09 September 2011

Tiễn biệt đồng môn Lại Tình Xuyên

Cánh Bằng Đã Gặp Bóng Mây
Đỗ Tiến Đức

Đám già chúng tôi lại vừa mất thêm một người bạn thân qúi. Tin báo về Lại Tình Xuyên đã qua đời khiến bạn bè ai cũng bàng hoàng gọi điện thoại hỏi thăm nhau mà không ai biết gì hơn vì điện thoại của Lại Tình Xuyên không ai nghe. Nhưng không ai dám nghĩ cái bản tin ngắn ngủi từ một đồng môn ở Seattle gởi đi là tin thất thiệt. Thế rồi điện thoại reo, tôi bắt lên, chưa kịp “alô” thì đã nghe tiếng òa khóc của chị Xuyên như tiếng vỡ của chiếc độc bình cổ từ tầng cao rớt xuống : “Anh Đức ơi, anh Xuyên mất rồi. Anh Xuyên bỏ chúng ta mà đi rồi”...

Thôi, Lại Tình Xuyên của chúng tôi mất thật rồi. Nay đọc Cáo phó tôi mới biết Lại Tình Xuyên sinh năm Tuất, thọ 78 tuổi và anh có pháp danh là Quảng Bảo Lộc chứ trước đây có khi nào hỏi nhau bao nhiêu tuổi hay theo đạo gì... Ba năm trước, Lại Tình Xuyên gửi cho tôi bài thơ có câu mà tôi linh cảm là điềm gở thì nay đã thành sự thật : “Ta cánh chim bằng đợi bóng mây”...

Tôi ngồi thẫn thờ chịu đựng dưới sức nặng của biết bao nhiêu những ý nghĩ lộn xộn xưa và nay cộng với biết bao nhiêu là hình ảnh cũ, kỷ niệm giữa tôi vả Xuyên, là hai thằng “đồng môn” của những hai trường là Học viện Quốc gia Hành chánh và “Đại học nhân dân” tức trại tù cải tạo cộng sản.

Nhớ lại những gì mà những ngày nằm bên nhau trong trại tù cải tạo Z30D Hàm Tân, Xuyên kể cho tôi nghe thì anh quê ở Thái Bình. Anh bỏ ra Hà Nội sớm và gia nhập tổ chức Quân Thứ Lưu Động khi vưà 18 tuổi. Theo lời chàng tâm sự thì lúc đó chàng quen được một “em” cũng quê ở Thái Bình, là nữ sinh Hà Nội. Thế rồi Hiệp định Geneve được ký kết, chàng chưa biết rồi đây vận nước sẽ biến chuyển ra sao và đưa đẩy tới đâu, nên chàng tiên quyết là phải có “em” đi chung trên bước đường đời của chàng. Thế là trong lúc thiên hạ hối hả lo di cư vào Nam thì đám cưới của chàng và nàng diễn ra. Chú rể Lai Tình Xuyên 20 tuổi và cô dâu Phạm Mai Trang 19.

Khi cái gia đình nhỏ bé họ Lại này vô Nam tìm tự do thì nơi dừng chân đầu tiên là Nha Trang. Lại Tình Xuyên xin vào làm cán bộ thông tin tại đây, ít lâu sau đổi ra Qui Nhơn, làm việc với ông Trưởng Ty Đoàn thế Nhơn tức Nhà văn Võ Phiến. Hai người trở thành bạn tâm giao từ đó. Mỗi khi có dịp rời Seattle xuống thăm miền Nam Cali thì một địa chỉ mà Xuyên không bao giờ quên là tư gia Nhà văn Võ Phiến dù khi ông ở thành phố Los Angeles hay sau này ông bà rời xuống thành phố Santa Ana.

