06 September 2015

Nhân ngày giỗ của Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương

Từ cảm thức khổ lụy đến mộng tưởng niết bàn trong bài thơ “NGUYỆN CẦU” của Ông.
   Đào Ngọc Phong

“Ta còn để lại gì không?”

Khi thi sĩ dùng chữ “ta” mà không dùng chữ “tôi” thì đã hàm ý tôi và mọi người khác có chung cảm nghĩ: chúng ta sở hữu cái gì trong đời? một thân thể, một linh hồn, một gia đình, một tài sản, một danh tiếng, một tổ quốc? cái “ta” hẳn phải là một cái gì khác vật chất, là một chủ thể đối diện và đối nghịch với khách thể, cái “không ta”. Cái khách thể đó còn hay mất đều tác động đến tâm của ta.

Ta hãnh diện, kiêu ngạo vui sướng vì sở hữu được nó, ta đau buồn, thất vọng, uất ức, xấu hổ vì mât nó. Một người yêu phản bội, một đứa con bỏ nhà đi, một tài sản bị tich thâu, một danh tiếng bị bôi bẩn, một tổ quốc bị xâm lăng…. Đúng là cả đời sống của ta lệ thuộc vào cái ta sở hữu. Nhiều trường hợp cái ta chủ thể trở thành nô lệ cho cái vật ta sở hữu, như một người thấy căn nhà mình cháy lao vào biển lửa chỉ để tìm cho được túi vàng cất trong tủ khóa kỹ, chưa lấy được vàng thì thân mình đã bị thiêu thành tro.


Nhà Phật dùng từ ngữ “Ngã, Ngã sở” để diễn tả cái ta và cái “ta có” gắn liền với nhau không rời. Một đời lao khổ, ta đã có được cái gì, đã mất mát cái gì, đã mất bao nhiêu lần cái ta sở hữu? Câu hỏi của thi sĩ tự đặt cho chính mình, và cho chúng ta.

“Kìa non đá lở này sông cát bồi”

Cái ta có hôm nay giờ phút này thi mai đã mất: tình yêu, danh vọng, của cải, may là còn thân ta để mà phiền não, rên siết, oán trách. Thái độ thường là tiêu cực: chửi đời, oán người, trách trời mà ít khi thấy tự trách mình. Nhà Phật dùng từ ngữ “vô thường” để diễn tả cảnh bể dâu biến đổi.

“Lang thang từ độ luân hồi”

Thi sĩ nhìn bằng tâm trí để thấy hành trình của cái “ta từ thuở vô thủy vô chung nào mang nhiều tướng khác nhau. Nhà Phật gọi những tướng hay những thân khác nhau mà ta khoác vào là những dạng chúng sinh ở vào những cảnh giới khác nhau xoay vần mãi không thoát ra được. Lang thang, vì không có nhà nhất định để cư ngụ lâu dài, vì trải qua những kiếp súc sinh, những kiếp người mà muôn người muôn phận khác nhau. Cụm từ “từ độ luân hồi” bao hàm ý trước độ luân hồi thì ta không lang thang, nghĩa là ta an trụ ở một tâm cảnh lặng lẽ sáng suốt bình yên.

“U minh nẻo trước, xa xôi dặm về”

Ta giống như kẻ lạc đường, giữa hai ngả không biết đi ngả nào. Nhìn phía tây thì tối đen, nhìn phía đông thì heo hút. Thi sĩ dùng chữ “dặm về” để tượng trưng cho cái gì? Về quê, về nhà mình xưa kia, hay về quán trọ? Tâm ta tan nát là hiện trạng của cảnh đời, ước mong tìm lại cái tâm an bình hồn nhiên. Nhà Phật dùng từ ngữ “vọng tưởng” và “chân tâm” để chỉ hai ngả đường mà ta phải quyết định lựa chọn. Kinh Thủ Lăng Nghiêm mô tả cái thế lưỡng nan của con người có ý thức về thân phận mình. Tâm ta mà để cho “phan duyên”, tức là rong ruổi đuổi theo sáu trần cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì càng đuổi theo càng lạc, càng xa dặm về tính giác bản nhiên, thế mà đời sống thực sự là phải xoay mình theo sáu trần để sống còn.

