19 September 2011

Đọc bài Văn hóa Xấu hổ, không thấy xấu hổ mà thấy tủi hổ

Cần phải học văn hoá xấu hổ

* Văn Quang – Từ Sài Gòn 


Một bạn đọc vừa đặt câu hỏi khá dài: “Thưa ông, xa quê lâu ngày tôi mới có dịp về VN trong tháng 8 vừa qua. Tôi có người em ở quận 5 mời về ở. Vừa vào đến đầu ngõ đã thấy cái bảng rất to đề hàng chữ “Khu Phố Văn Hoá”, thế là yên tâm được ở nơi yên tĩnh mát mẻ. Nhưng mọi con đường vào đều có hàng quán mọc la liệt, xe taxi phải đậu giữa đường vì hai bên xe gắn máy xếp lớp, đường bị lấn quá nửa, nhếch nhác lắm. Mấy chú thợ sửa xe tha hồ rồ ga, nẹt pô. Rồi hôm sau tôi phải khăn gói ra khách sạn ở vì cách đó 3 căn, nhà có đám ma, đêm trước tôi đã bị tra tấn bởi kèn trống nhạc sống, nhạc chết om sòm đến quá 1 giờ đêm. Cả nhà chú em tôi đều lắc đầu ngao ngán. Các cháu bé cũng không học hành, nghỉ ngơi gì được. Chú em tôi than có đám ma để luôn 5-7 ngày, đợi mấy người con ở nước ngoài về. Thế là mỗi ông về “báo hiếu” luôn một đêm kèn trống vang trời, mời ban nhạc về hát xướng liên miên, chơi luôn cả “kèn bú dích” và nhạc Trịnh Công Sơn. Hồi này nhạc Trịnh vắng ở phòng trà nhưng coi bộ còn ăn khách ở cả đám ma, chẳng hiểu có bị đòi tiền bản quyền không. Còn có cả ban xiếc làm trò để bà con xem “chùa”, cho ra vẻ… người nước ngoài về. Hầu hết nhà xung quanh đều điên đầu nhưng chẳng làm gì được, đành chịu trận. Chẳng ai buồn can thiệp.

Vài hôm sau, tôi đi thăm bà con, có dịp dạo một vòng quanh Sài Gòn, thấy “Phố Văn Hoá” mọc lên như nấm. Dường như tất cả các con hẻm, đường ngang ngõ tắt của thành phố này đều là phố văn hoá cả, phải không ông? Vậy văn hoá là gì? Tôi nhớ khi xưa xóm này còn nghèo, còn có nhà tranh nhưng đường sá luôn sạch sẽ, khang trang. Bây giờ nhà lầu, nhà ngói bề thế, đường sá rộng rãi hơn, vậy mà lại bề bộn, ồn ào, nhếch nhác, chật hẹp hơn xưa. Vài khu chung cư cũ xuống cấp trầm trọng, nhưng chẳng ma nào thèm ngó tới. Tình trạng đường sá nhà cửa bị lấn chiếm tơi bời, cứ như phố hoang, mạnh ai chiếm được cứ chiếm. Chiếm hết các đầu lô làm nhà riêng rồi chiếm tới hè phố, lấn chiếm luôn lòng đường, ôm luôn cột điện, lấn luôn trước cửa nhà người khác. Ông ở chung cư chắc biết nhiều hơn? Tình trạng “Phố Văn Hoá” kiểu này chắc chỉ ở VN mới có. Ông có thể giải thích cho chúng tôi biết tiêu chuẩn thế nào là được gọi là “Phố Văn Hoá” không? Cảm ơn ông.

(Trần Trung – Cabramatta)

Văn Quang Trả lời:

Thưa bạn Trung, bạn đặt câu hỏi tôi mới nhớ là tôi cũng đang ở trong “Phố Văn Hoá”, lâu nay tôi quên khuấy đi mất “niềm tự hào” này. Bạn hỏi đến tiêu chuẩn nào mới được gọi là “Phố Văn Hoá”, tôi cũng tịt luôn. Mấy người dân cần gì biết đến cái tiêu chuẩn ấy. Các ông “trên Uỷ Ban, trên Phường, Quận” muốn gọi là khu phố gì chẳng được. Gọi là “Phố Văn Minh Hiện Đại Nhất Thế Giới” cũng OK. Cứ nhìn khung cảnh trên đường là ông cũng có thể hiểu được văn hoá là gì rồi. Nhếch nhác, lấn chiếm, ồn ào mất trật tự, thiếu vệ sinh… là tiêu chuẩn bày ra đấy rồi ông ạ. Ông hãy nghe một anh phóng viên diễn tả khu phố Văn Hoá còn hơn cả cái “Văn Hoá” ở nơi em ông ở nhé.

