23 January 2014

HÀNH CHÍNH NHƯ MỘT KHỐI QUYỀN LỰC

Máu, thức ăn, không khí không thể hấp thụ và lưu chuyển nuôi cơ thể và khiến cơ thể hoạt động nếu không có ruột gan phèo phổi... Một đất nước có đứng vững, đi đứng bình thường hay không, có hưng vượng hay suy tàn thì guồng máy hành chính chịu trách nhiệm một phần vì nó biến những chính sách của quốc gia thành hiện thực. Nếu như một nền hành chính trì trệ mà không có một bộ phận đầu não có khả năng, trí tuệ và thành khẩn cải thiện nó, đất nước ấy tất suy tàn và có nguy cơ tiêu vong. Không phải bất cứ quốc gia nào cũng có một nền hành chính lành mạnh. Bởi quyền lực làm hư con người nên nếu luật pháp không dự liệu được những biện pháp ngăn ngừa và răn đe, thì nhất định một ngày nào đó guồng máy hành chính sẽ mục nát và đất nước sẽ rơi vào tình trạng một quốc gia thất bại, một thứ quốc gia vô chính phủ, quyền lực nằm trong tay đám người trong bóng tối. Đất nước ấy nếu may không bị ngoại bang mua chuộc và thống trị thì cũng chỉ lê lết và tụt hậu.
Tác giả Lương Định Văn, một trí thức hằng quan tâm đến vận mệnh đất nước, đã đào sâu vấn đề này. Ông đã có dịp là thành viên trong những phái đoàn các công ty quốc ngoại khảo sát tình hình VN trước khi công ty quyết định đầu tư hay không. Bài viết dưới đây gói gọn những suy nghĩ của tác giả về những nguyên nhân đưa đến tình trạng gần như hỗn loạn của guồng máy hành chính cộng sản ở VN hiện nay. TTR xin trân trọng giới thiệu cùng quý anh chị và các bạn. (TTR)
**
HÀNH CHÍNH NHƯ MỘT KHỐI QUYỀN LỰC 
LƯƠNG ĐỊNH VĂN 
Nói đến Hành Chính, đa số đều liên tưởng đến một cơ cấu khổng lổ gồm các cơ quan công quyền do những viên chức quản lý kém hiệu năng, với những nghi thức rườm rà mất thời gian và thiếu hiệu quả.  Một trong những giai thoại văn chương nói về nỗi phẫn uất của thường dân trước những thủ tục hành chính chậm chạp nặng nề, người ta không khỏi nghĩ đến nhân vật Clennnam trong tác phẩm Little Dorrit của Charles Dickens khi chàng ta gặp phải những nỗi khó khăn tại Circumlocution Office. Nhân viên của cơ quan này chẳng làm gì ngoại trừ việc gây trở ngại cho những ai muốn dò hỏi những tin tức hoặc tìm những hồ sơ lưu trữ tại đây. 

Dưới nhãn quan chính trị, hệ thống quan liêu (bureaucracy) là bộ máy hành chính của quốc gia bao gồm một khối đa dạng và nhiều ngạch trật của những nhân viên có trách nhiệm thi hành những chỉ thị và hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên hiện nay, vai trò của chính phủ ngày càng nới rộng vào nhiều các lĩnh vực khác nhau của xã hội và như thế hành chính lại càng có một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị của quốc gia. Theo đó, các công chức không còn được xem như là những viên chức được giao phó trách nhiệm thi hành các chính sách của chính phủ, mà họ còn đóng những vai trò chủ yếu và tích cực hơn trong việc soạn thảo và hình thành các chính sách của chính phủ. Thậm chí ngay cả việc điều khiển quốc gia nữa. Đây là hiện tượng của cái gọi là "cai trị bởi các viên chức" đang xảy ra đằng sau cái vỏ bề ngoài của chế độ đại diện dân cử ở nhiều quốc gia. Những ảnh hưởng đầy quyền lực của khối quan liêu này đã được xem như một trong những "Đệ Tứ Quyền" (fourth branch of the government) trong việc cai trị nước, ngoài cái quan niệm thông thường tam quyền phân lập gồm Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp. 

Vấn đề còn tệ hại hơn ở  Việt Nam hiện nay, khi Quôc Hội và Tòa Án chỉ đóng vai trò phụ thuộc dưới cái gọi là sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Ảnh hưởng của giới quan liêu Việt Nam khống chế và bao trùm mọi lĩnh vực sinh hoạt xã hội ở trong nước. Thậm chí đưa đến hiện tượng lấn quyền của khối hành chính, do Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu, lên trên quyền lực chính trị của Tổng Bí Thư Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng và Chủ Tịch nhà nước Trương Tấn Sang. Do đó, vấn đề tổ chức và kiểm soát quyền lực hành chính là một trong những vấn đề bức thiết nhất trong sinh hoạt chính trị hiện đại, mà không một chế độ chính trị nào, Cộng Sản, Độc Tài chuyên chế hoặc Tự Do, có thể giải quyết một cách thoả đáng.

Các vấn đề được đem ra thảo luận trong bài này bao gồm những quan điểm của các lý thuyết gia về vai trò của hành chính, quyền lực của bộ máy quan liêu trong xã hội tân tiến hiện đại và làm sao để kiểm soát các hoạt động của nó một cách hiệu quả hơn, đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam hiện nay.

Mỗi khi đề cập đến vấn đề hành chính thường gây nên nỗi công phẫn về phương diện chính trị. Đặc biệt trong các xã hội tân tiến ngày nay, thường là những phê phán có tính cách tiêu cực. Những người theo tư tưởng tự do chỉ trích hệ thống hành chính không minh bạch và thiếu tinh thần trách nhiệm. Đã thế phe xã hội chủ nghĩa và  những người Mác Xít, lên án guồng máy hành chính như một công cụ đàn áp của giai cấp thống trị. Còn đối với Phe Cực Hữu Bảo Thủ, họ xem các quan chức hành chính như một nhóm chỉ nhằm bảo vệ và phục vụ cho quyền lợi của nhóm, do đó thiếu hiệu quả trong muc tiêu phục vụ công ích. Còn đối với các kinh tế gia, thì họ lại xem guồng máy hành chính như những tổ chức công quyền được tài trợ do nguồn lợi tức thu từ thuế khoá của dân, chứ không bị lệ thuộc vào mục tiêu lợi nhuận hoặc chịu những chi phối của nền kinh tế thị trường tự do.

Thế nhưng, tất cả hình như đều có cái nhìn phiến diện, tuỳ theo quan điểm, họ đã gán ghép cho hành chính những đặc tính do sự thành hình và phát triển của nó qua nhiều giai đoạn tiến hoá của lịch sử và xã hội. 

