03 May 2011

Paris bí sử

NHÀ TÙ LA BASTILLE


Ngày 14 tháng 7 năm 1789, dân chúng Paris đã đánh chiếm nhà tù La Bastille, mở đầu cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, thành lập nền dân chủ cộng hoà.

Nhà tù La Bastille vốn là một pháo đài phòng thủ, được xây trong thời kỳ chiến tranh 100 năm ( 1337 – 1453) giữa hai nước Pháp và Anh. Pháo đài được khởi công năm 1370 dưới thời vua Charles V và xong năm 1382 dưới triều vua Charles VI. Pháo đài được xây để bảo vệ phía đông thủ đô Paris, đã được xây thêm vài phần sau đó, và đã thành hình nhứt định vào giữa thế kỷ 16, tường dày 2 m, có 8 chiếc tháp có chiều cao 25 m, mỗi tháp có 5 tầng, được bao bọc bởi một cái hào rộng 25 m, sâu 8 m, có hai cầu treo đưa vào cổng chính. Pháo đài sớm mất tác dụng phòng thủ có hiệu lực vì súng đại bác được phát minh sau đó, và sớm được sử dụng làm nơi giam giữ. Tuy nhiên mãi đến thời Hồng Y Richelieu làm thủ tướng của vua Louis XIII (1601, 1610 – 1643), La Bastille mới trở thành nhà tù quốc gia.

Nhà tù La Bastille đã được xem là biểu tượng của chế độ quân chủ chuyên chế. Chỉ cần chữ ký và dấu ấn của nhà vua trên một thư kín ( lettre de cachet ) gởi cho một người là đủ để người đó bị tống giam vào La Bastille. Bất cứ bộ trưởng nào cũng có thể đệ trình cho nhà vua ký một lệnh tống giam, nhà vua đều ký mà không cần hỏi nguyên do của việc bắt giam. Nhà tù La Bastille là nơi giam giữ để phòng ngừa chứ không phải để thi hành án, vì người bị nhốt không có án xử. Vì vậy một người khi bước qua cổng La Bastille là biết mình bị giam nhưng không biết ngày trở ra. Cũng giống như hàng chục ngàn quân, cán, chính của VNCH sau ngày 30.4.1975, bị những người cộng sản chiến thắng lừa, xua vào các trại tập trung, không có án và không biết ngày nào được thả. Lịch sử vẫn thường lặp lại, như người Rôma nói : « không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời ». Các chế độ độc tài, chuyên chế vẫn dùng nhà tù, trại giam để trấn áp dân và nắm chặt quyền lực.

Có đủ hạng người bị tống giam vào nhà tù La Bastille. Những kẻ làm gián điệp hoặc bị nghi ngờ làm gián điệp cho ngoại bang, những đình thần bị thất sủng, những văn sĩ bị nghi ngờ chống chế độ qua tác phẩm của mình, những người bị khép vào tội nghịch giáo (les hérétiques): như những người theo giáo phái Tin Lành hay hệ phái Jansénisme, là hệ phái tin vào tiền định của Thiên Chúa đối với số phận con người, vì vậy có một số ít tín hữu được tuyển chọn và được cứu rỗi, số còn lại bị bỏ rơi, không được ơn cứu độ, những quí tộc có đời sống phóng túng, sa đoạ,, những người có đời sống bê tha, thân nhân xin giam vào La Bastille một thời gian để tránh làm mất thanh danh của gia đình ...

Tù nhân của La Bastille gồm hai hạng. Hạng giàu, có tiền, được đối xử ưu đãi, có chỗ ngủ tươm tất, được ăn uống đầy đủ, có người còn được mời ăn cùng bàn với quản đốc nhà tù, được người nhà viếng thăm, có thể mang cả gia nhân theo hầu, được đi dạo trong sân nhà tù, được mượn sách trong thư viện của La Bastille. Còn hạng nghèo chỗ nằm chỉ là ổ rơm, phòng dơ bẩn, người sống chung với chuột, ăn uống khổ cực, tù nhân rất dể trở nên điên loạn.