Tệ nạn xã hội đồng hành cùng “văn hoá”

“Chỉ vì bệnh thành tích mà hàng loạt khu phố văn hoá (KPVH), phường Văn Hoá (VH) “mọc” lên, trong khi chính ở những nơi đó, tệ nạn xã hội vẫn còn đầy rẫy.

Sau 15 năm phát động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” tại TP. Sài Gòn, ngày nay ra đường, mọi người dễ dàng bắt gặp những khẩu hiệu khá mỹ miều: “KPVH”, “phường VH”, đến khẩu hiệu (hay khổ hiệu?): “Quyết tâm giữ vững Khu Phố Văn Hoá”… Dễ thấy nhất là tại nhiều KPVH, phường VH vẫn diễn ra tình trạng xả rác, nước thải, các nhà buôn bán vẫn vô tư lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, đậu xe tràn lan…

Trộm cướp, tệ nạn nhan nhản

Tại một số KPVH, người dân thật sự ngán ngẩm trước tình trạng cướp giật lộng hành. Bà L., chủ quán cà phê trong con hẻm trên đường Thạch Lam (KPVH 5, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú), kể: “Tui đang ở trong quán, có hai thanh niên khoảng 15, 16 tuổi đi trên chiếc xe Nouvo kêu ly nước mang đi. Khi tui vừa mang nước ra, bất ngờ 2 thằng nhảy đến giật sợi dây chuyền vàng tui đeo ở cổ và phóng xe vọt mất”. Bà L. Ngao ngán: “Trộm cắp đầy mà khu phố văn hoá cái nỗi gì!”.

Theo lời bà L. kể, hàng xóm của bà vừa bị trộm viếng. Đó là nhà số 307/43 đường Thạch Lam, vừa bị trộm cạy cửa nhà lấy đi số tài sản gần 300 triệu đồng. Theo bà L. và một số người khác, vụ việc xảy ra đã gần 2 tháng, dù đã trình báo đủ nơi nhưng đến nay vụ việc vẫn bặt vô âm tín. Được biết, P. Phú Thạnh đang xây dựng để được xét công nhận là phường VH trong năm nay.

Khoảng 12 giờ ngày 2-8, vừa bước vào KPVH 6, P.1, Q.5, phóng viên tình cờ thấy một thanh niên đi xe gắn máy giật sợi dây chuyền vàng của chị Trần Ngọc Thu ( ở Huyện Củ Chi), khi chị vừa đi vào hiệu thuốc số 6 Huỳnh Mẫn Đạt. Một số người dân địa phương cho biết, dù là KPVH nhưng tình trạng cướp giật ban ngày là chuyện bình thường…

Không chỉ có cướp giật, tình trạng gái mại dâm chèo kéo khách hoạt động ngày đêm vẫn ngang nhiên diễn ra tại một số KPVH. Hằng ngày, trên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ cầu Thị Nghè đến Nguyễn Cửu Vân), người dân ở KPVH 1, P.17, Q.Bình Thạnh ngán ngẩm vì nạn mại dâm di động tại đây từ nhiều năm qua. Bà T. - một người dân KP1, cho biết: “Từ sáng tới tối, gái mại dâm chạy xe gắn máy đón khách rồi kéo khách vô mấy khách sạn gần đây mà chẳng thấy địa phương dẹp gì ráo!”.

Đến KPVH 3 đường Nguyễn Thị Tần, P.2, Q.8, ngay bên trong tấm bảng “Quyết tâm giữ vững khu phố văn hoá…” là những dãy chợ tự phát nằm hai bên đường, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Rác, nước thải của các hàng buôn bán thịt, cá, rau… cứ đổ thẳng ra đường, trông nhếch nhác. Càng đi sâu vào KP3, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán càng nhiều hơn. Chị T., sống gần đó nhăn mặt: “Mấy ông trong ban điều hành KP biết hết nhưng vẫn làm ngơ vì sợ lớn chuyện, mất thành tích!”.