Thông thường người ta xem hành chính như một khối gồm các cơ quan công quyền do những viên chức quản lý kém hiệu năng. Theo thời gian, dần dần các tổ chức trở nên  hoàn chỉnh và có tính khoa học hơn, trở thành một khối tố chức hợp lý theo hệ thống và luật lệ quản trị chặt chẽ. Rồi gần đây, hành chính được xem như một tổ chức năng động trong các xã hội tân tiến. Theo đó vai trò hành chính hiện diện như một bộ phận trong mọi tổ chức có chức năng quản trị, chứ không chỉ là một tổ chức riêng biệt của chính quyền.  Tổ chức hành chính dưới nhãn quan mới này, không những có mặt ở các quốc gia theo chế độ dân chủ cũng như toàn trị, mà có thể  tìm thấy trong các công ty kinh doanh, các nghiệp đoàn công nhân, các đảng phái chính trị .v.v... 

Trong bài này chúng ta sẽ khảo sát các quan điểm tương phản lẫn nhau về hệ thống hành chính:
- Hành Chính như một guồng máy tổ chức hợp lý
- Hành Chính như một khối quyền lực bảo thủ
- Hành Chính như một tổ chức thặng dư của Chính Quyền 

Hành Chính: Một cơ cấu tổ chức hợp lý cổ điển

Nói một cách dễ hiểu, cơ cấu hành chính có nhiệm vụ quan trọng chính yếu là thi hành và áp dụng luật pháp của các cơ quan lập pháp, cũng như các chính sách do các viên chức hành pháp quyết định. Trách nhiệm của các công chức là thi hành các chính sách dưới sự chỉ huy của các nhân vật chính trị do dân cử ra. Theo Max Weber, một tác giả nghiên cứu xã hội học người Đức có tầm ảnh hưởng lớn mạnh nhất về quản trị hành chính, thì tổ chức hành chính được xem như một hình thức cai trị lý tưởng đặt trên hệ thống các luật lệ hơp lý, hoàn toàn tách biệt ra khỏi phạm vi chính trị. Mỗi cơ quan hành chính chỉ là một bộ phận nhỏ của một guồng máy lớn, trong đó các viên chức thi hành nhiệm vụ theo những nguyên tắc được ấn định rõ rệt.

Ông đã đưa ra một số những nguyên tắc để xác định những đặc tính hợp lý của tổ chức hành chính như sau:

- Phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức được ấn định chính thức và rõ rệt bởi các nguyên tắc và luật lệ.
- Cơ cấu tổ chức theo nhiều giai tầng. Các viên chức ở cấp dưới phải tuân theo chỉ thị của cấp trên theo một chuỗi thứ tự cấp bậc được ấn định rõ rệt.
- Các hoạt động được điều hành dựa trên các văn thư trao đổi và theo một hệ thống lưu trữ hồ sơ để giúp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền.
- Quyền hạn của các viên chức được bổ nhiệm dựa trên chức vụ nắm giữ chứ không tuỳ thuộc vào địa vị và thế lực của cá nhân họ trong xã hội.
- Việc bổ nhiệm và thăng thưởng trong cơ cấu hành chính dựa trên tiêu chuẩn chuyên môn, chẳng hạn như quá trình đào tạo huấn luyện, trình độ kiến thức và khả năng quản trị.

Đặc tính chủ yếu của hành chính, theo quan điểm của Weber, là tính cách hợp lý của tổ chức, nhằm đề cao và nhấn mạnh vào sự tin tưởng và hữu hiệu trong hoạt động của cơ cấu. Theo Weber, hành chính không hẳn chỉ thuần là một mô hình tổ chức trong xã hội tân tiến hiện nay, mà sự bành trướng các  phạm vi hoạt động của nó trong xã hội là một điều tất nhiên. Hiện tượng này không hoàn toàn do những kỹ

thuật tân tiến áp dụng vào việc thi hành các tác vụ hành chính, mà do hệ quả của những phát triển nhanh chóng trong các lĩnh vực sinh hoạt văn hoá, kinh tế và chính trị. Mức độ phát triển của các cơ
quan hành chính liên hệ chặt chẽ với sự xuất hiện và trưởng thành của các nền kinh tế tư bản. Đặc biệt do những nhu cầu  quan trọng nhằm nâng cao mức hiệu năng về mặt kinh tế và sự xuất hiện của các tập đoàn sản xuất với quy mô lớn. 

Ngoài ra, sự phát triển của các cơ cấu hành chính tân tiến và hợp lý này còn được thúc đẩy bởi nhu cầu dân chủ hoá do sự lỗi thời và tính lạc hậu của quan điểm cai trị có tính truyền thống cha truyền con nối, và thay thế vào đó là thiết lập một hệ thống tuyển chọn trên căn bản kiến thức và tài năng chuyên môn. Chính vì do quá trình nhằm hợp lý hoá các cơ cấu hành chính này đã đưa các quốc gia kỹ nghệ hoá tiến gần lại với nhau, dù đó là những quốc gia theo chủ nghĩa tư bản hoặc cộng sản đi nữa.

Quan điểm này được các lý thuyết gia về hành chính gọi và "Thuyết Đồng Quy" (Convergence Thesis), đã được James Burnham đưa ra trong cuốn sách The Managerial Revolution vào năm 1941. 
Burnham lập luận rằng dù theo bất kỳ một ý thức hệ nào đi nữa, các quốc gia kỹ nghệ hoá sẽ được quản lý bởi các nhà quản trị chuyên môn, các kỹ thuật gia và viên chức của chính phủ, do tài năng quản trị và kỹ thuật chuyên môn của họ. 

Các công chức của Nhật Bản, đặc biệt những viên chức cao cấp trong Bộ Kỹ Nghệ và Ngoại Thương của Nhật thường được xem là những nhà chính trị chuyên nghiệp đã đem lại phép lạ mầu nhiệm về kinh tế cho Nhật vào những thập niên của 1950 và 1960. 
Tuy nhiên, Weber cho rằng guồng máy hành chính cũng có những mặt tiêu cực của nó. Để đạt được mức hữu hiệu của tổ chức, guồng máy hành chính phải chấp nhận việc hy sinh cái lý tưởng tham gia góp ý có tính cách dân chủ trong quá trình làm những quyết định. Các chỉ thị thi hành sẽ phải bắt đầu từ cấp trên ban xuống chứ không do số đông từ bên dưới tổ chức đi lên. Hiển nhiên điều này đã làm tan vỡ giấc mơ của phe xã hội chủ nghĩa nhằm thiết lập chế độ độc tài của giai cấp công nhân, cũng như  đã xác nhận sự tiên đoán của Weber trước đây là sẽ có sự hình thành chế độ độc tài của những viên chức ưu tú (technocracy) trong tổ chức hành chính của chính phủ. 

