16 November 2018

Giấc mộng China qua lăng kính Alibaba

Nguyễn Hoàng Dũng
Kể từ khi Washing Post cho đăng bài phân tích khá chi tiết “Hiểm Họa Toàn Cầu Từ Nền Chuyên Chế Kỹ Thuật Số Của Trung Quốc” (The Global Threat of China’s Digital Authoritarianism) (1) của hai đồng tác giả Michael Abramowitz và Michael Chertoff ngày 1/11/2018, chúng ta buộc phải giật mình nhìn lại tất cả những hoạt động gián điệp từ các công ty bình phong lớn của Tàu trên đất nước Việt Nam, không chỉ là Huawei, ZTE mà còn là Tencent, Alibaba. Khuôn khổ bài viết nhấn mạnh tới tập đoàn Alibaba thông qua hình ảnh cựu chủ tịch Jack Ma.

Từ lâu, những người Việt biết ưu tư cho tiền đồ đất nước trước tên láng giềng Tàu nham hiểm đều nhìn ra mối nguy hại của Trung Hoa Mộng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo và an ninh quốc gia. Ai cũng nhìn thấy Tàu xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta ngoài biển Đông, thấy chúng âm thầm mua đất lập chốt ở những địa điểm quan yếu khắp nước và tiến hành thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp Việt, thấy chúng ép chính quyền Việt Nam thông qua Luật Đặc Khu thuê đất đến 99 năm, cho chúng tự lái xe chạy thẳng 180km vào nội địa ta và bắt ta cho lưu hành Nhân Dân Tệ ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc.

Tuy nhiên, không nhiều người nhìn ra Huawei và ZTE đã cài cắm bao nhiêu mạng ma (botnet) nghe lén lấy cắp thông tin, và bao nhiêu camera ghi hình trộm thông qua hàng triệu bộ định tuyến mạng không dây (router) và điện thoại thông minh (smartphone) do 2 đại công ty này sản xuất, đang được sử dụng lan tràn ở Việt Nam, vì firmware của chúng cũng là spyware (phần mềm gián điệp). Do vậy mà tính cho đến nay, đã có 4 nước là Mỹ, Nhật, Úc, Ấn chính thức cấm cửa thiết bị viễn thông của 2 công ty này ở nước họ (2), chưa kể sắp tới sẽ là Anh, Nga. Lý do chính là những lo ngại về an ninh và bảo mật thông tin, cùng bóng dáng chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn sau chúng.

Càng khó nhìn rõ hơn nữa là sự cộng tác tích cực của 2 công ty Tencent và Alibaba cho Giấc Mộng Trung Hoa này. Hai ông chủ của 2 tập đoàn trên làm thành cặp “song mã”: Mã Hoá Đằng (Pony Ma) và Mã Vân (Jack Ma) nhằm kéo cỗ xe “Giấc Mộng China” cùng người cầm lái vĩ đại Tập Cận Bình lao về mốc thời gian 2025 đầy mộng tưởng “Made in China 2025” và đặc biệt là mốc 2050 vô cùng huyễn hoặc “Vượt Mặt Hoa Kỳ”. Hiện thì chiếc mã xa này cùng tên xà ích đang bị Donald J. Trump chặn đứng, đánh cho đảo đầu xe tuột dốc với khẩu hiệu “Make America Great Again”.

Tencent xâm nhập Việt Nam bằng cửa hậu khi mua cổ phần, có thể tới 31% của VNG, tập đoàn tiên phong trong ngành công nghệ internet Việt Nam (3). Bộ công cụ thu thập thông tin của Tencent gồm Wechat, Zalo (dùng nền tảng Wechat), Shopee, Wechat Pay...Cùng một cách thức, nhưng quy mô và trực tiếp hơn, Alibaba đã mua lại Lazada, ký kết với Công Ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đơn vị trung gian duy nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho giao dịch bán lẻ tại Việt Nam để mở đường cho Alipay tiến vào thị trường thanh toán online Việt Nam (4). Bộ công cụ đánh cắp thông tin khách hàng của Alibaba là sàn thương mại điện tử Taobao, dịch vụ tìm kiếm eTao, Lazada, và Alipay...

