26 November 2018

Phó TT Pence và Vai diễn 'Bad cop'

Phạm Phú Khải

Bài phát biểu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tại Viện Hudson vào đầu tháng Mười đã được đón nhận khác nhau, tùy theo quan điểm của người nghe/đọc. Theo Dingding Chen thuộc tạp chí the Diplomat thì tại Trung Quốc có ba loại phản ứng. Loại bi quan thì cho rằng Hoa Kỳ (không chỉ riêng đảng Cộng hòa mà là lưỡng đảng) không còn giấu ý đồ kiềm chế sự trổi dậy của Trung Quốc. Loại quan tâm thì nhìn thấy và chia sẻ quan điểm của loại bi quan nhưng không tin là tình huống sẽ không trở nên tồi tệ. Loại bình tĩnh hơn thì nhận xét bài phát biểu của ông Pence thật ra để đối nội hơn đối ngoại, nhất là trước kỳ bầu cử Hoa Kỳ giữa kỳ chỉ hơn một tháng.

Ngoài Trung Quốc cũng có bao phản ứng và nhận xét khác nhau. Cựu Phó Thủ tướng Úc John Anderson, chẳng hạn, thì cho rằng ông Pence chẳng khác gì tuyên bố một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Sau bài phát biểu này, ít ai nghĩ rằng ông Pence sẽ vận dụng mọi cơ hội, nhất là các diễn đàn quốc tế, để tiếp tục trình bày quan điểm cứng rắn của Hoa Kỳ đối với một Trung Quốc mà ông cho là có quá nhiều vấn đề. Cho đến những ngày trung và cuối tuần qua.

Vào thứ Năm ngày 15 tháng 11, trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Singapore, ông Pence tuyên bố Hoa Kỳ muốn nhìn thấy một “Ấn Độ - Thái Bình Dương mà trong đó mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, trở nên thịnh vượng và phát triển - an ninh đối với chủ quyền, tự tin về các giá trị của mình, và cùng nhau phát triển mạnh hơn”. Ông Pence khẳng định rằng (ý đồ) đế quốc và sự hung hãn không có chỗ đứng trong vùng này, và cam kết của Hoa Kỳ đối với vùng này “chưa bao giờ mạnh hơn” (như bây giờ).

Hai ngày sau đó, tại hội nghị APEC được tổ chức tại Papua New Guinea (PNG) năm nay, ngay sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình (thoạt nghe đầy vẻ hoa mỹ và hòa giải), ông Pence tiếp tục minh định rằng Hoa Kỳ sẽ không thoái lui đối với cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh cho đến khi nào họ thay đổi cách thức của họ. Trước mặt Tập Cận Bình, ông nói: “Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ bao nhiêu năm qua và những ngày đó đã qua rồi”. Ông Pence cũng lên án Bắc Kinh về chiến lược ngoại giao bẫy nợ (debt-trap diplomacy) của họ. Ông Pence cảnh cáo: “Các dự án mà họ (Trung Quốc) ủng hộ là thường không bền vững và phẩm chất tệ. Không nên chấp nhận các khoảng nợ nước ngoài mà có thể làm nguy hại đến chủ quyền quốc gia… (Phải) bảo vệ quyền lợi của đất nước bạn, duy trì độc lập và, giống như Hoa Kỳ, luôn luôn đặt đất nước của quý vị trên hết.”

Cũng trong bài phát biểu này ông Pence công bố Hoa Kỳ sẽ cùng với Úc hợp tác xây dựng căn cứ hải quân tại Papua New Guinea. Mục tiêu là củng cố thêm sự hiện diện quân sự của Washington tại châu Á và Thái Bình Dương. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với hai quốc gia này để bảo vệ chủ quyền và hải quyền (maritime rights) tại các đảo Thái Bình Dương”. Ông Pence chưa công bố Hoa Kỳ sẽ cam kết và hỗ trợ dự án này cụ thể như thế nào về mặt tài chánh, và các tàu thủy Hoa Kỳ có đóng quân lâu dài tại Lombrum, Manus Island không. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jonathan Pryke thuộc Viện Lowy thì quyết định này sẽ mang Hoa Kỳ đến gần Biển Đông hơn, và ông nghĩ rằng nó cũng là sự đẩy ngược đáng kể đối với tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương.