Với kết luận này, Weber đã có cùng một quan điểm tương tự như một môn đệ của ông là Robert Michels, người đã đưa ra định luật tất yếu về sự cai trị của giai cấp ưu tú dựa trên sự nghiên cứu của ông về các sinh hoạt đảng phái chính trị. Qua các cuộc nghiên cứu về quá trình tuyển chọn dân chủ của các đảng phái, Michels cho rằng những tổ chức chính trị này sau cùng sẽ do các thành phần ưu tú của họ thống trị. Tuy nhiên, Weber không quá bi quan như Michels về viễn ảnh của nền dân chủ tự do. Mặc dầu ông công nhận rằng những nhân vật ưu tú này có khuynh hướng củng cố địa vị của mình và vượt ra ngoài cái chức năng quản trị hành chính của họ, ông tin rằng tham vọng của họ có thể được kìm hãm bằng những hạn chế của nền dân chủ như tổ chức các cuộc tuyển chọn tự do và các biện pháp nhằm phân tán quyền lực để kiểm soát việc lũng đoạn quyền hành trong nội bộ. 

Trong khi các quốc gia theo thể chế tự do dân chủ nỗ lực làm giảm thiểu sự bành trướng của cơ cấu quan liêu, thì ngược lại các nước theo chế độ Toàn Trị của Cộng Sản chủ trương tiêu diệt toàn bộ những cấu trúc của một xã hội dân sự để đạt tới sự kiểm soát hoàn toàn đời sống của người dân. 
Hành Chính: Một cơ cấu đầy quyền lực

Hành Chính: Một cơ cấu đầy quyền lực

Quan điểm xem hệ thống hành chính như một khối quyền lực phần lớn bắt nguồn từ sự phân tích của phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt của những người theo chủ nghĩa Mác Xít. Mặc dù Marx không khai triển lý thuyết về chế độ quan liêu một cách có hệ thống như Weber, nhưng người ta có thể nhận ra được một cách rõ rệt những quan điểm của Marx trong cuốn sách của ông. Thay vì xem cơ cấu hành chính như hậu quả của sự phát triển từ các quốc gia kỹ nghệ hóa, Marx coi đó như một hệ quả bắt nguồn từ chủ nghĩa tư bản. Chế độ quan liêu của chính phủ là guồng máy duy trì và củng cố quyền lợi của giới thượng lưu và của hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Trong khi Marx chỉ trích chế độ quan liêu nhằm bảo vệ cho giai cấp tư bản, thế nhưng ông không biết rằng trên thực tế chính chế độ cộng sản đã tạo ra một giai cấp thống trị mới trong guồng máy hành chính để cai trị nhân dân. Một trong những sự phân tích sáng giá nhất của chủ nghĩa Mác Xít về guồng máy quan liêu đã được Leon Trotsky, lý thuyết gia người Nga của chủ nghĩa Mác Xít, thảo luận trong quyển The Revolution Betrayal (1937). 

Theo Trotsky, sự chậm tiến lạc hậu của xã hội Nga lúc bấy giờ cộng với sự thiếu kinh nghiệm về hoạt động chính trị của giai cấp công nhân, đã tạo nên những điều kiện mầu mỡ cho việc sinh sôi nẩy nở một chế độ quan liêu của nhà nước Cộng Sản và làm cản trở việc tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa độc tài Staline là biểu tượng cho quyền lợi của giai cấp thống trị quan liêu này đã hoàn toàn tách rời khỏi khối đa số quần chúng lao động. Tưởng cũng nên nhắc lại, Trotsky là lĩnh tụ Sô Viết ở St Petersburg vào năm 1905, đã từng là Bộ Trưởng Ngoại Giao, rồi Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh trong chính phủ của Lénin. Ông bị cô lập và thanh trừng sau khi Lenin chết năm 1924. Sau đó bị trục xuất khỏi Liên Xô năm 1929 và bị ám sát ở Mễ Tây Cơ vào năm 1940 theo lệnh của Stalin.

Thế nhưng trong khi Trotsky xem giới quan liêu như một giai tầng xã hội có thể bị loại trừ bởi một cuộc cách mạng chính trị, thì Milovan Djilas, một nhà bất đồng chính kiến người Nam Tư, xem đó là một giai cấp xã hội mới.  

Tưởng cũng nên nói thêm Djilas từng được coi như nhân vật sẽ kế vị Tito trong chức vụ Tổng Thống vào năm 1953, thì từ tháng 10 năm 1953, Djilas đã viết liên tục 19 bài báo đăng trên tờ báo chính thức của Đảng Cộng Sản Nam Tư, tố cáo một giai cấp cai trị mới xuất hiện ở Nam Tư với nhiều tướng lãnh và viên chức cao cấp đang hưởng nhiều lợi lộc với những dinh thự đắt tiền ở những địa điểm có giá nhất ở Belgrade. Năm 1957, Ông cho xuất bản cuốn The New Class: An Analysis of the Communist System ở Hoa Kỳ tố giác sự bất bình đẳng trong chế độ Cộng Sản Nga và Đông Âu. Hậu quả là ông đã bị xử án 7 năm tù và bị trục xuất khỏi Đảng Cộng Sản Nam Tư.

Trong khi đó, tại các quốc gia theo chế độ dân chủ tự do, quan điểm phân chia giai cấp của Marx trong guồng máy hành chính đã được khai triển tiếp nối bởi Ralph Miliband, một tư tưởng gia thuộc hệ phái Tân Mác Xít ở Anh (Miliband có hai người con rất sáng giá trong Đảng Lao Động của Anh, với Ed Miliband hiện là lãnh tụ đảng Lao Động của Quốc Hội Anh).

Miliband đặc biệt chú trọng đến vai trò của các viên chức cao cấp trong cơ cấu hành chính và xem họ như là thành phần bảo thủ có thể làm suy giảm, thậm chí có thể cản trở các sáng kiến cấp tiến của các bộ trưởng cũng như của chính phủ phe xã hội chủ nghĩa.

Trên hình thức, mặc dù theo truyền thống các cơ cấu quản trị hành chính phải đóng vai trò trung lập trong việc thi hành các chính sách của cùa đảng cầm quyền. Nhưng điều hiển nhiên là các viên chức cao cấp của guồng máy hành chính cùng được hưởng thụ một nền giáo dục và hoàn cảnh xã hội như các nhà kỹ nghệ gia và quản trị kinh doanh, do đó họ dễ đi đến việc chia sẻ các quan điểm và có những thành kiến chung với nhau.

Thêm vào đó, những viên chức  tài năng có những quan điểm cấp tiến thiên tả thuộc phe xã hội chủ nghĩa có thể bị ngăn trở bởi việc tuyển dụng hay thăng thưởng các ứng viên có cùng một quan điểm với các viên chức cao cấp bảo thủ của guồng máy hành chính.

