30 November 2016

Tại sao nhiều lãnh đạo thế giới “thương tiếc” Fidel Castro?

Fidel Castro qua đời hôm 25/11/2016 ở tuổi 90. Ông thuộc thế hệ của những nhà độc tài lão làng, có thể ngồi chung mâm với Mao Trạch Đông, Stalin hay Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, khác với những đồng bạn ” độc tài hung bạo” còn lại, cái chết của Fidel nhận được không ít sự ca tụng, thậm chí lời tiếc thương “sâu sắc” của không ít nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nước dân chủ nhất như Canada, Pháp và Mỹ.

Barack Obama, một lần nữa với cách sử dụng uyển ngữ chính trị (political Correctness) của mình, đã lách khỏi cách sử dụng từ “độc tài” mà mô tả Fidel là một “lãnh tụ xuất sắc”, đồng thời công tội của ông sẽ để lịch sử đánh giá. Kiểu chơi chữ này chẳng khác gì hồi ông không dám gọi thẳng ISIS là bọn Khủng bố Hồi giáo, vì làm thế sẽ mất lòng những người theo đạo Hồi.

Vị thủ tướng trẻ tuổi của Canada thì đang hứng chịu búa rìu chỉ trích sau khi ca tụng “lãnh tụ suốt đời của Cuba” vì những “cống hiến to lớn và tình yêu vĩ đại đối với dân tộc Cuba”. Cậu trai trẻ này còn dám nói “tôi biết rằng cha tôi – cựu thủ tướng Canada cảm thấy tự hào khi được gọi Fidel là bạn”. Một quan chức Canada đã nhận xét thủ tướng của mình như đang đọc một câu chuyện tưởng tượng.

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, một nước rõ ràng theo đường lối xã hội viết tin nhắn này trên trang Twitter: “Tôi thương tiếc cái chết của Fidel Castro Ruz, lãnh tụ cáchmạng Cuba, và là một biểu tượng của thế kỷ 20.”

Tổng Thống Pháp Francois Hollande miêu tả Fidel Castro là một người khổng lồ của thế kỷ 20.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin cũng ca tụng ông Castro là “biểu tượng của một thời đại”.

Nào, một điều cần nhìn nhận rõ ràng: Fidel Castro là một nhà độc tài. Đây là một thực tế không thể tranh cãi. Ông ta có đầy đủ mọi tính chất và đặc điểm của một kẻ độc tài: hành quyết người bất đồng, nắm quyền hành tuyệt đối trong nhiều thập kỷ, đứng trên mọi luật lệ và ảnh hưởng kéo dài tới tận sau khi chết. Nhiều người có thể ngượng nghịu khi gọi Putin là độc tài, vì ít nhất ông ta cũng phải chơi theo luật nào đó, phải từ bỏ chức tổng thống khi hết 2 nhiệm kỳ đầu tiên chẳng hạn. Nhưng Fidel là “lãnh tụ suốt đời” – danh xưng mà chỉ có Mao Trạch Đông, Stalin và Kim Nhật Thành mới có được. Vậy nếu bạn coi Mao, Kim là những kẻ độc tài khét tiếng, và cảm thấy có gì không đúng khi xếp Castro vào cùng loại như vậy, thì tư duy của bạn đúng là có vấn đề. Nhưng đừng lo lắng quá, không phải chỉ có một mình bạn như vậy. Thế giới hiện nay thật điên rồ với các giá trị hoàn đảo ngược. Ngay cả giới lãnh đạo phương Tây cũng “kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi của Fidel cơ mà”, rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?

1. Sự cuốn hút của “chất đàn ông” trong con người Castro

Nếu bạn đã từng đọc tác phẩm Bố Già của tác giả Mario Puzo hay xem loạt phim cùng tên được đạo diễn Francis Ford Coppola chuyển thể, bạn sẽ thấy chất đàn ông trong những con người bá đạo này cuốn hút đến thế nào. Cánh mày râu thế giới say mê những nhân vật đội trời đạp đất trong gia đình của bố già Vito Corleone, còn nữ giới thì chết mê chết mệt những người con trai giang hồ luôn mặc bộ vest cổ điển, lạnh lùng và điển trai. Khán giả dành cho họ cảm xúc sùng kính và yêu mến đến mức gần như quên mất họ là băng nhóm Mafia giết người không chớp mắt, thực hiện đủ mọi tội ác trên đời như cướp của, giết người, tống tiền v.v. Cảm xúc là thứ dễ bị lợi dụng, cũng dễ bị đem ra làm cái cớ. Fidel Castro vừa là bố già Vito Corleone, vừa là công tử Michael bảnh bao và tài giỏi. Ông lên ngai vàng lãnh đạo đế chế do chính tay mình tạo dựng khi mới 32 tuổi, nắm vững quyền hành trong gần 6 thập kỷ, cũng là người góp phần đem tư tưởng XHCN dải khắp mảnh đất Mỹ Latin. Là một nhà diễn thuyết đại tài với khả năng tự bào chữa cho mình trong suốt 4 giờ đồng hồ trước quan toà quân đội khi bị bắt năm 1953, cuối cùng chốt lại câu nói để đời: “Lịch sử sẽ xá tội cho tôi!”. Fidel Castro hầu như chỉ xuất hiện trong bộ quân phục chỉnh tề và thường xuyên ngậm trên miệng điếu xì gà ngạo nghễ. Hình ảnh bá đạo không sợ trời đất của ông không cần nói đã khiến không biết bao nhiêu kẻ thù và đồng minh nể sợ trong hàng chục năm qua. Nhưng một điều khiến giới lãnh đạo phương Tây nể phục Fidel hơn là vì ông đã làm được một điều mà họ không bao giờ làm được: ông dám một mình đứng lên chống lại cả nước Mỹ, và không thua.

