04 October 2011

Đời nay nếu ta muốn sống phải hết sức mạnh mà ta hững hờ thì tất diệt.

Hôm nay chúng tôi muốn thưa chuyện cùng quý thính giả về 3 vấn đề :

1) Cố Giáo Hoàng John Paul II và Vấn Đề Tôn Giáo
2) Âm Mưu Thâm Hiểm Của Giới Cầm Quyền Bắc Kinh
3) Thái độ của chúng ta với Trung Cộng

I) – Cố Giáo Hoàng John Paul II và Vấn Đề Tôn Giáo

Chúng tôi nghĩ rằng Cố Giáo Hoàng John Paul II nên được gọi là John Paul The Great mới phải vì trong hơn 26 năm ở ngôi vị Giáo Hoàng, Ngài đã đến viếng thăm khoảng 120 quốc gia với một sứ điệp thật rõ rằng : « Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã là một giáo hội của Tình Thương, Bác Ái, Công Bằng và là Giáo hội của người nghèo ». Nhưng qua tang lễ của Cố Giáo Hoàng thì : Chúng ta đã thấy Rome với tất cả sự hoành tráng và vĩ đại của mình, cho nên Giáo hội Công Giáo chưa chắc đã là một giáo hội của người nghèo khó và bị áp bức trên toàn thế giới này ; ấy là chưa kể đến việc tang tế Cố Giáo Hoàng lại gợi nhớ lại nhiều thời kỳ đắng cay đã từng xảy ra trong quá khứ giữa Rome (thần và thế quyền) với rất nhiều vùng trên thế giới. Cho nên việc bầu chọn một vị Giáo Hoàng mới có thể để lộ ra một loạt các mâu thuẫn bên trong lòng của Rome giữa hai khuynh hướng : Một là tiếp tục mạnh dạn tiến bước theo con đường mà Giáo Hoàng John Paul II đã làm, hay trở về với truyền thống độc tôn của Giáo hội đã được thiết lập từ thời Giáo Hoàng tiên khởi Peter đến giờ này. Nếu khuynh hướng thứ nhất được chọn thì một Hồng y ở châu Phi sẽ trở thành Giáo Hoàng kế nhiệm, nếu khuynh hướng thứ hai được chọn thì một vị Hồng y gốc Ý hay Ðức sẽ lên ngôi Giáo Hoàng. Chúng tôi không đặt nặng việc chọn lựa vị Tân Giáo Hoàng từ các nơi khác như tại Nam Mỹ hoặc Phi Luật Tân, mặc dù số tín đồ Công Giáo ở Nam Mỹ lên đến gần 400 triệu, chỉ riêng ở Phi thôi, số tín đồ Công Giáo đã lên đến 50 triệu. Nhưng giáo hội tại các nước này tỏ ra bảo thủ và hoàn toàn sống xa cách với môi trường chung quanh, cho nên nếu Hồng Y đoàn chọn một vị Hồng Y từ hai nơi này thì đó là một bước thụt lùi thật đáng tiếc.

Trong điều kiện của thế giới ngày nay, thì dường như Giáo hội không có nhiều chọn lựa ngoài việc tiến mạnh nữa trên con đường mà Giáo Hoàng John Paul II đã vạch ra, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hợp nhất sâu rộng hơn nữa, thiết thực hơn nữa đối với các tôn giáo khác, mà quá khứ lịch sử đã để lại nhiều mâu thuẫn giữa các tôn giáo với nhau và cũng là giữa loài người với nhau.

Lịch sử loài người là lịch sử của sự hợp nhất, tôn giáo cũng chẳng đi ra ngoài quy luật lịch sử khách quan được, cho nên sự hợp nhất giữa loài người với nhau nhằm phục vụ con người, với tính cách là con người đích thực cũng là mục tiêu tối hậu của loài người nói chung. Vì vậy, nếu bất cứ tôn giáo nào, chính quyền nào cố tình xa rời hoặc từ bỏ mục tiêu tối hậu này thì tôn giáo ấy, chính quyền ấy sẽ bị đào thải chẳng thương tiếc bởi chính loài người.

Thế giới đang ở trong một khúc quanh rất quan trọng trong quá trình chuyển hoá của mình, nhằm đặt nền tảng cho một xã hội Nhân Chủ Pháp Trị trên quy mô toàn cầu, trong đó mọi chủng tộc, mọi quốc gia, mọi văn hoá đều có chỗ đứng tương xứng dưới ánh mặt trời. Cho nên, bất cứ khuynh hướng phân liệt nào đều không được thế giới chấp nhận. Trong điều kiện của Giáo Hội Công Giáo hiện nay, thì các Hồng Y trụ cột hẳn nhiên hiểu rõ là Giáo Hội Công Giáo cần thực hiện các bước tiên phong, nhằm xoá bỏ các tồn đọng do lịch sử để lại một cách kiên quyết, cho dù với nhiều thương đau. Nhưng thử hỏi : Giáo Hội có còn con đường nào khác không ? Do đó, sứ mệnh của vị Giáo Hoàng kế vị sẽ trở nên rất nặng nề vì cái bóng của Cố Giáo Hoàng John Paul II quá lớn. Giáo Hội Công Giáo trong thời gian tới đây có lẽ phải tiến hành các hành động cụ thể (thay vì chỉ là các lời nói thông qua các cuộc viếng thăm) nhằm thuyết phục các tôn giáo khác, cùng nhau thực hiện các cải cách để từng bước tiến đến chỗ cùng hiệp thông với nhau và thoả thuận với nhau về các nguyên tắc cư xử, để mọi tôn giáo đều cùng đóng góp vào việc hoàn thiện con người, song song với các nỗ lực từ phía các chính phủ cũng đang ngày càng trở nên hợp nhất hơn, để cùng đi đến một chính phủ toàn cầu. Việc này chắc chắn sẽ xảy ra chỉ trong nửa đầu thế kỷ 21 này mà thôi.

