24 January 2014

Ðêm Giao Thừa Của Những Người Lính Mất Nước

Phạm Thành Châu
Năm 1981, tôi được gọi tên ra khỏi nhà tù Cộng Sản. Hơn sáu năm tù là tiêu chuẩn thấp nhất cho tù quân, cán, chính, đảng phái, tôn giáo Việt Nam Cộng Hòa. Ðảng Cộng Sản Việt Nam đúng là thiên tài trong việc kích động người dân miền Bắc căm thù đồng bào miền Nam tàn tệ như trong bài hát “Giải Phóng Miền Nam”: “Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời...” Miền Nam đang sống yên lành, đâu có động chạm gì đến miền Bắc, không gây thù chuốc oán với với miền Bắc, để họ căm thù, rồi với súng đạn của Nga, Tàu, họ kéo rốc vào miền Nam bắn giết, giật mìn xe đò, pháo kích vào trường học, chôn sống đồng bào vô tội? Tuyên truyền “Chống Mỹ cứu nước” là ngụy biện. Theo lệnh Cộng Sản quốc tế, từ năm 1959, Việt Cộng đã mở đường Trường Sơn 59 để xâm lăng miền Nam, rồi thành lập mặt trận bù nhìn “Giải Phóng Miền Nam” ngày 10 tháng 12 năm 1960 để đánh phá Việt Nam Cộng Hòa. Mãi đến năm 1964, quân Mỹ mới đổ bộ Ðà Nẵng để “be bờ” Cộng Sản. Chính Lê Duẫn, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố nhiều lần rằng “Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”

Trong tù, những ông bà tù (miền Nam) bị buộc phải làm “thu hoạch”, kể tội chính quyền miền Nam “phản dân hại nước, tay sai đế quốc Mỹ”, tự mình buộc tội là “có nợ máu” với nhân dân, đáng tội chết, rồi phải hả họng hát thật to “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng...” (?!) Không hát thì “đi cùm” (biệt giam) rồi bỏ mạng. Tôi từng thấy nhiều ông tù chết, được bó bằng cái chăn rách của ông ta, bỏ lên xe cải tiến, kéo đi trong sân, ra cổng. Hai cái chân khô đét, xanh lét thò ra khỏi xe, nhịp lên nhịp xuống theo bánh xe gập ghềnh, tưởng như người chết nằm rung chân khoái trá được vĩnh viễn ra khỏi nhà tù, lên gò nằm ngủ khỏe, khỏi phải “lao động là vinh quang”. 

Thông thường, tù được thả về vào những dịp lễ, tết. Tôi ở tù vùng núi rừng tây bắc Việt Nam, được thả về trước tết âm lịch. Ði xe lửa Hà Nội - Sài Gòn, về đến ga Bình Triệu thì đúng vào 29 tháng chạp âm lịch. Tôi đi bộ từ ga Bình Triệu về đường Võ Duy Nghi, Phú Nhuận (Sài Gòn). Khi đi tù, tôi có gửi thư về nhà cha mẹ vợ, ở đường Võ Duy Nghi, là nơi vợ tôi và hai đứa con tá túc, nhưng không thấy trả lời cũng chẳng được thăm nuôi trong mấy năm đi tù. Nhờ sức trai, tôi chịu đựng được chứ mấy ông lớn tuổi mà không có thăm nuôi, bịnh hoạn, đói lạnh, chết gần hết. Khi tôi đến nhà bên vợ, mới bước lên thềm, tôi đã dội ngược. Nghe giọng Bắc Kỳ 75, tôi biết gia đình cán bộ đang ở trong đó. Như vậy, gia đình bên vợ tôi đã bị đánh tư sản, tài sản bị tịch thu, cả nhà bị đưa lên kinh tế mới. Chẳng biết vợ con tôi bây giờ ra sao? Tôi ôm gói đồ tù, gồm quần đùi, khăn lau mặt và bàn chải đánh răng. (Người tù, khi được thả về, tất cả áo quần, mùng màng, lương thực thăm nuôi, thuốc men... đều để lại cho bạn tù, chỉ đem theo vật dụng đi đường) đi lang thang mà chẳng biết về đâu? Anh em ruột thịt chưa chắc đã dám chứa “tù ngụy” trong nhà vì sẽ bị công an các cấp đến hạch sách, hăm dọa thường xuyên, nên tôi chẳng hi vọng gì từ tâm của bà con, bạn bè. Có lẽ phải sau tết, tôi đến hàng xóm của gia đình bên vợ hỏi thăm tin tức thì họa may.