Qua các diễn biến chính trị xảy ra vào trung tuần và cuối tuần qua, chúng ta có thể nhìn nhận vài điều.

Một,Trung Quốc đã phải nhượng bộ. Họ sẽ không quyết định như thế nếu có sự chọn lựa! Nhưng họ đã, một phần nào đó, nhượng bộ với Hoa Kỳ về mặt thương mại. Trung Quốc muốn đạt một thỏa thuận với Hoa Kỳ bằng cách cung cấp một danh sách dài những gì họ sẵn lòng thực hiện để giải quyết căng thẳng hiện nay. Một nhượng bộ khác là qua thái độ hòa giải và mỹ từ của Tập Cận Bình khi ông nhấn mạnh nhu cầu hợp tác toàn cầu và thương mại quốc tế. Nghe thì hay nhưng toàn sáo rỗng (tôi sẽ có một bài về đề tài này). Các nhượng bộ thương mại này, mặc dầu chưa được công bố chính thức, nhưng chúng ta có thể suy luận rằng nó khó thể nào đáp ứng được các mục tiêu chiến lược sâu xa của Hoa Kỳ. Như ông Pence từng khẳng định, Hoa Kỳ muốn một quan hệ kinh tế được tự do, công bằng và hỗ tương với Trung Quốc, và muốn Bắc Kinh chấm dứt vĩnh viễn hành động ăn cắp sở hữu trí tuệ, chấm dứt các hành động bắt buộc chuyển giao công nghệ v.v...

Hai, ông Pence đi dự hội nghị ASEAN và APEC thay thế ông Trump không phải vì ông Trump bận chuyện gì chính đáng hơn, và cũng không phải ông Trump không quan tâm đến các hội nghị này. Ông Pence đi thay mặt ông Trump vì ông Pence đã mạnh miệng, thẳng thắn, quyết đoán và không khoan nhượng, như đã thấy qua bài phát biểu tại Viện Hudson, và trong các hội nghị vừa qua. Ông Pence không những tiếp tục chỉ điểm và ghim chặt Trung Quốc vào các sai trái của họ mà còn đưa ra hành động cụ thể, chẳng hạn như việc đầu tư xây dựng căn cứ quân sự tại Manus Island cùng với Úc. Nhật, Hoa Kỳ và Úc (cũng như Tân Tây Lan) đang liên minh để kiểm soát và kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc, và sẽ đầu tư nhiều vốn để phát triển các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương. Nếu các nước này ngã theo Trung Quốc, vì bẫy nợ chẳng hạn, thì sẽ có những ảnh hưởng sâu xa lên Biển Đông, vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, và cục diện địa chính trị tại đây trong thời gian tới.

Ba,quan sát các diễn biến trong thời gian qua, chiến thuật ông Pence và ông Trump có vẻ như đang chơi trò “good cop, bad cop”. Cho đến nay, đối với Trung Quốc, ông Trump tuy lên án họ nhưng làm một cách chừng mực. Ông vẫn tiếp tục tuyên bố Tập Cận Bình là bạn ông. Ông phê phán Trung Quốc ở các khía cạnh mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ và sở hữu trí tuệ v.v… nhưng có những lĩnh vực phần lớn ông chưa đụng tới, như nhân quyền, chẳng hạn. Ông Trump đóng vai “good cop”. Trong khi đó ông Pence phê phán Trung Quốc không chừa chỗ nào, kể cả sự đối xử tàn tệ qua trại cải tạo tập trung với một triệu người Uyghur. Bài phát biểu của Pence tại Viện Hudson đã gây nhiều quan ngại và lo lắng đối với Bắc Kinh về một chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với mục tiêu bao vây Trung Quốc. Ông Pence đóng vai “bad cop”.

