04 May 2011

Biên khảo, trích từ tác phẩm sắp xuất bản "Con Đường Văn Hóa Việt"

 Quê hương giàu đẹp qua ca dao

Nguyễn Văn Nhiệm

Triết lý lưỡng hợp thái hòa vuông tròn đã thấm sâu vào tiềm thức cộng thông dân tộc được biểu hiện qua ca dao, là tiếng nói văn học bình dân. Nếu hình tròn biểu tượng cho thời gian thì hình vuông là biểu tượng cho không gian. Hai hình ảnh này giao thoa cho ra nét cong vừa đẹp hài hòa ( Mỹ ), vừa đúng ( Chân ) như hình sin của toán lượng giác, mà nếu xét trong một chu kỳ thì lại tương tự như chữ S của hình thể nước Việt Nam . Nếu chữ S đó được đặt trong vòng tròn thì lại có hình ảnh của đồ Thái cực, cũng là hình ảnh bọc trăm trứng.

Nếu ca dao đã thể hiện phong phú quan niệm thời gian của người bình dân thì về không gian, ca dao cũng cho thấy qua hình thể có hình cong như chữ S, có bờ biển chạy dài trên ba ngàn cây số, một quê hương Việt Nam mến yêu vừa đẹp vừa trù phú với biết bao hứa hẹn. Những địa danh chứa đựng ý nghĩa của tên gọi từng vùng đất, từng làng đã nói lên tính cách triết lý nhân sinh hướng vọng về một quê hương giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc:
“Đất Phú Mỹ, chữ Mỹ là đẹp,
Đất Đa Lộc, chữ Lộc là giàu,
Em đến đây muốn cho đẹp trước giàu sau.
Lửa hương càng đượm, càng lâu càng bền.”
Cái đẹp và giàu đó lại được tô điểm bằng văn hóa có truyền thống hàng ngàn năm, biểu hiện rõ nét qua Thăng Long, Hà Nội là đô thành “nghìn năm văn vật”:
“ Thăng Long Hà Nội đô thành,
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ.
Cố đô rồi lại tân đô,
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.”
Cái tên Thăng Long có ý nghĩa lịch sử: Tháng bảy năm Thuận Thiên (1010), vua Lý Thái Tổ dời kinh đô về La Thành, vì đất Hoa Lư chật hẹp. Khi tới La Thành, nhà vua nói thấy rồng vàng xuất hiện, nên mới đổi tên ra Thăng Long. Trong kinh Dịch, quẻ Kiền , hào cửu ngũ có viết: “Phi long tại Thiên, lợi kiến đại nhân”: Rồng bay trên trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi (Theo Kinh Dịch - Đạo của người quân tử - Nguyễn Hiến Lê). Quẻ Kiền tượng trưng cho người quân tử với bốn đức nhân, lễ, nghĩa, trí đi với nguyên, hanh, lợi, trinh. Rồng là biểu tượng cho sức cường kiện của quẻ Kiền, đồng thời cũng là biểu tượng quyền lực của nhà vua.

Vì thành đô là chốn “nghìn năm văn vật ”, cho nên Thăng Long chẳng những “đẹp đất, đẹp người ” mà còn là nơi có “ kiến trúc tuyệt vời ”:
“Đền đô kiến trúc tuyệt vời,
Thăng Long đẹp đất, đẹp người ngàn năm.”
Đất Thăng Long và các vùng phụ cận có nhiều đền đài cổ tích, lịch sử ghi nhớ công ơn dựng nước, giữ nước của Tổ tiên:
“ Ai lên Phú Thọ thì lên,
Lên non cổ tích, lên đền Hùng Vương.
Đền này thờ tổ Nam phương,
Qui mô trước đã sửa sang rõ ràng...”
**
“ Bàn Cờ, Trảm Tướng, Cao Tung,
Mũi Cày, Đụn Rạ trùng trùng non cao.
Sóc Sơn là ngọn núi nào,
Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh.
Sông Cà Lồ phía Nam quanh,
Uốn quanh trăm khúc như tình đôi ta.”
***
“ Cổ Loa là đất đế kinh,
Trông ra lại thấy tòa thành Tiên xây.”
**
“ Ai về thăm huyện Đông Ngàn,
Ghé thăm thành ốc rùa vàng Tiên xây.
Căm hờn Giếng Ngọc tràn đầy,
Máu pha thành lũy ngàn cây bóng tà. “
Đền thờ các bậc anh hùng dân tộc rất được trân trọng, đó là một phần di sản văn hóa nên được xây cất phối hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc với phong cảnh đẹp của địa phương:
“Đống Đa ghi để lại đây,
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am.”
(Đống Đa là địa danh lịch sử, nơi vua Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh)
Phong cảnh của những đền lăng thờ được các nhà thi sĩ bình dân tô điểm qua những hình ảnh, biểu tượng mang đầy tính cách Triết lý Việt như “con rồng...uốn cong “, ”con thiên mã đang lồng về Nam“:
“ Non xanh nước biếc hữu tình,
Lúa đồng bát ngát rung rinh bốn mùa.
Đền lăng thờ đức vua Lê,
Ngắm nhìn núi Côi khác chi con rồng.
Vờn thêm một dải uốn cong,
Kìa con thiên mã đang lồng về Nam.
Một dòng nước nhỏ xanh lam,
Một ngôi chùa nhỏ nằm ngang lưng đồi.”
Khung cảnh của bức tranh quê hương sống động, ngoài cái vẻ đẹp “non xanh nước biếc hữu tình“, sự trù phú của vùng đất phì nhiều “lúa đồng bát ngát rung rinh bốn mùa” , lại còn được tô điểm thêm ”một ngôi chùa nhỏ nằm ngang lưng đồi”. Điều này đã biểu lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc là Triết lý lưỡng hợp thái hòa, luôn luôn có sự quân bình giữa đời sống vật chất và tâm linh, giữa đời và đạo. 

