03 January 2014

Năm Ngọ nói chuyện ngựa.

Phạm Thành Châu

Xin thưa trước. Bài viết nầy chỉ có mục đích giải trí. Ðọc cho vui trong mấy ngày Xuân tha hương chứ chẳng phải nghiên cứu văn học, nghệ thuật gì. Quí ông bà trí thức, tâm hồn ngây thơ, trong trắng, khó tính, xin đừng thèm đọc cho mất thì giờ vì tôi viết toàn chuyện phịa, khùng điên, tào lao thiên địa (Bác sĩ bảo tôi “bị” hơi điên. Trong năm nay tôi đã phải vào bịnh viện hai lần... để soi ruột!)

Năm nay là năm Ngọ. Nói về con ngựa rất khó, vì ai cũng biết, cũng thấy. Mà đem chuyện quá cũ như con ngựa thành Troy, con ngựa của Ðường Tam Tạng, ngựa Xich thố của Quan Công, ngựa Ðích lư... Xưa quá! Ai thèm đọc. Cũng may, tôi tuổi Ngọ thường tìm sách báo nói về con ngựa để đọc mà tìm hiểu, vì sao mình chạy suốt đời, chân không bén đất, thở không ra hơi mà vẫn nghèo khổ, nên mới có chuyện ngựa mà kể cho quí vị nghe chơi. Nhưng sẽ có quí ông, bà thắc mắc “Tôi cũng vất vả mà sao không phải tuổi con ngựa?” Xin thưa. Ðó là lý do tôi viết bài nầy để giải thích, vì sao có người không phải tuổi con ngựa mà vẫn chạy có cờ. Năm 1954, chạy từ Bắc vô Nam. Năm 1975, vừa chạy vừa lội bì bõm trên đại dương mênh mông, may sống sót đến được xứ người, mới hú “ba hồn, chín vía” về nhập lại thân xác bầm dập của mình! Xin kiên nhẫn đọc hết bài nầy mới hiểu, chứ mới đọc nửa chừng đã than. Dỡ quá! không thèm đọc nữa, thì kiến thức về con ngựa cũng như về con vật cầm tinh của quí vị, làm sao cập nhật được?

Con ngựa có mặt (ngựa) trên thế gian từ bao giờ? Làm sao biết được? Các nhà cổ sinh vật học, tìm thấy trong các lớp trầm tích di chỉ của loài ngựa. Cách đây 45 triệu năm, tổ tiên loài ngựa chỉ cao có 30 cm, nặng 40 kí lô. Ðó là giống Hyraco Therium, Năm triệu năm sau, có giống Mesophippus, cao lớn hơn. Cách nay bốn nghìn năm, người Cromagnon, vùng Eyzier (châu Âu) đã vẽ hình ngựa trên vách đá. Ba Lan còn sót lại vài chục con ngựa Tarpan tiền sử (cỡ con dê) Tân Cương còn một số ngựa Prewaski (cùng họ với Tarpan). Thời đại đồ đồng, người ta tìm thấy hai bộ yên ngựa. Ngựa gia súc thấy di chỉ vùng Babylon (Iraq) khoảng hai nghìn năm trước Công Nguyên. Ngựa Châu Âu to khỏe nhưng chậm chạp, chỉ dùng kéo cày và ăn thịt. Ðến đầu Công nguyên mới dùng để vận tải đồ nặng ra chiến trường. Ngựa nước Anh cao hơn 1mét 50, nặng 400 kí lô đã một thời theo thực dân Anh chinh phục thuộc địa khắp thế giới. (Xin lạc đề qua chuyện con ngựa của thực dân Anh. Khoảng thế kỷ 19, mười ngàn kỵ binh và bộ binh Anh cùng lính thuộc địa Ấn tiến đánh Afganistan. Kết cuộc chỉ còn một kỵ binh Anh duy nhất cưỡi ngựa chạy về lại được Ấn Ðộ. Sau nầy Liên Xô cũng đem quân xâm lăng Afganistan, gần mười năm cũng đại bại, kéo theo đế quốc đỏ sụp đổ tan tành. Hiện nay Mỹ cũng đang rút khỏi Afganistan)

