Lục phải tuân thủ các công ước quốc tế về luật biển, vận động tổ
chức một Tòa Án Quốc Tế để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, đồng
thời cử các chuyên viên của LHQ tới Biển Đông để giám
sát, đo đạc? Nếu Hoa Lục không tuân thủ, liệu Hoa Kỳ có dám tuyên bố
cấm vận như đã từng làm với Việt Nam, Cuba và mới đây với Ai Cập,
Tunisia, Libya, Iran và Syria?
Thứ hai: NATO thực chất chỉ là “con đẻ”
của Hoa Kỳ. Nếu Mỹ rút ra, liên minh này tan vỡ. Thực tế cho thấy Mỹ
bảo cái gì thì NATO làm cái nấy. Nếu Mỹ ngồi yên thì NATO giống như mấy
ông lính rảnh rỗi không biết làm gì chỉ còn biết lau chùi súng cho đỡ
buồn. Giả sử NATO là một tổ chức có thực lực và không cần nương tựa vào
Mỹ, trong tình hình hiện tại NATO có dám vận động LHQ ban hành một vùng
cấm bay (No Fly
Zone) trên không phận Trung Hoa như đã từng làm với Lybia để giải quyết
cái ung nhọt của thế giới này cho rồi? Xét cho cùng mức độ nguy hiểm của Hoa Lục đối với toàn thế giới còn gấp trăm lần Sadam Hussein, Gaddafi thậm chí kể cả Al Qaeda. Thực tế phũ phàng của chính trường thế giới dạy cho chúng ta một bài học là “Bạn hãy cứ mạnh đi, lúc đó người ta sẽ kính trọng bạn hoặc nể sợ bạn. Còn nếu bạn yếu, dù bạn đúng, người ta cũng sẽ bắt nạt bạn.”
Thứ ba:
Báo cáo hoặc phúc trình của các hội nhân quyền thực ra chỉ có tác dụng
đối với các nước nhỏ và hầu như chẳng có tác dụng gì đối với các nước
lớn như Hoa Lục, Nga, Ấn Độ và một vài nước ngang tàng như Pakistan,
Cuba, Syria, Sudan v.v..
Tuy
nhiên, nói như thế và phân tích như thế không có nghĩa là Âu Châu và
Hoa Kỳ không làm gì trước nguy cơ bành trướng của Hoa Lục tại Á Châu. Bộ
Trưởng Quốc Phòng Pháp, Bà Thủ Tướng Đức, Ngoại Trưởng Anh đã tới thăm
Việt Nam. Còn Hòa Lan thì cung cấp cho Việt Nam tuần dương hạm tàng hình
Sigma đồng thời phối hợp với Việt Nam để đóng tàu tuần tra tối tân DN
2000 cho nghành cảnh sát biển. Nhật và Anh Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác
chiến lược về quân sự. Hoa Kỳ cũng đã công bố sách lược Châu Á Thái
Bình Dương. Tuy nhiên Hoa Kỳ dù đang làm, đang triển khai
kế hoạch nhưng với tiến độ quá thận trọng và quá chậm. Chính vì nhìn
thấy điều này mà một số quốc gia Đông Nam Á đã theo theo đuổi sách lược
tự phòng vệ. Việc Phi Luật Tân mới đây gấp rút đặt mua 16 máy bay chiến
đấu từ Nam Hàn cho thấy Phi Luật Tân phải tự cứu mình - trước khi sự trợ giúp
của Hoa Kỳ Hoa Kỳ tới tay - có khi quá chậm. Trong cuộc cờ ngày hôm
nay, Hoa Lục tuy hung hăng nhưng lượng định tình thế một cách kỹ càng.
Giải đáp chính của bài toán là Hoa Kỳ. Hoa Lục hiểu rằng Mỹ không dám
làm mạnh bởi vì bất cứ một cuộc đối đầu hay xung đột nào trong giai đoạn
hiện tại do Hoa Kỳ chủ động sẽ đưa tới khủng hoảng cho chính Hoa Kỳ.
Đây là điều mà bộ tham mưu của Ô. Obama cố né tránh
để sống sót trong kỳ bầu cử sắp tới. Cái yếu chí tử của Hoa Kỳ là nền
kinh tế của Hoa Kỳ và Hoa Lục cột chặt với nhau như bóng với hình. Minh
Ước Thượng Hải 1972 - một kỳ công của Henry Kissinger nhằm đưa Hoa Lục
gia nhập cộng đồng thế giới cách đây 40 năm, nay hóa ra “Con Ngựa Thành Troie !”