Ngoài ra, sự phản ảnh khác nhau trong nội các của Trump về chính sách đối với Trung Quốc, tưởng chừng như thiếu nhất quán, nhưng nó lại càng làm cho Trung Quốc hoang mang. Họ không rõ đâu là chiến lược đích thực của chính phủ này, và đâu là những lời nói hoa mỹ, đe dọa, hay chỉ nhắm đến vấn đề đối nội v.v…

Nhìn như thế, đây có thể là chiến thuật nằm trong chiến lược chung của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Ông Pence đóng vai trò “bad cop”, và ông Trump đóng vai “good cop”. Khi ông Pence càng liên tục lên án Trung Quốc về các vi phạm và ý đồ thiếu minh bạch của họ một cách thẳng thắn và không khoan nhượng thì ông Trump lại im lặng, cốt yếu để xem phản ứng và nhượng bộ sau cùng của Bắc Kinh ra sao, trước khi quyết định thế cờ tiếp. Thế liên hoàn này, nhất là khi được tính toán kỹ lưỡng và phối hợp nhẹ nhàng, và bất ngờ, sẽ làm cho Trung Quốc lúng túng. Nó sẽ tạo nhiều áp lực lên Bắc Kinh để phản ứng, thay vì chủ động. Nếu được thi hành với kế hoạch đường dài hẳn hoi, nó sẽ làm cho lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục bất an. Sau cùng Bắc Kinh sẽ thấy nhu cầu cấp bách phải đối thoại trực tiếp với ông Trump để biết Hoa Kỳ thật sự muốn gì.

Nói cách khác ông Pence làm lên án và áp lực còn ông Trump thì thương lượng và thỏa thuận. Nghĩa là vừa đấm vừa thoa. Làm cho thế giới lo lắng.

Lợi điểm lớn nhất của nền dân chủ, như Hoa Kỳ, chẳng hạn, là trí tuệ tập thể. Dù bất cứ ai lên làm tổng thống thì cũng không thể nào độc đoán mà phải lắng nghe và tham khảo các chuyên gia và rút tỉa từ các kinh nghiệm trước đây. Ngoài ra trong văn hóa chính trị này, mọi suy nghĩ và mọi khía cạnh vấn đề đều được mổ xẻ và được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi tại Trung Quốc nói ngược lại quan điểm của “hoàng đế” Tập Cận Bình không phải là văn hóa chính trị của họ. Hơn nữa, một cái đầu như họ Tập thì tư duy cũng bình thường thôi, chẳng có gì đáng gọi là tư tưởng cả. Nhưng dù có xuất chúng đi nữa thì cũng không thể bì lại bao nhiêu cái đầu xuất chúng khác trong giới tinh hoa của Hoa Kỳ hiện nay.

Điều mà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng nhất hiện nay là vẫn chưa thật sự nắm rõ Hoa Kỳ muốn gì. Chỉ đòi hỏi thương mại hay còn các điều khác? Khi đáp ứng đòi hỏi thương mại rồi thì sau đó là gì nữa? Nhượng bộ bao nhiêu mới đủ? Ông Tập không muốn chứng minh với người dân Trung Quốc là ông yếu đuối. Sau khi kích động tinh thần dân tộc trong mấy năm cầm quyền vừa qua, ông Tập muốn người dân Trung Quốc phát huy tinh thần yêu nước, hy sinh và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của họ, kể cả dựa trên các tuyên truyền dối trá. Các nước cờ kế tiếp của ông Tập mang tính quyết định sự nghiệp chính trị của ông.

Ông Pence đóng vai “bad cop” khá tài tình cho đến nay, làm cho APEC lần đầu tiên không thể đạt được thỏa thuận hay tuyên bố chung nào kỳ này. Để xem ông Trump đóng vai “good cop” ra sao trong những ngày tới, nhất là cuộc gặp mặt với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào cuối tháng 11 này.

Phạm Phú Khải
Nguồn: voatiengviet.com/a/pence-trump-tap-can-binh-apec/4670968

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...