Ngựa trắng quí phái nhưng rất hiếm. Trong các phim cổ tích cho trẻ em, bao giờ người đẹp cũng được ngồi chung với hoàng tử trên con ngựa trắng đi về hoàng cung ra mắt vua cha và hoàng hậu. Xem TV thấy đoàn kỵ binh hoàng gia Anh toàn ngựa trắng. Ngựa Ả rập nhỏ, cao khoảng 1mét 40, lông màu nâu điểm đóm trắng, nhanh, dai sức, chịu nóng vùng sa mạc rất giỏi, được dùng làm phương tiện chiến tranh, đánh các nước khác để bành trướng Hồi giáo. Ngựa thời đó như chiến xa, tiến rất nhanh cùng với tinh thần quyết tử của chiến binh Hồi giáo nên đánh đâu thắng đó. Các chiến binh Hồi giáo tin rằng, bị kẻ thù giết thì linh hồn được lên thượng giới, sống sung sướng, hoan lạc với mấy em trinh nữ. Thế nên trong chiến đấu, người nào bỏ chạy thì “đàn bà cũng có quyền đâm chết kẻ hèn nhát đó”. Chết hèn như thế thì linh hồn không được lên thượng giới, cũng không được thưởng trinh nữ. (Tôi xin phép được than một câu: “Tôi không ham làm chiến binh Hồi giáo. Tuổi tôi bây giờ có thưởng bảy mươi em trinh nữ cũng chịu thua. Có hô “Nhảy dù. Cố Gắng!”,cũng chỉ để bò vô quan tài nằm, nói lời cuối cùng “Chào bà con, cô bác. Tôi đi!”).

Ngựa Ả Rập được nhập vào Tây Ban Nha (thế kỷ 15) rồi qua Anh (thế kỷ 17) Từ thế kỷ 16 người Tây Ban Nha xâm chiếm Châu Mỹ, họ thám sát vùng Missisipi, bỏ lại một số ngựa Ả Rập nầy, chúng thành ngựa hoang Mustang (Nhà hàng Mustang Ranch ở Nevada có chứa ngựa cái (em út), khách đông quá, chính quyền biết nên cho đóng cửa rồi. Quí ông đừng mò qua đó nữa. Không có gì đâu!)

Cha lừa, mẹ ngựa sinh ra con la, to khỏe. Cha ngựa, mẹ lừa không sinh con la mà là con Boodo (tiếng Việt chỉ có tên con Bú Dù là con khỉ) Belgique có con ngựa sinh năm 1962, dài 3 mét 30, nặng 1.395 kí lô. Việt Nam ta chế được con ngựa bằng sắt, biết bay (như phi cơ oanh tạc), để cho Phù Ðổng Thiên Vương cưỡi ra trận, đánh tan tành bọn giặc Ân (Tổ tiên bọn Tàu Khựa hiện nay). Dẹp xong giặc, thánh Gióng cưỡi ngựa (phi thuyền) bay luôn lên trời (đến một hành tinh nào đó trong vũ trụ chăng?). Ta phóng phi thuyền (ngựa sắt) lên không trung từ mấy ngàn năm, sau nầy Mỹ nhờ học hỏi ta mà tiến bộ nhanh trong ngành không gian (!). Ngược lai, hiện nay, con ngựa Việt Nam gầy còm, ốm yếu nhất thế giới. Trơ xương, đi không nổi. Thấy thảm quá! Năm 1977 người ta nhập giống ngựa Cabardin của Liên Xô về pha giống với ngựa Việt Nam, cho ra những con ngựa lai cao lớn, khỏe mạnh, chịu đựng được cái lạnh khắc nghiệt của miền bắc. Nhưng chỉ nuôi trong trại làm cảnh thôi, chứ đem phổ biến cho đồng bào nuôi thì nó thoái hoá giống như ngựa bản xứ (VN), vì chỉ cho ăn cỏ lại bắt làm việc như tù, sẽ kiệt sức mà chết.