Tôi cứ đi lòng vòng trên  đường Võ Di Nguy, Hai Bà Trưng, Hiền Vương với cái bụng trống rỗng, nhìn ngơ ngáo mấy chậu bông tết người ta bày bán trước nhà thờ Tân Ðịnh, chứ không dám nhìn vào mấy tiệm bánh, hủ tiếu, phở. Ðói bụng nên mũi rất thính. Mùi thơm của thức ăn từ các tiệm đó làm chảy nước miếng. Khoảng mười giờ tối, đi rả chân, tôi nằm đại vào một hiên nhà người ta, trên đường Hai Bà Trưng, bên kia đường là nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi. Hai bên lề đường Hai Bà Trưng, giăng đầy mùng của dân kinh tế mới. Họ là dân Sài Gòn, sau năm 1975 bị đánh tư sản. Nhà nước Cộng Sản tịch thu tài sản, đẩy lên kinh tế mới với hai bàn tay trắng, nơi rừng núi hoang vu khai phá đất đai sinh sống, nhưng bịnh và đói, chết dần, họ bỏ về Sài Gòn, ngủ lề đường cùng với dân bụi đời, vô gia cư, cầu bơ cầu bất.

Vừa thiu thiu ngủ, tôi bỗng bị đá vào người rồi có tiếng nạt “Ông nầy. Chỗ của tụi tôi, ai cho ông nằm đây?” Tôi giật mình, lồm cồm ngồi lên, ôm gói đồ tù “Xin lỗi. Tôi tưởng không có ai”. Qua ánh đèn đường, tôi thấy hai cậu trung niên, khoảng bốn mươi tuổi, tướng bậm trợn, đứng chống nạnh nhìn tôi. Khi tôi bước xuống thềm, đi được mấy bước thì bị gọi giật lại “Chú!” Tôi dừng lại, yên lặng quay nhìn “Chú có phải đi tù về không?” “Phải. Mà sao?” “Chú cứ ngủ đây đi. Tụi nầy ngủ lề đường cũng được” “Sao cũng được. Cám ơn” Làm phật lòng mấy tay nầy chỉ thêm phiền nên tôi phải vâng lời, quay lại, nằm xuống hiên, gối đầu lên bọc tù, nhắm mắt để đó chứ không ngủ tiếp được. Hai tay giang hồ nầy, lẽ ra, có thể nằm phần còn lại của hiên nhà nhưng lại giăng mùng ngủ trên lề đường, gần nơi tôi nằm. Cách giăng mùng của họ cũng đơn giản. Mấy cái túi hay xách, bị gì đó chắn trên đầu và dưới chân, đình mùng cao độ hai gang tay, không chạm mặt người nằm bên trong, thật nhanh và thuận tiện. Hai cậu nằm trong mùng vừa chuyện trò vừa chửi thề rồi cười hắc hắc nghe thật ngang tàng. Tôi nằm nhìn thiên hạ qua lại. Xe gắn máy chạy vù vù, người đi bộ lê dép lẹp xẹp. Tôi không biết ngày mai đi đâu với cái túi trống trơn và cái bụng xẹp lép? Mấy năm tù đã làm cho đầu óc tôi mụ mẫm, chẳng thèm lo nghĩ. Ðến đâu hay đó. Trong tù, sáng nghe kẻng báo thức, dậy ra ngồi trước cửa nhà tù để cán bộ coi tù đếm tù, lãnh mấy củ khoai mỳ hay trái bắp, ăn xong chờ kẻng để sắp hàng ra cổng, lao động. Chiều về, lại mấy củ khoai, trái bắp gì đó, ăn xong, ngồi cho cán bộ đếm tù rồi vô nhà tù nằm chờ giấc ngủ. Cán bộ khóa cửa nhà tù, bỏ đi. Khuya lại thường có bộ đội (bảo vệ) mang súng đi tuần rỏn bên ngoài các nhà tù. Tù kiệt sức sau một ngày lao động, đói và mệt rả rời nên ngủ vùi, có thao thức mà nghĩ đến gia đình cũng vô ích. Trong tù, chẳng ai biết ngày giờ, chỉ khi nào được chén cơm trắng với chút mỡ heo hoặc miếng thịt trâu mới biết là ngày lễ lớn hoặc tết nhất. Nghỉ một ngày lao động, ăn chén cơm là biết một năm đã đi qua nhưng không bao giờ tự hỏi mình đã bao nhiêu tuổi rồi? Càng suy nghĩ càng mau chết vì mất ngủ. Nhiều ông lớn tuổi, bịnh hoạn, tối nhắm mắt để rồi sáng hôm sau không thèm mở mắt nữa. Cứ thế mà vào cõi hư vô... 

