12 July 2011

Nhật ký...

Không cho thì thôi!

Một thanh nữ bước vào phòng mạch, giọng Bắc. Tôi người miền Nam, nhưng hầu như tất cả bạn gái đều là Bắc, có lẽ vì tánh tôi thẳng, cộc, gặp người nói năng khéo léo thì hợp hơn. Giọng Bắc của cô này "đậm đặc" hơn các bạn gái trước đây của tôi.

Cô ta ngồi xuống, chìa cho tôi một cái toa thuốc giảm mập cũ, với 2 repeats, tức là được mua 3 lần, của một BS người Việt (từ phòng mạch khác) cho và bảo tôi ghi thuốc ấy. Câu chuyện này là "thường ngày ở huyện", bệnh nhân yêu cầu BS cho thuốc theo ý của họ, có lẽ có đến 80-90% người Việt sống ở Úc mà không giỏi Anh văn (tức là không hấp thụ lối suy nghĩ Tây Phương) đều như vậy.

Tôi không ngạc nhiên nhưng hơi bối rối trong lòng. Cô ta không mập, không mập chút nào cả. Thon là đàng khác. Tôi cân nhưng không đo cô ta. Cho thuốc giảm mập mà không cân bệnh nhân là không làm việc đàng hoàng, mà vừa cân vừa đo cô ta thì máy computer sẽ tự động nhảy ra con số Body Mass Index, chỉ số thể trọng, và chắc chắn cô ta sẽ có chỉ số rất tốt, healthy, có nghĩ là tôi chứng minh việc cho thuốc giảm mập cho cô ta là sai trái. Nói đơn giản, tự thọc đầu vào thòng lọng.

Rốt cuộc thì tôi vẫn cân đo nhưng không ghi vào máy, mà dùng loại thước đặc biệt để chỉ cô ta xem. Chỉ số thể trọng của con người từ 20 đến 25 là tốt. Chỉ số của cô ta là 22.4, đẹp vô cùng. Trên nguyên tắc căn bản thì giữa 25.1-30 thì ta nên khuyên bệnh nhân ăn kiêng và tập thể dục. Trên 30 thì mới nên cho thuốc. Tôi bảo tướng cô ta rất đều, rất tốt, chỉ cần thể dục, không cần thuốc thang gì cả. Cách gì thì cách, cô ta nhất định nằng nặc đòi cho được toa thuốc giảm mập và còn đòi loại liều lượng cao.

Tay cô nàng cứ nắn nắn lớp mỡ bụng cho tôi xem. Tình thật mà nói, nếu đa số người bản xứ mà được cái tướng "slim" của cô ta thì họ mừng hết lớn.

Tôi cắn răng viết 1 toa, không có repeat, và bảo lần sau xin cô ta trở lại vị lương y đã cho cô thuốc giảm mập mà xin toa, vì tôi không muốn làm điều gì sai luật, trái lương tâm.

Trong khi tôi viết toa, cô nàng "order" tiếp:
- BS cho một cái toa Elocon.
Đây là một loại thuốc "steroid" như cortisone, khá mạnh, xức cho các bệnh viêm da. Tôi hỏi:
- Chị bị gì mà cần Elocon?
Cô trả lời... bằng một chỉ thị mới:
- À không, cái thuốc gì mạnh hơn cơ. Bắt đầu bằng chữ D... D...I...

- Diprosone? (thực ra Diprosone cũng không chắc mạnh hơn Elocon)

- Vâng, đấy, Diprosone.
Tôi lập lại câu hỏi:
- Chị bị thế nào mà cần Diprosone?

- Gót chân em chai lắm BS ạ.
Tôi xin xem gót chân cô ta. Cô ngần gại, không cởi giày. Tôi giải thích:
- Elocon và Diprosone không phải là thuốc trị chai chân. Có hai loại thuốc thích hợp hơn nhiều lắm. Để tôi cho chị nha.