Bây giờ qua chuyện ngựa và người. Tại sao người ta lại ví đàn bà với con ngựa? “Ðồ đĩ ngựa!” “Ngựa Thượng Tứ”? Mặc dù hai loài (ngựa và đàn bà) chỉ có vài điểm giống nhau như cùng có vú, có tóc (đuôi ngựa), có cái... lưng, chẳng hạn. Ðàn ông không bao giờ ví các em là ngựa Thượng Tứ mà chỉ các bà mỉa mai một cách ganh tị với cô, bà nào ham lăng nhăng với đàn ông. Vì sao kêu là ngựa Thượng Tứ? Vị nào từng ra Huế ắt biết bến Thương Bạc (trước 1975, mấy mụ dắt mối thường rù rì với mấy ông đi coi hát, xem phim ở rạp Hưng Ðạo đứng hóng mát trên bờ sông (bến Thương Bạc) chờ giờ mở cửa rạp. Chỉ có hai câu “Ngủ đò không anh?” sau đó là câu quảng cáo “Có mấy em mới...”. Nếu lắc đầu thì mụ ta hỏi ông khác). Từ Thương Bạc vô cửa Thượng Tứ là một quãng đường ngắn, chưa tới một cây số, là đường Thượng Tứ, thời Pháp thuộc có tên tây là Rue de la Citadelle. Qua khỏi cửa Thượng Tứ sẽ thấy bên tay phải là trường Trần Quốc Toản. Trước đây, thời nhà Nguyễn là Viện Thượng Tứ với hai đơn vị kỵ binh là Khinh Kỵ Vệ và Phi Kỵ Vệ, là chỗ nuôi ngựa, dạy ngựa của quân đội nhà vua. Cửa Thượng Tứ là tên dân gian gọi, đúng ra là cửa Ðông Nam. Ai đi ngang qua đó thấy cảnh mấy con ngựa đực làm chuyện truyền giống thì nghĩ đến câu hát “Anh Hứa Yêu Em Dài Lâu”. Ðã dài còn lâu nữa! Chu choa ơi!. Không làm con ngựa (cái) Thượng Tứ cũng uổng một đời.

Thấy mấy con “đĩ ngựa” đó lang chạ hết thằng nầy đến thằng kia, trong khi mình “chỉ biết một mà không biết hai” các bà ứa gan, muốn đứt gân máu mà chết! Bà Hồ Xuân Hương tả một ông hấp tấp trong chuyện đó. “Thoạt mở đầu chàng đà nhảy ngựa, thiếp vội vàng vén phứa tượng lên”. Thì ra nàng cũng chịu hết nỗi!

Có một chuyện vui như sau. Một ông nói với vợ “Chủ nhật nầy anh đi cưỡi ngựa” Bà vợ nói “Lúc nãy, con ngựa gọi điện thoại đến, báo rằng. Chủ nhật nầy nó bận việc, không cưỡi được”. Châu Âu cũng ví đàn bà với ngựa. Ca ve là từ chữ cavalier (horseman, kỵ binh?) cavalière (ngựa cái?), chỉ mấy em gái nhảy, thợ chọi. Ðàn ông Ðài Loan cũng dùng chữ Ngựa Cái để chỉ mấy em kinh doanh bằng vốn tự có. Bịnh thượng mã phong, không phải vì trèo lên lưng con ngựa mà chết mà vì làm chuyện “tò tí te”, đến “cao điểm” đứng tim chết luôn trên bụng em. Lý Tiểu Long, võ nghệ cao cường mà cũng bị em dùng “cái đó” đánh cho một chưởng Thượng Mã Phong, chết ngay đơ cẳng cuốc! Cái đó dữ lắm! Trong vũ trụ có lỗ đen, hút bất cứ vật gì, kể cả ánh sáng, thì dưới thế gian cũng có lỗ đen. Nó nhỏ như lỗ dế mà hút tánh mạng, nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, công danh, sự nghiệp, ngai vàng điện ngọc...nghĩa là cái gì láng cháng đến gần là nó hút cái một, mất tiêu. Hỏi dân chơi Cầu Ba Cẳng Bill Clinton, anh ta kể cho mà nghe. Suýt mất ngai vàng vì cái lỗ (hơi đen) đấy!

