Tiểu Khuê
Những ngày này ở Hàn Quốc người ta sẽ dễ dàng gặp những đám đông với đủ các thể loại biểu ngữ khẩu hiệu trên người trên tay. Đặc biệt là những ngày nghỉ, lượng người tập trung tại các khu vực công cộng, các quảng trường như Gwanghoamun hay quảng trường Bưu Điện Seoul là rất lớn. Cách thức có thể khác nhau nhưng tựu chung một mục đích đó là kêu gọi đương kim tổng thống Pak Geun Hye từ chức.
Biểu tình yêu cầu tổng thống Park từ chức Ảnh internet |
Để có được quyền lợi cũng như sự dân chủ cao độ như hiện nay đất nước và người dân Hàn Quốc đã trải qua không ít thăng trầm và trả giá bằng cả máu và sinh mệnh của họ. Điển hình cho phong trào dân chủ có tác động mang tính quyết định đến ý thức của toàn dân cũng như đến chính quyền Hàn Quốc phải kể đến hai cuộc đấu tranh: Phong trào dân chủ Gwangju (1980) và Cuộc nổi dậy Tháng 6 vì dân chủ (1987). Có thể nói, nếu như phong trào đầu tiên nổ ra năm 1980 với sự tham gia của hơn 100000 sinh viên trên khắp thành phố Gwangju đứng lên đòi quyền dân chủ từ chế độ hà khắc của tổng thống Chun Doo Hwan, là tiếng súng phát động và lời kêu gọi cho các tầng lớp người dân Hàn Quốc, thì phong trào Tháng 6 (1987) như một cú đấm quyết định giáng thẳng vào sự độc tài của chính phủ và mở ra chương mới hoàn toàn trong tiến trình dân chủ hóa, trao trả quyền lợi chính đáng về tay mỗi người dân ở Hàn Quốc. Thật vậy, mặc dù cuộc biểu tình Gwangju thất bại, và hàng trăm người đã ngã xuống, hơn thế nữa chính phủ độc tài Chun Doo Hwan không ngừng bôi nhọ cũng như bắt bớ người biểu tình, nhưng chính từ đây, những viên gạch độc lập dân chủ đầu tiên được đặt xuống một cách vững chắc. Để từ nền móng này, năm 1987, phong trào tháng 6 cũng với lực lượng nòng cốt là thanh niên tri thức, đã giành được những chiến thắng vang dội, điển hình là việc sửa đổi hiến pháp và luật bầu cử với quyền bầu cử từ gián tiếp qua các đại diện cử tri thành trực tiếp cho mỗi người dân.
Ảnh internet: Phong trào dân chủ Gwangju 1980 |
Hiện nay, với nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới, cuộc sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân Hàn Quốc phải nói là ở mức cao so với đại đa số các nước khác. Tuy vậy, không khí chính trị ở đây chưa bao giờ là bình lặng như vẻ ngoài của một số nước có nền kinh tế nghèo ổn đỉnh khác. Trái lại, tư tưởng dân chủ, làm chủ luôn luôn được hiện hữu ở khắp mọi nơi và đặc biệt được thể hiện bởi các thành phần trí thức: giáo viên, học sinh, sinh viên.
Ảnh internet: Phong trào nữ sinh Ewha
yêu cầu hiệu trưởng từ chức vì
lạm quyền và đàn áp sinh viên
|
Những nhận định về mối liên hệ về phong trào nữ sinh trường Ewha và cuộc biểu tình đòi tổng thống Park từ chức có thể đúng có thể sai, tuy nhiên sẽ không ai có thể phủ nhận được vai trò của tầng lớp trí thức trong các phong trào dân chủ đó. Đây cũng là ý chính chủ đạo của tác giả bài viết này. Thật vậy, sau hơn 60 năm nước Hàn lập quốc, đất nước này đã trở thành con hổ châu Á, miền đất hứa với nhiều người. Nếu như chính sách thắt lưng buộc bụng là tiền đề cho sự phát triển kinh tế thì chính các phong trào dân chủ chứ không gì khác là nền móng cho sự khai dân trí và thăng hoa trong văn hóa; chính các phong trào dân chủ là động lực cho các cuộc đổi mới trong nhận thức và thổi một luồng gió mát cho kinh tế xã hội.
