13 October 2011

Cải tổ chính trị cần tiến hành song song với cải cách kinh tế

Nguyễn Tấn Dũng Xây Dựng
Nền Kinh Tế Khát Tiền
Nguyễn Quang Duy

Khai mạc Hội Nghị Ban Chấp hành trung ương, ngày 6/10/2011, Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lại đang có những khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Vì vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương dành thời gian thích đáng cho nội dung này.” Lý do triệu tập Hội Nghị xác nhận đảng Cộng sản đang gặp bế tắc trong việc điều hành nền kinh tế Việt Nam.

Trong lời khai mạc Ông Trọng còn tiết lộ đã có những khác biệt ý kiến trong Bộ Chính Trị về việc điều hành kinh tế của Thủ Dũng đến độ phải công khai mang ra bàn thảo: “Vừa qua, các báo cáo, tài liệu của Ban cán sự đảng Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; đã lắng nghe, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của các ngành và các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học. Bộ Chính trị cũng đã dành một ngày để nghe và cho ý kiến. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn và rất hệ trọng, không ít nội dung còn có ý kiến khác nhau …”

Ông Trọng đề nghị Ban Chấp hành trung ương: “cần trả lời câu hỏi, hiện nay kinh tế - xã hội nước ta đang ở đâu; đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất chưa; xu hướng sắp tới thế nào ? Nhận định, đánh giá chuẩn xác tình hình và dự báo đúng xu hướng phát triển là căn cứ rất quan trọng để có quyết sách đúng.” Ông còn tự hỏi “Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm.” Câu nói cho thấy chính cá nhân ông cũng không còn tin tưởng vào khả năng điều hành kinh tế của Thủ Dũng. Ông còn xác nhận những phân hóa trầm trọng đang xảy ra giữa 14 thành viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam.

Kinh Tế Thị Trường Chỉ tồn tại dưới Thể Chế Dân Chủ

Kinh tế và Chính trị là hai lãnh vực luôn gắn bó bên nhau. Thể chế chính trị dân chủ vì dân do dân và của dân. Vậy phải chăng nền kinh tế tự do cũng là của dân do dân và vì dân ? Đúng vậy kinh tế quốc dân là tổng hợp tài sản, cả vật chất lẫn tinh thần, của tất cả các thành viên sống trong cộng đồng quốc gia. Do đó sự phát triển của một nền kinh tế là từ thành quả đóng góp của mọi thành viên và vì lợi ích chung của cộng đồng dân tộc. Dân có giàu thì nước mới mạnh.

Ông Adam Smith đưa ra lý thuyết về một nền kinh tế lý tưởng, ở đó mọi cá nhân được hòan tòan tự do quyết định và hành động kinh tế để tối đa lợi ích cá nhân. Ông tự ví kinh tế tự do như cánh tay vô hình tạo nên sự thăng tiến xã hội.

Trên thực tế quyền lợi và quyền lực cá nhân lại là động cơ thúc đẩy con người hành động. Cá nhân lại thường quên đi hay không biết đến quyền lợi của xã hội và của các thế hệ tương lai. Từ suy nghĩ ích kỷ dẫn đến họat động kinh tế không mang đến lợi ích tối ưu, mà có khi còn làm hại cho xã hội. Thị trường tự do lý tưởng không tồn tại trên thực tế.

Xã hội càng tiên tiến thì những mặt trái của thị trường tự do càng bộc lộ. Từ đó chính phủ được giao cho trách nhiệm điều chỉnh các yếu kém của thị trường tự do nhằm mang lại lợi ích tối ưu cho cộng đồng dân tộc. Dưới thể chế dân chủ người dân sẽ tự do chọn lựa người đại diện để bảo vệ và tranh đấu cho quyền lợi của mình.

Thể chế dân chủ cũng phát sinh hệ thống truyền thông độc lập và chuyên môn, thông tin các sai sót của thị trường tự do để chính phủ và cá nhân nhanh chóng giảm thiểu mối nguy hại đến xã hội.

Chính vì thế nền kinh tế thị trường phải được xây dựng trên nền tảng của một thể chế dân chủ. Vì thế trong cùng hòan cảnh và điều kiện, nước nào càng dân chủ thì dân tộc đó càng thịnh vượng văn minh.