Theo lời Lại Tình Xuyên kể lại thì với ý chí tiến thủ, anh chàng đã bỏ việc, bỏ Qui Nhơn đưa vợ vào miền Nam lập nghiệp. Xuyên đã trở lại với sách đèn trong lúc mưu sinh bằng nghề gõ đầu trẻ ở Mỹ Tho và Bến Tre. Năm 1961 Xuyên trúng tuyển kỳ thi cho Khoá 10 vào Học Viện Quốc gia Hành chánh. Và nhiệm sở đầu tiên của Xuyên là Bộ Xây Dựng Nông thôn do tướng Nguyễn Đức Thắng làm Tổng trưởng. Rồi Xuyên bị gọi theo học khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Rồi Xuyên được biệt phái về làm Phó quận trưởng Bình Chánh, Quảng Xuyên, Cần Giờ trước khi qua Kế Toán cục Trung ương, giữ chức Thanh Tra cho đến ngày 30 tháng 4, 1975. Cũng theo lời Xuyên thì sở dĩ anh ngồi một nhiệm sở chính là để có thì giờ cho anh theo học Đại học Luật Khoa Sài gòn. Anh đã hoàn tất chương trình Cao học Công pháp. Tiếc thay, khi anh chuẩn bị soạn luận án tiến sĩ thì miền Nam sập tiệm khiến anh “chuyển trường” tới học “làm con người mới xã hội chủ nghĩa” từ Trảng Lớn tới Phú Quốc rồi Z30D Hàm Tân rồi trại Kiên giam Z 20A ngoài Bình Định, tổng cộng thời gian theo “học” là bẩy năm.

Theo lời chị Xuyên kể thì cả đời chị không thể quên những chuyến lặn lội thăm chồng nơi tù ngục trong lúc chị phải thay chồng kiếm cơm nuôi 7 đứa con nheo nhóc. Kỷ niệm mà chị nhớ nhất là một lần đi thăm anh ở trại tù Z30D Hàm Tân. Trước ngày đi thăm, mẹ con chắt chiu từng đồng bạc vừa đi mua mì khô sắn lát, bột Bích Chi vừa làm mắm làm ruốc, muối vừng đậu phọng, đầy chặt một túi để nuôi anh hy vọng sống còn... Lễ mễ xách túi đồ vào nhà thăm nuôi, ngồi chờ chồng trong hồi hộp không biết anh gầy ốm ra sao, chị cứ ngóng vào phía cổng trại chờ đợi. Chờ cho đến khi mọi người vợ thăm nuôi chồng đã vui sướng trao được cho chồng những gói qùa và đã ra về, chỉ còn chị ngồi với lòng dạ bồn chồn lo lắng. Cuối cùng thì cán bộ ra, báo cho chị hay chuyến thăm nuôi của anh bị cắt bỏ. Chị nói : “Tôi oà khóc ngay, anh ạ. Tôi không biết sự thực thế nào mà bị cắt thăm nuôi. Anh ấy có sao không nữa ?”. Chị nói tiếp : “Tôi kéo lê gói qùa từ cổng trại, dọc theo con đường rừng ra tới quốc lộ để đón xe về Sài gòn mà tôi thấy túi qùa nặng ơi là nặng”.

Nghe chị nói, tôi nhớ ngay chuyến thăm hụt đó của Lại Tình Xuyên vì hai chúng tôi nằm sát bên nhau trong cùng một “lán”. Mổi người chỉ có 60 phân, “tang tư vật” ca cóng để trên đầu chỗ nằm, nên tay chân hai đứa khi ngủ say gác lên nhau là chuyện bình thường. Bữa đó Xuyên từ nhà thăm nuôi quay vào trại với tay không, mặt lầm lì, cái cằm bạnh thêm ra do hai hàm răng nghiến chặt. Tôi hỏi : “Bà xã không lên hả ?”. Xuyên gật đầu : “Có”. Tôi ngập ngừng hỏi, nhưng mới bay ra khỏi miệng tiếng “Thế sao...” thì Xuyên giải thích ngay : “Bọn chó không cho mình ra gặp. Nó hoạnh hoẹ mình tại sao thấy nó mà không bỏ mũ ra, tại sao mặt mũi thể hiện sự bất mãn, không hồ hởi phấn khởi gì hết”.... Tôi an ủi lấy lệ :

“Không tiếp tế được cho ông thì bà ấy mang về cho các con ông xơi. Tôi nghe ông nói về con nhiều hơn về vợ thì hẳn là ông sẽ vui khi chúng nó có túi qùa mà mẹ nó xách về cho chúng nó chứ”. Buổi tối, nằm chờ ngủ, Xuyên nói : “Tội nghiệp cho bà ấy, khi về sẽ tha hồ lo lắng không hiểu mình có chuyện gì không mà không ra hay không được ra gặp”.

Một lúc sau, Xuyên vẫn chưa quên vụ “chúng nó” cúp buổi thăm nuôi của anh. Anh nói : “Mình thấy cái giáo dục của miền Bắc hỏng hết rồi, hỏng một cách tệ hại vì rõ ràng là cái ác đã chiếm ngự trong nhân sinh quan của họ. Phải làm cho người khác đau khổ thì chúng nó mới thấy chúng nó có giá trị”.