- Không, em chỉ muốn Diprosone thôi.
Máu "sản hậu" của tôi bỗng bất thình lình dâng lên tới mỏ ác. Bà nội nó. BS chỉ là một thứ thư ký. Muốn làm một BS có ít lương tâm cũng không được, chỉ có thể làm thơ ký cho hạng người này. ĐÒI HỎI, ĐÒI HỎI và hoàn toàn sai, hoàn toàn sai. Họ chỉ bắt mình làm sai luật, trái lương tâm. Cái gót chân có thật sự chai hay không cũng không biết.

Tôi bỗng không cầm được sự bình tĩnh, xé toạt cái toa thuốc giảm mập, rẹt, làm đôi, rẹt, làm tư, rẹt, làm tám. Với cái giọng lạnh như tiền, tôi nói:
- Xin lỗi chị, tôi không cho chị thuốc nào hết. Bổn phận của một BS là hỏi bệnh, khám bệnh, chẩn bệnh và trị bệnh còn bổn phận của bệnh nhân là khai bệnh. BS không phải là thơ ký của bệnh nhân. Chị có vấn đề, tôi đề nghị thuốc chữa, chị không chịu, chỉ đòi thuốc của chị muốn. Vậy thì chị là BS rồi. Xin chị vui lòng trở lại BS đã cho chị thuốc mà xin.
"GET OUT, GET OUT OF MY OFFICE!", tôi gào lên trong bụng. Tôi không cần vì đồng tiền mà phải phục vụ loại bệnh nhân này. Thuốc được chính phủ tài trợ, BS free, tha hồ mà thụ đắc!!!

Cô em Bắc kỳ nho nhỏ, ngoe nguẩy bỏ ra, dĩ nhiên không thể không nói vói một câu gỡ gạc 1-1, "không cho thì thôi!".
Buổi trưa

Hầu như trưa nào BS cũng ăn miễn phí. Thức ăn do đại diện các công ty dược phẩm mang đến. Vừa ăn vừa nghe họ quảng cáo. Mười nhân viên hãng thuốc mua thức ăn thì mới có 1 người mua nước. Tính tôi ăn là phải uống. Cái jug nước của tủ lạnh thì không bao giờ có một giọt. Tôi đã từng fill nó nhiều lần, nhưng vô ích. Tới phiên mình uống thì nó luôn luôn cạn. Không ai uống mà chịu bỏ ra 5 giây vặn rôbinê để lấy nước.

Tôi ra ngoài mua một lon nước ngọt!

Buổi chiều

Một thanh nữ dẫn hai đứa con vào, đứa lớn 4 tuổi 1 tháng, cần chích ngừa. Không có sổ chích ngừa, cũng chưa từng chích ngừa ở phòng mạch này. Trước đây thì có chích ở một nữ BS người Việt. Tôi kêu cô y tá liên lạc với bộ y tế xem sự chủng ngừa của bé có cập nhật hay không. Mất nửa tiếng, tìm không ra, vì nữ BS VN ấy không bao giờ báo cáo đã chích gì cho em bé (ở phòng mạch của chúng tôi thì được computerized, sau khi chích, chỉ cần bấm một cái là bộ y tế có đầy đủ dữ kiện).
Trong khi cô y tá chích, tôi khám bệnh nhân khác. Bỗng cánh cửa phỏng xịch mở, thanh nữ ló đầu vào:
- BS cho em nó thuốc ho!
Rồi, cũng thuộc vào 90% đa số, chỉ thị thuốc để BS viết toa. Tôi bực mình. Nếu đứa bé bị sốt thì không nên chích ngừa. Nhưng di nhiên nó không sốt. Tôi hỏi:
- Em nó ho có đàm hay ho khan?
Cô ta hỏi lại:
- Ủa, ho mà cũng phải hỏi nữa hả?
Ôi, hỏi cũng không được! Làm BS như tôi để làm cái chó gì trong cái xã hội này? Tôi nói:
- Ho có cả trăm nguyên nhân. Dị ứng, suyển, nhiễm vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ung thư, lao, ho vì lý do tâm lý, thực quản, đủ thứ. Không hỏi thì không biết nguyên nhân. Không biết nguyên nhân thì không chữa đúng bệnh. Ho cả ngày khác, ho ban đêm khác. Ho khi chạy khác. Họ cộng với sổ mũi khác.
Cô ta bẻn lẻn thật thà giọng miền Nam, thỏ thẻ:
- Em xin cho đứa cháu ờ VN chớ không phải cho con em.
Trời đất quỷ thần thiên địa, ho ở VN mà phải xin thuốc ở Úc??? Tôi nói:
- Chị à, chị gởi 10 đô la về cho người ở VN mua thuốc đi. Không khám thì không biết đúng bệnh. Thứ nhì, chị gởi qua bưu điện, nó scan thấy chị gởi thuốc mà không có giấy phép, có thể phạt tới 10 ngàn đô.