“Trông ra bến hoặc bờ mê”

Nhà Phật cho nhận thức của con người về ngoại giới qua năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là thức sai lầm, kinh điển gọi là kiến hoặc, bởi vì cấu tạo mắt của con người chẳng hạn khác với mắt của loài cú, loài cá, loài rắn nên cùng một đối tượng mà mỗi loài nhận thức khác; mỗi loài tùy chánh báo của thân xác mình mà tranh đấu sinh tồn trong y báo là hoàn cảnh sống. Như cấu tạo mắt của con người cần có ánh sáng mặt trời hay đèn đuốc thì mới nhìn thấy sự vật, nhưng mắt con cú không cần ánh sáng vẫn thấy rõ sự vật.

Còn nội giới là tâm cảnh tạo thành bởi những ảnh tượng ký ức, những kinh nghiệm sống tích lũy. Nội giới đó trôi chảy miên man không lúc nào dừng tạo thành những cảm nghĩ triền miên không lấy đâu làm bến bờ chân thực, nhà Phật gọi là tư hoặc.

Thi sĩ đã phản tỉnh về bờ mê bến hoặc mà tâm con người chìm đắm, không biết đâu là đường giải thoát.

“Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương”

Không đến một, mà chỉ nửa cái chớp mắt thì một ngàn năm đã qua đi, huống hồ 80 năm đời người. Đó là chiều thời gian. Còn không gian thì sao? Tưởng như đông, tây, nam,bắc mà hầu như chỉ có một vị trí là cái thân trơ trọi giữa cái bao la của trời đất. Câu thơ này làm toát lên cái heo hút mỏng manh cô quạnh của thân phận con người.

“Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này”

Gót chân thi sĩ đã nhuốm bao nhiêu cát bụi đường đời, nhưng hai câu thơ này hàm ý cái tâm của ta vốn dĩ là lặng lẽ nhưng đã trở nên náo động, vốn dĩ là sáng suốt nhưng đã trở nên mờ tối, vốn dĩ là vô tận vô biên mà đã trở nên hạn hẹp, vốn dĩ là sáng tạo mà đã trở nên cùn nhụt, vốn dĩ là từ bi hỷ xả mà đã trở nên hung ác, ti tiện, chấp nhất. Vì bụi gì bám vào? bụi nghiệp, bụi niệm, bụi vô minh. Nhà Phật thường nói “Một niệm bất giác..ô trược nổi lên”. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói về ngũ trược làm mờ đục chân tâm.

Thi sĩ đã mường tượng thấy cái nghiệp dù thiện hay bất thiện đều làm tâm tính bản nhiên mờ tối. Thi sĩ đã cảm thấy cái ta cần vượt qua thiện ác mới trở về được tính giác uyên nguyên.

“Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời”

Nhưng thi sĩ cảm thấy bất lực nên mới “van xin” cái xấu đừng xẩy ra. Thi sĩ lâm vào một tâm thức đau khổ (unhappy consciousness) vì thấy mình treo lơ lửng giữa ý hướng vươn tới cái vô hạn và cái thực tế kiếp mệnh hữu hạn, giữa ước vọng giải thoát và thực tế đắm chìm trong luân hồi. Cảm thức bất lực vì khổ lụy nặng nề khiến thi sĩ muốn tìm quên trong men rượu, vì chỉ trong lúc say mới dám liều nhảy ra khỏi vòng vây của trùng trùng duyên nghiệp bao đời bao kiếp.

“Nói chi thua được với đời
Sá chi những tiếng ma cười đêm sâu”

Cái ngã ẻo lả của thi nhân làm sao chống chọi được những cái ngã hung bạo chung quanh? Cuộc tranh đua chủ-nô sinh tử giữa chợ đời đẩy thi nhân vào men say, vào thơ ca vô vọng.

