"Không ngờ tình yêu ở tuổi già cũng đam mê, bồng bột mù quáng không thua gì tuổi trẻ."
Nguyễn Thị Thanh Dương
Chị Bông đi chợ Việt Nam, quầy trái cây mùa nào thức ấy, những loại trái cây ngon Việt Nam đã giữ chân chị lâu hơn.
Chị thấy một cô gái trẻ mặc váy ngắn áo hở cổ mát mẻ đang săm soi chọn mít, người cha già đứng bên chiếc xe chợ kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng cô gái chỉ vào một quả mít to và người cha khệ nệ vần trái mít ra sát bìa quày để dễ dàng bê đặt xuống xe.
Chị Bông thấy tội nghiệp ông già ghê, chắc con gái ăn mặc đẹp điệu đàng không dám bê quả mít sợ bẩn tay bẩn áo.
Chị Bông đến gần và nhìn ông già ái ngại khi ông đang hì hục đẩy quả mít vào góc xe cho gọn. Cô gái như hiểu được ý chị, nàng cười cười giải thích:
– Cô ơi… chồng em đấy.
Và nàng liến thoắng:
– Anh ấy muốn làm bất cứ gì có thể để giúp vợ. Em sang Mỹ 2 năm mà vẫn thèm đủ thứ trái cây Việt Nam, này nhé, nhãn, vải, chôm chôm đắt mấy chồng em cũng mua, hôm nay thì em thm mít nên mua hẳn một quả to về bổ ăn dần cho đã đời cô ạ…
Chị Bông ngượng ngùng vì đã hiểu lầm, nhưng cô gái vẫn hồn nhiên nói tiếp:
– Khi còn ở Việt Nam thì em có thèm gì món mít, em muốn ăn gì chả có. Bao nhiêu thứ trái cây ngon, trái cây quý chất đầy trong tủ lạnh ấy chứ.
Ông chồng quay mặt đi chỗ khác làm như không nghe thấy cô vợ trẻ nói gì.
Chị Bông nghĩ thầm chắc cô gái là con nhà giàu đã quen hưởng đầy đủ vật chất sung sướng, lấy ông già để sang Mỹ và lần hồi sẽ bảo lãnh cả nhà sang đây, chiến thuật đi định cư nước ngoài tuy chậm mà chắc.
Ông già dù đã nhuộm đen nốt mấy sợi tóc loe hoe còn lại trên cái đầu hói, dù diện quần jeans áo thun cho ra vẻ trẻ trung cũng không thể nào xứng tầm bên cô vợ trẻ này. Ông tuổi chắc 70 còn nàng chưa đến 30.
Chị ngẩn ngơ nhìn theo đôi vợ chồng đũa lệch khi ông chồng già đẩy chiếc xe chợ đi theo cô vợ trẻ tung tăng váy áo đi trước. Nhìn cảnh này ai mà chẳng nghĩ là cô gái dẫn bố già đi chợ.
Chị Bông về đến nhà không thấy chồng đâu, anh Bông đang ngoài vườn, cây lê quả chín bị sóc gặm hay chim mổ rơi rụng xuống đất anh đang nhặt bỏ vào bao rác, chị Bông chưa kịp kể cho chồng nghe chuyện ngoài chợ thì anh đã than thở:
– Mùa Thu về ai mộng mơ với lá Thu rơi còn tôi chỉ lo quét lá, lá càng rơi tôi càng chán.
– Anh đừng có kể công, hôm nay em đi chợ thấy một ông già chiều vợ lắm, ông vác một quả mít to và nặng cho vợ mà chẳng than thở gì.
– Thì bà vợ già của ông ấy yếu đuối…
– Trái lại, nàng là một cô vợ mạnh khỏe và rất trẻ đẹp.
Anh Bông lẩm bẩm:
– Nếu thế thì vác cả tạ gạo cũng vui vẻ chứ đừng nói bê quả mít.