Phần lớn các phòng giam được phân phối trong 8 chiếc tháp của La Bastille. Có phòng dành cho một người, có phòng giam chung hai người. Có phòng biệt giam (cachot ) cho tù nhân bị trừng trị nghiêm khắc. Tuy nhiên, dù kiến trúc trông bên ngoài có vẻ đồ sộ, nhưng vì số phòng giam tù nhân có giới hạn, nhà tù La Bastille chỉ có thể giam không quá 45 người cùng lúc. Theo những tài liệu từ văn khố của La Bastille còn giữ được, tính đến năm 1789, có 6000 người cả đàn ông lẫn đàn bà đã bị giam ở nhà tù La Bastille.

Giống như ở các nhà tù khác thời đó, ở La Bastille người tù cũng bị hỏi cung và tra khảo. Trong cuộc triển lãm về nhà tù La Bastille do Thư Viên Quốc Gia Pháp tổ chức từ tháng 11/2010 đến tháng 02/2011, ngoài các tài liệu và hình ảnh, người xem còn thấy những dụng cụ đã được dùng để phạt và tra tấn tù nhân. Theo tài liệu còn giữ được, có người sau khi bị hỏi cung đã dùng dao cắt cổ tự sát.

Trong nhà tù La Bastille có qui định cấm dùng mực để viết và thông tin ra ngoài, nhưng vẫn có người có sáng kiến chế ra mực và tìm được vật liệu để viết, có người can đảm trích máu của mình để viết thư, người khác dùng dấu hiệu để liên lạc với nhau.

Tù nhân được tha, muốn ra khỏi cổng, phải viết lời cam kết khi ra khỏi La Bastille, không được tiết lộ những gì xảy ra bên trong nhà tù. Tuy nhiên cũng có một vài cựu tù nhân đã viết và kể lại những gì xảy ra bên trong các bức tường của La Bastille. Như một cựu tù nhân có tên là Constantin de Rennneville, một người theo giáo phái Tin Lành, hệ phái Calvinisme, bị giam ở La Bastille từ năm 1702, hơn 11 năm. Sau khi ra tù ông đã viết bộ « Histoire de la Bastille » gồm 5 quyển, kể tỉ mỉ đời sống bên trong La Bastille và những nhân vật lạ lùng ông đã gặp ở đó.

Như trên đã nói, cần có một thư riêng có chữ ký và dấu ấn của nhà vua để giam một người vào La Bastille. Nhưng không phải lúc nào cũng do chính nhà vua ra lệnh giam người, nên có trường hợp tù nhân bị bỏ quên. Năm 1749, viên quản đốc La Bastille chú ý tới một tù nhân bệnh tật và dơ bẩn. Truy ra ông biết người nầy có tên là Armet de la Motte d’Avesot, một người thuộc hàng quí tộc, bị bỏ tù vì một tội không có gì nặng. Tính ra người nầy đã ở tù 54 năm 5 tháng. Những người xin lệnh để nhốt ông ta vào La Bastille có lẽ đã chết từ lâu, nên không còn ai nghĩ tới việc thả ông ta ra. Ông ta đã trở thành điên loạn. Viên quản đốc đã thả ông ta ra khỏi La Bastille, nhưng đưa vào một nhà dòng để ông ta được chăm sóc.

Trong số những nhân vật có danh tiếng đã ở tù La Bastille, có Voltaire ( 1694 – 1778) văn sĩ và triết gia có uy thế của thế kỷ Ánh Sáng. Ông bị giam ở La Bastille hai lần. Lần đầu năm 1717, hơn 11 tháng, vì bị nghi ngờ đả kích công tước Philippe d’Orléans, giữ quyền nhiếp chính cho vua Louis XV, còn nhỏ, năm 1715 mới có 5 tuổi. Sau đó được minh oan và được tha. Lần thứ hai, năm 1726, vì chuyện hiềm khích với Hiệp Sĩ Rohan, bị giam hai tuần lễ. Sau đó Voltaire được yêu cầu cam kết rời bỏ nước Pháp sẽ được tha. Ông đã chấp nhân, và đã sống lưu vong ở Anh hai năm.