Bản sắc của kinh kỳ Thăng Long bao hàm trong sự tương phản giữa cảnh núi non hùng vĩ và cánh đồng xanh bát ngát của sông Nhị, làm nổi bật lên tính “nhất lịch, nhất sắc” một kinh đô của dân tộc có hàng ngàn năm văn hóa:
“Đồng xanh sông Nhị chạy dài,
Mây quang non Tản chiếu ngời Thăng Long.”
**
“ Nhất cao là núi Ba Vì,
Nhất lịch, nhất sắc kinh kỳ Thăng Long.”
Cảnh đẹp Hồ Gươm, Tháp Rùa hài hòa giữa với mái chùa Ngọc Sơn:
“ Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa,
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn.”
Cảnh Tây Hồ thơ mộng:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏ làn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”
Những hình ảnh, âm thanh “cành trúc la đà “, “mặt gương“ “tiếng chuông“, “canh gà“, “nhịp chày" đều hòa hợp với nhau.

Nhiều phong cảnh đẹp miền Việt Bắc khiến mọi người say mê, cho nên “Mảng vui quên hết lời em dặn dò“, cũng giống như trong truyện “Hồng Bàng Thị“ có ghi: “Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú...ái mộ quá, nên quên cả ngày về”:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Em lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,
Đêm đêm mơ tưởng đi mò sông Tương.
Vào chùa thắp một tuần hương,
Miệng khấn, tay vái bốn pương chùa này.”
Từ Hà Nội vào Nghệ An hay ngược lại, đường đi "loanh quanh ”, uốn khúc “như tranh vẽ rồng", cái vẻ đẹp nghệ thuật mang màu sắc triết lý lưỡng hợp hài hòa giữa vuông và tròn như đã nói:
“Đường vô xứ Nghệ loanh quanh,
Đường ra Hà Nội như tranh vẽ rồng.”
Cảnh vật hiện ra với màu sắc “ như tranh họa đồ”:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biết như tranh họa đồ.
Ai vô xứ Nghệ thì vô.”
_________________________
Ghi Chú:

Đến đây xin tạm ngưng... Quê hương miền nào cũng tiềm tàng cái vẻ đẹp, sự trù phú và đầy ắp tình người, mà ca dao đã ghi lại:
“ Ca dao Bình Định thật hay,
Câu thơ như giọt rượu cay ấm lòng.
Quê hương trái đất nửa vòng,
Ngày thương đêm nhớ như mong mẹ về.”
Con đường văn hóa Việt Nam qua ca dao còn nhiều chương với những tiết mục có nội dung của Triết lý nhân sinh:

Chủ đề quê hương giàu đẹp vẫn còn tiếp...Ngoài ra còn có các chủ đề khác như:
Đất nước và con người.
Đất nước, làng xã, đình chùa, lăng miếu, đồng quê, bến đò...
Con người, đặc tính, mẫu người anh hùng, dựng nước, giữ nước.
Luân lý, đạo đức, tín ngưõng.
Triết lý: nhân sinh, lưỡng hợp thái hòa hướng đến Hạnh phúc con người, bao gồm cả hai lãnh vực thành công và thành nhân. 

Nền tảng gia đình, đạo vợ chồng hòa hợp và lý thú nhất là sinh hoạt của trai gái ở nông thôn: làm việc đồng áng, hò hát, câu đố, tỏ tình... Tất cả đều biểu lộ nếp sống phong phú của một dân tộc có văn hóa ở trình độ Minh triết.

Tác giả sẽ xuất bản và giữ bản quyền.
Chân thành cảm ơn quý đọc giả, quý thân hữu đã theo dõi đọc, chia sẻ cảm nghĩ trong thời gian qua.

Trân trọng kính chào,
Nguyễn Văn Nhiệm
____________
Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm tạ tác giả Nguyễn Văn Nhiệm đã chia sẻ những suy tư và tìm hiểu của mình về kho tàng quý giá, đa dạng và mênh mông của Dân Tộc Việt. Tác phẩm của ông chắc chắn sẽ góp phần trong việc bảo vệ văn hóa của chúng ta.
TTR

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...