Nếu không cam đảm nhận lãnh sứ mệnh ấy, mọi tôn giáo có thể sẽ bị mất hết vị trí trong lòng nhân loại trong một tương lai nào đó vì : Ai biết rõ là trong các phòng thí nghiệm nào đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu cái gì ? Cái gì đấy sẽ có khả năng làm đảo lộn thế giới về mọi mặt chứ nói gì đến tôn giáo. Cho nên, đây là lúc mà các tôn giáo đều đang gặp phải một cuộc khủng hoảng chung nhất : Ðó là sự mất mát niềm tin về Thần Linh nơi con người, (Hồi Giáo cũng không cưỡng lại sự mất niềm tin này) cộng thêm với đà tiến triển của khoa học đang phát huy cao độ, thì đây là lúc các tôn giáo phải quyết tâm làm một cái gì đó cho loài người trong tương lai. Công Giáo phải là người đi tiên phong, vì dù muốn hay không ở trong vị thế của mình, Giáo hội Công Giáo “được” mặc nhiên coi như là đại diện cho tiếng nói tinh thần của toàn nhân loại.

Cái gì đấy có lẽ nên bắt đầu bằng cách hình thành một tổ chức hợp tác giữa các tôn giáo mang tính toàn cầu. Ðây cũng là nơi trao đổi các quan điểm về các vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần của con người, để dần dà đi đến chỗ hợp tác với nhau sâu rộng hơn và hợp tác với thế quyền trên quy mô toàn cầu, nhằm hình thành một lớp công dân mới mang tính toàn cầu. Một việc làm như vậy sẽ từng bước xoá nhoà các mâu thuẫn còn tồn tại do quá trình tiến hoá của con người để lại.

Một việc khác cũng có thể tiến hành ngay mà không gây ra các hệ luỵ liên quan đến các việc giải thích các giáo lý hay giáo luật : Ðó là các tôn giáo hãy đóng góp của cải vật chất của các giáo hội vào việc cứu vớt những người nghèo khổ hiện đang gia tăng trên quy mô lớn do đà phát triển công nghiệp như vũ bão. Xét cho cùng ra thì Chúa Trời, thánh Allah, Ðức Phật, Chúa Giê-Su hay giáo chủ Mohamet đều có thiện ý muốn cứu vớt loài người khốn khó cả ! Tất cả các giáo hội hiện nay đang bị trói buộc chặt chẽ đến độ phi lý và phi đạo lý nữa, bởi chính các giáo luật do con người đặt ra. Nếu tất cả các tôn giáo cứ bị đắm chìm trong các câu thúc ấy, thì tôn giáo ngày càng ít được chấp nhận hơn, vì tôn giáo đã cố tình xa rời con người để trở thành các công cụ phục vụ cho các điều luật do chính con người đặt ra. Của cải vật chất nên được coi là phương tiện phục vụ con người, chứ không phải là phương tiện nhằm xác định quyền uy của mình đối với kẻ khác. Khi nghĩ như thế hoặc hành động như thế, hoặc hành động theo kiểu xác định rằng mình nghĩ như, thế thì bất cứ tôn giáo nào cũng đang tự mình hạ thấp mình xuống như những kẻ tầm thường.

Thực ra thì tài sản của Giáo Hội từ trung ương đến địa phương rất lớn. Việc sở đắc các tài sản ấy cũng bị dị nghị bởi các giáo dân có tinh thần cấp tiến, (giáo dân cần phân biệt tích sản của Giáo Hội Công Giáo với ngân sách điều hành Vatican hằng năm) cho nên Giáo Hội Công Giáo nên đi tiên phong, dấn thân thêm nữa trong việc giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật. Trong thế giới hiện nay thì vấn đề bệnh AIDS ở Châu Phi đang trở thành thách đố về mặt đạo đức đối với toàn nhân loại. Giáo Hội Công Giáo có thể đóng góp rất nhiều công sức vào việc ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Hành động cụ thể xuất phát từ tâm của Giáo Hội Công Giáo, sẽ từng bước giải quyết các mâu thuẫn còn tồn đọng trong lòng nhân loại một cách toàn diện, mà không cần phải tốn nhiều công sức để thương thuyết hoặc dẫn giải này nọ. Ðiều này cũng làm cho Giáo Hội trở nên nhân ái hơn nữa, dễ chấp nhận hơn nữa và cơ hội hoà hợp giữa các tôn giáo với nhau là điều có thể làm được.

Tương lai của Giáo Hội Công Giáo lệ thuộc chặt chẽ vào việc định một hướng đi mới cho Giáo Hội Công Giáo, nhằm đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng một xã hội Nhân Chủ, nhân ái thực sự trên quy mô toàn cầu.

Ước mong tất cả các tôn giáo trên thế giới này sẽ mãi mãi là tôn giáo của tình thương yêu, bác ái, khoan hoà.

Lê Văn Xương
**
Xin đọc tiếp phần hai ở post ngày mai.

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...