Miliband cho rằng sự bành trướng các tổ chức hành chính vào các lĩnh vực kinh tế xã hội là yếu tố quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa các viên chức cao cấp của hành chính và các tập đoàn kinh tế của tư bản chủ nghĩa. Sự can thiệp của các tổ chức chính quyền trong hoạt động kinh tế đã đem đến hậu quả nguy hiểm là họ xem "quyền lợi quốc gia", trong trường kỳ, sẽ trùng hợp với quyền lợi của các nhóm kinh tế theo tư bản chủ nghĩa. Mối quan hệ này ngày trở nên chặt chẽ hơn qua việc trao đổi nhân sự giữa chính quyền và khu vực kinh tế tư bản bằng cách tuyển dụng viên chức từ lĩnh vực tư nhân, hoặc ban cho những viên chức cao cấp đã về hưu những chức vụ béo bở trong khu vực kinh tế tư. Mối quan hệ này là trở ngại lớn lao ngăn cản các nỗ lực nhằm thực hiện những chính sách của phe xã hội chủ nghĩa.

Một trong những khuyết điểm của lý thuyết Mác xít về guồng máy hành chính là nó đã không tiên đoán được việc nới rộng sự can thiệp của guồng máy vào hệ thống xã hội chủ nghĩa. Theo Marx và Engels thì khuyết điểm này rồi sẽ biến mất bởi vì trong xã hội cộng sản không giai cấp thì chế độ hành chính quan liêu của tư bản sẽ không tồn tại. 

Từ khuyết điểm lớn lao này, Weber và Michels cũng đã chỉ trích sự mâu thuẫn trong lý thuyết Mác xít khi họ chủ trương tập thể hóa quyền sở hữu và tập trung kế hoạch kinh tế mà không tiên liệu được sự bành trướng của hệ thống hành chính vào trong các sinh hoạt của xã hội. Một hiện tượng không chỉ có trong các quốc gia Cộng Sản mà hiện nay ngay cả trong các quốc gia theo chủ trương tự do dân chủ nữa.

Hành Chính: Một cơ cấu tổ chức thặng dư

Do sự phát triển của những quốc gia tân tiến hiện nay, cũng như việc nới rộng các phạm vi hoạt động và trách nhiệm vào các lĩnh vực xã hội và kinh tế đã đưa đến sự hình thành những cơ quan hành chính đầy quyền lực của chính phủ. Điều này gây một phản ứng mãnh liệt của những tổ chức bảo vệ quyền dân sự (civil rights) trong những chế độ tự do dân chủ. Từ đó xuất hiện hai quan điểm tương phản nhau nhắm giải thích cho hiện tượng bành trướng một cách lãng phí của các tổ chức hành chính. 

Mô hình tối đa hóa ngân sách 

Quan điểm thứ nhất nhằm giải thích mô hình tối đa hóa ngân sách (budget-maximizing model) của các nhà quản trị hành chính cho hiện tượng thặng dư này. Các lý thuyết gia dựa trên đặc tính của của con người từ quan điểm của môn phái kinh tế tân cổ điển, theo đó con người là sinh vật luôn tìm kiếm phương cách để đem lợi lộc vật chất tối đa đến cho chính mình.

Trong quyển Bureaucracy and Representative Government (1971), William Niskanen cho rằng các viên chức hành chính cao cấp luôn có động lực theo đuổi tìm kiếm nhằm cải tiến địa vị cho riêng mình bằng cách nới rộng phạm vi hoạt động của tổ chức. Từ đó trách nhiệm và ngân sách hoạt động của cơ quan sẽ gia tăng. Điều này có nghĩa là việc nâng cấp và bành trướng của tổ chức sẽ đảm bảo cho địa vị và chức vụ về lâu về dài, có nhiều cơ hội được thăng thưởng, lương bỗng sẽ cao hơn, do đó sẽ đem đến cho họ nhiều quyền lực và uy tín hơn.

Như thế, chế độ quan liêu tự nó có một động cơ mãnh liệt và năng động trong việc luôn tìm kiếm sự nới rộng các cơ cấu tổ chức và trách nhiệm trong những phạm vi hoạt động công cộng. Các lĩnh vực này bao gồm từ việc thi hành các chương trình an sinh xã hội, việc quản lý nền kinh tế, cấp giấy phép, cho đến cung cấp các tin tức dịch vụ cho dân chúng trong nước cũng như ở hải ngoại. Kích thước của nền hành chính do đó liên hệ chặt chẽ đến những phạm vi trách nhiệm của chính quyền.  
William Niskanen, , Kinh tế gia người Mỹ 

Việc tuyển dụng công chức của Vương Quốc Anh gia tăng theo tỉ lệ của sự bành trướng trong phạm vi hoạt động của chính phủ trong thế kỷ 20. Con số cao nhất là 735,000 công chức vào những năm của thập niên 1970, nhưng sau đó giảm xuống chỉ còn 499,000 người vào năm 1996, do áp dụng những chính sách của phe Tân Tự Do từ những năm của thập niên 1980.

Riêng tại Hoa Kỳ, guồng máy quan liêu đã gia tăng một cách đáng kể do hậu quả của chính sách "The New Deal", và hiện nay lên đến con số 2 triệu rưỡi. Trong khi Khối Liên Bang Sô Viết trước đây, con số này đã lên đến 20 triệu nhân viên công chức do hệ thống quản trị trung ương tập quyền của Cộng Sản.

Đối với những lý thuyết gia thuộc quan điểm cấp tiến của phe hữu khuynh (New Right), thì các viên chức hành chính cao cấp có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ vào việc xếp hạng mức độ ưu tiên các chỉ tiêu kế hoạch của chính phủ, điều này giải thích những lý do vì sao đưa đến sự bành trướng cơ cấu hành chính qua các thời của nhiều chính phủ có những ý thức hệ chính trị tương phản lẫn nhau. Quan điểm cổ điển cho rằng hệ thống quan liêu chỉ có nhiệm vụ thi hành luật lệ và chính sách có thể làm người ta dễ hiểu lầm vì ba lý do: 
** Thứ nhất, phần lớn những điều luật do Quốc Hội thông qua đều có tính cách tổng quát, cho nên các chi tiết hành chính phức tạp trong các đạo luật đều được bỏ trống để các viên chức hành chính bổ khuyết. Điều này đưa đến sự lạm dụng quyền hành của khối hành chính khi họ đem thi hành và giải thích các luật lệ và chính sách của Chính Phủ.