Quí cô, quí bà cũng được ví với bò. Câu “Cơm No Bò Cưỡi” là giấc mơ của mấy ông lười biếng, chỉ thích ăn và chơi thôi. (Giống con heo nọc!) Trong văn chương truyền khẩu, câu (Cơm No Bò Cưỡi) nầy vừa gợi hình vừa lãng mạn. Nghe xong là trong đầu diễn ra một hoạt cảnh hấp dẫn. Em đi làm phờ người, cậu thì nằm phè ra đó, chờ em về nấu nướng, dọn ra mời cậu xơi. Xơi để có sức mà xơi em. Quả thực, tên nầy được đẻ bọc điều, sung sức lại phải có nghề.

Ðể quí vị khỏi phàn nàn tôi viết chuyện tào lao, “kỳ cục”, nay xin nói về văn chương, âm nhạc, liên quan đến con ngựa cho tờ báo thêm phần long trọng. Quí vị đi chơi ở các thành phố Âu, Mỹ thường thấy tượng ông tướng, ông vua cưỡi ngựa, mục đích để tưởng niệm những danh nhân đó đồng thời cũng nói về cái chết của người được đúc tượng. Tượng ông nào cưỡi con ngựa mà hai chân trước của con ngựa đưa lên không, ý nói ông đó chết nơi trận tiền. Tượng ông nào ngồi mà con ngựa chỉ đưa một chân lên là ông ta chết vì vết thương ngoài chiến trường (đưa về quân y viện mới chết) Còn ông nào ngồi trên con ngựa mà bốn chân ngựa đặt trên mặt phẳng thì người đó chết bình thường. (Không phải thượng mã phong).

Bây giờ nói chuyện thi ca về con ngựa Việt Nam. Trước hết là về âm nhạc. Bạn đã nghe bài Ngựa Phi Ðường Xa rồi chứ gì? Bạn còn nhớ? Ban Thăng Long hát bài đó rất hay, có ca sĩ Hoài Trung nhe răng ra hí, trông giống hệt miệng con ngựa. Lúc còn nhỏ, tôi mê tài tử Pháp, đóng phim vui cười, là ông Fernandel. Mặt dài như mặt ngựa lại hay nhe răng cười. Thấy mặt ông ta là tức cười rồi, khỏi cần làm trò. Giống như mình thấy Thanh Hoài trước đây vậy. Có điều đáng lưu ý là. Con ngựa đang phi không thể hí. Trong bản nhạc Hòn Vọng Phu cũng có câu “Ngựa phi ngoài xa hí vang trời”. Con ngựa, khi đang chạy nhanh (phi) mà bị gò cương lại, nó mất đà, tức giận, cất hai vó trước, hí lên một tràng. Con người cũng vậy. Ðang cắm đầu, cắm cổ phi nước đại, sắp đến “giây phút lâm chung” thì bị hất xuống giường. Bị cụt hứng, không điên cũng khùng!