Ðang suy nghĩ linh tinh thì có hai ông xuất hiện, dừng lại trước hiên, nơi tôi nằm. Thấy mỗi ông một gói đồ tù trên tay, tôi biết ngay là bạn “đồng tù” nhưng làm thinh. Một ông thấy tôi nằm lõ mắt nhìn, bèn hỏi “Anh ơi. Chỗ nầy còn trống, cho tụi tôi nằm đỡ. Ðược không?” “Ðây đâu phải nhà của tôi. Mấy anh cứ tự nhiên” Hai ông bèn bước lên thềm, ngồi xuống, tựa lưng vào tường, duỗi chân, ẹo mình coi bộ mệt mỏi. Họ nói chuyện rù rì nhưng tôi nghe rõ và biết họ cũng từ ngoài Bắc về chung một chuyến xe lửa cuối năm với tôi. Họ đối đáp nhát gừng nhưng vẫn đậm đà tình thân. Họ kể về các trận đánh trong đó có bạn bè, người còn, người mất. Khi nhắc đến người bạn nào đã ngã gục ngoài chiến trường, họ tặc lưỡi, thì thầm “... Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Tôi cũng tốt nghiệp sĩ quan nhưng về bộ binh, nghe họ chuyện trò, tôi biết hai ông là lính dù, một ông là đại đội trưởng, ông kia là sĩ quan pháo binh tiểu đoàn dù. Hình như họ cùng tiểu đoàn nên chuyện trò rất thân mật. Trong câu chuyện, chẳng ai nhắc đến bóng hồng nào mà toàn chuyện lính tráng, đánh đấm. Tuổi trẻ miền Nam lớn lên, vừa xong trung học, buông bút là vào quân trường cầm súng. Họ, đa số chưa có người yêu. Ba lô, súng đạn như người bạn đời, sinh mạng phó mặc cho viên đạn nhỏ bằng mút đũa hay mảnh pháo có khi chỉ bằng cái móng tay quyết định... Tôi may mắn, có vợ con, nhưng bây giờ cũng như không. Tôi yên lặng nghe hai ông bạn đồng tù trò chuyện và nghĩ vẩn vơ. Khi Cộng Sản miền bắc phát động chiến tranh, đánh chiếm miền Nam, hàng triệu thanh niên trai trẻ lên đường chiến đấu để chống xâm lăng, bảo vệ tự do, an lành cho đồng bào miền Nam với sự trợ giúp của nước Mỹ. Nước Mỹ giúp miền nam Việt Nam để “be bờ” Cộng Sản. Ðột nhiên, từ năm 1973, viện trợ Mỹ giảm dần rồi đến con số không. Một đô la cũng không có. “Nước Mỹ không có bạn, không có thù. Chỉ có quyền lợi của nước Mỹ”. Nghe nói họ bắt tay với Trung Cộng, để miền nam Viêït Nam cho Cộng Sản, đổi lấy gì đó. Thế là miền Nam bị bó tay. Súng không có đạn, máy bay, xe cộ, thiết giáp, tàu bè không có xăng. Người lính Cộng Hòa cay đắng nhận chân người đồng minh, vì quyền lợi nước Mỹ mà bỏ rơi miền Nam một cách lạnh lùng, tàn nhẫn, trong khi đó, cả một khối Cộng Sản quốc tế khổng lồ viện trợ tối đa cho Cộng Sản miền bắc, để họ thoải mái bắn giết quân dân miền nam. Người lính miền bắc được học tập để căm thù miền nam. Họ pháo kích vào người dân vô tội trên đường chạy giặc. Những con đường đầy xác chết không toàn thây của đàn bà, trẻ con. Ðại lộ kinh hoàng Quảng Trị - Huế, con đường chạy giặc khủng khiếp từ cao nguyên về đồng bằng. Người lính Cộng Hòa đến đâu, dân chúng chạy theo đến đó để được bảo vệ, cứu giúp. Trong giây phút hấp hối của miền nam, người lính miền Nam chỉ còn biết lăn xả vào quân thù, đem thân mình ra che chắn cho đồng bào chạy thoát.  Ðó là dịp bằng vàng để Cộng Sản miền bắc hoan hỉ bắn giết người miền Nam, người nào sống sót thì đưa đi tù cải tạo, không có ngày về... Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ra lịnh, đại ý “Không giết tên nào cả. Ðưa hết bọn chúng lên vùng rừng thiêng nước độc, bắt làm thật nhiều, ăn thật ít, chúng sẽ chết dần, thế giới không thể biết được”. Lê Duẩn, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, đọc trước quốc hội Việt Cộng năm 1976 “Cuộc cách mạng Việt Nam là để thực thi bổn phận và các cam kết quốc tế” Rõ ràng Cộng Sản Việt Nam làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế, như một tên lính xung kích, tiến chiếm miền Nam, để giết đồng bào mình. Cộng Sản nước nào thì giết dân nước đó. Hàng triệu, hàng chục triệu.