Theo Lại Tình Xuyên thì những tên bộ đội công an non choẹt thích hành hạ tù cải tạo này chỉ đáng thương hơn đáng trách. Cái đích nhắm của Xuyên chính là Hồ chí Minh, kẻ đã tạo ra cái chế độ ngu dân, hủy diệt truyền thống nhân ái, đạo đức của dân tộc vì tham vọng ngông cuồng muốn được tôn thờ như Phật như Chúa.

Tôi nhớ, có lần đội của chúng tôi phải ra làm vệ sinh khu vực nhà thăm nuôi ở ngoài cổng trại tù. Họ cất một căn nhà không vách giữa rừng để làm chỗ cho thân nhân người tù cải tạo tới gặp chồng con khi nào có giấy cho phép. Nhưng họ cất nhà mà không làm nhà vệ sinh. Vì thế, các bà có nhu cầu là phải chạy vào các lùm cây bụi cỏ gần đó để giải quyết. Chỉ vài ba tuần là cả khu vực đó khai thối nồng nặc và mỗi lần có cơn gió là giấy dơ bay tung khắp nơi.

Đội chúng tôi được cán bộ và vệ binh dẫn ra “hiện trường”, phân chia nhiệm vụ cho mỗi tổ. Một lát sau, bọn tù chúng tôi ra hiệu cho nhau nhìn tên vệ binh đang cầm trên tay miếng băng vệ sinh phụ nữ mà hắn vừa nhặt ở đâu đó. Thắc mắc của chúng tôi là không hiểu lý do mà hắn ngắm nghía cái băng vệ sinh đã dơ bẩn đó một cách chăm chú đến như vậy. Rồi hắn biết chúng tôi nhìn hắn. Hắn làm mặt quan trọng, vây chúng tôi tập họp quanh hắn. Hắn đưa cao miếng băng vệ sinh lên, dõng dạc hỏi : “Các anh có biết cái này là cái gì không ?”. Bọn đàn ông miền Nam chúng tôi thì ai mà không biết đó là cái băng vệ sinh, nhưng tên nào cũng làm cái mặt thộn ra một đống. Thấy chúng tôi không trả lời, hắn dõng dạc nói : “Các anh không biết thì cũng phải thôi. Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa gọi cái này là cái khẩu trang”. Hắn đắc ý nhìn chúng tôi tiếp : “Bác Hồ khi đi thăm đồng bào thường đeo cái khẩu trang này để giữ vệ sinh răng miệng đấy”. Bọn tù chúng tôi gật gù ra điều “hiểu”. Hứng chí, hắn tiếp tục “lên lớp” với những người đều xứng đáng là thầy học của nó : “Cái khẩu trang này dính máu, chứng tỏ có anh nào đeo khẩu trang lái xe rồi bị ngã xe, chảy máu miệng đấy”. Lần này thì không thể nín được, chúng tôi phá lên cười. Tiếng cười của chúng tôi qủa đã kích thích hắn nên hắn hùng hồn hẳn lên : “Cái anh bị ngã xe này cần phải kiểm thảo, bởi vì các anh nhìn đây, nhìn kỹ đây (hắn giơ cái băng vệ sinh lên cao hơn cái mặt của hắn). Anh này lãng phí qúa, vì cái khẩu trang chỉ dính có tí máu răng máu miệng gì đó mà bỏ nguyên cả cái khẩu trang. Tại sao không cấu lấy chỗ bông trắng để cất để dành sau này dùng vào lần khác cơ chứ !”. Thế là anh vệ binh thực hiện ngay lời anh ta vừa nói, cất cục bông gòn từ cái băng vệ sinh bỏ vào túi áo trên.

Xong công việc, trên đường đi vào trại tù, tôi không nghe Xuyên nói gì. Đến tối, nằm bên nhau, Xuyên mới lên tiếng : “Cái anh Hồ chí Minh này dù có bị đào mồ cuốc mả cũng không đền hết tội. Nó ngu dân tới mức này thì rồi dân tộc Việt Nam ra sao đây”. Tôi để ý nhiều lần, mỗi khi có những vệ binh công an quản giáo làm điều sằng bậy, Lại Tình Xuyên không mạt sát những người này mà chỉ qui trách Hồ chí Minh.