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, các nhân vật nam, khi đến với người đẹp không dùng xe gắn máy hay xe hơi mà chỉ cưỡi ngựa. Ngựa trong thơ cụ Nguyễn Du nhiều vô kể (Ngựa xe như nước áo quần như nêm. Tuyết in vó ngựa câu dòn. Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời. Nẻo xa mới tỏ mặt người. Khách đà xuống ngựa đến nơi tự tình. Bóng tà như giục cơn buồn. Khách đà lên ngựa người còn ngó theo. Ðoạn trường thay lúc phân kỳ. Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh. Nàng càng thổn thức gan vàng, Sở Khanh đã rẽ dây cương lối vào. Người lên ngựa kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san. Thuốc mê đâu đã tưới vào. Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì. Vực ngay lên ngựa tức thì. Phòng đào, viện sách, bốn bề lửa dong. Trông trời, trời bể mênh mang. Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong. Kéo cờ lũy, phát súng thành. Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài. Sắm sanh xe ngựa vội vàng. Hai nhà cùng thuận một đường phó quan. Người nách thước kẻ tay dao. Ðầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. Tái sinh chưa dứt hương thề. Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai...) nhiều lắm! Có điều đáng lưu ý quí vị là. Thời cụ Nguyễn Du đã có “Nhạc vàng” rồi. Tôi xin kể “chuyện thật 100%” như sau. Cậu Kim Trọng có cái cassette hay máy CD gì đấy. Thấy chị em Thúy Kiều từ xa, bèn mở mấy bản “Nhạc vàng” do mấy em Thái Thanh, Thanh Tuyền, Thanh Thúy... hát bài Nỗi Buồn Gác Trọ, Tàu Ðêm Năm Cũ, hay Ðừng Nhìn Em Nữa Anh Ơi! ... gì đó. Hai chị em Kiều đứng lại lắng nghe, mắt lim dim thưởng thức, không hay biết cậu Kim đã đến bên cạnh từ lúc nào rồi. Cậu Kim tắt máy hát rồi tự mình hát “Karaoke” mấy bản nhạc tình để tán tỉnh hai em “Anh xin đưa em về. Về quê hương ta đó... Anh xin đưa em về, về quê hương tuyệt vời...tuyệt vời!” giống mấy con chim trống trên cành hót líu lo để dụ dỗ mấy con chim mái ngây thơ, lãng mạn vậy. Có thể nói tình sử Thúy Kiều-Kim Trọng khởi đầu bằng mấy bản “Nhạc vàng”. “Dùng dằng nửa ở nửa về. “Nhạc vàng” đâu đã tiếng nghe gần gần. Trông chừng thấy một văn nhân. Lỏng buông tay khấu bước dần dặm băng”. Nhạc vàng hay đến độ, đêm nào Thúy Kiều cũng mò qua phòng Kim Trọng nằm nghe ca nhạc. Cậu Kim tưởng bở, định quờ quạng thì em hất tay cậu ra và kêu lên “Nhột!” Rồi em lấy mền quấn quanh người cứng ngắc, thả hồn chìm đắm trong tiếng nhạc lời ca. Cậu Kim quê quá, vớ lấy quyển sách “Luyện Thi Tú Tài” ra nằm cạnh em, chú tâm vào công thức toán, vật lý, hóa học cho hạ hỏa. Cậu Kim quá cù lần. Em đã chịu nằm xuống giường là phải biết em muốn gì rồi. Con gái nói “No!” là “Maybe”, nói “Maybe!” là “OK” (Nhưng nó đã nói “Never!” mà làm tới là phải coi chừng. Nó sẽ gọi cảnh sát đấy) Nếu tôi ở vào trường hợp cậu Kim thì đâu đến nỗi để em đem cái ngàn vàng cho thằng cà chớn Mã Giám Sinh xơi tái. Bạn mở computer ra, bấm Google, bấm “Thanh Tâm Tài Nhân” rồi bấm “Gia phả Kim Trọng” sẽ thấy ghi: “Kim Trọng là ông tổ mười bảy đời của Kim Nhật Thành, Kim Chánh Nhất và Kim Jung Um” Mở tiếp “Thúy Kiều” sẽ thấy ghi “Thúy Kiều không phải là bà cố nội của Thúy Nga. Vì sau mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều về nhà, thì anh bồ (Kim Trọng) đã bị Thúy Vân giành mất nên chán đời, cạo đầu vào tu chùa Một Cột ở Hà Nội (do cụ Nguyễn Du giới thiệu với vị sư trụ trì)”.

