24 September 2011

Ba năm rồi mà vẫn như mới hôm qua

THƯƠNG NHỚ ANH LÂM THÀNH HỔ

* Nguyễn Văn Sanh (Úc Châu)

Tôi với anh LTHổ cách nhau hai lớp nhưng khác biệt tới 6 tuổi đời (tui nhỏ hơn) nên chẳng có quen thân. Có điều trong giới văn nghệ "cây nhà lá vườn" HC thì tôi có dịp hân hạnh được quen biết và giao tiếp với anh. Anh LTH sinh ngày rằm tháng 5 năm Quý Mùi (1943) tại xã Long Hiệp quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình). Đi học lấy tên LTH (nhưng ngày sinh đề là 7/6/1944). Anh có hai bút hiệu khác ngoài Lâm Thanh ra, đó là Hai Quẹo và Tư Hòn.

Thoạt tiên thì tôi được nghe một bài thơ rất độc đáo về thần dược Viagra do huynh trưởng TTTích đọc tại nhà anh Mai Khắc Toàn trong buổi họp mặt bỏ túi của quý anh CH2 ở Victoria thì ai cũng cười ngất nhưng chẳng biết tác giả bài thơ là ai. Mãi về sau anh Tích xì hơi ra cho biết là của nhà thơ tếu Tư Hòn (LTH). Từ đó ai cũng phục cái tài làm thơ tếu của anh Tư Hòn. Nhưng sau này anh dùng bút hiệu Hai Quẹo nhiều hơn với thể thơ Bút tre là sở trường của nhà thơ Hai Quẹo. Tôi xin ghi lại đây bài thơ lục bát trứ danh có tựa đề "Viagra" để ghẹo mấy ông già sồn sồn khoái lấy vợ trẻ, để quý anh chị thấy cái 'tếu' của nhà thơ Tư Hòn (LTH) mà anh gọi là Thơ Cù Ngoéo:

"Bữa nào ổng thiếu Viagra
Em nằm thao thức, thở ra, một mình
Khều khều, ổng cứ mần thinh
Em đành ôm gối để tình trôi sông
Lòng em hừng hực than hồng
Gừng già! Sao ổng chẳng nồng chẳng cay?
Trời cao có thấu nỗi này
Chồng già vợ trẻ có ngày dứt ... dây!"
Ngoài cái tài làm thơ ra, cái chính của anh là viết văn. Hầu hết anh viết về các đề tài miền Nam tựa như Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc. Những bài viết đầu tiên của anh trên Đặc san QGHC/Úc châu đã làm cho tôi cảm thấy ngất ngây vì anh viết về người đẹp ở xứ Buồn Muôn Thuở (Ban Mê Thuột) một cách thật lãng mạn và khát tình. Sau đó thì các Đặc san Xuân Tây Ninh hàng năm do anh Lê Tấn Tài (K13) chủ xướng lúc nào cũng có các bài văn, thơ anh đóng góp đã làm cho đặc san Xuân TN thêm phần khởi sắc.


Thời gian 2005 là năm tôi quen biết anh nhiều nhất. Có lần tôi xuống Sydney chơi với bạn bè thì được hân hạnh anh mời ghé nhà anh thăm. Thời đó chị Hổ (hiền thê trước của anh) đã lâm trọng bệnh và đã qua đời nên anh chỉ sống có một mình với hai đứa con trai. Anh có máu văn nghệ không thua ai, chẳng những văn chương thi phú mà cả đàn địch nữa. Trong nhà anh lúc đó cỏ treo cây đàn guitar, cây mandoline, sáo trúc... mà cái ngón thiện xạ nhất của anh chính là đàn mandoline. Hôm ấy anh đãi đàn em tụi tui một tiệc nhậu. Chỉ có 3 người là tôi, anh Hổ chủ nhà và bạn trẻ là ca nhạc sĩ Hoàng Tiến Nam (khóa đàn em HC từ VN sang thăm bà con và muốn xin ở lại Úc). Tôi thủ cây guitar, anh Hổ chơi dàn mandoline và HTNam hát. Cả ba cùng hoà tấu với nhau qua rất nhiều bản nhạc, từ nhạc cổ điển Tây Phương của các nhạc sĩ trứ danh trời Tây như Schubert, Chopin, qua các bản Serénade v.v... kể cả Giòng Sông Xanh của Johan Strauss anh cũng 'choi' luôn. Qua nhạc VN, các bản nhạc tiền chiến như Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương hay Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong v.v... anh đều chơi tuốt luốt. Bổ ba chơi đàn địch với nhau chẳng khác nào Bá Nha gặp Tử Kỳ nên chơi suốt tới nửa đêm mới về. Về sau bệnh hoạn nhiều, anh bỏ đàn treo trên tường làm kỷ niệm và chỉ chú tâm vào việc viết lách mà thôi.