Kinh Tế Kế Họach Hóa Cộng Sản

Ngược lại với thể chế dân chủ là độc tài tòan trị cộng sản. Ở đó mọi quyết định xuất phát từ một cá nhân (Stalin, Mao Trạch Đông …) hay từ một nhóm người (Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng…). Trên lý thuyết mọi người được nhà nước cộng sản lo cho từ miếng cơm, manh áo, đến giáo dục, công việc làm, thậm chí cả việc dựng vợ gả chồng sinh con đẻ cái.

Trên thực tế cá nhân thường ích kỷ quên đi, hay thiếu nhận thức được quyền lợi của xã hội và của các thế hệ tương lai. Và khi nhà nước quyết định mọi vấn đề thì các cá nhân cũng mất đi động lực thăng tiến, họ trở thành thụ động, không muốn tiến thủ, sống bám vào xã hội, dần dần đưa đất nước đến suy thoái khủng hỏang. Cán bộ đảng viên thì lạm dụng quyền lực vơ vét tài sản quốc gia và kết quả là sụp đổ tòan bộ hệ thống như đã xảy ra tại Đông Âu và Liên Sô. Một vài quốc gia còn bị cộng sản chiếm đóng như Việt Nam cũng đang bước vào con đường sụp đổ.

Mô Hình Trung Cộng

Cuối thập niên 1970, Trung cộng đã bắt đầu áp dụng một mô hình cởi mở kinh tế nhưng vẫn xiết chặt guồng máy chính trị. Mô hình này khởi đầu bằng việc Trung cộng cho thiết lập một số khu chế xuất với vốn đầu tư nước ngòai sử dụng nguồn lao động rẻ, tập trung cho xuất khẩu.

Từ đó đến nay nhà cầm quyền Trung cộng luôn tìm mọi cách để trợ giúp tối đa cho việc xuất khẩu. Cụ thể nhất là việc kềm giữ đồng Nguyên (nhân dân tệ). Nhờ nỗ lực này hàng Trung cộng rẻ hơn thực giá để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hàng hóa sản xuất và xuất khẩu đã tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Việc gia tăng xuất khẩu lại tạo ra một cán cân thương mãi thặng dư. Thặng dư này lại được đầu tư vào các ngành công nghệ xuất khẩu tạo thêm công ăn việc làm và cứ thế họ cho là phát triển bền vững và ổn định.

Thế nhưng việc giữ giá đồng Nguyên làm giá hàng sản xuất rẻ hơn thực giá dẫn đến việc tài nguyên thiên nhiên bị tận dụng và nhân công đã không được bồi hòan lao động, tiền lương rất thấp. Nói cách khác phương cách điều hành kinh tế của Trung cộng là lạm dụng tài nguyên và bóc lột lao động.

Vì được nhà nước bảo trợ, các nhà sản xuất mất đi động lực cạnh tranh về lâu dài chỉ còn khả năng sản xuất các mặt hàng rẻ tiền kém phẩm chất. Ngược lại hàng hóa nhập cảng phẩm chất cao thì lại mắc hơn thực giá, dẫn đến việc người dân chỉ được tiêu thụ các hàng hóa nội địa kém phẩm chất, hàng tồi, hàng xấu, hàng độc hại. Cũng chính vì những lý do trên hầu hết các quốc gia phát triển đã cho thả nổi đồng tiền để hàng hóa nước họ được tự do giao thương trên thị trường quốc tế và ngược lại. Giữ giá đồng tiền là một phương cách lỗi thời đã được đào thảo từ ba thập niên qua.

Mô hình kinh tế Trung cộng dẫn đến hai hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thứ nhất Trung cộng cạn kiệt tài nguyên và nhu cầu nguyên nhiên vật liệu cần cho sản xuất càng ngày càng gia tăng. Thứ đến để tiếp tục gia tăng sản xuất Trung cộng bằng mọi cách phải giữ các thị trường sẵn có và tìm mọi cách xâm chiếm các thị trường mới. Sẵn bản chất bá quyền Trung cộng trở nên một mối đe dọa cho nền kinh tế tự do và hòa bình thế giới.