Việc gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ các công cụ của Tencent như Wechat, Zalo, Shopee, Wechat pay và của Alibaba như Taobao, eTao, Lazada, Alipay cùng phát huy tác dụng đánh cắp thông tin người dùng Việt Nam cho chính phủ Trung Quốc, với sự trợ giúp đắc lực của 2 “sát thủ vô hình” đã nằm vùng Huawei và ZTE? Nguy cơ vô cùng khủng khiếp. Chắc chắn 4 đại công ty này đang hàng giây hàng phút thu thập thông tin về Việt Nam và người dân Việt Nam mà gửi về đại bản doanh Trung Quốc theo đúng cách thức họ đã làm với Châu Phi và các nước khác (5). Tiến thêm một nấc nữa, hiện nay cả Alibaba và Tencent không còn giấu giếm tham vọng thâu tóm các hoạt động tài chính Việt Nam, “xương sống của đất nước”. Tương lai Việt Nam sẽ ra sao đây?

Hãy chọn tập đoàn Alibaba tiêu biểu mà tìm hiểu sự nham hiểm của Tàu thông qua hình ảnh Jack Ma. Có nhiều cơ sở để nhận định những phát biểu của Jack Ma trùng với các quan điểm về giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình, nên rất có thể Jack Ma chính là 1 trong những sứ giả ngầm được Tập tuyển chọn, cử đi “chém gió” tô vẽ hình ảnh Trung Quốc hùng mạnh tươi đẹp để phủ tầm ảnh hưởng văn hóa lên các nước khác, bên cạnh chính sách nhất quán của tập đoàn này là thu thập, đánh cắp dữ liệu người dùng như đích thân Jack Ma đã nói: “Thế giới sẽ là dữ liệu. Tôi nghĩ đây mới chỉ là khởi đầu cho thời đại dữ liệu“.

Còn nhớ, khoảng thời gian này năm ngoái (4/11/2018-8/11/2018), Jack Ma đã đình đám đến Việt Nam nhân sự kiện Tuần Lễ Cao Cấp APEC 2017 tại Đà Nẵng. Là nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn Alibaba thuộc loại lớn nhất Trung Quốc, lại mang trên mình sự hào nhoáng của khối tài sản 47,6 tỉ USD (thời điểm đó), nên không hề ngạc nhiên khi công chúng Việt Nam chú ý đặc biệt tới ông, cá biệt còn có bạn trẻ phát cuồng đến nỗi khóc lóc quỳ lạy ông ta. Bao nhân vật đến Việt Nam còn tài năng xuất chúng hơn Jack Ma nhiều nhưng tuyệt nhiên chưa ai được quỳ lạy như thế bao giờ.

Hành trang ông mang theo đến Việt Nam ngoài các phát ngôn vô thưởng vô phạt liên quan tới quan điểm sống và những bí quyết làm giàu kiểu chung chung, dễ không như: “đừng bao giờ phàn nàn”, “những người nhỏ bé rồi sẽ trở thành khổng lồ”, “ngày nay kiếm tiền rất đơn giản”..., chúng còn là các lời ru ngủ mang hàm lượng mị dân rất cao như: “Alibaba sang Việt Nam mục tiêu đầu tiên không phải để làm ăn mà để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nhân phát triển kinh tế, làm ăn tốt ở nội địa rồi vươn ra cạnh tranh với thế giới”. Thiệt là quá xá tốt mà!