Ở trong tù, Xuyên và tôi còn một điểm giống nhau là không hút thuốc trong khi hầu hết anh em đều hút. Không có thuốc lào thì các anh ấy ngắt dây chùm bao, lá rau rền già phơi khô để thay cho thuốc rê. Cũng dễ hiểu thôi là vì cuộc sống trong tù buồn bã tới mức tuyệt vọng vì tù mà không có bản án nên khác nào cảnh cô gái than thở khi phải vâng lời cha mẹ lấy một người do ép duyên “chim vào lồng biết thuở nào ra”.

Một đêm, dường như kiếm chuyện để nói cho qua thì giờ, tôi hỏi Xuyên : “Sao tên ông nghe như nhân vật trong sách Tầu thế nhỉ”. Xuyên cười khà khà rồi ê a đọc thơ :
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Hán Dương sông tạnh cây bầy
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non.
Xuyên nói tiếp : “Ông biết rồi chứ gì. Đó là thơ Thôi Hiệu và Tản Đà dịch. Sau này tôi dùng bài Hoàng hạc Lâu này đặt tên cho các con tôi. Ba thằng con trai tên là Anh Vũ, Hán Dương, Minh Thụ... Con gái có chữ Phương như Phương Liên, Phương Hạnh...”. Tôi thú thực với Xuyên rằng tôi rất dốt thơ Tầu vì theo tôi, tôi không cảm được cái hay của nó khi nó được diễn tả bằng một ngôn ngữ khác ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi.

Xuyên cười khẩy : “Tiếng mẹ đẻ của ông qua cái miệng mấy thằng Cộng sản bây giờ ông cảm thấy ra sao ?”.

Tinh thần chống Cộng sản trong Lại Tình Xuyên phải nói là vô cùng mãnh liệt. Trong cái chống Cộng đó, tôi biết ở Xuyên là nỗi lo cho sự suy đồi của văn hoá và đạo đức. Theo chị Xuyên cho biết, vào tháng 8 năm 1982, Xuyên được thả khỏi trại tù, về nhà cơm không có ăn nhưng Xuyên chỉ đau đáu tìm cách đưa vợ con ra khỏi nước để các con anh thoát khỏi cái văn hóa nô bộc cộng sản.

Vào năm 1985, tình cờ gặp lại một người bạn tù tên là Ngạn, ở Rạch Giá, đang chuẩn bị thuyền bè vượt biên. Vì mến phục Xuyên trong những ngày tù chung nên Ngạn rủ Xuyên đi mà không phải trả một “cây” nào. Xuyên cảm động nhưng ý nghĩ đầu tiên của anh khi có tin mừng đó lại là con trai anh. Hán Dương là người con thứ tư, đang bị công an phường săn lùng bắt vào Thanh Niên Xung Phong nên phải trốn chui chốn nhủi. Gia đình phải biến cái hộc bàn rút bỏ ngăn kéo, chỉ giữ cái mặt ngoài của những cái ngăn kéo để tạo vẻ y như cũ, từ đó một khi công an đập cửa là cu cậu bị nhét vô cái hộc đó. Đến ngày đã hẹn với Ngạn, Lại Tình Xuyên đưa con xuống Rạch Giá, nói với Ngạn cho cháu thế vào chỗ của anh. Cảm thông được tấm lòng của người cha thương con quên cả thân mình nên anh Ngạn đồng ý cho hai bố con Xuyên cùng lên ghe ra biển.

Sau này nghe Lại Tình Xuyên kể, khi chiếc ghe đến Thái Lan, bị lính Thái Lan đuổi, phải men theo bờ đi xuôi xuống phía Nam. Khi đến đảo Bidong, chiếc ghe cũng bị đuổi. Tạm đậu ở ngoài xa, anh Ngạn nhảy xuống biển, định bơi vào bờ gặp quan chức Mã Lại để xin tỵ nạn. Chẳng may một cơn sóng lớn đã cuốn Ngạn, tung lên vùi xuống khiến anh chỉ còn là cái xác khi dạt vô bờ tự do.

Năm 1986, hai bố con Lại Tình Xuyên tới Mỹ, định cư tại Seattle. Cháu Phương Liên kể rằng bố kiếm được việc làm, lương không bao nhiêu nhưng bố dành dụm gửi về cho mẹ cho chúng cháu vượt biên. Vì không đủ tiền nên chúng cháu không đi chung được. Anh Vũ đi trước. Phương Hạnh nói tiếp, nhưng không được may mắn nên bị bắt nhiều lần, cuối cùng đi đường bộ qua Cam Bốt tới Thái Lan. Mẹ cháu và các em nhỏ thì sang Mỹ do bố làm hồ sơ bảo lãnh. Riêng cháu lập gia đình năm 1983, có hai con nên mãi năm 1996 mới qua do bố bảo lãnh. Nhờ Trời, cả nhà được đoàn tụ tại Seattle.