Đây là thứ bệnh như có tính “di truyền” từ thành đến tỉnh. Chỉ khoe cái vỏ bề ngoài hào nhoáng, bên trong…loạn xà bần.

Thưa bạn Trung, nói về “Phố Văn Hoá”… phi văn hoá như thế tạm đủ rồi. Xin được đề cập đến một thứ “văn hoá” khác.

Văn hoá xấu hổ là gì?

“Xấu hổ” là tiếng người Bắc thường dùng, người miền Nam gọi là “mắc cỡ”. Dùng từ nào cũng được, cả hai miền đều hiểu nhau. Lâu nay có nhiều cụm từ thường thấy như văn hoá giao tiếp, văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử, văn hoá từ chức… nhưng chưa có ai nói tới văn hoá xấu hổ. Mới đây, một quan đầu tỉnh, ông bí thư thành uỷ Đà Nẵng đã “truyền đạt” cho các quan chức cấp dưới rằng: “cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”. Nói thế có nghĩa là quan chức cấp dưới ông không biết xấu hổ nên bắt đầu từ bây giờ phải “tập xấu hổ” cho quen. Đây là lời “dạy dỗ’ mới được nghe thấy lần đầu. Điều đó cũng có nghĩa là, đối với những quan chức, nhất là quan chức nắm chức vụ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, có tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức. Nhìn lại trong thực tế vẫn còn những người, dù có địa vị xã hội cao, có học thức nhưng không biết xấu hổ là gì. Thực tế là, tính tự trọng của những vị quan chức này còn “hơi bị thiếu”! Làm sai, không một lời xin lỗi lại còn nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ!?

Vài bằng chứng gần nhất

Gần đây nhất như vụ bác sĩ để quên gạc trong bụng bệnh nhân, khám đi khám lại vẫn không biết! Phải nhờ đến một bệnh viện tư tìm mới ra. Bệnh nhân chết hụt. Vụ Cục Điện Ảnh làm thất thoát 24 tỉ đồng mà các sếp lớn sếp nhỏ đều “vô tư” không hề hay biết rồi xin từ chức cả đám… Về mặt công trình xây dựng và thơ “phi văn hoá”, có thể kể đến Khu Du lịch Đại Nam thuộc tỉnh Bình Dương. Đã có nhiều dư luận đàm tiếu về cả hai mặt kiến trúc và văn học. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nhận định: “Thử hỏi có gì là văn hoá, nghệ thuật Việt khi nhà cửa toàn mái cong, rồng phượng cóp nhặt kiểu Trung Quốc. Chạm trổ cũng sao chép thô thiển hoạ tiết trang trí Trung Hoa, từ chiếc đèn đá, phù điêu cho đến vườn cảnh, hòn non bộ… Hình tượng binh lính có mặt nơi đây cũng không có gì gọi là Việt Nam, chỉ rặt một sự cóp nhặt hình ảnh các phim cổ trang Trung Quốc”.

Còn nói về những bài thơ của ông “chủ tiệm” là Huỳnh Uy Dũng. Thơ văn của ông ta đều được chạm trổ, sơn son thếp vàng, khắc lên các bức tường của một “công trình văn hoá” cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn TP Sài Gòn đã lên tiếng khi đọc những bài thơ, câu đối ở Đại Nam: “Tôi thấy Khu Du lịch Đại Nam chán lắm. Nó tầm thường và không có gì nổi bật, chỉ được mỗi cái to, nhưng rỗng tuếch. Mớ câu đối, câu thơ được sơn son thếp vàng lộng lẫy in khắc trên các cột và bức tường thì gọi là thơ mà không phải là thơ, gieo vần, thanh điệu còn sai chứ đừng nói là nội dung. Không có ý nghĩa, không có giá trị. Còn tệ hơn những bài thơ con cóc”. Còn nhiều điều để nói về cái khu du lịch “vĩ đại” này. Xin để dịp khác, tôi sẽ bàn luận cùng bạn đọc.

Rồi đến bóng đá lại vừa rộ lên thứ bóng đá “sạch” và bóng đá “bẩn” đang tùm lum tà la. Các ông bầu đang “nổ súng” vào Liên Đoàn Bóng Đá VN (VFF), yêu cầu cải tổ và cũng cần phải học “văn hoá xấu hổ”….
Nhiều chuyện tày trời thành thói quen hứa “lèo”: “chúng tôi sẽ kiểm tra và giải quyết thoả đáng” hoặc “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”, thế là phủi tay, là xong chuyện. Chẳng ai biết xấu hổ là cái gì! Dân chỉ có nước chờ mòn con mắt.