Vào thời gian đó, anh chưa quen xử dụng 'computer' nên các bài viết của anh hầu hết là viết tay hoặc đánh máy với máy đánh chữ thường. Có khi anh viết tay gửi lên Brisbane cho tôi đánh máy lại như các bài viết về Nhạc sĩ Trúc Phương, truyện ngắn Nguồn Hạnh phúc, bài thơ 30 năm, Mừng Thọ 60 tự trào v.v... Điểm đặc biệt anh viết rất nhanh và dễ dàng như người ta ăn kẹo. Những bài thơ của anh về Đường Luật hoặc các thể loại khác đều rất tuyệt. Bên VN, người bạn thân chí cốt của anh luôn nhắc nhở đến anh là anh Trần Thi (K15) lúc nào cũng thăm anh từ xứ Buồn Muôn Thuở, có khi anh Thi điện thoại thăm anh LTHổ tại Sydney.

Cũng như bao anh em đồng môn khác đã bỏ nước ra đi với tâm tư khắc khoải Nước mất nhà tan, anh có gửi cho tôi bài thơ 30 Năm (không có trong tập Cõi Quê Cõi Nhớ).

30 năm

Từ tháng tư năm ấy
30 năm!
Biết mấy thương đau
Quê hương vẫn nhuốm màu sầu,
Phố phường vẫn đượm một màu máu tươi!
Xưa bỏ xứ đi,
Ba năm mới tới *
Bây giờ trở lại,
Một tối đến nơi.
Nửa vòng trái đất xa xôi,
Về thăm rồi cũng cuộc đời nát tan.-

Lâm Thanh
4/2005
Sau này anh dời về vùng Woy Woy ở, có biển sông sóng nước mênh mông vừa để chữa bệnh, vừa để xa lánh chốn phồn hoa đô hội, có lần vui ở tuổi 60 anh đã tự trào và có niềm lạc quan tin tưởng là sẽ sống khoẻ, sống lâu:

Mừng thọ 60 tự trào

Ba chìm, bảy nổi, chín long đong,
Sáu chục tuổi tròn vẫn... số không.
Ra phố nhiều người kêu Chú, Bác.
Về nhà đám trẻ gọi Cha, Ông.
Soi gương, tóc xoắn còn coi mượt,
Ngắm dáng, lưng bành chửa thấy cong
Ai bảo sáu mươi đà thọ (!) nhỉ ?
Tớ chừng bảy chục hẳn còn phong .

Lâm Thành Hổ
Cách đây hai năm, anh dẫn chị Hưởng (người vợ sau) ghé thăm gia đình tôi ở Brisbane. Anh chị ở lại dùng cơm tối và chúng tôi có thì giờ đàm đạo chuyện thơ văn một cách say sưa. Anh ăn uống rất dễ dàng, chỉ cần món cá kho tộ hay bát canh rau muống là anh cảm thấy ăn ngon miệng rồi. Thời gian ấy anh cũng bắt đầu bệnh nên ăn uống rất kiêng khem. Về sau bệnh nặng nên anh ít có dịp sinh hoạt với anh em HC chúng tôi trừ những người thật thân quen ở Sydney. Tuy vậy thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp nhau qua các bài viết trên web cũng như trao đổi email thăm hỏi với nhau. Có lần buồn quá anh bảo anh chẳng muốn tiếp xúc với ai nữa...

Gần đây ngày 24/05/2007, anh viết 'email' cho tôi và anh Ngô Văn Đượm (cựu TTKý/HCLB Úc) nói:

"Thân gởi nhị vị.

Kính gởi đến nhị vị để xem chơi. Bài viết đáng lẽ đã được đọc vào dịp ra mắt tập thơ SÔNG THƯƠNG NỖI NHỚ của bác nữ thi sĩ Đan-Phụng, nhưng vì bận quá không tham dự được, nên bỏ qua. Trong bài có một số ý-kiến cũ và một số ý mới. Toàn bài nói lên được tâm trạng của Bác ĐP, nên bác muốn cho in vô trong tập thơ. Tôi thì không thích và không dám đứng gần mấy VIP nổi tiếng, nên không cho vô, mặc dù chính tôi là người âm thầm lo đánh máy cả tập thơ cho bác. Bác đề nghị cho đăng báo, tôi cũng không thích. Nay gởi đến hai bạn để đọc chơi và hiểu thêm tâm trạng của Bác ĐP. Attach viết theo FORM VNI - Bài "Nàng Tiên thơ của Thi sĩ Đan Phụng". Thân mến.