Tuy nhiên, liên quan đến Trung Hoa Mộng thì nhận định sau đây của Jack Ma mới là thấm thía: “Hàng giả từ các nhà máy của Trung Quốc còn tốt hơn hàng thật”. Điều này cũng minh định chính sách xuất khẩu hàng giả, hàng nhái của các công ty Trung Quốc được chính phủ phía sau hỗ trợ. Do đó, Alibaba với những Taobao, eBao, Alipay, Lazada chính là kẻ đi mở đường cho hàng vạn công ty Trung Quốc vào Việt Nam hợp pháp nhằm “tàn sát” nền sản xuất non yếu của nước ta bằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Mỹ và phương Tây đã cáo buộc Alibaba là ổ bán hàng giả nhưng được bảo vệ chặt chẽ bởi chính quyền. Chính quyền Mỹ xếp Alibaba vào danh sách đen các nơi kinh doanh hàng giả, với lượng hàng giả ước tính tới 1.700 tỷ USD vào năm 2015. Giả sử các công ty cứ chực chờ ăn cắp các phát minh, sáng chế của các công ty khác, rồi chế tác ra hàng nhái để đỡ công và chi phí nghiên cứu, thì sự sáng tạo sẽ sớm thui chột, không còn ai muốn sáng tạo nữa vì không lợi bằng làm giả hàng của người khác. Rốt cuộc, thế giới vắng bóng hàng thật, nghĩa là cũng chẳng còn hàng hóa nào nữa. Alibaba và nhiều công ty Trung Quốc đã và đang làm giàu bằng cách thức “đỉa hút máu” khốn nạn này.

Cứ thử đặt câu hỏi tại sao Jack Ma cùng các đồng sáng lập chọn “Alibaba” mà đặt tên cho công ty thuở sơ khai? Có phải hoàn toàn ngẫu nhiên không? Ai mà không biết câu chuyện “Alibaba Và 40 Tên Tướng Cướp” nổi tiếng trong “Nghìn Lẻ Một Đêm” (Truyện Cổ Ba-Tư). Alibaba làm giàu bằng cách nào? Bằng cách ăn cắp lại kho báu của bọn cướp với câu thần chú: “Vừng ơi! Hãy mở ra!”. Thì ra là đi “ăn cắp” để giàu có chứ không phải lao động sáng tạo cực nhọc gì cả. Ẩn ý của Jack Ma là vậy: Ăn cắp sáng chế, sở hữu trí tuệ người khác (như Alibaba) để sản xuất hàng nhái làm giàu. Như thế mới dám nói “làm giàu không khó” chứ! Cho tới tận bây giờ, Ali Baba hay Alibaba vẫn còn được quân đội Mỹ và quân đội Iraq sử dụng làm từ lóng chỉ bọn ăn cắp hoặc cướp bóc.

Có thể nói khái quát thế này, Alibaba đã khởi xướng tinh thần doanh nhân tập thể khi đưa hàng triệu các người bán hàng Trung Quốc lên sàn thương mại điện tử, nơi họ bỗng chốc biến thành doanh nhân có thể mở cửa hàng để bán sản phẩm của mình trên mạng. Bằng cách đó, Alibaba đã trở thành trung gian kết nối thu phí giữa người mua người bán để rồi có một kho dữ liệu khổng lồ theo thời gian. Từ đó Alibaba cũng trở nên giàu có. Tuy nhiên, mô hình của Alibaba không tính phí niêm yết và không có nhà kho để giữ hàng hóa, khiến cho nó dễ trở thành chỗ kết tập hàng nhái, dễ hơn nhiều so với mô hình của Amazon. Từ đó, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng từ cửa ngõ, hang ổ Alibaba mà tuôn đi khắp thế giới.

Người mua người bán lên sàn thương mại điện tử Taobao tha hồ mở shop, trao đổi tìm kiếm hàng hoá bằng eTao (Alibaba chặn Google và Baidu), thanh toán tiền cho nhau qua Alipay. Nếu là các quốc gia ở Đông Nam Á thì đã có cánh tay nối dài Lazada, sau khi Alibaba đã mua lại công ty này. Thế là hàng triệu shop hàng giả trên Taobao và Lazada, phối hợp nhịp nhàng với Shopee của Tencent sẽ tuồn hàng giả vô Việt Nam. Sẽ không có công ty sản xuất chân chính nào của Việt Nam tồn tại nỗi trước cơn lũ hàng nhái này. Sẽ có hàng loạt công ty trong nước phá sản. Chưa hết, giống như Wechat Pay của Tencent, công cụ thanh toán trực tuyến Alipay của Alibaba với quy mô lớn hơn nhiều sẽ bóp chết nền tài chính Việt một khi nó kết nối trơn tru với NAPAS (6).