Trong đám bạn bè chúng tôi thì Lại Tình Xuyên qủa là con mọt sách. Anh sống khắc khổ, kín đáo, chọn bạn mà chơi nên ít người được nghe anh tâm sự. Anh cũng ít rời gia đình đi đây đi đó, thường chỉ giao thiệp qua máy computer và điện thoại. Hình như con người này sau những phấn đấu không ngưng nghỉ mà không đạt được những mơ ước nên giờ đây đang độc hành vào cõi bình yên của Đường thi và của âm nhạc cổ điển Tây phương để tìm sự lãng quên...

Mãi tới cuối năm 2009, Lại Tình Xuyên mới báo tin sẽ xuống Nam Cali tham dự buổi phát hành báo Xuân Thời Luận. Tôi đã tổ chức bữa ăn gồm những đồng môn Quốc gia Hành chánh với Xuyên như Nguyễn Đắc Điều, Hoàng Trọng Nghĩa, Lưu Văn Trang và Nguyễn Ngọc Liên. Suốt buổi hôm đó, lạ thay, chúng tôi không nói về ngôi trường Hành chánh thân qúi của chúng tôi mà chỉ nói chuyện tù cải tạo. Đó là những chuyện đã hằn sâu vào tim vào óc chúng tôi. Đó là những cảnh địa ngục mà chế độ tự nhận là “khoan hồng nhân đạo” muốn chúng tôi phải chết tức tưởi mà không do viên đạn hay lưỡi dao của Cộng sản. Chúng tôi quên làm sao được chuyển ra trại tù Phú Quốc trên con tàu HQ 501 chở hàng ngàn sĩ quan, ngồi như nêm trên sàn tàu. Trước khi bị lùa vào miệng con tàu, Đảng đã phát cho mỗi người chúng tôi mấy túi cơm sấy và mấy túi nước. Để ăn, để uống, để dùng mấy túi nylông đó là đái vào, ỉa vào rồi đặt dưới chân chứ không được mang đi nơi nào khác. Vài ba ngày sau thì nước cứt nước đái dình lên ngập mắt cá chân mà cứ phải ngồi chịu trận.

Quên làm sao được ngày ở trại tù Hàm Tân có dòng suối chảy qua chứa đầy lá buôn mục nát cả ngàn năm. Hàng ngày cán bộ tắm phía trên, tù nữ tắm khúc giữa và tù nam tắm giặt giũ, rủa cuốc sẻng ở miệt dưới. Rồi cũng hàng ngày tù cải tạo múc nước suối ấy cho nhà bếp về nấu cơm sau khi quậy tròn nhiều vòng cho bùn đất lắng xuống.

Gặp những cảnh khốn nạn đó, nhiều người than thở nhưng riêng Lại Tình Xuyên thì không. Mỗi khi anh không hài lòng là tôi thấy cái cầm anh bạnh ra, ánh mắt anh sắc lại, nhưng anh không nói. Nhìn anh, tôi tưởng tượng cho anh mặc đồ võ phục thời xưa, đầu chít khăn, tay vung thanh kiếm thì không cần phải diễn xuất cũng đã thấy ngay một tráng sĩ Việt Nam buông bút nghiên, buông cầy cuốc lên đường chống Tầu xâm lược.

Tối hôm ấy tại nhà hàng Emerald Bay, Lại Tình Xuyên đã lên sân khấu, nói về tình bè bạn giữa tôi và anh, khen ngợi các con tôi và long trọng hứa rằng, hễ Thời Luận còn tổ chức ra mắt báo Xuân thì anh sẽ có mặt.

Nhưng đây là lần đầu tiên Lại Tình Xuyên thất hứa. Nhớ lại lần tay bắt mặt mừng ba năm trước, tôi đã thấy trên mặt anh phảng phất những nét buồn sâu thẳm. Lúc đó tôi cứ nghĩ đó là nỗi buồn của người gìa, khi nhìn thấy bạn già mới thấy mình gìa, mới thấy thời gian mà ông Trời dành cho mình chẳng còn được bao nhiêu nữa. Mà cái buồn đó cũng là cái buồn biết có bao giờ gặp lại nhau không sau buổi chia tay này...