Mỹ là lãnh đạo của phe tư bản phương Tây từ sau Thế chiến II. Các quốc gia Châu Âu vừa nể nhưng cũng vừa hậm hực trước vị thế mới của quốc gia non trẻ mới nổi này. Chính vì thế, khi chứng kiến một người đàn ông của một quốc đảo nhỏ nhoi, lại nằm sát vách Hoa Kỳ, đủ sức làm cho trên dưới chục đời Tổng thống Mỹ đau đầu, sống nhởn nhơ qua hơn 600 kế hoạch ám sát của CIA, hàng chục năm cấm vận nghẹt thở, lại còn đạt được những thành tựu nhất định, như gây dựng được thương hiệu xì gà nổi tiếng thế giới cùng nền y khoa bậc nhất, thì sự kính ngưỡng trong những con người lúc nào cũng có chút tự ti vì lép vế trước Hoa Kỳ này khó mà có thể không rung động.

Đây cũng chính là lý do tại sao có vô số người Mỹ dù biết Putin là kẻ chà đạp nhân quyền, nhưng “thích” ông ta hơn Obama nhiều. So với những bài thuyết giảng về đạo đức của Obama, chất “hành động” trong con người Putin hấp dẫn hơn.

Nhưng dù vậy, Fidel vẫn là kẻ sống trong sang giàu xa hoa, trước công sức và sinh mạng của hàng ngàn người dân vô tội khác. Việc bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của một người như vậy còn có gốc rễ từ một nguyên nhân khác, nguy hiểm và có tính phá hoại kinh khủng.

Một trong những sự tàn phá kinh khủng nhất của tư duy cánh tả là thổi bùng và lợi dụng cảm xúc khiến người ta hành động không theo tư duy lý trí. Chính vì thế, khi đời sống đủ no ấm, giải quyết hết nhu cầu về ăn ngon mặc đẹp thì các nước tư bản phương tây lại chứng kiến sự quay trở lại của làn sóng XHCN kiểu mới này. Ích kỷ, nóng giận, đố kị, tư duy hưởng thụ và tư duy nạn nhân dễ dàng bị khai thác và lợi dụng. Tư bản chủ nghĩa phân hoá sâu sắc giàu nghèo, còn XHCN thì chia đều cái nghèo. Nhưng khi hầu như ai cũng không còn nghèo, và cái quá khứ tồi tệ của hệ thống XHCN ngày càng chìm vào quá khứ xa xôi, thì những những nhu cầu cảm xúc cao hơn khiến người ta dễ bị chi phối: Không công bằng khi anh ta giàu có hơn tôi, thất nghiệp không phải lỗi của tôi mà là lỗi của chính phủ, tại sao học phí không được miễn phí? tại sao lương của tôi chỉ được nhiêu đây? Tư duy cánh tả lợi dụng cảm xúc tiêu cực và phi lý trí để xác lập một chỗ đứng vững chắc trong đời sống chính trị xã hội của ngay những nước tư bản tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

Khi nhiều người VN chứng kiến các chính sách xã hội mà họ gọi là tiến bộ của phương Tây như miễn phí y tế cho toàn dân, miễn phí giáo dục, trợ cấp thấp nghiệp cao đến mức “tây không có việc làm còn thừa tiền sang nước ta du lịch” mà mong ước, mà rủa thầm nước nhà, thì họ cũng chỉ đứng trong một tư duy lệch lạc để bài xích một thứ lệch lạc khác. Chỉ cần suy nghĩ một chút bạn sẽ thấy, để bạn nhận được những thứ miễn phí, ở một nơi nào đó, có ai đó phải làm việc nặng nhọc hơn, chính phủ phải thuê nhiều nhân viên hơn từ đó tốn nhiều ngân sách hơn, tham nhũng cũng có cơ hội tràn lan hơn. Bạn muốn lựa chọn gì: “Được giữ lại nhiều hơn thu nhập mình tạo ra (thuế thu nhập thấp) và tự lo cho bản thân hay ngửa tay để chính phủ lo cho bạn?”.

