25 October 2011

Phiếm luận

 Vạn Tuế !

Tiếng vẳng vẳng "Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế" ở phòng khách vọng lên phòng mỗ đang làm việc. Chắc lại có ai coi phim Chệt. Nhà như cái mắt muỗi nên chỗ ngủ cũng là nơi làm việc. Mà có sao đâu, miễn là làm được việc thì tốt rồi. Nhỏ to thì cũng vậy. To rồi cũng hết. Nhỏ rồi cũng hết. Có cái gì là muôn năm vạn tuế đâu. Thế nhưng đại đa số thì thích cái to cái dài, cái lâu bền vĩnh viễn.

Nói một cách chữ nghĩa thì biểu mọi chuyện là vô thường. Có đó rồi mất đó. Trong cái đồ sộ nguy nga đã hàm chứa những vết vữa nứt như ngôi đền Taj Mahal là một trong những ngôi đền đẹp nhất thế giới., xây cách đây hơn 400 năm bằng cẩm thạch ở Ấn Độ, chạm trổ công phu, tuyệt hảo,  hiên đang được báo động sẽ sụp đổ nếu như không được trùng tu đúng mức.

Mọi sự đều qua đi theo thời gian, cái nguyên lý sờ sờ trước mắt vẫn không có nhiều người tin, vẫn còn nhiều người cố bám vào cái-phải-qua-đi mà tin chắc như bắp rằng đó là vĩnh cửu. Có lẽ vì lợi lộc riêng tư lớn quá, quyền lực mạnh mẽ quá, danh vọng rực rỡ quá không từ bỏ được. Muammar Gaddafi thống trị Libya từ 1969 tính ra đã được 42 năm vậy mà đối với ông ta dường như vẫn chưa đủ. Cái chết của Muammar Gaddafi không biết có làm cho những người muốn cái-phải-qua-đi trở thành vĩnh cửu phải suy xét lại hay không nữa.

Lại có những người cha làm chủ tịch nước thì mình cũng phải làm chủ tịch nước, thâu tóm quyền lực trong tay và nay lại muốn trao truyền ngôi cao cho con sau khi mình chết. Kim Jong-il, lãnh tụ tối cao Bắc Hàn, khi cha chết năm 1994 đã lên kế vị cho đến nay đã được 17 năm và đang chuẩn bị cho con trai nắm những chức vụ then chốt. Ông này kể ra khá hơn Gaddafi vì còn biết có một ngày nào đó mình sẽ chết hay ít ra không còn đủ sức để cáng đáng việc nước, cái việc được ông ta coi như việc nhà.

Có nơi lại coi việc nước như việc đảng, việc của phe nhóm. Lấy tiền của đất nước ra tô thắm cho đảng. Họ biểu "Đảng CSVN quang vinh muôn năm". Đảng tự nhận là người tiên phong của giai cấp công nông, nhưng càng ngày càng xa rời quyền lợi giai cấp công nông. Đảng tự phong mình là người duy nhất có quyền quản trị đất nước dựa vào cái bùa hộ mạng chuyên chính vô sản. Có nhóm nào dám ho hoe tranh quyền lãnh đạo đất nước với đảng, Đảng tìm cách xóa sổ trên bàn cờ chung.

Mà rõ ràng đang có những phản lực chống lại những nhóm người cố đấm ăn xôi. Những phản lực này lớn lên và bộc phát theo từng vùng. Cách đây hơn hai chục năm đã xẩy ra tai Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và một loạt các nước Đông Âu. Nay phản lực này đã quật khởi  tai Bắc Phi: Tunisie, Ai Cập, mới đây tại Libya, và đang xẩy ra tại Syria ....

Nói về chính trị thì đây là việc sắp xếp lại trật tự mới cho thế giới. Nói về xã hội thì đây là những vận động tất yếu của lịch sử hướng tới việc thiết lập các chế độ dân chủ, một xu hướng tự nhiên của các cộng đồng mà người dân đã ý thức về quyền lợi của mình.

Vùng còn lại sẽ có biến chuyển, trước mắt là Đông Nam Á.trong đó còn ba nước độc tài đảng trị: Tàu Cộng và hai nước bi Tàu nô dịch là Bắc Hàn và Việt Nam CS (Lào và Campuchia không đáng kể). Cuộc vận động đổi mới ở đây khó xẩy ra riêng lẻ. Một cuộc nổi dậy ở VN chẳng hạn, khi Bắc Kinh còn mạnh, sẽ bị dập tắt ngay. Có rất ít cơ may Mỹ ra tay can thiệp. Mỹ chẳng bao giờ đụng thẳng khi quyền lợi trực tiếp của họ chưa bị tấn công. Nhưng Mỹ chắc hẳn đang đứng sau lưng Ấn Độ, nước có nhiều mâu thuẫn với Tàu Cộng từ ngày Mao-Chu xua quân chiếm Tây Tạng năm 1952 và gây cuộc chiến biên giới chiếm một phần lãnh thổ của Ấn năm 1962. Hiện nay Bắc Kinh có nhiều động thái cho thấy Hoa Lục đang tìm cách bao vây Ấn qua đám quân phiệt trước đây ở Miến Điện và nhóm cầm quyền nghiêng ngả thủ lợi ở Pakistan.

Với một suy nghĩ khác có khi không phù hợp với ước mơ của người Việt tự do, thì VN và Bắc Hàn không quan trọng. Nhân tố khởi động và dẫn lực là ở Hoa Lục. Giải quyết xong cái ung nhọt độc đảng ở Hoa Lục thì hai nước nhỏ lệ thuộc tất xong, kể cả Lào, Campuchia.

Có phải là một hão huyền khi nghĩ rằng Hoa Lục một ngày không xa sẽ biến thành một nước dân chủ hay một chùm những nước dân chủ? Câu trả lời là không. Không phải là một mơ mộng hão huyền. Vì:

Một là Đảng CS Hoa Lục đã tạo đầy dẫy những bất công và đang chuốc lấy hận thù ngày càng chồng chất cả từ trong nước và từ các nước láng giềng. Hai là người dân những xứ này đã ý thức về quyền hạn của mình chỉ có thể được đảm bảo trong một thể chế dân chủ. Ba là thể chế độc tài ít có khả năng tự biến chuyển, thế nên phản lực càng lớn sẽ gây nên bão tố. Bốn là Bắc Kinh đang thực sự đụng vào những quyền lợi không thể nhân nhượng của khối tư bản.

Xu hướng dân chủ ví như một dòng sông tự điều hòa lưu lượng có thể có một vài khúc cuồng lưu nhưng nói chung chảy êm xuôi. Áp đặt một chế độ độc tài trên một đất nước tựa như dùng gạch đá cây cối chận lối nước chảy, sẽ có ngày bị nước cuốn phăng đi kéo theo luôn hai chữ quang vinh và muôn năm.

Điền Thảo
10.2011

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...