Nhưng loài ma ti tiện cười trên sự im lặng của thi nhân. Nếu làm ngơ coi như không có thì giống ma ganh ghét tỵ hiềm lại càng dồn thi nhân vào chỗ bế tắc, là nhà tù, là cái chết. Mỉa mai thay, giống ma này lại hiện thân cũng là những “nhà thơ” tự nguyện trở thành những đao phủ.

“Tâm hương đốt nén linh sầu”

Nhà Phật nói đến năm thứ tâm hương mà người tu theo Phật cần “thắp” từng giây từng phút: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Vậy là trái hẳn với những bó nhang làm bằng bột gỗ mà người ta đốt nghi ngút trong chùa để cầu danh cầu lợi, cầu phước. Thi nhân hiểu đạo Phật sâu xa nên dùng từ ngữ “tâm hương”. Tuy nhiên đã đốt tâm hương thì sao còn có sầu muộn trong đó được, dù tình sầu của thi sĩ có cao quý linh thiêng thế nào đi nữa.

Hay có lẽ thi sĩ thấy mối “linh sầu” trong thâm tâm mình bí nhiệm quá vượt qua những sầu muộn đời thường. Có lẽ mối linh sầu chỉ nảy sinh vào lúc “: một niệm bất giác làm cái tròn đầy nguyên thủy bắt đầu rạn nứt thành hai”, cái giây phút “thái cực sinh lưỡng nghi”, cái giây phút rạn nứt “cái bất nhị” mở đầu cho kiếp trược kéo theo một chuỗi luân hồi đầy ắp phiền não. Cảm thức của thi sĩ thâm trầm cao viễn quá.

“Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi”

Thi nhân mơ hồ nhìn thấy một quê hương để người giang hồ lữ thứ nhớ nhung và tìm đường về. Đó không phải là quê hương “địa lý” như trong ca khúc “Hương Xưa” của nhạc sĩ Cung Tiến. Đây là quê hương tâm linh tức là tính giác thường trụ sáng suốt lặng yên đối với cái tâm tan nát phân tán thành sáu thức bị sáu cảnh trần lôi kéo. Giống như mặt trăng trong thau nước lặng yên thì tròn đầy sáng láng lặng yên. Khi quậy thau nước thì mặt trăng tan nát loạn động, vỡ ra trăm nghìn mảnh sáng lăng quăng. Từ nỗi buồn ta mơ về niềm vui, từ niềm vui trần thế mau tàn ta mơ về niềm vui vĩnh cửu, từ cái vui trong náo động ta mơ về cảnh vui trong yên lặng. Cảnh vui giữa bàn tiệc rượu, giữa tiếng nhạc kích động của vũ trường không thể so sánh được với cảnh vui trong thiền định.

“Đêm nào ta trở về ngôi”

Nhà Phật nói về ba ngôi tam bảo Phật Pháp Tăng, là Tính Giác uyên nguyên diệu minh nằm ngay trong mổi con người, là Trí Bát Nhã phá những tà kiến, là thân tâm trong sạch mà mỗi chúng sinh cần tu luyện để “trở về nương tựa”. Sự trở về đâu phải chỉ vào ban đêm? Nhưng thi nhân vẫn còn trong mơ mộng nên coi ban đêm là thời điểm thich hợp cho tâm quay về hơn là ban ngày. Có thể thi sĩ dùng chữ “đêm” để ngụ ý sự tĩnh mịch là thuận duyên cho tâm giác ngộ.

“Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian”

Khi đã nhập vào ngôi Tam Bảo thì hồn thơ sẽ không còn vướng lụy vào những cảnh đời ô trược, những vũ trường điên đảo bóng giai nhân, những biến động lịch sử xã hội làm đổ vỡ những gia đình, những cuộc chiến tranh làm tan nát tình yêu, làm thui chột tuổi thanh xuân.