- Ủa vậy hả, 10 ngàn đô hả?

- Ừ, tối đa có thể lên đến 10 ngàn đô.
Giọng chất phác miền Nam:
- Thôi vậy khỏi đi BS.
Buổi tối

Đọc bài viết của BS Trần Xuân Ninh - Có cần ”tìm một lối thoát” cho hải ngoại hay không? - do Viet Truong posted lên Phố Nắng. Tôi sự nhớ hôm đi biểu tình ở Melbourne, 8/8/10, trên máy bay, Tuấn Lê hỏi tôi (đại ý):
- Anh nghĩ mình đấu tranh như vậy có thắng được VC không?
Tôi trả lời:
- Trong cuộc đấu chính trị này phải xét 3 điểm chính về thực lực: tài chính, nhân lực, tổ chức. Tiền thì 1 thằng VC giàu bằng cả CĐ mình. Nhân lực thì nó đông, chuyên nghiệp. Tổ chức thì nó có, mình hầu như không. Nhưng quan trọng nhất là trình độ người dân (nhân hòa). Chỉ cần 50% có ý thức thì mình thắng, nhưng mình không có 50% đó. Hoàng đấu tranh như một thể tháo gia tham gia một giải, dù chắc chắn biết mình không vô địch nhưng vẫn cứ tham gia. Enjoy the process, thưởng thức quá trình, bất cần kết quả.
Việc mình làm chỉ là làm điều phải làm, làm vì chính nghĩa, và làm để góp phần rút ngắn lại thời gian độc tài của VN, chậm tiến của dân tộc, không phải vì mong thắng trong cuộc đời này mà làm.

Ngày nào cái jug nước của chung trong tủ lạnh được người ta tự giác fill lại, ngày nào bệnh nhân VN biết vai trò của họ, ngày nào BS VN không còn cho thuốc tào lao để mua lòng bệnh nhân và nhét đầy túi riêng của mình, ngày nào BS biết chích ngừa rồi làm ơn báo với bộ y tế như BS Úc, ngày nào bệnh nhân không lợi dụng xã hội để mua thuốc rẻ cho người này, tặng người khác, ngày nào người mình không lái xe láng coóng và đậu vào bãi cấm, không xin giấy đậu xe dành cho người khuyết tật dù có khả năng nhảy đầm thâu đêm, thì xã hội VN tất thắng. (nói là nói chung chung, xin đừng bắt bẻ là người mình cũng có người tốt, tự giác, lương tâm. Xã hội nào mà không có người này, người nọ, cũng như diễn đàn nào mà không có người thích bắt bẻ từng chữ của kẻ khác để chứng tỏ mình giỏi, để được sự ủng hộ của một nhóm).

Tôi sẽ thua. Hôm nay lại là một ngày lội dòng nước ngược, như mọi ngày. Bệnh nhân gốc Việt ngày càng ít vì họ không hợp cái lối làm theo luật và đạo đức nghề nghiệp của tôi. Kệ,

Tôi cứ bơi, cho dù không tới,
Thắng hay thua chẳng luận anh hùng
Bạn tôi nghe, bảo "đúng thằng khùng
Hãy xuôi dòng, hồi đầu thị ngạn"


Tôi vẫn lội, phì phò, lạng quạng
Ngày vui qua đùa sóng ngược dòng
Lúc xuôi tay, mắt nhắm thong dong
Để lại chuỗi ngày không tiếc nuối.


Nhật ký ngày 3/8/2010
(một đời chỉ viết nhật ký 1 lần)

BS Hoàng
Phố Nắng Brisbane.

No comments:

Post a Comment

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...