** Lý do thứ hai là mức độ kiểm soát về chính trị và tính hiệu quả của hệ thống quan liêu có được quy định chặt chẽ hay không. Chẳng hạn như tại nước Pháp và Nhật Bổn, do uy tín và hiệu năng cao độ của các viên chức và guồng máy hành chính của hai nước này, nên họ đã được hưởng mức độ độc lập rộng rãi trong việc giải thích và áp dụng các chính sách, luật lệ của chính phủ họ.

** Sau cùng là trong vai trò cố vấn cho việc thành lập các chính sách của chính phủ. Bởi vì phần lớn những nguồn tin tức và dữ kiện cần thiết cho việc thành lập các chính sách của chính phủ đều do khối hành chính cung cấp. Các viên chức cao cấp trong guồng máy hành chính liên hệ thường xuyên hàng ngày với các chính trị gia để cung cấp tin tức dữ kiện và thảo luận về chính sách, vô hình chung đóng vai trò cố vấn cho chính phủ và sự phân biệt giữa việc làm các quyết định về chính sách và cố vấn về các chính sách này không còn rõ ràng nữa.. Do thành kiến của những chính phủ hữu khuynh cấp tiến này về vai trò của các viên chức hành chính trong một xã hội dân chủ đã khiến họ theo đuổi chủ trương nhằm thu hẹp lại phạm vi trách nhiệm và hoạt động của chính phủ. 
 Mô hình chọn lựa công (public choice theory)

Quan điểm này bắt nguồn từ nhóm phân tích chính trị Virginia khi họ áp dụng mô hình quyết định kinh tế vào lĩnh vực công. Chính Niskanen là nhân vật khai sáng cho chương trình kinh tế vào thời
Tổng Thống Reagan của Hoa Kỳ và là cha đẻ của “lý thuyết chọn lựa công” trong lĩnh vực hành chính nổi bật qua các chính sách của Reagan vào những năm thuộc thập niên 1980.

Điểm quan trọng nhất và cũng đơn giản nhất là trừ phi quyền lực của các cơ quan chính quyền bị kiểm soát và ngăn chặn lại, còn không thì bất kỳ một nỗ lực nào nhằm thực thi một chính sách kinh tế thị trường tự do chắc chắn sẽ bị thất bại. Mục tiêu của nhóm hữu khuynh nhằm đả kích sự độc quyền của các cơ quan chính quyền bằng cách so sánh về mức độ hữu hiệu giữa các tổ chức công và tư. Theo quan điểm của họ thì tổ chức của các công ty tư được thiết lập để đối phó với các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài cũng như bên trong nội bộ của nó. Một nguyên tắc nội tại quan trọng nhất của khu vực tư là nhằm tối đa hóa mức lợi nhuận bằng cách thường xuyên theo dõi để giảm mức chi phí nội bộ hầu đạt được mức hữu hiệu. Về đối ngoại, họ hoạt động trong một thị trường cạnh tranh nên bắt buộc các công ty tư phải thay đổi để thích nghi theo nhu cầu của giới tiêu thụ bằng cách điều chỉnh giá cả và cải tiến các sản phẩm của mình.

Ngược lại, các cơ quan của chính quyền không bị trói buộc bởi động cơ lợi nhuận. Nếu chi phí hoạt động vượt quá mức thu nhập, người dân luôn luôn sẽ phải gánh vác những phí tổn này qua số thuế họ phải đóng hàng năm cho Chính Phủ. Hơn nữa các cơ quan chính phủ luôn giữ vai trò độc quyền trong việc cung cấp các dịch vụ của họ, do đó không phải tuân theo các luật lệ cung cầu của thị trường. Điều này đưa đến hậu quả là các cơ quan chính phủ đa số đều lãng phí và thiếu hiệu năng. Tệ hại hơn nữa là các dịch vụ, sản phẩm cung cấp đều có phẩm chất kém cỏi và không đạt được những yêu cầu và tiêu chuẩn đòi hỏi của khách hàng. Chính do thành kiến "Tư thì tốt, Công lúc nào cũng tệ hại" của phái hữu khuynh cấp tiến đã đưa đến việc thu hẹp lại các hoạt động và cơ cấu chính quyền, cũng như đưa những kỹ thuật quản trị tư vào trong các hoạt động của cơ quan chính quyền.

Chế Độ Quan Liêu Cộng Sản Việt Nam

Thoạt khởi thủy, chế độ Toàn Trị của Cộng Sản nhắm tiêu diệt toàn bộ cơ cấu của xã hội dân sự ( civil society) để áp đặt sự kiểm soát trên toàn thể đời sống của người dân. Từ giây phút Bolsheviks chiếm được chính quyền vào năm 1917, nhà cầm quyền Sô Viết đã tấn công hàng loạt vào những tổ chức có nguy cơ làm suy yếu quyền lực của nhà nước Nga, bao gồm các đảng phái chính trị, báo chí, nghiệp đoàn công nhân, các cơ sở kinh doanh tư nhân và tôn giáo bằng bộ máy công an cảnh sát, thông tin tuyên truyền và giáo dục khổng lồ của họ.

Trong chế độ toàn trị không có sự phân biệt giữa vai trò hành chính và chính tri. Các viên chức, cán bộ hành chính trong các cơ quan nhà nước đa số đều là đảng viên Cộng Sản. Do đó, hành chính không cần giữ vai trò trung lập trong khi thi hành các chính sách của Chính Phủ như tại các quốc gia theo chế độ tự do dân chủ. Cho nên, nói đến hành chính tức là đề cập đến các chiến dịch thông tin tuyên truyền và học tập, các quyết định chính trị khủng bố đe dọa nhằm chi phối đời sống và đường lối suy nghĩ của người dân, không những qua các hoạt động ngoài xã hội, mà còn đi sâu và kiểm soát các mối quan hệ cá nhân riêng tư và gia đình. Nói một cách khác đi, cách thức suy nghĩ và mối liên hệ trong gia đình con cái, vợ chồng đều được quyết định và chấp thuận bởi Đảng Cộng Sản. Đó là tiến trình tẩy não tinh vi được Cộng Sản áp dụng từ hơn nửa thế kỷ trước đây.

