02 May 2011

Ngưòi dân nghĩ gì về ngày 30/4

Người dân nghĩ gì
sau 36 năm thống nhất đất nước?
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-05-01

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Hà Nội gọi là chiến dịch Đại thắng Mùa xuân, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, tiến thẳng lên Xã hội chủ nghĩa ưu việt, khiến bạn bè năm châu nể phục.

Người dân Miền Nam, phía chiến bại thì lại cho đó là một cuộc đổi đời, đất nước bị nhuộm đỏ, bị xóa tên trên bản đồ thế giới, toàn xã hội bị đọa đầy. Hàng triệu người bị xua đi vùng kinh tế mới, bị tập trung cải tạo, bị đánh tư sản và hàng triệu phải vượt biển tìm tự do.

36 năm sau biến cố đó, người dân miền Bắc, phe chiến thắng và dân chúng miền Nam, kẻ chiến bại có suy nghĩ ra sao và họ ước mơ gì? Xin mời quý vị nghe tâm tình của người dân hai miền đất nước, thuộc các thế hệ, tuổi đời khác nhau.

Có độc lập thống nhất, còn kinh tế?

Từ khu nghỉ mát Sầm Sơn, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc, một lão thành cách mạng, một công thần của chế độ với tuổi đời trên 95 bày tỏ niềm vui khi cuộc chiến kết thúc, xem đó là một dấu ấn lịch sử, một chiến công lừng lẫy của toàn dân Việt:
“Ngày 30 tháng 4 là ngày kỷ niệm rất quan trọng của toàn dân chúng tôi vì toàn dân chúng tôi không có cái nguyện vọng nào cao hơn là độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia.

Thế bây giờ đã thực hiện được độc lập dân tộc thống nhất quốc gia thì đó là cái mong mỏi của toàn dân, mà nếu nói riêng tôi từ khi tôi làm cách mạng đến bây giờ thì 73 năm rồi đạt được cái này thì đúng là cái mong ước lớn của tôi từ khi bắt đầu tham gia cách mạng.”
Tuy nhiên, qua câu chuyện với phóng viên Ban Việt Ngữ, ông Vĩnh cũng không che giấu được nỗi ưu tư của mình, từng trực tiếp bày tỏ với cấp lãnh đạo cao nhất nước:
“Tôi thì rất hài lòng về độc lập thống nhất nhưng mà còn đứng về đời sống kinh tế thì tôi chưa hài lòng. Đời sống nhân dân với mọi mặt về nhiều mặt tôi cho là cái tiến bộ nó không đáp ứng được không đúng với thời gian 36 năm.
Đáng lẽ nước tôi phải tiến nhanh hơn nữa cơ, mà cũng còn có nhiều vấn đề lắm tôi không hài lòng. Nhưng mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng mới trúng cử tổng bí thư, tôi đã gặp đồng chí Nguyễn Phú Trọng tôi gửi gắm một điều thế này, một là đồng chí phát huy tinh thần độc lập tự chủ và phát huy dân chủ, hữu nghị với Trung Quốc cũng được nhưng hữu nghị thì có lúc cũng phải đấu tranh khi quyền lợi của tổ quốc bị xâm phạm. Đấy là cái câu tôi nói lại khi tôi đã gặp TBT Nguyễn Phú Trọng tôi nói thôi.”
Hòa bình chứ không phải chiến thắng

Kế đó, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên cấp 3 ở Hà Nội, thuộc thế hệ hơn 40, trình bày về những điều ông được nghe thấy về cuộc chiến Việt Nam:
“Trước kia thì (tôi) không để ý đến các thông tin đa chiều, cũng không nghe nhiều cho nên vẫn cứ có tư duy là ngày 30 tháng 4 coi như là ngày chiến thắng, cả nước hò reo ăn mừng, rồi nghỉ lễ liên hoan.

Bây giờ khi chiến tranh đã qua đi trên 35 năm nhìn lại sự kiện 30 tháng 4 đó tôi thấy có cả những sự kiện đau lòng, cho nên có lẽ chúng ta nên coi là một ngày hòa bình chứ ăn mừng chỉ làm đau buồn thêm cho bên kia nữa.

Chiến tranh đã qua lâu rồi cần phải xét lại. Như tuyên truyền ở ngoài Bắc này thì đó là một cuộc chống Mỹ cứu nước, nhưng Mỹ đã rút đi năm 1973 nhưng từ đó càng dẫn đến đổ máu nặng nề hơn trong giai đoạn đó là một điều đáng tiếc. Anh em một nhà Con Rồng Cháu Tiên mà đã đổ máu với nhau.”
Thực tế hoàn toàn khác hẳn với những gì mà đảng và nhà nước tuyên truyền, thầy Khoa trình bày tiếp những suy nghĩ của mình:
“Bây giờ chúng tôi mong muốn là về phía những người lãnh đạo bây giờ, những thế hệ bây giờ nên bỏ cái suy nghĩ 30 tháng 4 là ngày đáng ăn mừng đi và chúng ta hãy quên cái ngày ấy đi, cho nó lui vào quá khứ, nhìn lại cái đúng cái sai của mình mà xây dựng lại đất nước.