Sự nguy hiểm của tư duy cánh tả ở chỗ, nó khiến người ta không phải “nghĩ”, mà chỉ cần cảm thấy tốt là được rồi. Thất nghiệp được trợ cấp, thật là tốt! Miễn học phí – thật là tốt! Chữa bệnh miễn phí – thật là tốt! Nhiều người hiện nay mất khả năng tư duy đến mức không thèm suy nghĩ nguồn gốc của những khoản tiền này đến từ đâu. Sự “cảm thấy tốt” này đang phá nát châu Âu. Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp bắt nguồn từ việc chính phủ vay euro về chi cho đủ mọi loại phúc lợi xã hội mà bất chấp khả năng trả nợ, bởi vì chỉ cần “cảm thấy tốt” là được rồi. Đức là nước có nền kinh tế vững chắc nhất châu Âu và hệ thống phúc lợi cũng rất tốt. Nhưng điều này đạt được là do nền tư bản chủ nghĩa đã giúp họ tích góp trong hàng chục năm qua, chứ không phải làn sóng tư duy XHCN mới gia nhập. Những người trẻ tuổi, tài giỏi ở Đức còn không muốn làm việc tại đây. Bởi sau khi tốt nghiệp đại học, có được một công việc thu nhập khá khẩm thì họ phải nộp luôn cho chính phủ 30-40% thu nhập của mình để nuôi “một đội quân ăn bám”thế hệ mới – những đứa trẻ to xác yếu ớt và sợ hãi tới mức không dám rời khỏi gara của cha mẹ chúng để tiến vào thế giới thực.

Mỹ cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của tư duy XHCN. Sự căm ghét người giàu đến mức méo mó dâng cao đến mức xuất hiện một nhân vật – Bernie Sanders – một người tự xưng là người “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Ông ta tuyên chiến với giới tư bản phố Wall, mạnh mẽ đòi tái phân chia thu nhập. Thế mà tại chính thủ đô của nước tư bản nhất, ông ta suýt nữa thì giành được vị trí đề cử viên đảng Dân chủ của bà Hillary Clinton. Sức mạnh của đám đông ghen ghét ích kỷ quả không thể coi nhẹ được.

Quay lại Cuba – thiên đường XHCN, nơi giàu nghèo gần như không có khoảng cách vì hẩu như ai cũng như nhau. Những tiến bộ của Cuba trong lĩnh vực xì gà và y khoa đạt được phần lớn là do phân bổ nguồn lực không đồng đều. Nó cũng giống như việc Bắc Hàn rót hầu hết ngân sách vào quân đội và công nghệ quân sự, còn lại để mặc người dân ăn cỏ mà sống. Công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng chắc chắn vượt xa Seoul, và nếu không có sự bảo vệ của Mỹ, chỉ một trận đánh thì đội quân một triệu người của Bắc Hàn thừa sức kiểm soát toàn bộ miền Nam. Nhưng sự phát triển của một quốc gia không được đánh giá bằng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó, mà hơn là chất lượng đời sống của phần lớn người dân. Bạn có thấy ai từ Hàn Quốc vượt biên lên miền Bắc hay ai đó vì bất bình với khoảng cách giàu nghèo mà bỏ Mỹ sang xin tị nạn ở Cuba hay không?

Cuối cùng, hãy đi cụ thể vào thực trạng nền y tế hàng đầu thế giới của Cuba:

- «Cuba có một trong những tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất bằng cách không tính những đứa trẻ bị chết sớm. Nó bị bệnh thì ép người mẹ phá thai hoặc không tính trong thống kê. Không nằm trong thống kê thì không tính là tử vong.

- Cuba có hệ thống y tế miễn phí, nếu bạn không cảm thấy phiền khi chữa bệnh trong những bệnh viện ổ chuột, không thấy phiền vì phải chờ cả tháng trời vì số lượng thuốc có hạn, không thấy bực vì phải lót tay bác sĩ vì lương bác sĩ ở Cuba chỉ tầm $50/tháng (1tr VND).

- Cuba có hệ thống y tế tối tân nhưng chỉ dành riêng cho khách du lịch đến trị bệnh (trả bằng USD) và lãnh đạo cao cấp. Dân đen không có cửa.

- Cuba có hệ thống giáo dục miễn phí, nếu bạn không màng bị tẩy não và học ở ổ chuột.

- Cuba là một trong những nước yên bình nhất, vì bất cứ ai phan nàn chống đối sẽ bị bỏ tù và có thể sẽ bị giết. Một xã hội không có ai chống đối và không có ai dám chống đối thì quá yên bình rồi còn gì?

- Cuba có một trong những mức thất nghiệp thấp nhất. Phải nói rõ hơn là ở Cuba không có ai thất nghiệp cả, vì ai cũng có việc làm. Nhưng mức lương thì trung bình $20/tháng (400,000 VND)”.

May mắn là tại Mỹ, phong trào cánh tả có vẻ đang bị chặn đứng bởi sự nổi lên bất ngờ của Donald Trump và đảng Cộng hoà trước làn sóng “snow flake” – những bông hoa tuyết dễ tan – từ dùng để chỉ thế hệ thanh niên quá coi trọng cảm giác cá nhân không chấp nhận thất bại trong cuộc sống mà thay vào đó là khóc lóc, la hét, biểu tình và đập phá đồ đạc (sau khi ứng viên của họ Hillary Clinton thất bại), hy vọng rằng trong tương lai không xa, common sense – sự tư duy hợp lý sẽ nhanh chóng trở lại.

Đình Quân
(Nguồn: Dân Luận)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...