Tôi điện thoại hỏi thăm thì chị Xuyên nói anh ấy khoẻ, ngày nào cũng đi bơi. Có lần chị nói anh bị bệnh dời leo. Có lần chị nói anh bị nhiễm trùng tai phải đi mổ. Hỏi Xuyên thì câu trả lời là : “Vẫn tốt thôi”. Xuyên vẫn làm thơ, vẫn viết những bài ngắn liên quan tới thời cuộc gửi cho các trang mạng, ký tên là Phùng Tường Vân. Một hôm, mở computer, tôi thấy e mail của Lại Tình Xuyên ngày 4 tháng 7 năm 2008 vỏn vẹn như sau nhưng dường như đã báo trước một điềm dữ:
Ngọa bệnh ngẫu cảm
thơ Lại Tình-Xuyên
Ngọa bệnh nằm co thấy chán thay
Ngoài song hoa động,nắng lung lay.
Bên thềm chim sẻ,chim di gọi
Ta cánh chim bằng đợi bóng mây.(*)

ltx
Rồi thì sự thật đã tới qua e mail của cháu Phương Liên :

“Hồi tháng 4, đang chở mẹ cháu đi chợ thì bố cháu gục xuống tay lái vì một cơn đau nhói buốt ở sườn bên phải, sau cơn đau đó, bác sĩ mới phát hiện ra là bố cháu đã bị Multiple myeloma, tức là ung thư bạch cầu và chính căn bịnh này đã làm bố cháu đau đớn trong xương.

Đang là một người khỏe mạnh và năng động, bố cháu bàng hoàng truóc tin dữ này, tinh thần ông sa sút từ đó...

Một tuần trước khi mất ông tụ tập các con các cháu quanh giường bịnh và nói "nếu bác sĩ không cứu được bố thì mẹ và các con đừng cản trở , hãy để cho bố đi..., sau đó bố cháu được tiếp morphine 24/24 và đã dần dần lịm đi sáng thứ bảy 3 tháng 9, 2011...”.

Trong lúc không thể làm được công việc gì, tôi gọi điện thơ Phương Liên, để một người mất bạn, một người mất bố hòa chung một nỗi buồn đầy ắp trong tim. Tôi bảo Phương Liên kể cho nghe những kỷ niệm về bố... Thế là khi thì cười, khi thì khóc, khi thì vừa khóc vừa cười theo những mẩu chuyện rời mà Phương Liên nói về ông bố thần tượng của cháu. Tôi nhớ cháu lời Phương Liên : “Một hôm bố dẫn cháu theo bố tới trường Luật. Bước vô sân trường, bố bảo cháu đứng đây chờ bố. Bố đi vào phòng học. Chờ đến mỏi chân mà vẫn không thấy bố đâu. Mãi mấy giờ sau, bố lững thững bước ra. Cháu muốn quạu rồi, hỏi “Bố làm gì trong đó mà lâu thế ?”. Bố trả lời : “Bố vô thi mà”. Phương Liên nói với tôi : “Hôm ấy cháu chờ bố qúa lâu, nhưng cuối cùng thì con cũng gặp bố... Còn lần này thì bố bỏ con bố đi luôn rồi”.

Thôi, vĩnh biệt Lại Tình Xuyên. Rất thương tiếc bạn, một người bạn trọn vẹn nghĩa tình bằng hữu. Mất bạn là coi như tôi cũng mất một phần đời vì những ngày trong trại tù Phú Quốc, Hàm Tân của tôi, vợ con tôi không ai biết, họ hàng thân thích của tôi không ai biết, chỉ có bạn biết thì nay bạn như “cánh chim bằng” và mây đã tới, đã mang bạn lên cao rồi.

Phương Liên ơi, cháu hãy thắp giùm chú nén hương trên bàn thờ bố, và nói với bố rằng dù ngàn trùng xa cách nhưng bố vẫn gần gũi với bạn bè, vẫn hiển hiện, vẫn về với bạn bè qua những bài cổ thi mà bố luôn ngâm nga :
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Hán Dương sông tạnh cây bầy
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non.
Đỗ Tiến Đức
_______________
(*) Chim bằng bay vạn dặm thường đợi những đám mây lớn tới rồi nương cánh mà bay theo - Trang Tử, Tiêu Dao-Du)

No comments:

Post a Comment