– Ý anh muốn nói là những bà vợ già và xấu như tôi thì chẳng cần giúp, cứ mặc kệ cho đáng đời hả? Hả?
Anh Bông gỡ gạc:
– Bà già cũng có giá trị của bà, tôi đang dọn vườn cho bà đây nè.
Buổi chiều chị Bông nhận được một cú phone:
– A lô, tôi muốn hỏi thuê căn nhà đường Naomi Lane còn trống không ạ?
Chị Bông đáp:
– Vâng, chị muốn thuê nhà hả, nhà đang sẵn sàng để dọn vào.
– Chị cho vợ chồng em cái hẹn chiều mai xem nhà.
Chiều hôm sau chị Bông đến địa chỉ căn nhà mà chị đã cắm bảng cho thuê, khi khách đến chị Bông nhận ra ngay cô gái trẻ mua mít trong chợ mà chị đã gặp. Hôm nay nàng lại diện một cái váy khác tươi trẻ và nhí nhảnh hơn cả hôm đi chợ.
Cô gái cũng nhận ra chị Bông ngay, nàng ngạc nhiên:
– Ối giời ôi lại là cô mà em đã gặp ở chợ hôm qua lúc em mua quả mít.
Nàng hồn nhiên kể:
– Chồng em đã bổ quả mít ra. Ngon lắm cơ, anh ấy gỡ từng múi mít cho em ăn.
Bổ được quả mít to và bóc ra từng múi đã là công việc chẳng hứng thú gì với người phụ nữ, vừa tỉ mỉ vừa dơ tay, nếu không khéo thì nhựa mít dính tay thế mà ông già này phải bổ quả mít to tướng. Lấy vợ trẻ vợ đẹp thì phải chiều cho ra dáng đàn ông chứ chẳng lẽ ông rên hự hự và thều thào rằng: “Em ơi, anh không đủ sức cầm con dao phay bổ quả mít cho em đâu”.
Chị Bông nghĩ thế và mỉm cười, cô nàng cao hứng kể thêm:
– Chồng em giỏi lắm còn nấu cơm rửa bát cho em nữa cơ. Thương anh quá, cuối tuần nào em cũng đòi đi ăn nhà hàng để anh ấy… được nghỉ ngơi.
Rồi nàng quay ra nói với chồng:
– Ðúng là chúng mình có duyên với cô đây anh nhỉ? À, cô ơi em xin giới thiệu em là Mộng Châu, chồng em là Tín.
– Còn tôi là Bông. Mời anh Tín và cô Mộng Châu vào xem nhà.
Ông Tín ngắm nghía bao quát xung quanh căn nhà và nói với cô vợ:
– Cảnh đẹp đấy, căn nhà nằm dưới những tàn cây cao. Bây giờ là mùa Thu lá đang đổi màu. Mai kia mùa Thu chín lá sẽ vàng rực cả cây và rơi rụng càng thơ mộng em ạ. Chúng mình sẽ ngồi dưới gốc cây này uống trà ăn bánh chẳng hạn, và tận hưởng mùa Thu em nhé.
Cô Mộng Châu chẳng thèm để ý gì đến cảm xúc sung sướng của ông chồng già vừa vẽ ra hình ảnh hai vợ chồng hạnh phúc và thơ mộng với cảnh Thu, nàng vén váy bước vào trong căn nhà cũ kỹ và chê, cố tình cho chị Bông nghe từng lời rõ ràng:
– Nước Mỹ nổi tiếng giàu có văn minh mà nhà cửa không đẹp bằng ở Việt Nam. Nhà em ở trước kia là nhà mấy tầng, cổng to lớn cho xe ô tô chạy vào cơ, vườn cây hoa lá đẹp như trong phim truyện Hàn Quốc cơ…
Ông Tín ngượng ngùng ngắt lời vợ:
– Em kể chuyện nhà to nhà đẹp ra đây làm gì…
Chị Bông nghĩ thầm mình đã đoán không sai, cô tiểu thư này từng ở nhà cao cửa rộng, vật chất ê hề, chịu lấy ông chồng già hoặc vì ăn chơi quá độ nên cha mẹ “tống cổ” đi Mỹ cho khuất mắt, hoặc vì mục đích đi Mỹ đổi đời cho bản thân và cả gia đình sau này. Tâm lý của cô con gái nhà giàu ở Việt Nam sang Mỹ bỗng phải sống trong điều kiện tài chính hạn hẹp thời gian đầu thường bị “sốc” và thất vọng như thế.