Lâm Thành Hổ

* Ghi chú của người viết: (chúng tôi sẽ phổ biến bài này sau).
Có những khi anh Hổ thấy anh em mình "lộn xộn" quá nên cũng buồn bèn gửi cho tôi bài thơ bút tre đề tên Hai Quẹo với tựa đề là Chủ Dân với 3 câu cuối như sau:

"........................
Bên nhà thì có A.K
Bên nầy võ miệng ba hoa chửi hoài,
Biết rồi! Khổ lắm! Mình ơi"

Hai Quẹo 9/07
Và gần đây nhất cũng trong nỗi buồn đó, anh có bài thơ mới (22/08/08) với tựa đề "Thơ Cù Ngoéo của Hai Quẹo gửi Người bạn không quen" (thật ra thì anh quen lắm) với 3 câu cuối:


"...................

Bạn ơi! Bạn có giật mình
Khi nghe cù ngoéo vô tình ngoéo chơi?
Bạn à, cần stop! Xả hơi!!!"

Central Coast, OZ 6/2008
Sáng nay, tôi nhận được bản tin mới nhất từ anh Bùi Đức Hùng ở Sydney, được viết từ chiều hôm qua. Xin kính gửi đến quý anh chị để kính tường:


"Xin tường thuật vài nét sơ lược Tang Lễ Anh Lâm Thành Hổ:

- Ngày 04/10/2008: Từ lúc 4 giờ chiều. Lễ Nhập Liệm tại Nhà Quàn Trường An nằm ở Vùng Fairfield, NSW. Đây là Nhà Quàn mới mở, nhưng rộng rãi khang trang, đầy đủ tiện nghi. Tôi có đến nhìn mặt Anh Hổ lần cuối. Anh Hổ nét mặt xanh xao, gầy đi nhiều hơn so với lúc còn khỏe mạnh. Trên mu bàn tay phải có vết đỏ rất lớn, chắc là chỗ kim chích vào. Đôi môi Anh Hổ đỏ như bật máu ra, nhưng cố ngậm lại. Hai bàn tay chấp lên bụng, ập vào Tác Phẩm "Cõi Quê, Cõi Nhớ" của Anh để ngay trên bụng Anh, cuốn sách sẽ để luôn trong quan tài, đi theo Anh Hổ. Anh Hoàng Trường Tấn cho biết Anh Hổ chỉ còn đủ sức ký khoảng 22 cuốn sách. Đến cuốn thứ 23 thì ký không được nữa! CSV/QGHC đứng quanh quan tài nhìn mặt gồm có Anh Trần Văn Phan, Anh Trần Thiện Tích, Chị Đỗ Thị Anh, Anh Hoàng Trường Tấn và tôi (có thêm người em út của tôi cũng đến nhìn mặt Anh Hổ). Anh Phan nói đôi lời từ biệt. Tôi niệm Phật, cầu nguyện lớn tiếng, liên tục cho Anh Hổ được siêu sanh tịnh độ. Anh Hoàng Trường Tấn quay DVD lưu niệm;

- Ngày hôm nay, 05/10/2008: Từ 1 giờ 30 là Buổi Ra Mắt tác phẩm "Cõi Quê Cõi Nhớ" của Anh Hổ tại Nhà Hàng Hòa Bình, Fairfield. Có khoảng trên 300 quan khách đến dự. Sách bán rất nhiều. Anh Ngô Văn Đượm (QGHC) và Anh Nguyễn Văn Thiệu (Tây Ninh ĐHH) làm MC. Nghệ Sĩ trình diễn có: Đăng Lan, Thanh Xuyên, Thành Tâm, 2 người Úc. Diễn Giả: GS Nguyễn Văn Chấn, Bác Sĩ Nguyễn Thành Sơn, Anh Trần Văn Phan, Anh Võ Đại Sinh, Chị Hổ và em gái Anh Hổ. Khoảng 4 giờ chiều, lúc quan khách còn dự Buổi Ra Mắt này, toàn thể Anh Chị Em QGHC, theo lời nhắc nhở của Anh Nguyễn Văn Thực, đã đến Nhà Quàn Trường An để kịp dự Tang Lễ Anh Hổ;

- Cũng ngày hôm nay, 05/10/08: Từ lúc 4 giờ chiều. Tang Lễ Chính Thức của Anh Hổ. Các Thầy của Chùa Phước Huệ đến chủ trì tụng kinh cầu siêu và cúng cơm cho Tang Quyến. Sau phần tụng kinh và cúng cơm này, Anh Trương Công Thôi làm MC điều khiển Lễ Viếng Tang cho Đại Gia Đình CSV/QGHC. Trong phần tuyên đọc lời chia buồn, tôi có đem tờ giấy lên đưa cho Anh Thôi. Anh Thôi đã tuyên đọc lời phân ưu của anh Sanh và Hội QGHC/QLD.

Rất đông Quý Anh Chị tại NSW đến dự: Anh Thực, Anh Huân và khoảng 30 Anh Chị.

