(WAR-TORN HOUSE)
oil on canvas
oil on canvas
24x36 inch (61x91.5 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**
All rights reserved
**
All rights reserved
Vài hàng về bức tranh
Thuở thơ ấu, tôi đã từng chứng kiến cảnh ngôi nhà nơi mình sinh ra và lớn lên bị đốt cháy đổ nát như thế này khi chiến tranh chống Pháp ở giai đoạn dữ dội. Một hôm tôi từ chỗ tản cư lánh nạn theo mẹ trở về thăm nhà thì thấy những căn nhà chung quanh thành tro bụi. Riêng nhà tôi vẫn đứng đó, nhưng sau đó không lâu những lọn khói nhỏ xuất hiện trên mái ngói rồi chẳng bao lâu một cột khói cuồn cuộn bốc lên và sau chót biến thành trăm nghìn lưỡi lửa chen nhau thoát lên trời cao. Tiếng khóc òa vỡ của người mẹ tần tảo để xây dựng cơ nghiệp vẫn còn vang vọng trong tâm khảm. "Mai đây lấy chỗ nào mà ở hả con!" Câu nói ấy tôi mang theo suốt cuộc đời mình..
Trong thời gian làm việc ở một thành phố miền cao, tình cờ tôi lại khám phá ra một ngôi nhà đổ nát vì chiến tranh. Ngôi nhà nằm ở ngoại ô thành phố. Những lúc nhàn tản, tôi hay đến đó để ngắm nhìn. Tôi có nhiều cảm xúc khi nhìn ngôi nhà này vì nó là hình ảnh gợi nhớ dĩ vãng.
Chính ngôi nhà tòa tỉnh cấp để tôi tạm trú cũng là một ngôi nhà bị pháo kích trong cuộc tấn công của cộng quân trong Tết Mậu Thân. Vợ chồng chủ nhà gốc Pháp sợ hãi đã bỏ về cố quốc. Chung quanh nhà cỏ mọc tư do trên những khoảng đất chưa trải sỏi đá. Trước nhà vẫn còn lác đác nhiều bụi hoa. Một buổi sáng tinh sương tôi bất chợt có dịp ngắm nhìn một đóa marguerite nở trong đêm màu trắng đẹp lạ lùng. Đóa hoa phơi phới như không cảm thấy bơ vơ giữa bờ cỏ xanh lởm chởm. Ngôi nhà cha mẹ tôi xưa kia ở ngoài phố không có cây cỏ bao quanh như những ngôi nhà đổ nát tôi từng gặp. Nhưng dù sao chúng cũng đưa tôi trở về với kỷ niệm ấu thơ khó quên. Không biết chính dĩ vãng hay bản chất của một người thích cảnh tĩnh mịch khiến tôi hay đứng hàng giờ để ngắm những cảnh hoang vu.đổ nát như vậy....
... Đang mải mê ngắm nhìn cái vẻ đẹp hoang phế, bỗng nhiên tôi phát giác ra một cặp nai đứng xa xa ngó tôi nửa thăm dò, nửa hiếu kỳ. Chúng thật hiền từ và dễ thương. Trong cái cảnh hoang tàn một cặp thú hoang xuất hiện bỗng làm tăng thêm cảnh hoang dã. Chẳng hạn trong một khu rừng không người bỗng xuất hiện một con cọp, lúc ấy cảnh trí trở nên hoang dại một cách đặc biệt.Nhưng đồng thời cũng chính cặp nai ở đây lại đang mang đến cho cái cảnh cô liêu một cái gì sống động, một luồng sinh khí. Đứng một mình nơi đây vào một buổi hoàng hôn ít nhiều cũng thấy ngần ngại, sợ sệt. Một tiếng động nhẹ cũng có thể khiến giật mình. Chính cặp nai đã giúp xua đuổi cái cảm giác sợ sệt thường tình ấy. Chúng giống như những người bạn.Văng vẳng đâu đây có tiếng ai kể lể: "Trước đây một cặp vợ chồng đã từng làm chủ và sống trong ngôi nhà này. Người chồng là con một trong gia đình thừa hưởng gia sản cha mẹ để lại. Sau khi lập gia đình người chồng tiếp tục sống với