Như vậy, Alibaba cũng là một vũ khí lợi hại của Trung Quốc theo chân “Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường” (BRI). Vừa dùng tiền cho vay gài bẫy nhượng địa, vừa dùng vũ lực lấn chiếm biển đảo các nước Đông Nam Á, vừa tiến hành nghe lén đánh cắp thông tin, vừa tuồn hàng giả thông qua các sàn thương mại điện tử và các trang mua bán trực tuyến, nay lại đem 2 ví tiền điện tử Alipay và Wechat Pay vào o ép các ngân hàng Việt Nam, sau khi đã bắt chính quyền cho lưu hành Nguyên Tệ ở 7 tỉnh biên giới, thử hỏi Việt Nam ta kháng cự sao đây? Cũng nên nhớ rằng, Trung Quốc là nước in tiền cho rất nhiều nước khác, chủ yếu là các nước nằm trong lộ giới BRI (7). Có gì bảo đảm chúng không in tiền giả mà tuồn vô các nước? Còn nếu hạn chế tiền giấy chuyển sang thanh toán điện tử thì sẽ gặp ngay cặp “song sát” Alipay và Wechat Pay.

Rất rõ ràng, Jack Ma của Alibaba đã cộng tác chặt chẽ với chính quyền Tập Cận Bình để bành trướng Trung Hoa Mộng. Trước đây, lúc chưa từ chức, Jack Ma liên tục đi đây đi đó giới thiệu mô hình thành công của Alibaba cùng quan điểm sống, kinh doanh của mình. Thời gian rảnh ở đâu mà ông có nhiều đến vậy? Tỉ phú Mỹ lúc về hưu mới có thời gian làm việc khác. Ấy vậy mà sau khi từ chức ngày 10/9/2018 lại không thấy ông cất bước đi đâu diễn thuyết hết? Quá kỳ lạ. Trả lời thuyết phục cho nghi vấn này thì không thể nào không cám ơn nước Mỹ, cách riêng cám ơn tổng thống Donald J. Trump, bất chấp bao lời dị nghị của các Anti-Trump về tính cách thất thường của ông.

Còn nhớ lúc Tập Cận Bình huênh hoang tuyên bố sẽ vượt mặt Mỹ vào năm 2050, trước hết bằng chương trình “Made in China 2025”, thì Jack Ma cũng to miệng phụ họa không kém khi tuyên bố một câu xanh rờn: “Năm 2036, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản” (8). Ông còn hứa với Donald F. Trump là sẽ tạo ra 1 triệu việc làm tại Mỹ. Nếu như Jack Ma không dựa vào kế hoạch “Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường” của chính phủ Trung Quốc để mở rộng Alibaba và thiết lập nền tảng thương mại toàn cầu, thì liệu rằng ông có dám mở miệng như thế? Chắc chắn là không.

Sau khi Donald J. Trump phát động cuộc thương chiến ngày 6/7/2018 rồi cho nó leo thang bằng số tiền áp thuế ngày một tăng từ 50 tỉ USD lên 200 tỉ USD thì thầy trò Tập Bình-Mã Vân bắt đầu giảm giọng. Tập thì không dám cho báo chí phê phán ông Trump sợ Trump phật lòng, còn Mã thì lúc đầu cố vớt vát hú hoạ: “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài 20 năm” (9), sau đó Mã “xù” luôn lời hứa tạo 1 triệu công ăn việc làm cho Mỹ. Rồi khi “Nhất Nhân Trị” Tập Cận Bình run rẩy bắn tin muốn đàm phán với Trump thì Mã từ chức luôn (10). Cuối cùng, đầu tháng 11/2018 khi Tập kêu gọi các công ty Trung Quốc phải tự lực và “Không ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ” (11), thì Mã tắt tiếng luôn.