Những chuyện như thế này còn nhiều lắm, viết bao nhiêu cũng không đủ.

“Con ma nhà họ Hứa” mỗi lúc một nhiều

Những vị quan chức này cần nghiên cứu về “Văn hoá xấu hổ”. Ở đây chỉ nói tới khía cạnh “xấu hổ”, về lòng tự trọng. Có thể cấp dưới hay người dân không lên tiếng tố cáo những vị quan chức “không biết xấu hổ” nêu trên, vì ngại, vì sợ bị trù dập… nhưng chắc chắn là họ không được mọi người tôn trọng. Làm sao mà tôn trọng được khi, một quan chức chưa giải quyết việc cho dân đã gợi ý “bỏ bì thư”, gợi ý đi nhà hàng nào, thậm chí phải có kèm khoản này khoản nọ, kể cả khoản “tình phí” mới chịu. Đã không tôn trọng người dân còn khinh thầm. Ngoài xã hội hiện nay đang lan truyền câu nói là dạo này đã có nhiều người đổi họ thành họ “Hứa” để ám chỉ những vị chỉ giỏi hứa hẹn mà quên thực hiện lời hứa. Họ hàng của “con ma nhà họ Hứa” này mỗi lúc một nhiều hơn bằng đủ thủ đoạn khác nhau. Hãy xem một kiểu “gợi ý” trong tuần vừa qua, tuy nó nhỏ nhưng có liên quan mật thiết tới “văn hoá xấu hổ”.

Ghi chức danh cha trên thiệp mời cưới con

Suốt tuần qua, nhiều người dân TP Cần Thơ bàn tán về chuyện ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ - tổ chức đám cưới cho con trai, ngoài thiệp mời ghi cả chức danh của ông. Một viên chức nhận được thiệp mời bày tỏ, đám cưới con là để thân tộc, bạn bè hai họ đến chung vui, mang tính thân tình. Một chủ doanh nghiệp thì cho biết, không thân thiết với gia đình ông Dũng nhưng thấy dưới tên “cán bộ” có ghi chức danh quá to nên cả nể đi dự tiệc vào trưa thứ hai, 5/9.

Những người dự tiệc hôm ấy cho biết đám cưới được tổ chức tại nhà hàng Cửu Long nằm cạnh Thành uỷ Cần Thơ. Có hơn trăm xe hơi đậu kín phía trước. Khách mời ngồi kín cả sảnh có sức chứa 90 bàn.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội nhận xét: “Tôi cảm thấy buồn cười vì việc làm này. Cưới xin ma chay là việc riêng, trên thiệp cưới của con chỉ đề tên cô dâu, chú rể và tên bố mẹ của cặp đôi. Ghi chức vụ trên bao thiệp mời là chuyện không bình thường, thậm chí, nếu nặng lời thì có thể gọi là lố bịch. Trong trường hợp ghi chức danh "nhạy cảm" như Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì người nhận được thiệp chắc chắn không tránh khỏi cảm giác bị áp lực. Vì đó là lời nhắc nhở khiến người nhận thiệp phải hiểu rằng việc đến dự không những là bắt buộc mà phong bì mừng cưới cũng phải tương đối khá”.

Mang bố từ nhà quê ra “làm cảnh” kiếm tiền mừng tuổi

Ông Thuyết còn nói: “Hiện tượng “thu hoạch” qua cưới hỏi, lễ tết phổ biến ở nước ta từ lâu. Một số cán bộ có chức có quyền “tranh thủ” thu lợi trong những dịp này. Tôi biết có cả trường hợp cán bộ có bố, mẹ ở quê, cũng không thường xuyên quan tâm đến cụ, nhưng cứ gần Tết là đưa cụ ra ngồi ở nhà mình để người ta đến thăm, mừng tuổi…!!!”

Đúng là các quan tham không biết đến xấu hổ thật. Cho nên “tập xấu hổ” nên phổ biến rộng rãi để “các ngành các cấp” ở khắp nơi được học tập, trước khi học tập chống tham nhũng, trước khi làm bản khai tài sản, trước khi tiếp xúc với người dân. Đây là một bài học cần thiết cho các “cán bộ” hơn bao giờ hết.

Văn Quang– 17-9-2011

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...