Chị Bông nói:
– Nhà này tuy cũ nhưng sạch sẽ gọn gàng em ạ, lại là căn nhà cuối đường riêng tư với cây cao bóng mát mùa hè, với lá vàng ngập sân mùa Thu ai cũng thích, người thuê trước vì lý do công ăn việc làm họ mới phải dọn đi thôi. Em mà không thuê là có người khác thuê ngay.
Ông Tín thì thầm năn nỉ vợ:
– Em đồng ý nhé. Các căn nhà khác còn cũ hơn, xấu hơn mà chắc gì được chỗ đẹp như thế này.
Cô Mộng Châu ngẫm nghĩ, chắc biết khả năng ông chồng già chỉ có bấy nhiêu nên nàng đồng ý và không kêu ca gì nữa.
Cuối tuần vợ chồng ông Tín dọn vào nhà.
Ông Tín kê một bộ bàn ghế bên hông nhà dưới tàn cây rủ lá. Chị Bông đã tưởng tượng ra có những buổi chiều Thu mát mẻ hai vợ chồng ông Tín ra đây ngồi cùng uống trà, cùng ngắm lá Thu rơi mà vui lây.
**
Mùa Thu lá đổi màu làm đẹp cả khu phố, toàn những cây phong từ đời nào to cao sừng sững, nhất là con đường Naomi có ngôi nhà của vợ chồng ông Tín đang ở. Có lẽ nơi đây khi xưa là một rừng phong trước khi rừng được xẻ ra xây cất thành những khu nhà ở.
Từ đầu đường đến cuối đường hai hàng cây như chụm đầu vào nhau, chỉ thấy thấp thoáng trời xanh qua kẽ lá.
Mỗi khi gió nhẹ lá phong thoảng rơi vài chiếc, nhưng khi gió mạnh thì nhiều chiếc lá phong cùng lả tả rơi xuống bay bay trong gió thành những vũ điệu uyển chuyển tuyệt vời.
Chị Bông đến nhà vợ chồng ông Tín để thu tiền thuê nhà, họ gọi chị mấy ngày trước nhưng chị bận rộn, hôm nay sẵn đi công việc khác gần đây nên chị ghé vào.
Chiều thứ Bảy chắc sẽ có đủ mặt hai vợ chồng ở nhà, chị vừa thu tiền vừa thăm hỏi xã giao đồng hương luôn thể.
Chị Bông gõ cửa, khi cánh cửa mở ra thoáng nhìn bên trong chị Bông đã nhận ra cảnh bàn tiệc vừa tàn, đồ ăn thức uống, bát đĩa, ly chén, khăn giấy, vỏ chai, lon nước còn bừa bộn trên chiếc bàn dài và rộng được kê ra từ hai chiếc bàn nhỏ nối lại.
Ông Tín đang bận thu dọn bàn tiệc này, ông hơi lúng túng nhưng vẫn lịch sự mời chị Bông vào nhà để ông lấy tiền trả.
Chỉ có mình ông Tín ở nhà, ông chán nản chẳng cần giấu giếm:
– Chúng tôi vừa có tiệc sinh nhật Mộng Châu, cô ấy và bạn bè của cô ấy ăn xong lại kéo nhau đi đến địa điểm vui chơi nào đó. Tôi… ở nhà dọn dẹp, đi theo làm gì cho thêm mệt thân mà chẳng thích hợp với mình.