Một nhân vật nổi tiếng khác là hầu tước Sade ( 1740 – 1810 ), ông đã qua nhiều nhà tù, trong đó có một thời gian ở La Bastille, vì lối số phóng túng đến mức trụy lạc. Trong 74 năm của đời ông, ông đã ở tù hết 30 năm, cuối cùng chết trong tù. Trước đây trong văn học sử Pháp, ông được coi là tác giả của những cuốn sách có tính cách bạo dâm. Từ tên của ông, trong tiếng Pháp có chữ le sadisme, chỉ khuynh hướng của những người tìm khoái cảm qua việc hành hạ người khác.

Nói đến việc vượt ngục, phải kể tên một người có tên Latude, đã trốn khỏi nhà tù La Bastille hai lần. Theo hồi ký của anh ta, trong lần vượt ngục La Bastille lần thứ hai, anh ta đã bỏ ra 18 tháng làm một chiếc thang dây để trốn đi. Sau một thời gian anh ta bị bắt lại và được chuyển đến một vài nhà tù khác. Sau cách mạng 1789, anh ta được quốc hội xem là nạn nhân của chế độ quân chủ chuyên chế và được nhận một trợ cấp mãn đời. Anh ta chết năm 1805, thọ 80 tuổi , ở tù tổng cộng 35 năm.

Nhưng chi phí điều hành của nhà tù La Bastille nhiều quá, nên từ năm 1784 triều đình Pháp đã dự tính phá bỏ nó. Trong khi chưa thực hiện thì ngày 14.7.1789 xẩy đến.

Sau cuộc chiến tranh 7 năm ( 1756 – 1763 ), nước Pháp trong liên minh với Áo, Nga đã thua liên minh Anh, Phổ, tiềm lực quân sự, kinh tế suy sụp. Tiếp theo đó triều đình Pháp chi viện cho cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ 2 tỉ đồng livre, để trả thù nước Anh, tình trạng tài chánh càng thê thảm, mắc nợ có nguy bị phá sản.

Theo yêu cầu của Thủ Tướng Calonne, vua Louis XVI triệu tập Hội Nghị Các Chức Sắc năm 1787 để tìm cách tăng thuế. Không thành công, nhà vua triệu tập Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc khai mạc ngày 5 tháng 6 năm 1789 với cùng mục đích.

Nhưng ngoài dự liệu của nhà vua và triều đình, trước phản ứng quyết liệt của các đại biểu giai cấp thứ dân, mà hầu hết thuộc giới tư sản, nhà vua phải nhượng bộ, ra lệnh cho đại biểu của hai giai cấp quí tộc và giáo sĩ họp với đại biểu giai cấp thứ dân, lập thành Quốc Hội và cho bỏ phiếu biểu quyết theo đầu người chứ không theo giai cấp như trước kia.

Vua Louis XVI là con người thiếu quyết đoán. Do sự thúc đẩy của bà Hoàng Hậu Marie-Antoinette và hai ông hoàng em là Bá Tước Provence và Bá Tước Artois, nhà vua muốn rút lại các điều đã nhượng bộ, cho điều động 20000 quân bao vây Versailles nơi các đại biểu Quốc Hội họp để gây áp lực và lấy lại quyền làm chủ tình hình.

Ở thủ đô Paris, dân chúng theo dõi sát tình hình ở Versailles, bênh vực các đại biểu giai cấp thứ dân, chống đối nhà vua. Vua Louis XVI ra lệnh đem 30000 quân vây quanh Paris để uy hiếp tinh thần dân thủ đô.
Phản ứng lại, giới tư sản Paris thành lập Ủy Ban Thường Trực song song với chính quyền Hội Đồng thành phố và cho mộ 48000 quân tự vệ. Sáng ngảy 14.7.1789 dân quân tự vệ Paris kéo đến điện Invalides để tìm vũ khí, không gặp sự kháng cự, đã lấy được 32000 súng và một số súng đại bác, nhưng không có đạn và thuốc súng. Có người đưa tin là thuốc súng được chứa ở nhà tù La Bastille.

