14 September 2015

Xã hội Việt Nam thiếu một thứ rất quan trọng

Nguyễn
Tôi là người gốc Việt. Mặc dầu sống ở nước ngoài đã lâu và có nhiều văn hoá Tây Phương trong người nhưng tôi vẫn yêu nước Việt Nam và luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho đất nước này.
Bài viết dưới đây được thực hiện vì mục đích làm một điều gì tốt đẹp đó.

Tôi đã ở Sài Gòn hơn sáu tháng và hay có thói quen chạy xe vòng vòng quan sát tìm hiểu cuộc sống của mọi người. Khi lang thang như vậy tôi khám phá ra nhiều điều lý thú và ngạc nhiên (ví dụ như mấy chú xe ôm có thể nằm ngủ trên chiếc xe bên lề đường rất thoải mái mà không bị té). Tôi thấy nhiều điều hay nhưng cũng có nhiều điều không đẹp.

Một trong những khám phá của tôi là có nhiều người quét rác từ trong nhà ra ngoài, quét rác trước cửa nhà, hoặc trên sân trước nhà. Tuy nhiên, mặc dầu có rất nhiều người quét rác như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ thấy họ sử dụng một cái hốt rác (sử dụng ngoài nhà). Tôi đã cố gắng quan sát, tìm kiếm trong sáu tháng qua, nhưng vẫn chưa thấy. Và tôi nhận ra rằng xã hội Việt Nam là một xã hội thiếu cái hốt rác. Tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này.

Trước tiên tôi tự hỏi mục đích của việc quét rác là gì. Dĩ nhiên, mục đích của việc này là làm sạch.

Sau đó tôi lại hỏi, “Vậy có sạch không?”

Nhưng câu trả lời là “Không sạch.” Quét rác như vậy không sạch. Bụi, rác nhỏ, rác lớn chỉ được đẩy ra khỏi nhà, khỏi sân, ra phía trước hoặc hai bên nhà; hoặc đôi khi được gom thành một đống nhỏ mà thôi. Nhưng chỉ mấy phút sau đó, khi một vài cơn gió bay , hoặc người đi bộ và xe cộ qua lại đưa đẩy thì bụi, rác lớn, rác nhỏ, rác cũ, rác mới lại hiện diện đầy trước sân, trước nhà. Tức là bao nhiêu bụi, rác cứ bay vòng vòng trước nhà bạn, trước nhà hàng xóm, và chạy qua chạy lại giữa nhà bạn và nhà hàng xóm mà thôi. Kết quả là muốn sạch nhưngkhông sạch. Bụi và rác chỉ đơn giản chạy vòng vòng trong thành phố từ nơi này đến nơi khác, vẫn ở trong thành phố, và thành phố vẫn dơ.

Có người sẽ gom rác lại với suy nghĩ nhân viên vệ sinh sẽ hốt chúng đi. Nhưng từ khi gom rác tới khi nhân viên vệ sinh đến thì những người đó vẫn phải sống với rác ngay trước nhà; hoặc gió, xe cộ và người đi bộ sẽ làm nỗ lực gom rác bị tiêu tan chỉ trong vài phút. Tại sao không hốt và bỏ vào thùng rác ngay mà phải chờ nhân viên vệ sinh tới?

Sau đó tôi còn suy nghĩ thêm về những vấn đề khác có thể liên quan đến việc quét rác này.

Thứ nhất, nó cho thấy cái lười của con người. Vì lười nên làm qua loa, cho xong, và không bỏ công.

Thứ hai, nó cho thấy sự ẩu tả và dễ dãi trong làm việc. Làm cho nhanh, không cần biết việc làm có tốt không, chất lượng công việc thế nào. Hoặc biết chất lượng xấu nhưng vẫn mặc kệ.

Thứ ba, nó cho thấy tầm nhìn rất ngắn hạn của con người. Chỉ cần sạch trước mắt, sạch vài phút là được rồi. Không cần biết và không quan tâm sau vài phút đó tình hình sẽ ra sao.

Một đặc tính nữa là sự nông cạn. Làm nhưng không suy nghĩ, phân tích nhiều về việc làm. Hoặc thấy người khác làm thì làm theo mà không suy nghĩ, không cần biết việc làm đó đúng hay sai, tốt.

Tạm bợ là đặc tính thứ năm. Cũng như trên, làm hời hợt, không quan tâm đến chất lượng, không quan tâm đến kết quả lâu dài. Chỉ cần sạch trong vài phút.

Điều thứ sáu cho thấy sự mất vệ sinh. Muốn quét cho sạch nhưng sự việc này lại làm lộ ra bản chất mất vệ sinh và không quan tâm đến vệ sinh của con người.

Thứ bảy, nó cho thấy sự ỷ lại, sự chừa, đẩy việc cho người khác. Có thể có một chút hy vọng nhỏ nhoi người hàng xóm sẽ hốt rác. Khả năng điều này xảy ra là 0% vì người hàng xóm cũng nghĩ y hệt như vậy. Hoặc ỷ lại nhân viên vệ sinh sẽ hốt rác. Tại sao chờ người khác trong khi bản thân mình làm được? Hoặc trông chờ gió, mưa, nước sẽ mang bụi rác đi một nơi khác và xuống cống. Điều này tác hại tới môi trường rất lớn.

Đặc tính kế tiếp là vô trách nhiệm. Coi việc hốt rác là trách nhiệm của ai đó chứ không phải bản thân mình mặc dầu rác trước nhà mình hoặc từ trong nhà mình được quét ra (trong một số trường hợp). Vô trách nhiệm với bản thân công việc, chất lượng công việc và kết quả công việc. Vô trách nhiệm với những người chung quanh, với cảnh quan, và với môi trường. Đặc điểm thứ chín là tính vô kỷ luật. Làm ẩu tả, không kỷ luật trong công việc, không kỷ luật với bản thân. Không cần biết rác đẩy ra ngoài sẽ đi đến đâu. Không quan tâm đến tác hại của công việc đối với mọi người, môi trường.

Điều cuối cùng là sự không công bằng và gian manh vặt. Điều này xảy ra khi rác được gom lại trước sân nhà hàng xóm, hoặc một nơi có vẻ giữa hai nhà nhưng gần nhà hàng xóm và xa nhà mình hơn một chút.

Tôi tin việc quét rác này phản ánh, nếu không tất cả thì cũng phần lớn, những tính chất trên. Những điều này rất quan trọng vì tính cách, tầm nhìn, và cách làm việc của con người được hình thành từ từbắt nguồn từ những việc nhỏ hàng ngày như quét rác. Sau đó những đặc tính đó sẽ được con người áp dụng trong cuộc sống, trong các công việc lớn hơn, và trong giao tiếp với mọi người. Chỉ tưởng tượng tới điều đó thôi cũng thấy thật đáng sợ.

Xã hội phát triển nhờ vào sự loại bỏ các đặc tính trên.

Ở trên tôi đã nói mong muốn những điều tốt đẹp cho Việt Nam. Vậy các bạn cùng giúp tôi làm việc này nhé. Sau khi đọc xong bài viết này, và nếu đồng ý, bạn hãy chạy ngay ra chợ mua cho mình một cái hốt rác và mua thêm một cái nữa cho bạn bè.

Không cần biết những người xung quanh, những người hàng xóm có hốt rác hay không, bạn cứ hốt rác. Nếu bạn thấy đúng, thấy tốt thì cứ làm... cứ tự làm... ngay bây giờ. Chúng ta cùng quét rác với một cái hốt rác trong tay nhé.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...