18 September 2015

Ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tới chế độ giáo dục Việt Nam

HP

Một năm học mới lại bắt đầu. Các em sinh viên năm nhất, sau khi trải qua những ngày nộp hồ sơ đại học khó quên, lại tiếp tục thực hiện quá trình học tập dài 4 năm và còn nhiều bất cập như những lớp đi trước.

Giáo dục, trong kinh tế học, là một trong những thành tố tạo nên tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Một đất nước muốn phát triển bền vững, phải có chế độ giáo dục tốt. Giáo dục Việt Nam trong thời gian duy trì dưới chế độ cộng sản đã gây ra nhiều bất cập, bức xúc và tổn thất cho người dân. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do sự áp đặt tư tưởng chính trị Mác Lê – nin vào chế độ giáo dục, biến giáo dục thành công cụ để phục vụ cho mục đích chính trị của đảng độc tài.

Hệ thống giáo dục của một đất nước, phải được xây dựng để đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho đất nước, chứ không phải để phục vụ cho riêng một đảng phái chính trị nào. Tuy nhiên, theo nghị Quyết 142 của Bộ Chính Trị đảng, đang được thi hành có nội dung như sau: 
“Xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với đảng và giai cấp công nhân, có khả năng động viên quần chúng.”
Vì thế, giáo dục ở Việt Nam được phát triển với mục đích đào tạo ra nguồn nhân lực để phục vụ cho sự tồn tại của Đảng Cộng Sản.

Điều này gây ra những hệ quả sau:

CHỦ NGHĨA MÁC LÊ – NIN HÌNH THÀNH NÊN BẠO LỰC TRONG TƯ TƯỞNG CỦA HỌC SINH

Karl Marx cho rằng lịch sử loài người là một lịch sử của sự thay thế giai cấp cũ bằng giai cấp mới. Những cuộc đấu tranh giai cấp tạo ra động lực thúc đẩy lịch sử phát triển xã hội, hình thành nên những hình thái kinh tế, xã hội mới. Nếu như ngày xưa Đảng Cộng Sản Việt Nam đã áp dụng tư tưởng này để dấy lên hận thù giữa nông dân và địa chủ phong kiến, kích động quần chúng tạo nên cuộc cải cách long trời lở đất lấy đi sinh mạng của biết bao nhiên dân oan nhằm giành quyền kiểm soát đất nước thì ngày nay, tư tưởng đấu tranh giai cấp vẫn tồn tại, với khẩu hiệu “tiêu diệt thế lực thù địch” – những người có tư tưởng chính trị với tư tưởng của nhà cầm quyền. Nói cách khác, nhà nước khuyến khích “dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng”, hay dùng bạo lực để chống lại người không đi theo mình. Tư tưởng này đã đi cả vào trong thơ ca:
“…Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉCho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong…”(Tố Hữu) 
“…Đồng bào tuốt gươm vùng lênĐã đến ngày trả mối thù chungDiệt phát xít giết bầy chó đê hèn của chúngTiến lên nền dân chủ cộng hòaDành lại áo cơm tự do…”(“Diệt Phát xít”, Nguyễn Đình Thi)
Tư tưởng này cũng được bơm nhiễm vào cuộc sống thường ngày của người dân, với sự tồn tại của những “bia căm thù”, với lời lẽ hận thù của Quốc ca, và cả trong màu máu Quốc Kỳ… Điều này tạo nên lối tư duy dùng bạo lực để chống lại bạo lực, làm cho người ta dễ dàng sử dụng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt.

Với công cụ giáo dục và hệ thống trường học được quốc hữu hóa, trong xã hội, học sinh luôn là đối tượng dễ tuyên truyền nhất. Tư tưởng bạo lực đến với các em qua những bài học lịch sử, với cách dùng từ thô bạo và chi tiết ghê rợn, dù là bịa đặt hay thực tế. Lịch sử, cũng như những môn khoa học khác, phải phản ánh sự thật một cách chân thực và khách quan. Tuy nhiên môn lịch sử của chúng ta không làm được điều này.

Tư tưởng bạo lực này có 2 tác động. 

Tác động trực tiếp tới tư tưởng của học sinh, là gây nên tình trạng bạo lực học đường. Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, nghĩa là có khoảng 5 vụ mỗi ngày. Hình thức có khi là lăng mạ, xỉ nhục, xé áo, quay clip, có khi là sử dụng vũ lực, vũ khí gây tổn thương nghiêm trọng. Giáo dục không đơn thuần là dạy kiến thức. Giáo dục là dạy dỗ gây nuôi đủ cả trí dục, đức dục, thể dục. Khiến cho trẻ em trở nên tàn nhẫn, thô bạo hơn, giáo dục đã không làm tròn bổn phận của nó.