Ủy Ban Thường Trực cử đại diện đến thuyết phục Hầu Tước De Launay quản đốc nhà tù La Bastille dẹp bỏ các khẩu đại bác bố trí trên các vọng gát chỉa vào Paris để hăm dọa. Nhưng không có kết quả. Dân chúng kéo đến La Bastille đòi lấy thuốc súng. Trong lúc đang giằng co trước cổng La Bastille thì súng nổ, có 75 người chết và khoảng 100 người bị thương. Sau đó viên hạ sĩ quan Hulin và viên thiếu úy Elie đem một toán lính hơn 50 người có súng đạn và hai khẩu đại bác đến tấn công La Bastille lúc đó do 32 lính Thụy Sĩ và 80 lính thương tật bảo vệ và yêu cầu De Launay đầu hàng. De Launay do dự, không dứt khoát , có lúc đã muốn đốt kho thuốc súng cho nổ tung La Bastille. Do các hạ sĩ quan dưới quyền phản đối và can ngăn ông làm việc đó, cuối cùng ông chịu đầu hàng, được Hulin và thiếu úy Elie bảo vệ, đưa về tòa Thị Chính Paris. Dọc đường do xô xát, Hầu Tước De Launay bị giết.

Tràn vào nhà tù, dân chúng đốt phá nhiều nơi và giải thoát 7 người tù lúc ấy còn bị giam. Ngày 16.7 Ủy Ban Thường Trực và Hội Đồng thành phố sát nhập, đã giao cho nhà thầu Palloy phá bỏ nhà tù La Bastille, công tác thực hiện trong hơn một năm.

Trong tiến trình cuộc cách mạng dân chủ hóa nước Pháp, các sử gia Pháp không coi việc dân Paris đánh chiếm rồi phá nhà tù La Bastille ngày 14.7.1789 là một biến cố quan trọng, nhưng nó mang một ý nghĩa biểu tượng rất lớn cho nước Pháp và cả các nước Âu Châu thời kỳ đó trong việc thay đổi thể chế chính trị.

Hai trăm năm sau, tháng 11.1989, bức tường Bá Linh do nhà cầm quyền Cộng Sản Đông Đức dựng lên năm 1961 để ngăn chận làn sóng người dân Đông Đức trốn sang Tây Đức tìm tự do, bị phá bỏ, đã trở thành biểu tượng của sự sụp đỗ của khối Cộng Sản Đông Âu.

Chế độ Cộng Sản ở Việt Nam hiện nay chỉ còn cái vỏ, ruột đã rỗng từ lâu vì hầu hết đảng viên và cả giới lãnh đạo không còn tin ở chủ nghĩa Cộng Sản nữa, những kẻ có quyền thế trong tay chỉ cố bám víu vào hình thức tổ chức của đảng Cộng Sản độc tôn, với chính sách công an trị tàn bạo và sắt máu để duy trì quyền lực, làm giàu cho cá nhân, và nguy hiểm nhứt là toa rập để đưa đất nước vào vòng nô lệ ngoại bang. 

Để khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự chủ cho toàn dân Việt Nam, xua tan nổi ám ảnh và sợ bạo quyền, cùng đứng lên lật đỗ chế độ Cộng Sản dối trá, bất nhân, xây dựng một nền dân chủ thực sự cho đất nước, có cần phải chọn và phá bỏ một biểu tượng của chế độ Cộng Sản Việt Nam, như người dân Pháp đã chiếm và phá nhà tù La Bastille năm 1789 và dân Dông Đức đã phá bức tường Bá Linh năm 1989?

Nếu cần, thì biểu tượng đó là gì?

NQMINH PARIS

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...