15 July 2020

Đó không phải là Đà Lạt mà tôi muốn đến

Những sản phẩm thô thiển góp
phần phá nát sự thơ mộng
của thành phố hoa. Ảnh: Internet
Khi những hình ảnh từ khu du lịch Quỷ Núi (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được chia sẻ trên mạng, tôi xem mà giật mình. Họ đang làm gì Đà Lạt vậy?

Đà Lạt trong hình dung của tôi – từ khi chưa đặt chân tới cho đến lúc trở thành nơi chốn quen thuộc – là xứ sở của mù sương, là thành phố hoa với những con dốc thơ mộng, những giai điệu nhạc êm đềm và thường được nhắc nhớ bằng sự lãng mạn, thi vị. Quỷ ma gì ở đây?

Nếu chỉ là một du khách đơn thuần, tôi chọn Đà Lạt vì khí hậu mát mẻ, vì những cung đường cỏ hoa thi vị, những triền dốc xinh xinh và lang thang nhìn ngắm những con phố nhỏ. Đến Đà Lạt để ủ mình trong sương lạnh, nghe thông reo, đi dọc bờ Hồ Xuân Hương, nhẩn nha chợ đêm Đà Lạt…

Vẻ đẹp của Đà Lạt có từ thời bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra miền đất này đâu phải là chốn “dấu ấn ma quỷ” - mà ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên Minh Group Ngô Quang Phúc nói rằng xây dựng Khu du lịch Quỷ Núi Suối Ma là để “tạo ra nét văn hóa đặc trưng riêng cho xứ sở sương mù”?

Đà Lạt từng hấp dẫn du khách bởi những câu chuyện ma mị về hồn ma trong những ngôi nhà hoang trên đèo Prenn. Nhưng đó cũng chỉ là những thêu dệt, đồn thổi, nhắc nhớ về những gia đình từng sống trong các ngôi biệt thự thời Pháp. Chuyện những con ma trên đèo đã thưa vắng vì không chỉ lãnh đạo, mà cả người dân địa phương cũng không muốn khách phương xa nhớ về Đà Lạt với những câu chuyện hoang đường như vậy.

Thế thì, có cái gì gọi là “đặc trưng văn hóa” ở Khu du lịch Quỷ Núi Suối Ma?

Trong Đại Nam quốc âm tự vị, quỷ được định nghĩa là “vật linh thiêng, thần dữ”. Trong Từ điển Hán Việt (Nguyễn Văn Khôn), quỷ: nham hiểm, quỷ quyệt. Theo Việt Nam tự điển thì “quỷ” là “hồn kẻ tiểu nhân, kẻ dữ, hung ác”. Tìm trong những bức ảnh về Khu du lịch Quỷ Núi Suối Ma được đăng tải trên các báo, tôi không thấy có biểu tượng của “vật linh thiêng” trong định nghĩa thứ nhất nêu trên, “thần dữ” cũng không. Những sản phẩm điêu khắc ghê rợn kia chỉ có thể là “kẻ hung ác”. Còn Quỷ vương – biểu tượng cổng vào – xuất hiện trong Phật giáo nguyên thủy.

Công trình này khó có thể gọi là đại diện một điều gì cho văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc.

Công trình này, nói đơn giản chỉ là một sự hù dọa! Một sản phẩm hù dọa thô thiển.

Đó không phải là Đà Lạt mà tôi muốn đến. Những công trình nhân tạo đang góp phần phá nát cảnh quan văn hóa của xứ sở sương mù. Có một lần, tôi cũng đã thử đến Đường hầm Đất sét, nhưng khá thất vọng khi đi hết một “đường hầm” trơ trọi, cảm giác bức bối. Mãi đến khi “thoát” ra, được nhìn ngắm rừng thông trong buổi chiều vàng óng ả phía hồ Tuyền Lâm, mới cảm nhận được điều tôi luôn mong muốn được chạm đến cùng phố núi là gì. 

Không phải là những công trình nhân tạo, cũng chẳng phải những điểm “check-in” mà người người rồng rắn xếp hàng chụp ảnh. Những bức ảnh với cái phông nền nhân tạo na ná nhau mà nhiều người cho là “độc, lạ”. Trong khi vẻ mỹ miều nên thơ của cảnh sắc tự nhiên mới chính là giá trị, làm nên ký ức thân thương quyến luyến về vùng đất này.

Chiều nay, khi nhìn thấy bức ảnh sân khấu của quỷ được chụp từ góc nhìn trên cao, lòng tràn nỗi thất vọng về khu du lịch mới khai trương Quỷ Núi Suối Ma. Giữa thiên nhiên xanh biếc lại mọc lên một công trình quái trúc “quái quỷ” chẳng ra làm sao.

Hoàng Hạc
("01 Diễn Đàn Tin Tức" group)

Hình tượng này nói lên điều gì cho Đà Lạt?

Công trình quái quỷ giữa thiên nhiên xanh biếc. Ảnh: Internet

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...