Trung Quốc của Tập nói chung, và Alibaba của Mã nói riêng làm giàu bằng cách “ăn cắp” mẫu mã, nhãn mác của thiên hạ mà làm hàng giả bán khắp thế giới, nay buộc phải công khai xin lỗi Mỹ là không dám “ăn cắp sở hữu trí tuệ Mỹ” nữa thì sau này biết làm ra tiền bằng cách gì? Không có tiền thì Trung Hoa Mộng, Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường” làm sao mà “sống”? Lời phát biểu trên của ông Tập chính là hành động xuống nước kéo cờ trắng xin hàng trước Trump. Jack Ma nhạy bén sớm hiểu kết cục cuộc chiến nên đã khôn ngoan từ chức. Đưa ra nhận định 20 năm nhưng cuộc chiến chỉ có thể kéo dài tối đa 2 năm vì Trung Quốc phải sụp đổ thì không từ chức sao được. “Trảm phong” ai nghe nữa đây. Hơn nữa, bên cạnh lịch sử ăn thịt người man rợ, Trung Quốc còn không có quốc tộc chỉ có truyền thống gia tộc, tông tộc. Không hạ cánh cuốn gói thì mai sau kẻ lật đổ Tập sẽ tìm Mã mà thanh lý sao?

Tóm lại, tháng 11/2018 là một cột mốc quan trọng đánh dấu “Trung Hoa Mộng” đã chính thức vỡ mộng. Kẻ hoài nghi sẽ nghĩ Tập trá hàng. Tuy nhiên, nhiều chỉ dấu cho thấy đây là Tập đầu hàng thiệt để mong giữ ngôi vương của mình. Trá hàng thì càng chết sớm với Trump, vì lãnh đạo nào trên thế giới bây giờ “trá” bằng Trump. Có gọi là “Trump Sát-na” cũng chính xác vì thay đổi của Trump nhanh cỡ Sát-na. Cứ nhìn Jack Ma và Alibaba mà theo dõi nhiệt độ “Trung Hoa Mộng”. Kẻ cắp đã gặp bà già! Dù Trump đánh Tập là đánh cho Mỹ và chỉ vì Mỹ, nhưng vô hình chung Việt Nam ta được lợi. Nếu không có Trump thì Biển Đông đã thành ao nhà của Tập! Nhiêu đó thôi cũng đủ cám ơn ông ta thật nhiều và thật lòng rồi.

Chú thích:

(1). https://thoibao.de/hiem-hoa-toan-cau-tu-nen-chuyen-che-ky-t…

(2). https://m.baomoi.com/diem-danh-nhung-quoc-gi…/c/27541022.epi

(3). http://m.plo.vn/…/co-dong-ngoai-cua-vng-lan-dau-tien-lo-die…

https://www.google.com.vn/…/duong-vao-vng-cua-tencent-trung…

(4). https://m.nguoiduatin.vn/tap-doan-alibaba-cua-ty-phu-jack-m…

(5). https://www.google.com.vn/…/trung-quoc-bac-cao-buoc-danh-ca…

https://m.baomoi.com/huawei-bi-to-an-cap-du-…/c/26935732.epi

(6).https://m.trithucvn.net/…/lo-hong-thanh-toan-tai-viet-nam-t…

(7). https://m.dantri.com.vn/…/trung-quoc-mo-rong-anh-huong-bang…

(8). http://m.cafef.vn/jack-ma-nam-2036-alibaba-se-tro-thanh-nen…

(9). https://news.zing.vn/jack-ma-chien-tranh-thuong-mai-my-trun…

(10). https://news.zing.vn/jack-ma-cong-bo-nguoi-ke-nhiem-va-ke-h…

(11). http://motgiadinh.net/tap-can-binh-keu-goi-dat-nuoc-tu-luc-…

Nguồn: FB TS Nguyễn Hoàng Dũng

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...