Nhìn người lại ngẫm đến ta, tính đến nay Việt Nam cũng đã trải qua hơn 40 năm kể từ ngày toàn vẹn lãnh thổ, hơn 30 năm trong công cuộc đổi mới, mặc dù cũng đã gặt hái được một số thành công trong sự phát triển kinh tế nhưng phải khách quan mà nói rằng những thành công đó là quá nhỏ bé so với tiềm lực của chúng ta. Chưa kể, cái giá chúng ta phải trả là khá đắt khi mà môi trường đã bị hủy hoại, tài nguyên đã gần cạn kiệt và con người thì suy thoái cả về đạo đức và lối sống. Việt Nam hiện tại vẫn đang gồng mình để hội nhập, nói là mở cửa và phát triển theo thị trường nhưng thực chất chỉ như một cái cổng khép hờ, chỉ chấp nhận và cho qua những cái mà tầng lớp thượng tầng cho phép, trong khi đó ở khắp các mặt khác trong xã hội, có sự giằng xé và mâu thuẫn đã lên đến cực điểm giữa các luồng tư tưởng, giữa các nền văn hóa: một bên là các tư tưởng Nho giáo, Phật giáo đơn thuần chất phác nhưng có vẻ đã cũ và bị lung lay vì không được bồi đắp thường xuyên đúng cách; một bên là những tư tưởng khoáng đạt xâm nhập từ tây phương thông qua sự giao lưu về kinh tế và mạng lưới truyền thông bùng nổ; và một bên nữa là một bộ phận không nhỏ những con người có thể nói là ba phải, họ bị mất phương hướng, có nhân cách không rõ ràng và chỉ sống vật vờ với thời cuộc. Kết quả là một sự giao thoa đầy hỗn tạp: Cái mới thì nông cạn sơ sài, còn cái cũ thì mông lung nham nhở. Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng: Văn hóa Khổng – Mạnh, về cơ bản là rất tốt với tư tưởng chủ đạo là trung quân ái quốc, nhân lễ nghĩa trí tín, cũng như tư tưởng Mac – Le về lý thuyết thì là lý tưởng, nhưng nếu nhìn sâu rộng hơn trong bối cảnh thời cuộc thì thấy sẽ có những điểm hạn chế. Đó không chỉ là sự trói buộc về tư tưởng cho những tầng lớp bình dân trong xã hội, mà còn là sự trói buộc cho sự phát triển của chính xã hội đó. Có lẽ, bản thân người viết không phải là người duy nhất, càng không phải là người đầu tiên nhận ra điều này. Tuy vậy, để tạo ra sự thay đổi trong tư tưởng này là việc cực kỳ khó và làm được việc đó không ai khác chính là thế hệ trẻ, tầng lớp trí thức đương thời của đất nước - Những con người mà vừa có thể tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông đi trước, vừa có thể tiếp thu tinh hoa của các nước trên thế giới. Chính họ mới là nhân tố quyết định, là động lực để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng và toàn diện; để có thể chuyển mình cho sự đổi mới thực sự.
Xin thông tin thêm với bạn đọc, sau 83 ngày biểu tình của sinh viên thì bà hiệu trưởng trường Ewha đã phải từ chức và đây không phải là vị hiệu trưởng nhiều quyền lực đầu tiên ở đất nước Kim Chi này phải rời nhiệm sở, đã có rất nhiều trường hợp tương tự trước đó. Còn trường hợp của bà Park Geun Hye, chúng ta hãy cùng chờ xem, liệu dân chủ của nước Hàn có chiến thắng được bà chủ của nhà Xanh hay không.!!!
Thay cho lời kết, tác giả bài viết xin được dùng hashtag của MC Phan Anh-một người trẻ với nhiều suy nghĩ và hành động rất có tâm, có tầm trong bối cảnh hiện nay:
“ĐỪNG IM LẶNG”
Hãy hành động vì tương lai của chính các bạn!
Tiểu Khuê
No comments:
Post a Comment