“Một khi đã nín cung đàn”
Nghĩ chi còn mất hơi tàn âm thanh”

Tay ta không bấm dây đàn thì âm thanh làm sao nổi lên được. Câu thơ này là biểu tượng thật sâu của Phật pháp. Nếu tâm ta không phan duyên vướng vào sáu trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp thì tâm làm sao có thể lạc vào sai lầm được. Chính sáu căn mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý duyên theo sáu trần mà ta đánh mất chân tâm hay, nói theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, sáu căn làm mai mối cho giặc vào cướp mất của báu trong nhà là tâm tính bản nguyên thường trụ, yên lặng, sáng suốt, tức là tính vô lượng quang, vô lượng thọ của chân tâm.

Mười tám câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương quyện lại chỉ còn một ý, là bi kịch của con người đứng giữa hai ngã: khổ lụy trần ai với đầy cám dỗ của trần cảnh và ước mơ Niết bàn giải thoát, bi kịch của người bị lún vào vũng bùn, càng cố nhoi lên thì càng bị níu xuống.

Nhưng ý thức về bi kịch là mở đầu cho bước trở về.

Thử đối chiếu câu thơ “Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi” với bài kệ trích trong tác phẩm “Khóa Hư Lục” của Vua Trần Thái Tông (1218-1277):

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường

Tâm cứ phan duyên vào trần cảnh mãi không dừng thì càng xa tính giác uyên nguyên lặng lẽ, thường còn, sáng láng đối nghịch với cái náo động, tàn lụi, tối tăm của vọng tâm.

Trong tác phẩm “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”, trong mục “Nhu Yếu Tỉnh Thức của Chương X viết về Vua Trần Thái Tông, tác giả Nguyễn Lang đã viết về tư tuỏng nhà vua như sau: “Toàn bộ sáng tác của Thái Tông mang tính chất nhu yếu của một tâm hồn muốn luôn luôn tự đánh thức mình dậy trong cuộc đời, không để rơi vào tình trạng sống say chêt mộng... Vua muốn vươn tới và tự nhủ đang tự đánh mất mình trong những thế giới hình sắc, thanh âm, hương vị và cảm xúc của hưởng thụ”

Nhưng tính giác đó ở ngay trong tâm mình thì sao gọi là “xa dằng dặc”, “xa vạn dặm”?

Bởi vì từ vọng tâm đến chân tâm có tới mười đại dương ngăn trở mà Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là Mười Tập Nhân hay Mười Thói Quen kết thành khối từ bao kiếp. Đó là thói quen dâm dục, thói quen tham lam, thói quen ngã mạn, thói quen nóng gận, thói quen giả dối, thói quen lừa gạt, thói quen thù oán, thói quen ác kiến hay tranh cãi, thói quen vu vạ, thói quen kiện thưa. Mười tập nhân đó là mười đại dương phải bơi qua, mười dãy núi phải trèo qua, mười bãi sa mạc phải băng qua.

Thi sĩ mất ngày mùng 6 tháng 9 năm 1976, đến nay là giỗ thứ 39 của ông. Chúng tôi mạo muội viết vài trang, tưởng như đang “đốt nén linh sầu” để tưởng niệm thi sĩ. Về mặt tuổi đời, thi sĩ ngang tuổi với thân phụ của chúng tôi; về mặt học hành, thi sĩ ngang với các vị thầy của chúng tôi thời trung học như thầy Vũ Khăc Khoan. Thi sĩ đã từng dậy Ban C Văn Chương ở trường trung học Chu Văn An Sài Gòn những năm 1957-1960. Nếu có những điều gì trong bài viết không đúng với ý thầy mà thầy muốn gởi gấm qua bài thơ “Nguyện Cầu”, thì xin thầy cứ coi đây là một bài tập làm văn của học trò.

Đào Ngọc Phong
Westminster, CA mùng 6 tháng 9 năm 2015

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...