Thặng dư về ngân sách và ngọai thương đã dẫn đến việc giới cầm quyền địa phương vay mượn nợ công để đầu tư vào các công trình thiếu thực tế. Nhiều công trình lớn đựơc hòan tất nhưng phẩm chất kém hay không mang lại các lợi ích thiết thực cho xã hội. Nhiều tài nạn đã xẩy ra trên các tuyến đường sắt cao tốc nói lên đựơc thực trạng kỹ thuật Trung cộng. Nhiều thành phố được xây dựng không người ở, mặc dù dân Tầu vẫn thiếu nhà ở phải chui rúc trong các khu ổ chuột. Nhiều Tập Đòan kinh tế cũng được thành lập từ tiền vốn chính phủ và đều họat động không mang lại những lợi ích thiết thực cho quốc gia. Thậm chí lại lỗ và trở thành gánh nặng quốc gia.

Các công trình càng lớn, các tập đòan càng to thì việc tham ô của công càng lớn. Khỏang cách giữa cán bộ giàu có và người dân nghèo khổ càng ngày càng mở rộng. Mọi đầu tư, mọi tập đòan, mọi kỹ nghệ lại tập trung vào các thành phố lớn đào sâu khỏang cách chênh lêch phát triển giữa nông thôn và thành thị. Khi kinh tế càng tăng tốc thì bất công, bất mãn, chống đối càng gia tăng và guồng máy chính trị phải sử dụng bạo lực trấn áp.

Vì áp dụng mô hình này tình trạng tại Việt Nam còn tệ hại hơn và như Việt Nam Trung cộng đã trở thành một trái bom chưa biết nổ lúc nào.

Chiến Tranh Kinh Tế Hoa Kỳ - Trung Cộng

Việc Trung cộng kềm giá đồng Nguyên ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại các quốc gia tiêu thụ hàng hóa nước này. Việt Nam cũng định giá thấp đồng tiền nhưng vì thiếu ngọai tệ nên ít khả năng hơn.

Theo ước tính so với Mỹ kim đồng Nguyên được định giá thấp hơn chừng 20 đến 40 phần trăm. Trong khi ấy đồng Việt lại chỉ trong vòng trên dưới 10 phần trăm. Đây chính là lý do hàng hóa Trung cộng đã giết chết nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Sống cạnh nước lớn các nhà họach định kinh tế luôn cần quan tâm đến mọi thay đổi của nước lớn. Vì các thay đổi này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc gia của mình.

Ngày 11/10/2011 vừa qua, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua Đạo luật giám sát tỷ giá giao dịch tiền tệ. Đạo luật này cho phép chính phủ Hoa Kỳ áp dụng thuế quan trên các sản phẩm nhập cảng vào Hoa Kỳ từ các nước định giá thấp đồng tiền của họ. Đạo luật này chủ yếu buộc Trung cộng phải tăng giá đồng Nguyên để cạnh tranh công bằng trên thị trường hàng hóa Hoa Kỳ. Nếu được Hạ Viện thông qua Đạo luật này sẽ làm giảm số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, như thế sẽ giảm sản xuất, giảm nhân dụng và giảm mức độ tăng trưởng Trung cộng.

Việt Nam cũng định giá thấp đồng Việt nên cũng sẽ bị chi phối bởi Đạo Luật này. Trong vòng 5 năm qua, Trung cộng còn sử dụng Việt Nam như một cửa khẩu để chuyển hàng của họ ra thế giới tự do. Nhiều mặt hàng dán nhãn sản xuất tại Việt Nam nhưng thực ra là hàng hóa được sản xuất bên Tàu. Tình trạng này càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh cáo sẽ trừng phạt Việt Nam vì những gian dối nói trên.

Cho đến nay một số đại gia tư bản đỏ được đảng Cộng sản ban phát đặc quyền đặc lợi vì thế hàng hóa xuất nhập Việt Nam đều nằm trong vòng kiểm sóat của chúng. Bọn này lại ích kỷ chạy theo lợi nhuận cấu kết với ngọai nhân phá họai nền ngọai thương Việt Nam. Nếu bị Hoa Kỳ trừng phạt, chế độ cộng sản tại Việt Nam sẽ sớm sụp đổ. Chỉ khổ cho các doanh nhân lương thiện và đồng bào sống nhờ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Kinh Tế Việt Nam Một Nền Kinh Tế Khát Tiền

Trước năm 1990, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào ngọai viện và vay mượn từ khối cộng sản. Năm 1990, khi Liên Sô và Đông Âu sụp đổ đảng Cộng sản quyết định quay lại thuần phục Trung cộng, áp dụng mô hình phát triển Trung cộng, đồng thời dựa vào vay mượn và đầu tư quốc tế để sống còn.