Từ Melbourne lên Sydney: Anh Võ Đại Sinh, Anh Lâm Hữu Xưa. Bạn học cùng lớp Tham Sự 1 có mặt đầy đủ: Trương Công Thôi, Đỗ Thị Anh, Nguyễn Văn Tâm. Em Gái Anh Hổ từ Việt Nam qua Úc trong những ngày cuối cùng của Anh Hổ: Chị Lâm Thị Dung.

Anh Nguyễn Đức Du đọc điếu văn và ngâm thơ.
Anh Nguyễn Văn Thiệu, Đại Diện Tây Ninh Đồng Hương Hội lên nói lời từ biệt Ông Phó Quận Phú Khương, Tây Ninh (Nhiệm sở cuối của Anh Hổ) và cũng là thành viên trong Tây Ninh ĐHH; Chị Đỗ Thị Anh với tư cách bạn học cùng lớp lên nói lời từ biệt và khóc rất nhiều; Anh Võ Đại Sinh với tư cách như một thành viên trong Tang Gia vì Anh coi gia đình Anh Hổ như là gia đình của Anh. Cuối cùng, chị Hổ và chị Dung cùng lên nói lời cảm tạ. Toàn thể Anh Chị Em QGHC cùng phối ngẫu đã lên chụp hình lưu niệm trước quan tài Anh Hổ cùng với Tang Quyến.

Buổi Tang Lễ rất trọng thể, trang nghiêm, chân tình và cảm động. Đại Gia đình QGHC ra về khoảng 5 giờ 30. Sau Lễ Viếng Tang của Đại Gia Đình QGHC, Tây Ninh Đồng Hương Hội có Lễ Viếng Tang riêng.

- Ngày mai, 06/10/08: Lễ Viếng Tang từ 4 PM đến... *PM;

- Ngày mốt, 07/10/08: Lễ Di Quan và Hoả Thiêu, dự trù vào buổi sáng. Anh Nguyễn Văn Thực sẽ đọc lời vĩnh biệt sau cùng Anh Hổ.

Vài hàng tường thuật để Quý Anh Chị rõ.

Thân kính - BDH”
Hôm nay 5/10/2008, nhân ngày ra mắt sách Cõi Quê Cõi Nhớ của anh tại Sydney nhưng buổi ra mắt sách lại vắng anh vĩnh viễn, tôi xin ghi lại những giòng này dể nhớ về một người anh văn nghệ rất thương mến đã ra đi. Tập thơ & Tạp bút Cõi Quê Cõi Nhớ của anh dày 370 trang. Phần đầu chứa đựng 47 bài thơ đủ thể loại với bút hiệu Lâm Thanh. Đặc biệt phần thơ "Cù ngoéo" anh lấy bút hiệu Hai Quẹo và Tư Hòn. Phần sau là 22 bài tạp bút với hai bút hiệu là Lâm Thanh và Hai Quẹo. Các bài thơ văn này có đăng rải rác một số trên web14 cũng như đặc san Xuân Tây Ninh. Trước ngày mất một tuần, anh còn điện thoại cho anh Phạm Cao Tùng (trưởng nam bác nữ thi sĩ Đan Phụng) và nhắn gửi lên anh em HC/QLD chúng tôi 10 quyển sách CQCN của anh. Chúng tôi ở Brisbane đã nhận được đầy đủ và phân phối xong chưa kịp chuyển chi phí đến anh thì anh đã ra người thiên cổ!

Trong niềm đau đớn của một đàn em mà cũng là đồng môn của anh, tôi xin có bài thơ sau gọi là một chút lòng thành trong ngày tiễn biệt anh lần cuối.

KHÓC ANH LÂM THÀNH HỔ

Anh đã ra đi biệt cuối trời!
Bèo mây tan tác ngậm ngùi trôi
Bao năm cung hiến đền ơn nước
Một phút ly tan trả nợ đời
Học Viện thẫn thờ chim lạc dấu
Đồng môn rươm rướm lệ chia phôi
Từ nay trên cõi đời dâu bể
Ngóng vọng còn đâu tiếng nói cười!
XIN ĐAU BUỒN GHI LẠI NHỮNG GIÒNG NÀY ĐỂ TIỄN BIỆT ANH VÀ THÀNH TÂM CHIA BUỒN CÙNG CHỊ HỔ CÙNG QUÝ TANG QUYẾN!

Nguyễn Văn Sanh
Ngày 7/10/2008
(Brisbane Úc châu)
_____________________

Nhắn các bạn ở bên Úc.
Có người hỏi mua 5 cuốn sách của anh Lâm Thành Hổ. Xin cho biết phải tiếp xúc với ai.
TTR đã cố liên lạc với các anh NVSanh và NTHà nhưng email bị trả về hay không nhận được hồi âm.

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...