Lấy tiền xong, chị Bông định ra về nhưng ông Tín dường như quá cô độc và cần có người để trút nỗi lòng nên níu kéo khách ở lại:
– Chị Bông không bận gì thì cứ ngồi chơi trong khi tôi vừa dọn dẹp vừa kể chuyện. Ðã lâu rồi tôi chưa biết tâm sự cùng ai…
– Chuyện cô Mộng Châu, vợ ông?
– Vâng, niềm vui và nỗi buồn của tôi là nàng. Chị đã gặp chúng tôi vài lần, hôm nay chị trông thấy cảnh này chắc cũng đoán ra phần nào, biết đâu nay mai chị sẽ nhìn hoặc nghe thấy những cảnh tương tự thì chị sẽ không thắc mắc hay ngạc nhiên gì nữa.
Chị Bông tò mò ngồi lại một góc bàn lắng nghe ông Tín kể:
– Tôi góa vợ cách đây mấy năm, ba đứa con ở xa đều muốn tôi về ở với chúng. Nhưng vốn tính ăn chơi bay bướm từ thời trai trẻ, buồn tình vì cô đơn và bỗng dưng được tự do thảnh thơi làm lại cuộc đời tôi cao hứng muốn cưới vợ trẻ đẹp. Loại gái trẻ đẹp chịu lấy những ông già đáng tuổi cha tuổi chú như tôi thì chỉ có ở Việt Nam và đầy trên mạng. Tôi đã tìm được Mộng Châu một cách dễ dàng nhanh chóng.
Ông Tín thở dài :
– Tôi đánh đổi tất cả những tình cảm yêu thương của con cháu vì nàng. Các con tôi đã phản đối, đã buồn giận, các thân nhân họ hàng đã khuyên can, nhưng tôi bất chấp hết.
Chị Bông cảm thông:
– Tôi thấy ông luôn tỏ ra thương yêu và chiều chuộng nàng bằng tất cả tấm lòng chân thật, chắc nàng cũng hiểu điều đó.
– Vâng, nhưng tất cả những thương yêu chiều chuộng ấy không thể biến một ông chồng già thành chàng trai trẻ cho xứng với nàng được. Mộng Châu đang bắt đầu chán chường tôi rồi, thậm chí nàng coi thường tôi, cứ ngang nhiên vui chơi với bạn bè trang lứa, nếu tôi không tự ái chia tay thì cũng có lúc nàng sẽ thẳng thắn nói chia tay.
– Rồi ông tính sao?
Ông Tín rầu rầu:
– Chắc ngày ấy không xa đâu, vì Mộng Châu đã có thẻ xanh rồi. Tôi lại trở về cuộc sống độc thân.
Chị Bông nói đùa cho ông Tín bớt buồn:
– Nhưng chắc ông không lặp lại lần nữa, tìm cô tiểu thư con nhà giàu Mộng Châu thứ hai đâu nhỉ…
Ông Tín bỗng bật cười ha hả làm chị Bông ngạc nhiên tưởng mình đã nói gì sai trái:
– Chị vừa bảo gì? Cô Mộng Châu tiểu thư con nhà giàu?
– Chứ còn ai nữa, cô ấy đã mấy lần khoe cuộc sống giàu sang trước đây ở Việt Nam.
Ông Tín cười cho đã đời xong mới nói:
– Mộng Châu chỉ là biệt hiệu, tên thật của nàng là Nguyễn Thị Chuông..
Chị Bông ngạc nhiên:
– Nhưng gia đình cô ấy giàu có thì cái tên có ảnh hưởng gì đâu?