Thủ Dũng chính là người đã được đảng Cộng sản giao trọng trách áp dụng mô hình Trung cộng vào Việt Nam. Thủ Dũng bắt đầu làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phụ trách tài chính của đảng năm 1996. Sau đó được đưa lên giữ chức Phó Thủ tướng Thường trực và Chủ tịch Hội đồng Tài chính - Tiền tệ, kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Rồi Thủ Tướng đại diện đảng Cộng sản trong việc điều hành nền kinh tế Việt Nam.

Các lãnh đạo cộng sản trước đây mặc dù cũng lệ thuộc Trung cộng nhưng ít ra còn biết lắng nghe, còn nhận thấy mối đe dọa của Trung cộng, họ cũng chưa đến nỗi vô cảm để bịt mắt trước nỗi thống khổ của người dân và chưa dám công khai tuyên bố bán nước.

Trong lần tiếp Đại sứ Trung cộng Khổng Huyễn Hựu vừa qua, Thủ Dũng công khai tuyên bố “Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển kinh tế ngày nay.” Vốn ân sâu nghĩa nặng với Trung cộng, vốn thấm nhuần tư tưởng Trung cộng, thiếu trí tuệ lại mang bản chất độc tài Thủ Dũng đã biến Việt Nam thành một tỉnh nhỏ và nghèo của Tàu. Sau hơn một nhiệm kỳ Thủ Tướng, Tấn Dũng đã đạt những chỉ tiêu vĩ mô của một nền kinh tế khát tiền.

Mức bội chi ngân sách nghĩa là thiếu tiền cho Thủ Dũng chi tiêu. Tiền thuế của dân, tiền bán tài nguyên quốc gia, tiền vay mượn từ dân từ ngọai quốc không đủ để chi trả cán bộ đảng, nhà nước, tập đòan công ty quốc doanh và những công trình chi tiêu hòanh tráng nhưng chẳng mang lại lợi ích thiết thực cho dân.

Đã thiếu tiền, ngày 6/7/2011, Thủ Dũng lại vừa ban hành Quyết định 1081/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội. Thủ Dũng dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư thời kỳ 2011-2015 là từ 1.400 – 1.500 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương ứng khoảng 69-70 tỷ USD); và khoảng 2.500 – 2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110-120 tỷ USD) thời kỳ 2016-2020.” Tiền này chính yếu là vay mượn từ Trung cộng.

Nằm trong quy họach này ba cây cầu vượt ở Mai Dịch, Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng sắp bị phá bỏ. Cả ba chỉ mới được xây xong trong vòng 5 năm đổ lại, với trị giá gần 5,000 tỉ đồng tương đương với 250 triệu Mỹ kim, nay sẽ bị đập bỏ. Vô cùng lãng phí tài sản quốc gia.

Cũng nằm trong quy họach, ngày 10/10/2011, Tân Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng loan báo Tập đoàn Cơ khí Đường sắt Trung Quốc (CREC) sẽ khởi công xây dựng tuyến tàu điện trên cao trị giá trên 550 triệu Mỹ Kim tại Hà Nội. Theo Tân Hoa Xã khoản tiền đầu tư này là do chính phủ Trung cộng cho vay.

Phát biểu trong lễ khởi công, ông Thăng cho biết sẽ sớm họp với chính quyền Hà Nội để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong việc thực hiện dự án tàu điện trên cao này, nhất là "giải phóng mặt bằng". Thế ra dự án này và tòan quy họach thành phố Hà Nội là quyết định của Thủ Dũng. Quốc Hội không cần thông qua, chính quyền địa phương chưa đồng ý, dân chúng địa phương không đựơc tham khảo. “Giải phóng mặt bằng” ít nhiều sẽ dẫn đến việc cướp đất của dân và như thế chiến tranh giữa Thủ Dũng và bọn tay sai với dân chúng Hà Nội sẽ nổ ra. Có áp bức sẽ dẫn đến đấu tranh. Biết đâu đây sẽ là chìa khóa cho Cách Mạng Hoa Lài tại Việt Nam.