Cuốn tiểu thuyết " One Flew Over the Cuckoo's Net " do Ken Kesey xuất bản vào năm 1962 mô tả một mẫu hình lý tưởng của chế độ toàn trị. Tác phẩm này xoay quanh đời sống của những tù nhân trong một bệnh viện tâm thần. Họ sống một cách ngu ngơ như những đứa trẻ dưới sự thống trị của một Bà Y Tá Trưởng đầy quyền uy và độc đoán. Nhân vật chính của tiểu thuyết là McMurphy định giải thoát đám tù nhân bằng cách phá bỏ những quy tắc luật lệ của bệnh viện tâm thần này và sau cùng, McMurphy đã dẫn dắt và đem tự do đến cho họ. Nhưng rồi trong lúc tranh đấu và thôi thúc nhóm tù nhân này, chàng ta chợt khám phá ra rằng không một ai trong nhóm tù tâm thần này bị quản thúc trái với ý muốn của họ. Tất cả đều sợ hãi thế giới tự do bên ngoài và tình nguyện bị giam giữ để đổi lấy sự lệ thuộc an toàn dưới sự cai quản của Bà Y Tá Trưởng. Đó chính là mục tiêu tối hậu của chế độ toàn trị, có nghĩa là chế độ không chỉ tước đoạt những quyền tự do của con người mà còn làm cho họ sợ hãi cuộc sống tự do bên ngoài để đánh đổi lấy sự an toàn, bằng cách tự nguyện đeo lấy gông cùm vào mình mà không cần phải có một sự cưỡng bách nào.

Chẳng trách gì nguyên Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu trong cuốn sách mới xuất bản của Ông với tựa đề "One Man's View of the World", ông cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay "bị giam cầm trong ý thức hệ" của chính mình. Thế nhưng sau gần 60 năm áp đặt chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, đặc biệt sau thập niên 1990 với sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu, chế độ toàn trị của nhà cầm quyền Việt Nam đã trở nên suy yếu qua việc áp dụng đường lối kinh tế thị trường và cuộc cách mạng tin học trên thế giới. 

Mục tiêu kiểm soát toàn bộ đời sống của dân chúng đã không đạt được kết quả mong muốn như trước đây, các tổ chức dân sự xã hội đã tương đối phục hồi lại được sự độc lập trong các hoạt động riêng của họ. Các cơ sở kinh doanh tư, các sinh hoạt tôn giáo cũng  trở nên khởi sắc hơn. Các đoàn thể trí thức và sinh viên học sinh có tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề chính trị của quốc gia và xã hôi. Từ toàn trị (totalitarian), chế độ trở thành chuyên quyền áp bức (authoritarian) với những hậu quả tệ hại của bộ máy hành chính Cộng Sản Việt Nam.
Chính Phủ làm luật không qua Quốc Hội và các nghị quyết của Đảng

Đã có nhiều trường hợp, Các Bộ Trưởng làm luật bằng cách ra các Quyết Định và Thông Tư không dựa trên một Nghị Quyết nào của Quốc Hội. Trong quá khứ, Chính Quyền Hà Nội chỉ khai triển dựa trên các chủ trương và chỉ đạo từ các Nghị Quyết Trung Ương Đảng Cộng Sản. Qua bài viết ở trong nước của một Luật Sư Cộng Sản, Ngô Ngọc Trai đã đưa ra trường hợp điển hình về luật quy định các tập đoàn kinh tế nhà nước như sau: "Chủ trương cho thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành được Chính phủ triển khai trực tiếp từ Nghị quyết trung ương 3 khóa IX của Đảng. Trong nhiều năm, Chính phủ thành lập một loạt tập đoàn, tổng công ty kinh doanh đa ngành mà Quốc hội không có bất cứ một nghị quyết nào nói về vấn đề này. Chỉ đến năm 2009 khi được báo cáo hoạt động kinh doanh của tập đoàn có biểu hiện lệch lạc, Quốc hội mới có Nghị quyết yêu cầu chấn chỉnh " Thậm chí, các văn bản dự luật của Quốc Hội trước khi được ban hành thành đạo luật phải được Chủ Tịch Nhà Nước duyệt ký, nhưng các Nghị Định, Thông Tư của Chính Phủ ban hành lại không cần thông qua chữ ký của Chủ Tịch nhà nước.

Tuy nhiên, sự vượt quyền lập pháp trên thực tế còn qua mặt ngay cả sự lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Luật Sư Ngô Ngọc Trai thú nhận rằng "Cần xác nhận thực tế rằng có những chính sách các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện không dựa vào bất kỳ chủ trương nào của Đảng hoặc Quốc hội về cùng vấn đề. Có thể kể ra hàng loạt thông tư do các Bộ ban hành chứa đựng những quy định bất công vô lý mà Đảng và Quốc hội không hề có chủ trương như thế".  

Vai trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã mất đi ảnh hưởng và sự kiểm soát các hoạt động của Chính Phủ. Trong một buổi họp tại Quốc Hội,lời phát biểu than vãn tiêu cực của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về các nỗ lực của Đảng trong mục tiêu tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa là một điều đáng ngạc nhiên “Chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Với phát biểu tiêu cực này, hiển nhiên phản ánh niềm tin vào ý thức hệ của Tổng Bí Thư Cộng Sản Việt Nam đã lung lay, Nguyễn Phú Trọng không thể giữ vai trò mà giới lãnh đạo Trung Cộng có thể tin cậy được để kiểm soát sự phục tùng tuyết đối của Việt Nam. 

Nguyên nhân sự lấn quyền của khối hành chính

Quyền lực thực sự hướng dẫn và chỉ đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay đều bắt nguồn từ Trung Cộng. Sau khi khối Cộng Sản Đông Âu bị sụp đổ vào cuối thập niên 1990, hy vọng sinh tồn của Cộng Sản Việt Nam là đi theo đường lối cải cách kinh tế của Trung Cộng như một mẫu mực phát triển, để duy trì quyền hành và xoa dịu sự bất mãn của dân chúng do thiếu khả năng xây dựng và quản trị kinh tế của giới lãnh đạo Việt Nam. Sự phát triển vượt bực và hào nhoáng của nền kinh tế Trung Cộng từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cuộc đổi mới về kinh tế vào năm 1978, đã thuyết phục giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam áp dụng toàn bộ các bài bản của Trung Cộng từ mô hình tổ chức cho đến các luật lệ về đầu tư, ngân hàng, tài chính và thuế khóa.. 

Đường lối chính sách và việc bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cho tương lai Việt Nam đếu có sự phê chuẩn của giới lãnh đạo Trung Cộng. Sự phục tùng của Cộng Sản Việt Nam càng phản ánh rõ rệt qua việc nhượng đất một vài Tỉnh của miền Bắc, cũng như một phần của lãnh hải Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Cộng. Do đó sự hình thành chính sách chỉ đạo của Việt Nam hiện nay không còn bắt nguồn từ các nghị quyết của Đảng Cộng Sản Việt Nam mà bắt đầu từ Trung Cộng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đóng vai trò của một hộp thư chuyển giao các mệnh lệnh chỉ thị của Trung Cộng, chứ không còn có thực quyền kiểm soát khối hành chính như dưới thời của Đỗ Mười, Lê Đức Anh,... Điều này càng đưa đến sự kiêu ngạo và thách thức của khối hành chính do Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu, thậm chí đã có sự thảo luận trong việc thay đổi Hiến Pháp rằng Chính phủ không cần là cơ quan chấp hành của Quốc hội và đề xuất bỏ đi nội dung Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội trong Hiến pháp.