– Ai bảo chị là nhà cô ấy giàu có? Cô ấy…
Chị Bông sốt ruột tranh lời:
– Cô ấy khoe ngày ở Việt Nam từ cái tủ lạnh lúc nào cũng đầy ắp trái cây ngon, thức ăn ngon đến ngôi biệt thự to lớn mấy tầng, xe ô tô có thể chạy vào tận trong sân…
– Ðúng là Mộng Châu từng ở trong biệt thự cao sang, trong nhà có tủ lạnh lúc nào cũng đầy thứ ngon vật lạ. Nhưng vấn đề là cô Mộng Châu tức cô Nguyễn thị Chuông không phải là cô tiểu thư con ông bà chủ, mà chỉ là con sen, là đứa ở đợ mà thôi, gia phả nhà nàng ba đời bần cố nông, vì thế nên cô Chuông đã lên mạng tìm bạn bốn phương để đổi đời và đã đạt ước mơ sang Mỹ như chị đã thấy rồi đó.
Chị Bông chưa hết ngỡ ngàng:
– Thì ra thế, cô ấy cứ nói kiểu nửa vời làm tôi tưởng lầm. Gái Bắc kỳ khéo léo thật, tôi cũng là Bắc kỳ mà còn thua xa.
– Tôi biết rõ hoàn cảnh nàng, một ông già như tôi cưới được vợ trẻ đẹp là quá đủ rồi, sang Mỹ ai biết nàng từng là con sen con ở. Tưởng nàng sẽ an phận sống bên tôi lâu dài…
Ông Tín quay ra than van:
– Chắc kiếp trước tôi mắc nợ nàng chị Bông ạ, ngày vợ tôi còn sống bà ấy yêu thương săn sóc tôi từng bữa cơm từng giấc ngủ. Lấy Mộng Châu thì ngược lại tôi phải chiều chuộng hầu hạ nàng từng tí một mà nàng chưa vừa lòng. Các con tôi đã đoán trước điều này thế mà tôi cứ đâm đầu vào, không ngờ tình yêu ở tuổi già cũng đam mê, bồng bột mù quáng không thua gì tuổi trẻ.Tôi buồn lắm mà chẳng biết nói cùng ai, con cháu còn đây, thân nhân còn đấy nhưng tôi mặt mũi nào tâm sự với họ. Hôm nay được dịp nói với chị tôi thấy vơi nhẹ lòng.
Chị Bông an ủi:
– Thôi, ông Tín đừng buồn, coi như ông làm phước cứu nhân độ thế, mở hé cánh cửa cho đại gia đình bần cố nông cô Nguyễn Thị Chuông sẽ được đổi đời để thế hệ sau khá hơn.
Chị Bông chào ông Tín ra về, ông già lù khù lại lúi húi đứng trong bếp rửa tiếp đống bát dĩa cao chất ngất, mà nếu ở với con cháu thì công việc này không phải của ông.
Chị Bông bước ra ngoài, mùa Thu vẫn rực rỡ ngoài sân.
Chị Bông thấy bộ bàn ghế bên hông nhà phủ đầy lá phong rơi, có lẽ cả tháng nay vợ chồng ông Tín không hề ra đây ngồi hay quét dọn.
Cô Mộng Châu trẻ trung phơi phới yêu đời và đua đòi kia làm sao hiểu được thú vui của tuổi già, ngồi hàng giờ bên ông chồng già cùng uống trà và ngắm lá Thu rơi cho được.
Tội nghiệp mùa Thu làm đẹp cho đời cho mọi người nhưng ở góc phố này, góc đường này, nơi lá vàng nhiều nhất đẹp nhất thì mùa Thu lại bị bỏ quên hững hờ.
Tội nghiệp ông Tín ở cái tuổi mùa Thu cuộc đời đáng lẽ ông sẽ được an hưởng tuổi già bên con cháu hay nếu cho đời bớt lẻ loi thì tìm người bạn cùng trang lứa. Ham gì niềm vui ngắn ngủi bên cuộc tình so le để phải nghe tiếng gièm pha của người đời và ngậm đắng nuốt cay như thế.
Nguyễn Thị Thanh Dương
(Nguồn "Trẻ" online)
No comments:
Post a Comment