Nhắc đến Hà Nội lại nhớ đến Đại lễ “Ngàn Năm Thăng Long”, Triều đại Thủ Dũng cũng được tiếng là thời kỳ của “hoan lạc”. Chả thế nhà cầm quyền cộng sản đã chi ra hằng chục tỷ Mỹ Kim để mua vui Quốc Khánh Trung cộng. Có vui người dân mới vô tư quên đi nợ nần đang càng ngày càng chồng chất. Lại là nợ từ Trung cộng “kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam”.

Như người viết đã trình bày trong bài “Nguyễn Tấn Dũng: Tập Đòan Tư Bản Đỏ”, Thủ Dũng chính là ngừơi đã khai sinh ra hằng lọat các Tập Đòan Tổng Công Ty kiểu Trung cộng họat động thiếu hiệu quả, đầy tham ô và lãng phí. Từ đó dẫn đến nợ nước ngoài và nợ công càng ngày càng chồng chất. Kẹt nỗi Thủ Dũng không thể in tiền Việt Nam để trả nợ quốc tế. Thiếu ngọai tệ là thiếu khả năng thanh toán quốc tế, trong trường hợp Vinashin, Tấn Dũng thành tên qụit nợ.

Xây dựng một nền kinh tế là phải xây dựng niềm tin của dân, của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Tấn Dũng lại quá tự tin vào tài in tiền đồng. Tiền càng in thì càng mất giá. Lạm phát phi mã lại làm mất niềm tin vốn đã rất ít.

Rồi xuất cảng thì chỉ tập trung vào hàng hóa rẻ tiền và nguyên nhiên liệu thô. Trong khi ấy lại phải nhập cảng những hàng hóa cao cấp phục vụ các Tập Đòan Tư Bản Đỏ, cán cân ngọai thương đâm ra thâm hụt.

Đặc biệt là hàng hóa của Trung cộng đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Hằng năm cán cân giao thương giữa hai nước nghiêng về phía Việt Nam đến hàng chục tỷ Mỹ Kim. Đó là con số thống kê, số thực tế cao hơn nhiều. Nhiều tỉnh ở cực Bắc Việt Nam sử dụng đồng Nguyên làm phương tiện thanh tóan chính thức. Lý do chính do thiếu Mỹ Kim dự trữ và như thế thiếu khả năng để kềm giá đồng bạc Việt Nam. Trong năm qua Việt Nam đã phải nhiều lần phá giá đồng tiền.

Thiếu khả năng cạnh tranh đầu tư ngọai quốc vì thế cũng sút giảm. Đầu tư còn lại đa phần đến từ Bắc Phương Trung cộng. Càng nhận tiền đầu tư từ Trung cộng Việt Nam càng lệ thuộc và càng chóng bị đồng hóa bởi Bắc Phương.

Hết sức khách quan trong vòng 5 năm đổ lại nền kinh tế Việt Nam đã hòan tòan bị khống trị bởi người Tàu. Từ hàng hóa tiêu dùng, đến nhà máy sản xuất, đến công trình khai thác tài nguyên, công trình đầu tư, đều do người Tàu chủ động. Người Việt mất cả công ăn, việc làm và đang thất thế ngay trên chính quê hương của mình.

Việt Cộng Chưa Bao Giờ Họach Định Kinh Tế Tự Do
Được đào tạo và làm việc trong nghành kinh tế, người viết tự tin để nói rằng Việt cộng chưa bao giờ có chính sách để họach định kinh tế tự do.

Họach định kinh tế vĩ mô là họach định ngắn hạn, sáu tháng đến hai năm. Muốn họach định cần phải dựa trên những phân tích và tiên đóan chính xác về tình hình kinh tế xã hội chính trị và quốc tế. Chính sách vĩ mô muốn có hiệu quả cần được đưa ra từ cả năm trước thì mới có thể điều hướng được các chỉ tiêu vĩ mô. Mọi thay đổi tại Việt Nam chủ yếu phát xuất từ 14 cái đầu rất hẹp chỉ thấy sai thì sửa, sửa vẫn sai, sai lại sửa, sửa rồi lại sai, càng sửa càng sai. Trong 14 cái đầu này cái đầu hẹp nhất là đầu của Thủ Dũng, tiếc thay cái đầu này lại được đảng Cộng sản giao cho điều hành nền kinh tế Việt Nam.

Chưa có khả năng họach định vĩ mô, làm sao những cái đầu chỉ biết tranh giành quyền lực chính trị lại có thể họach định kinh tế vi mô. Họach định kinh tế vi mô là họach định thế chiến lược cần người biết nhìn xa nhìn rộng cần viễn kiến.