Tác động thứ hai đó là tâm lý dìm hàng những ý kiến mới, ý kiến trái chiều. Điều này khiến cho nhiều học sinh e ngại khi phát biểu, dần dà không dám phát biểu hoặc nói ra những ý kiến trái chiều nữa. Tư duy phản biện không được khuyến khích, dẫn đến thui chột khả năng nói.

Chung quy, khi đặt mình vào địa vị người bị hại, người ta luôn phản kháng mãnh liệt. Nhất là trong tư cách một dân tộc đã trải qua chiến tranh chống xâm lược hơn 1000 năm, người ta sẽ luôn có tâm lý phản kháng. Đấu tranh giai cấp làm cho tâm lý này được phát triển mạnh mẽ hơn.

CHỦ NGHĨA MÁC LÊ – NIN GIẾT CHẾT SỰ SÁNG TẠO VÀ TƯ DUY PHẢN BIỆN


Những trẻ có thiên hướng theo nghệ thuật ở Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Kể từ khi đi học, những môn logic đã được cho là những môn chính, âm nhạc và hội họa chỉ là môn phụ. Nếu không có thiên hướng về những môn logic, các em thường sẽ gặp rất khó khăn trong học tập, không vào được một trường đại học có giá và khó xin việc. Nếu được sinh ra trong môi trường ủng hộ phát triển nghệ thuật, có thể các em sẽ rất thành công. Đây cũng chính là lý do chúng ta luôn ép trẻ phải chọn những trường Đại học điểm cao, có tiếng thay vì cho các em được đi theo đam mê, sở trường. Như vậy, gián tiếp chúng ta đã đặt người vào nhầm vị trí, khiến cho hiệu suất công việc không hiệu quả, sản lượng không được như đáng có.

Hơn nữa, kể cả được theo học nghệ thuật từ bé, các em cũng khó có thể sống được với con đường sự nghiệp này. Nghệ thuật của chúng ta kém phát triển và bị tụt hậu, bởi từ nội dung đến hình thức đều bị kìm hãm và bóp méo. Nghệ thuật phản ánh xã hội và tác động trở lại xã hội, giúp con người vươn tới chân thiện mỹ. Một khi không phản ánh được đúng nội dung, nghệ thuật không phát triển được. Âm nhạc là một ví dụ điển hình. Âm nhạc Việt Nam bị tụt hậu đến hàng trăm năm so với các nước Tây Âu. Về nội dung, từ thời có Đảng Cộng Sản, những bài hát có lời lẽ đi ngược với chủ trương của nhà nước và đã bị cấm (trong số đó có nhạc vàng, bị cấm trong một thời gian ngắn). Về thanh nhạc, tiêu chuẩn về khẩu hình đã bị bóp méo để phù hợp với khẩu hình của người dân sống ở vùng nông thôn, nhằm khiến cho âm nhạc cách mạng dễ đi vào lòng người. Khẩu hình sai, kỹ thuật sai khiến cho người luyện không thể đạt tới giới hạn đáng nhẽ ra sẽ đạt được dù khổ công nhiều năm trời. Nếu giữ nguyên kỹ thuật như vậy, người luyện sẽ không bao giờ đạt tới tiêu chuẩn quốc tế. Văn học cũng là một ví dụ dễ nhận thấy. Người viết nếu không được viết thứ mình suy nghĩ, không được thể hiện bản thân thì không còn cho ra được những tác phẩm có giá trị. Văn học ở Việt Nam, thực tế, ngoài chủ đề lớn là những tác phẩm phục vụ cho Cách Mạng và Đảng Cộng Sản, nhà văn chỉ có thể viết về người nghèo và chính mình. Vì thế, hiện nay, chúng ta không có được nhiều tác phẩm văn học có giá trị, nhiều nhà văn kiệt xuất. Trái lại, thị trường chỉ tràn lan những thể loại sách có nội dung nông cạn, vô bổ như tiểu thuyết ngôn tình. Cũng vậy, thị trường âm nhạc nổi lên nhiều ca sỹ kém phẩm chất và tác phẩm sáo rỗng, thậm chí sử dụng sai ngữ pháp tiếng Việt. Tương tự với các ngành nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo khác. Vì thế, làm nghệ thuật ở xã hội chúng ta không phải là một lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn theo tiêu chuẩn thông thường. Nếu muốn làm một người nghệ sỹ chân chính, người ta phải chấp nhận bị lên án, bị ruồng bỏ và không trang trải đủ cho gia đình.