Truyện Kiều là một tác phẩm văn học hoàn hảo, như viên ngọc được trau chuốt. Nhưng Chinh Phụ Ngâm mới làm rung động lòng người, khiến ta nghĩ đến Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Cộng xâm chiếm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tất cả đàn ông, con trai vô tù cải tạo để chết dần mòn trong đó, ngoài đời chỉ còn các bà mẹ, bà vợ, cô chị gánh vác gia đình. Nỗi mong chờ của người vợ có chồng ra chiến trường như trong Chinh Phụ Ngâm không bằng sự lo lắng và tuyệt vọng của người mẹ, người vợ, người con... có người thân đi tù Cộng Sản mà không biết ngày về. Lại còn phải lăn vào đời với hai bàn tay trắng để tìm cái sống. Tôi xin trích mấy câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm có nhắc đến con ngựa, mà mỗi câu thơ là mỗi tiếng thở dài của người chinh phụ:
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, 
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giả nhà đeo bức chiến bào.
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.
Ngoài đầu cầu nước trong như lọc.
Ðường bên cầu cỏ mọc còn non. 
Ðưa chàng lòng dằng dặc buồn.
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn.
Giòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn.
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.
Xông pha gió bãi trăng ngàn.
Tên treo đầu ngựa giáo lan mặt thành”
Có tác phẩm bằng thơ “Lục Súc Tranh Công”, kể chuyện các con gia súc gồm bò, ngựa, lợn, dê, gà, chó khoe công đã giúp chủ nhiều việc, trong đó công con ngựa không phải nhỏ. Trước 1975 trong chương trình trung học có giảng thơ Lục Súc Tranh Công. Có điều chẳng ai nói đến chuyện ăn thịt ngựa. Âu Mỹ, người ta ăn thịt ngựa. Vừa rồi, bên châu Âu nổ ra vụ một xí nghiệp đóng hộp thịt bò lại thay bằng thịt ngựa. Chẳng biết nội vụ ra sao nhưng thời tiểu học, trong dịp lễ lớn, khoảng thập niên 40, 50 đến lễ “Vạn thọ đại khánh tiết Hoàng Ðế Bảo Ðại” (sinh nhật) nhà trường có phát cho mỗi trò một bánh ú và một hộp thịt ngựa nhỏ. Ngon lắm! Bây giờ vẫn còn thèm. Có dịp qua Pháp tôi sẽ xơi một hộp thịt ngựa cho đỡ thèm.

Thập niên 1880, theo thống kê, Sài Gòn và vùng ngoại ô có 400 chiếc xe ngựa, gọi là xe “thổ mộ”. Ở Sài Gòn, sáng sớm, trời còn lờ mờ đã nghe tiếng vó ngựa lóc cóc từ ngoại ô chở hàng hóa, nông sản, gà, vịt đến các chợ đầu mối Chợ Lớn, Bà Chiểu... bỏ hàng. Tôi rất thích đi xe ngựa, nhưng sau nầy có xe lăm thay thế. Xe ngựa chỉ còn rất ít ở các vùng thôn quê. Cảnh xe ngựa chạy trên đường quê, dưới rặng tre, êm đềm, thanh bình, bây giờ hiếm thấy.

“Giấy vắn tình dài” Viết nhiều quá, chủ báo lầu bầu “Tay nào cũng viết ba trợn như ông nầy thì chả ma nào thèm đọc báo của ta!”, nên tôi xin kết thúc ở đây.

Ủa! Vậy chứ lời hứa giải thích vì sao, có người không phải tuổi con ngựa mà vẫn phi (chạy) bán sống, bán chết? Năm 1954 chạy! Năm 1975, chạy!

Về Hà Nội mà hỏi Việt Cộng!

***

Giới Thiệu Sách 
Món quà thanh cao cho thân nhân, bạn bè

Ðã Phát Hành. Ba tập truyện ngắn của Phạm Thành Châu
 - Bức Họa Khỏa Thân ............(248 trang)
 - Nhớ Huế ...........................(245 trang)
 - Lý lẽ của trái tim .......................(275 trang) 
Giá mỗi tập 12 USD. Mua ba (3) tập trở lên, giá mỗi tập 10 USD kể cả cước phí. (Ngoài nước Mỹ thêm 5 USD cước phí). Gửi sách trước, trả tiền sau.

Liên Lạc: Phạm Thành Châu:
7004 Beverly Lane
Springfield VA 22150
USA
 _________________
Phone (571) 480 - 3276
(c) Email: pham.t.chau@juno.com

No comments:

Post a Comment