Như đã nói ở phần trên kinh tế là của dân do dân và vì dân, vì thế khi đã mất đi niềm tin của dân là đã mất đi khả năng họach định. Giới cầm quyền Việt Nam cuối cùng chỉ lo chống đỡ để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của họ. Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.

Cải Cách Vi Mô

Trở lại với Hội Nghị Trung Ương Đảng nói ở đầu bài và theo tạp chí VNEconomic hôm 30 tháng 9 thì Việt Nam cần có một cuộc đổi mới thứ nhì. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết nếu cuộc đổi mới lần thứ nhất đã giúp cho Việt Nam thoát được cảnh đói nghèo triền miên của thời bao cấp, thì cuộc đổi mới lần thứ hai được coi là nhu cầu bức thiết để giúp Việt Nam thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính đang cận kề.

Được Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Cuộc đổi mới lớn nhất đã đem lại cho Việt Nam các bước phát triển vượt bậc như trong thời gian vừa qua. Nhưng đến nay thì những động lực đó không còn đủ nữa, và trong thời gian qua thì Việt Nam thấy rõ là gặp thách thức lớn. Vì vậy cho nên đợt đổi mới lần hai này là cần phải gắn liền với việc cải cách guồng máy nhà nước, gắn liền với cải cách các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khác. Cũng như cải cách quản lý về tài nguyên, về đất đai của đất nước để cho nền kinh tế phải nâng cao được hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao hơn.” Nói vắn tắt Việt Nam cần cải cách vi mô (microeconomic economic reform)

Cải cách vi mô thật sự rất cần thiết cho Việt Nam. Đây là phương cách để mang nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi mô hình Trung cộng. Vấn đề ở đây là làm như thế nào để tối ưu lợi ích xã hội.

Trong bài này người viết chỉ xin đưa ra vài vấn đề. Cải cách vi mô sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của hằng chục triệu người đang làm việc trong các khu vực được cải cách. Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi hòan, an sinh và huấn luyện lại tay nghề cho những người kém may mắn bị mất việc ? Làm như thế nào để cải cách vi mô ? Nếu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì tiền có được là tài sản quốc gia sẽ được sử dụng như thế nào ? Trả nợ, lo cho người bị mất việc ?

Hay chỉ vì Thủ Dũng đang khát tiền nên bán rẻ tài sản quốc gia để chi tiêu hoang phí trong các công trình hòanh tráng không mang lại lợi ích thiết thực cho dân. Tệ hại nhất là tài sản quốc gia lại biến hóa thành tài sản cá nhân lọt vào tay các tư bản đỏ như Thủ Dũng và gia đình. Có thêm tiền bọn chúng lại có thêm quyền lực và dân Việt lại tiếp tục sống trong gông cùm của thiểu số nắm được quyền lực.

Trong lần đổi mới trước đây, Ông Trần Xuân Bách nhấn mạnh việc cải tổ chính trị cần tiến hành song song với cải cách kinh tế: “…vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.” Mặc dù ông Bách chỉ đề nghị cải cách chính trị trong nội bộ đảng Cộng sản, ông hòan tòan không chủ trương đa đảng và dân chủ tam quyền. Thế nhưng đảng Cộng sản đã chọn “tấp tểnh đi một chân” để cuối cùng gặp Thủ Dũng một tên buôn dân bán nước thuộc lọai đê tiện nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trước đây Tiến sỹ Lê Đăng Doanh và nhiều trí thức Việt Nam đã báo động về tình trạng xâm thực kinh tế của người Tàu. Trong guồng máy cộng sản hy vọng ông Doanh và giới trí thức đều nhận ra nguyên nhân vì không có dân chủ. Vì không có dân chủ người dân đã không được chọn lựa những người có khả năng xây dựng một nền kinh tế do dân vì dân và của dân. Vì vậy việc tối ưu không phải là cải cách kinh tế mà chính là thay đổi hệ thống chính trị. Có tự do có dân chủ Việt Nam mới có thể thóat khỏi cơn khủng hỏang và vươn lên để hòa nhập với cộng đồng thế giới.

Cứu nước cứu dân hay cứu chế độ cộng sản là câu hỏi mỗi chúng ta cần phải tự trả lời.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
13/10/2011

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...