Tệ trạng tham nhũng 

Cho đến nay, tham nhũng đã trở thành một thứ quốc nạn ở Việt Nam. Qua nhiều thời của các Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản, họ công nhận đó là một vấn đề thuộc cơ chế và con người ở Việt Nam. Tuy nhiên sau hơn 60 năm thống trị, Đảng Cộng Sản bất lực trước tệ nạn đang hoành hành gây chia rẽ trong nội bộ và mất niềm tin của dân chúng. Nhân lời phát biểu của viên Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ Hội Nghị Trung Ương Đảng Kỳ 8 mới đây, đã kết án"một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao đã trở thành bọn quan tham nhũng hại dân hại nước, nhưng tới nay chẳng có quan lớn nào bị trừng trị. Chủ Tịch nhà nước Cộng Sản, Trương Tấn Sang đã khôi hài châm biếm như sau: "Chủ tịch nước đồng cảm: “Tôi nói điều này với tư cách cá nhân thôi: Ta hô khẩu hiệu nhiều quá. Còn câu “Một bộ phận không nhỏ” là một câu hết sức đau đầu. Nghe dư luận thì rất nhiều nhưng tìm thì không thấy. Có nhiều anh nói “bộ phận không nhỏ” đó ở bên dưới. Nhưng sau 1 năm quay lại hỏi bên dưới là chỗ nào thì mấy ông chỉ cười khì, không chỉ ra được."

Nếu lời phát biểu này của một Tổng Thống trong chế độ tự do dân chủ, chắc chắn không sớm thì muộn, cả một tập thể từ đảng viên cấp thấp cho đến lãnh đạo trung ương sẽ bị tống giam về các tội hình sự vì nhận tiền hối lộ và thâm thụt công qũy. Thế nhưng trong chế độ Cộng Sản, họ vẫn ung dung chế diễu một cách hời hợt với nhau. Điều này chứng tỏ sự bất lực của toàn bộ hệ thống cai trị Cộng sản trong việc dung dưỡng cho các đảng viên tiếp tục tái phạm những tội hình sự của luật pháp quốc gia.

Các biện pháp chống tham nhũng ở Việt Nam rất nhiều và phức tạp. Về phương diện chính trị, đứng đầu là Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam. Về phía Chính phủ có Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh Tra chính phủ đứng đầu. Ngoài ra, hầu như tất cả các Bộ ngành, UBND đều có cơ quan phòng chống tham nhũng. Thế nhưng tình trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ gây ta thán từ dân cho đến cấp Trung Ương. 

Trong các nước dân chủ tự do, kinh nghiệm thực tế cho thấy hệ thống đa đảng với tam quyền phân lập, sự kiểm soát của các đoàn thể chính trị tại Quốc Hội, sự độc lập của các Tòa Án, báo chí truyền thông, các tổ chức đa dạng của một xã hội dân sự, đã là những yếu tố chính để giảm bớt một cách hiệu quả tệ trạng tham nhũng ở những quốc gia này. Do đó chế độ độc tài đảng trị là đầu mối cho việc, không những bao che mà còn dung dưỡng các tội phạm của các đảng viên Cộng Sản làm mất uy tín của cơ quan công quyền, tiếp tục sách nhiễu dân chúng và gây lãng phí trong hệ thống quan liêu Cộng Sản.

Lãng phí và kém hiệu năng

Theo con số thống kê của Bộ Tư pháp Việt Nam vào tháng 5 năm 2013, trong 5,400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi trách nhiệm của các bộ có khoảng 1,600 thủ tục yêu cầu xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực. Với số nhân khẩu toàn quốc gần 90 triệu dân, số lượng giao dịch hành chính giữa người dân và cơ quan hành chính được thực hiện hàng năm ở nước ta trung bình khoảng 600,000 dịch vụ mỗi ngày. Tạo gánh nặng hành chính cho cá nhân người dân và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch hành chính lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, theo bản phúc trình của Phó thủ tướng Cộng Sản Nguyễn Xuân Phúc từng ước đoán thì hơn 30% công chức không thi hành được trách nhiệm của công việc giao phó. Với đội ngũ công chức khoảng hơn 7 triệu người, hệ thống hành chính hiện nay đã lãng phí ngân sách khoảng 20.2 tỷ đồng mỗi năm. Câu hỏi được nêu ra là ai đã đứng ra tuyển dụng và chịu trách nhiệm về số viên chức thiếu năng lực này, nếu không phải là những đảng viên Cộng Sản dành chỗ bao che cho con cháu họ hàng để lũng đoạn vơ vét ngân sách do tiền thuế đóng góp của dân chúng.

Thêm nữa, có những người suốt đời công chức, phần lớn thời gian dùng để đi hội họp, từ cuộc họp nhỏ đến hội thảo, hội nghị. Họp rồi để tiếp tục họp nữa mà chẳng mang lại lợi ích, sáng kiến gì cho cơ quan. Báo Nhân dân, cơ quan thông tin của Đảng Cộng sản Việt Nam, số ra ngày 28.2.1961 đăng ý kiến của một cán bộ nhà máy dệt kim Đông Xuân phản ánh về tình hình hội họp bằng việc bình bầu cá nhân xuất sắc. Theo đó, bất cứ một công nhân thuần túy nào cũng phải dự tới 7 cuộc họp. Họp tổ sản xuất. Họp phân xưởng; Họp toàn nhà máy; Họp phân đoàn thanh niên; Họp chi đoàn thanh niên; Họp thanh niên toàn nhà máy; Họp công đoàn. Cuộc họp nào cũng chỉ 3 nội dung: Thành tích, Nhận xét, Bình bầu. Cho nên việc họp hành, vô hình chung đã trở thành công việc chủ yếu của nền hành chính, đưa đến tình trạng kém hiệu năng và lãng phí trầm trọng trong chế độ quan liêu Việt Nam.