Lịch
sử thế giới cho thấy một nước tỏ ra hung hăng, hiếu chiến không phải tự
nó có khả năng muốn làm gì thì làm - mà nguyên do chính là vì sự do dự
hay ngại ngùng của các cường quốc khác. Nó giống như trong một khu phố
thấy trẻ em làm ồn ào thì người ta la mắng nhưng thấy một tên côn đồ
hung hãn đâm chém thì người ta nín khe. Sức mạnh quân sự và kinh tế của
Hoa Lục thì khổng lồ, trong khi Mỹ thì ở quá xa mà lại gửi đi một tín
hiệu rất mù mờ (mixed signal). Hoa Kỳ vừa muốn làm “đối tác chiến lược”
với Hoa Lục lại vừa muốn ngăn chặn Hoa Lục;
vừa muốn bảo vệ an ninh cho Phi Luật Tân lại chủ trương đứng trung lập
trong các tranh chấp ở Biển Đông, khiến các quốc gia Đông Nam Á khốn đốn
không biết phải làm gì? Mới đây nhất bộ trưởng quốc phòng Singapore đã
phải tới Bắc Kinh để hội đàm với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc trong
khi Singapore là quốc gia cảnh giác Hoa Lục mạnh mẽ nhất và là nơi đồn
trú tàu chiến tối tân, máy bay không người lái của Hoa Kỳ. Sự thăm viếng
này cho thấy Singapore dù “hung hăng” thế nào đi nữa vẫn nể sợ sức mạnh
của Hoa Lục. Còn Thái Lan thì đang giằng co trong việc cho Mỹ mượn căn
cứ U-tapao, nói là để cơ quan NASA đặt trạm nghiên cứu khí hậu. Trong khi nhiều năm qua Thái Lan và Hoa Lục đã hợp tác chặt chẽ về
quốc phòng, huấn luyện, bán vũ khí, giúp Thái Lan phát
triển dự án giàn phóng hỏa tiễn DGI-1G trị giá 1.5 tỉ bạt, Thái Lan gửi
sĩ quan đi học về tàu ngầm ở Trung Quốc, tập trận chung với Hải Quân
Trung Quốc mới đây tại bờ biển Quảng Đông. Theo Reuters, Bắc Kinh và
Bangkok triển khai nhiều chương trình hợp tác văn
hóa, giáo dục trong nhiều năm qua. Hiện tại, khoảng 800,000 người Thái
đang theo học tiếng Trung Hoa. Hoa Lục đã xây dựng hoàn tất 12 trường
nghiên cứu về Khổng Tử tại Thái Lan. Thái Lan hiện giờ ”như tấm lụa đào phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.” Trong chuyến công
du đầu tiên của nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra tới Bắc Kinh mới đây, khi hội kiến với Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, bà hy vọng con số ngoại thương với Hoa Lục từ 65 tỉ sẽ tăng lên 100 tỉ vào năm 2015. Đúng là tiền bạc có thể làm thay đổi tình cảm của con người.
Do
yếu tố địa lý, Việt Nam và Phi Luật Tân chịu áp lực nặng nề nhất từ
phía Hoa Lục. Những chuyển động mới đây nhất của Hoa Lục khiến Việt Nam
và Phi Luật Tân không còn lựa chọn nào khác là tăng cường quốc phòng và
chuẩn bị đón nhận tình huống xấu nhất. Khác với Phi Luật Tân là phải đi
cầu viện ở nước ngoài, Việt Nam thì nghiến răng chịu đựng và âm thầm
chuẩn bị, dùng bang giao quốc tế như một phương tiện để củng cố lập
trường và vị thế của mình. Rõ ràng thái độ của Phi Luật Tân và Việt Nam
là “tử chiến” nhưng bề ngoài vẫn chủ
trương tuân thủ luật pháp quốc tế và theo đuổi biện pháp hòa bình. Hoa
Lục cũng tuyên bố như vậy nhưng hành động không phải là hành động “bồ câu”
mà là hành động của chó sói mà cả thế giới đều thấy rõ. Đối với quân
Hung Nô năm xưa cũng như Phát Xít Đức, Quân Phiệt Nhật mới đây, sự
nhượng bộ là hình thức đầu hàng. Chắc chắn Con Khủng Long Bắc Kinh không
bao giờ từ bỏ tham vọng bành trướng. Trong tình hình hiện tại, Hoa Lục
chưa tấn công Việt Nam hay Phi Luật Tân nhưng cuối năm nay khi Hàng
Không Mẫu Hạm Thi Lang hoàn chỉnh và tiến vào Biển Đông, nó sẽ là thảm
họa cho Việt Nam và Phi Luật Tân và là cơn ác mộng cho Đông Nam Á nói
chung. Nếu Hoa Kỳ còn do dự, chưa đưa hàng không mẫu hạm tới, chưa kịp
triển khai lực lượng tại Đông Nam Á thì cơn ác mộng sẽ xảy ra. Lúc đó
Hoa Kỳ sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử thế giới về sự tồn vong
của Á Châu.
Đào Văn Bình
(California 21/6/2012)
No comments:
Post a Comment