Tư duy phản biện giúp cho xã hội phát triển. Tầm quan trọng của tư duy phản biện được thể hiện rõ rệt nhât ở chỗ, nếu không có tư duy phản biện, sẽ không có thể chế đa nguyên, và vì thế các quốc gia sẽ không phát triển được. Ở các nước Xã hội chủ nghĩa, người dân không được phép có tư duy phản biện. Tất cả những gì trái chiều, đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng Cộng Sản đều bị loại bỏ. Những người dám đưa ra ý kiến sẽ bị gọi là phản động, là thành phần có hại cho đất nước và là đối tượng mà người dân có thể sử dụng bạo lực để đối xử. Lối tư duy một chiều này theo học sinh lên tới tận đại học. Không ngạc nhiên vì sao khả năng nói và viết của học sinh – sinh viên Việt Nam lại kém đến thế. Bài văn, tiểu luận là sản phẩm của học sinh. Vậy nhưng tập làm văn hiện nay chỉ là học thuộc và chép lại, còn tiểu luận/khóa luận phần lớn là sản phẩm đi vay mượn từ người khác. Sự kém cỏi trong khả năng nói còn được thể hiện rõ rệt hơn. Ở phương Tây, trẻ em được rèn luyện khả năng nói từ bé, chúng được nói ra những gì mình nghĩ và được rèn bởi tư duy phản biện. Còn ở nước ta, chúng ta phải nói những điều phù hợp với định hướng. Thêm vào đó, như đã đề cập, cộng với tâm lý dìm hàng của xã hội, người nói sẽ ngại nói và ngại đưa ra ý kiến riêng. Dần dần, khả năng nói trở thành khả năng phát biểu rõ ràng những điều sáo rỗng. Ngày nay những khóa học kỹ năng mềm mọc lên hàng loạt, nhưng đây chỉ là giải pháp bề nổi. Những lớp học này chỉ đào tạo được kỹ năng chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

HỆ THỐNG MÔN HỌC CHỈ GIÚP TUYÊN TRUYỀN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CHỨ KHÔNG LÀM TRÒN CHỨC NĂNG GIÁO DỤC

Các môn Đạo Đức, Giáo Dục Công Dân, Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê – nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam chiếm một phần lớn thời gian trong chương trình học khiến học sinh không có cơ hội học những môn khác. Dường như nhằm làm cho học sinh không có cơ hội nghiên cứu và tìm tòi các vấn đề xã hội để nâng cao dân trí, Bộ Giáo dục đã bố trí một lịch học kín thời gian cho các em học sinh, trong đó gồm rất nhiều môn học logic; thể thao, nghệ thuật bị coi nhẹ trong khi ở độ tuổi này, các em cần được phát triển cùng lúc cả trí tuệ, thể chất và tâm hồn. Khi dân trí xã hội thấp đồng nghĩa với việc dễ bị kích động và điều khiển, nhà cầm quyền sẽ dễ lôi kéo quần chúng hơn.

Ngoài ra, khi không được chọn môn mình học, đam mê và sở trường của trẻ sẽ không được nuôi dưỡng. Thêm vào đó cơ chế giáo dục cũng bỏ qua khâu hướng nghiệp, một việc vô cùng quan trọng. Vì vậy khi kết thúc 12 năm học, học sinh thường không biết mình sẽ phải chọn ngành gì, đại học nào, theo nghề gì. Các em sẽ chọn trường theo điểm số chứ không phải theo năng lực và thiên hướng. Điểm số thường phản ánh cầu theo xu thế, không phải là những gì xã hội cần. Vì thế, những gì sinh viên học thường không phải là những gì họ đam mê và có khả năng. Khi phải học một ngành mình không thích và không có khả năng, đầu ra sẽ không có chất lượng. Cùng với chất lượng đào tạo còn hạn chế, sinh viên ra trường thường không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

TẠM KẾT

Tựu chung, chế độ giáo dục hiện nay không đề cao cá nhân và sự tự do. Đấu tranh giai cấp gây ra bạo lực học đường, làm băng hoại đạo đức. Tâm lý dìm hàng kèm theo tư duy một chiều giết chết khả năng nói và khả năng suy luận của học sinh, khiến cho các em không tạo ra được sản phẩm tư duy. Hệ thống môn học và sự thiếu sót trong hướng nghiệp khiến xã hội không có được nguồn nhân lực như mong muốn. Chừng nào không cải cách giáo dục từ tận gốc rễ, chúng ta sẽ không thể thay đổi được đất nước dù có cải cách thể chế, bởi thể chế tiên tiến phải đi đôi với sự nâng cao nhận thức của người dân. Tất cả phải bắt nguồn từ việc tách chính trị ra khỏi giáo dục.

HP, cộng tác viên Dân Luận

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...