Trên báo chí hàng ngày của Cộng Sản, không thiếu những mẫu tin đề cập đến các buổi họp của Chính Phủ hầu tìm các biện pháp chấn chỉnh và hoàn thiện các điểm tiêu cực của bộ máy nhà nước. Khiến cho người ta có cái cảm tưởng rằng giới cầm quyền đang bận rộn lo lắng cho đời sống của người dân. Nhưng rồi dường như không có một ai theo dõi những biện pháp đó đã thực hiện đến đâu và kết quả như thế nào.  Bởi vì cứ đến năm sau, người ta lại nghe những điệp khúc cũ rích nhàm tai vào các buổi họp diễn ra tương tự như thế. Hoặc giả nếu có báo cáo, người ta lại không thể tin cậy vào những số liệu của các cơ quan hành chính, bởi vốn dĩ những số liệu này chính nhà nước Cộng Sản cũng đều không sử dụng vì thiếu chính xác. Trong cuộc Hội thảo "Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013" do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam và VCCI tổ chức tại Huế trong hai ngày 26-27 tháng 9, nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam đã đánh giá rất bi quan về tình hình kinh tế, tài chánh hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế ngoại quốc có mặt ở phiên họp chắc hẳn rất ngạc nhiên, bởi vì các chuyên viên kinh tế hàng đầu này đã không sử dụng một biểu đồ hoặc trưng bày được những số liệu thống kê nào, khả dĩ là điều tối thiểu làm căn bản cho bất kỳ một cuộc thảo luận hữu ích.  

Cai trị quốc gia là một công việc nghiêm túc, không những thể hiện qua những thành tựu và kết quả tốt đẹp nâng cao đời sống dân chúng của đảng chính trị đang cầm quyền, nó còn thể hiện tính cạnh tranh về phẩm chất và đời sống người dân của quốc gia mình so với các quốc gia khác trên thế giới. Sự thịnh vượng của nền kinh tế và mức độ hùng mạnh về quân sự sẽ đưa đến sự kinh nể và bảo đảm được nền an ninh của quốc gia trong một thế giới cạnh tranh gắt gao các nguồn tài nguyên thiên nhiên.  Cho nên các quốc gia không ngừng nghiên cứu triển khai những chính sách khôn khéo, những kỹ thuật tối tân đe cải thiện mức hiệu năng của lực lượng sản xuất hầu nâng cao mực sống quốc dân. Thời gian trở nên yếu tố quan trọng và khẩn trương cho cuộc chạy đua hiện này giữa các nước có nền kinh tế đang trổi dậy. 

Chế độ chính trị của những quốc gia có thể tương phản lẫn nhau, nhưng điều đó không ngăn cản một nước theo chủ nghĩa toàn trị như Trung Cộng leo lên địa vị cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới. Miễn là họ có một tập thể lãnh đạo sáng suốt áp dụng những chính sách khôn khéo để đạt đến mục tiêu của mình. Tuy nhiên điều này không bảo đảm rằng đem áp dụng một mô hình tương tự như thế vào Việt Nam có thể kết luận rằng nó sẽ đưa đất nước lên địa vị phú cường. Sự khác biệt ở chỗ Đảng Cộng Sản Việt Nam không có những lãnh đạo hội đủ trình độ và khả năng để thực hiện những kế hoạch và chỉ tiêu

đó. Đấy là chưa kể đến một đội ngũ công chức hành chính thiếu những kỹ năng và trách nhiệm đạo đức cần thiết để đem lại những kết quả mong muốn. Tình trang trở nên tồi tệ hơn khi giới lãnh đạo và toàn thể viên chức dưới quyền ô hợp với nhau lũng đoạn quyền hành và sách nhiễu dân chúng để đem lợi ích cho một thiểu số của đảng Cộng Sản đang cầm quyền. 

Phương thức giải quyết vấn đề đã có giải đáp. Các thành phần của xã hội dân sự tại Việt Nam đã tranh đấu ráo riết đưa ra những đề nghị và nguyện vọng thay đổi cần thiết cho chế độ cai trị của đất nước, nhằm cải thiện và kiểm soát quyền lực của guồng máy hành chính. Tình thế cho thấy chế độ độc tài quan liêu của Việt Nam sẽ tiếp tục khống chế và đàn áp các nỗ lực tranh đấu với một đội ngũ Công An vừa được Nguyễn Tấn Dũng chấn chỉnh bằng cách bổ nhiệm 6 Thứ Trưởng vào Bộ Công An gồm 4 Thượng Tướng và 2 Trung Tướng. Điều này chứng tỏ trình độ thấp kém của giới lãnh đạo Việt Nam đã không nhận thức được mức khẩn trương của yếu tố thời gian trong cuộc chạy đua với các nước láng giềng. Hoặc giả có nhìn thấy được điều đó, giới lãnh đạo sằn sàng hy sinh đời sống ấm no và hạnh phúc của dân chúng để đánh đổi lấy lợi lộc của thiểu số lãnh đạo cầm quyền Cộng Sản.
 
 Cuộc tranh chấp sẽ gay gắt hơn, nhưng có phần lợi thế cho các nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ, đặc biệt khi Việt Nam vừa mới đắc cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 12 tháng 11 vừa qua.  Bộ máy hành chính của Cộng Sản sẽ không thể tiếp tục bắt bớ giam cầm trái phép và đàn áp nhân quyền một cách quyết liệt như trước đây, do việc theo dõi thường xuyên của cộng đồng quốc tế về sự tôn trọng nhân quyền của Việt Nam. Thêm vào đó là những dấu hiệu đổi mới của Trung Cộng dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình trong kỳ họp thứ 18 của Quốc Hội Trung Cộng kết thúc vào tháng 11 năm 2013, với chủ trương khuếch trương và đẩy mạnh khu vực kinh tế thị trường tư nhân như một yếu tố quyết định vào cuối năm 2020. Sự thay đổi rồi cũng sẽ xảy ra tai Việt Nam, ít nhất trong vòng thập niên nữa. Nhưng sẽ không do đội ngũ lãnh đạo kém tài như hiện nay. Bởi vì họ không đủ khả năng thi hành trách nhiệm nặng nề của đường hướng tư duy cần thiết cho việc thay đổi trong guồng máy hành chính quốc gia. Chúng ta sẽ chờ đợi xem nhân vật nào sẽ là người sáng giá nhất trong lịch sử, được ghi công như người lãnh trách nhiệm thay đổi chế độ độc tài Cộng Sản sang thể chế tự do dân chủ thực sự ở Việt Nam.

LƯƠNG ĐỊNH VĂN
**Tham Khảo:
- Guy Peters, B " The Politics of Bureaucracy"(White Plains, NY: Longman, 2001)
- Max Weber "Economy and Society" (1922), 
- Francis Fukuyama " The End of History and The Last Man"(Penguin Books, 1992)
- LS Ngô Ngọc Trai "Nên bớt quyền hành Chính phủ" BBC Web
- Âu Dương Thệ "HNTU 8 ếm nhẹm những khó khăn kinh tế-xã hội và tham nhũng, nhưng lại công khai tăng cường đảng trị!" Dân Làm Báo
- "Chấn chỉnh thủ tục hành chính, xóa nỗi hãi hùng trong người dân ", Pháp Luật Việt Nam 15/7/2013
- Lê Chân Nhân "30% công chức không làm được việc lỗi do ai?", Diễn Đàn Dân Trí Việt Nam

No comments:

Post a Comment