vợ ở đấy. Ngày ngày họ theo nhau đi xuống vườn trồng trái dâu dưới sườn đồi. Dâu bán không hết, họ dùng chế biến thành mật: Mật Dâu. Họ là những người chăm chỉ, miệt mài làm việc và thật an vui với cái nghề trồng tỉa cha ông để lại"."Rồi chiến tranh lan tràn trên khắp đất nước, phá tan cảnh thanh bình như cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ này . Những tiếng đại bác từ xa vang vọng về hàng đêm mỗi ngày nghe một gần. Chiến tranh bây giờ có thể xẩy ra bất cứ nơi đâu, ở ngay trong cái thành phố du lịch và nghỉ mát này không chừng"."Quả nhiên đêm định mệnh đã tới. Ngôi nhà bị một trái pháo long trời lở đất và đã cướp đi hai mạng người, một cặp bài trùng đã thề hứa sống chết có nhau. Ngôi nhà kẹt giữa hai lằn đạn, làm mồi cho tàn phá".Tiếng kể tiếp tục: "Một thời gian sau người ta thấy xuất hiện một cặp nai hay đến và quanh quẩn nơi ngôi nhà đổ nát này, có khi hai ba ngày mới bỏ đi. Chúng dẫn nhau tới khá đều đặn tuy không phải ngày nào hay tuần nào cũng có mặt".
Tiếng kể ngừng bặt để lại cho người nghe một suy nghĩ bắt buộc: Hai con nai chính là cặp vợ chồng trẻ năm xưa nay trở về để thăm chừng nơi họ đã quấn quít bên nhau trong những ngày hạnh phúc ngắn ngủi.trên dương gian....
Tôi đưa tay dụi mắt để biết rằng mình không mơ. Tôi đang đứng trước ngôi nhà hoang phế "quen thuộc". Tiếng nói thì thầm kia chính là của nàng tiên đang dẫn dắt tôi tạo một bức tranh mới để dâng tặng mẹ tôi và cặp vợ chồng trẻ nếu như họ có thật. Riêng kính tặng anh Hoàng Trọng Cang, ĐS1, cựu phó tỉnh trường Tuyên Đức, một huynh trưởng khả kính.
Qua "Chứng Tích" xin ghi lại cảm xúc về một chặng đường đã qua.
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
Tiếng nghẹn ngào trong cọ vẽ
Như Thương xem tranh CHỨNG TÍCH mà chạnh lòng nhớ đến ngôi nhà thân yêu ngày xưa - một chỗ ấm êm của tuổi thơ để đầy ắp kỷ niệm thuở nhỏ và một chỗ hạnh phúc của thời mới lớn để biết mộng mơ và ngắm trăng qua khung cửa sổ.
Đôi khi có những hình ảnh thường nhật mình đã vô tình không để ý rằng nó hiện hữu tận trong sâu thẳm thương yêu, mãi đến khi mình mất nó đi rồi thì lại nhớ ngẩn ngơ và cảm thấy mất mát ấy trở thành vết thương thật sự.
Một con ngõ đi về hai buổi quen thuộc, một góc tường quen, một căn phòng gần gũi bỗng dưng một hôm đổ nát và những dáng nét ấy đổi thay một cách bạo tàn !
Xót xa! Tiếc nuối! Ngậm ngùi! Để cõi lòng như hoang tàn trước Chứng Tích.
Mơ hồ trong trí nhớ và ký ức vẽ lại toàn bộ những hình ảnh xưa, không một viên gạch nào mất mát, không một bức tường vôi nào loang lổ, không một bụi cây ngọn cỏ nào điêu đứng ... thế là tâm trở về lại chốn bình an.
Dường như có tiếng nghẹn ngào trong cọ vẽ ... làm sao tìm lại được ngôi nhà xưa khi người họa sĩ đã đặt tên cho tác phẩm là CHỨNG TÍCH ? Phải chăng chỉ ngoại trừ khi nào hồn hoang của hai người trong ngôi nhà ấy tha tội cho chiến tranh ?
Út Như Thương
No comments:
Post a Comment