Ngoài ra thì cũng như ông Cù Huy Hà Vũ có nói trên báo chí nước ngoài thì nếu như ngày 30 tháng 4 này mà còn tù binh nào của Miền Nam Việt Nam trước kia thì chúng ta nên phóng thích họ toàn bộ, không thể giam cầm họ mấy chục năm trời. Nên khép lại những chuyện quá khứ và hãy hướng tới các điều tốt đẹp nhất, hãy đoàn kết vì một dân tộc phát triển.”
Ai thắng ai?

Vừa rồi là phát biểu về ngày 30 tháng tư từ hai công dân Việt Nam sinh trưởng ở Miền Bắc. Một người gốc từ Miền Trung, thuộc lứa tuổi ngoài 60, hiện định cư tại Canada, sử gia Trần Gia Phụng nói đến yếu tố văn hóa để thấy rõ “ai thắng ai”:
“Ngày 30 tháng 4 đó thì lúc đó tôi ở Đà Nẵng và cảm xúc đầu tiên, cảm giác đầu tiên tôi nhìn thì tôi thấy là người cộng sản họ tin rằng họ thống nhất đất nước, họ thống nhất đất đai, nhưng mà nhìn vào những diễn biến của dân chúng lúc đó, những người di tản – lúc đó chưa vượt biên, mới có di tản – và tìm cách trốn tránh thì tôi thấy rõ ràng là cộng sản chỉ có thể nói là xóa cái biên giới ở Bến Hải nhưng mà cộng sản không thống nhất được lòng dân, không thống nhất được tinh thần dân tộc. Và điều này, một dân tộc mà tinh thần không thống nhất thì rất là nguy hiểm cho tương lai. Đó là cái nhìn thứ nhất của tôi.

Còn cái nhìn thứ hai là cái nhìn người Bắc họ vào; sau 30 tháng 4 ngoài Bắc họ vào thì họ học theo người Miền Nam chúng ta, tức là họ bỏ dép râu, họ đi dép, họ đi sa-bô, họ bỏ những áo quần theo kiểu ở ngoài Bắc mà họ theo kiểu áo quần ở Miền Nam.

Thành ra như vậy tôi nhìn thì tôi thấy về phương diện văn hóa là Miền Nam thắng Miền Bắc chớ không phải Miền Bắc thắng Miền Nam, mà văn hóa mới là cái quan trọng, chứ còn quân sự thì có thể nhất thời người bên này thắng hay người bên kia thắng, nhưng mà về lâu về dài thì văn hóa mới là hướng dẫn đời sống của dân tộc.

Từ đó mà tôi thưa thật là tôi đã có lòng tin rằng trước sau gì nước Việt Nam chúng ta cộng sản cũng phải biến chuyển hoặc sẽ phải sụp đổ theo với nền văn hóa của Miền Nam chúng ta. Đó là ý nghĩ của tôi vào năm 1975 và càng ngày cho đến ngày nay nhìn lại tôi thấy những điều tôi nghĩ lúc đó, có thể là tôi chủ quan, nhưng mà tôi cảm thấy tôi có lý.”
Giai cấp công nhân giờ bị bóc lột

Kế đó, ông Nguyễn Đình Hùng, một thanh niên mới bước chân vào đời lúc 30 tháng 4, 1975, nay là viên chức công đoàn lao động Australia, so sánh cuộc sống của người lao động trước và sau năm 1975:
“Trước ngày 30-4-1975 công nhân trong Miền Nam đã có Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam là một công đoàn độc lập tranh đấu thực sự cho quyền lợi của công nhân, nhưng sau 30-4-1975 đến nay khi đất nước Việt Nam được gọi là thống nhất thì công nhân không còn có được một nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ cho quyền lợi của mình.

Trước và ngay sau ngày 30-4-1975 Đảng CSVN trước đó còn được gọi là Đảng Lao Động Việt Nam và công nhân được xem là giai cấp tiên phong tranh đấu để xóa bỏ giai cấp bóc lột, sau 36 năm buồn thay, bây giờ giai cấp công nhân là giai cấp bị bóc lột.”
Tự do dân chủ cho VN

Dịp này, ông Hùng cũng nói lên những mơ ước sâu xa của mình đối với đất nước:
“Nhân ngày 30 tháng 4 được Hà Nội gọi là một cuộc chiến thắng thần thánh, ngày mà họ cho là toàn dân được giải phóng, đất nước được thống nhất hòa bình, cái ngày mà cố thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt gọi là “có trăm người vui vạn người buồn”, ngày đã xô đẩy hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, và bao nhiêu linh hồn phụ nữ phải hy sinh vì hai chữ tự do trên rừng sâu ngoài biển cả. Xin hãy cùng nhau cầu nguyện hồn thiêng sông núi hãy phù hộ cho Việt Nam sớm có tự do, dân chủ và nhân quyền thực sự.”
Qua góp ý thì tất cả đều có cùng tư tưởng mong sao cho nước nhà sớm cải tiến các sinh hoạt chính trị, phát triển kinh tế xã hội, thực thi dân chủ, nhân quyền theo đà tiến hóa của nhân loại văn minh, tiến bộ.

2 comments:

  1. cộng sản tội ác man rợ, bất nhân vô lương, ăn bám trên sinh linh dân tộc, độc tài vô đối, nói dối điêu ngoa, xảo trá và gian manh, lưu mạnh hống hách...

    ReplyDelete
  2. tôi yêu nước tôi việt nam cộng hòa
    sinh ra ở quảng đà.

    ReplyDelete

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...