Lúc đó đã về khuya, đường phố vắng tanh, hai cậu bụi đời đã im tiếng, hình như đang nằm lắng nghe hai ông bạn tù của tôi trò chuyện. Bỗng cái mùng động đậy và hai cậu chui ra, đứng dưới thềm, trước hai ông bạn tù, người thẳng đơ, đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Một cậu nói lớn “Trung sĩ nhất Nguyễn văn..., đại đội..., trung đội..., trình diện đích thân” Cậu kia cũng đứng nghiêm xưng tên họ, cấp bậc, đơn vị nhưng lại “Trình diện ông thầy”. Thông thường, lính gọi sĩ quan cấp trên trực tiếp bằng cấp bậc hoặc các chức danh tùy ý “Ông thầy, đích thân hoặc thẩm quyền...” Thì ra các cậu đều là lính dù. Như một phản xạ, hai ông bạn tù cũng chào tay “Chào hai anh. Hai anh ngồi xuống!”. Hai cậu ngồi trên hiên nhà, chân thòng xuống lề đường. “Tụi em nằm nghe mấy ông thầy nói chuyện mới biết là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa đi tù về”. Một cậu ngậm ngùi “Từ ngày mất nước, các cấp chỉ huy đi tù, tụi em tan hàng, bơ vơ, buồn muốn chết. Tụi em nhớ đơn vị, nhớ cấp chỉ huy, nhớ súng đạn, ba lô... nhớ đủ thứ. Lúc nãy, nằm nghe hai ông thầy nói chuyện, tụi em mừng quá, tưởng như còn đang ở đơn vị”.  “Bộ mấy cậu không bị tù cải tạo sao?” “Có, nhưng ở địa phương, tụi em bị tập trung một thời gian để nghe chửi là tay sai đế quốc Mỹ, rồi bắt đi nông trường làm thủy lợi, sau đó được đưa sang Căm Bu Chia vác đạn cho bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế, đánh nhau với Khờ Me đỏ. Tụi em bỏ trốn về Sài Gòn” Tôi ngồi lên “Mình nói chuyện có làm phiền chủ nhà không?” “Ông thầy khỏi lo. Họ ngủ trên lầu. Hai ông bà chủ nhà có con là đảng viên làm lớn, được cấp nhà tịch thu của tư sản. Tụi em ngủ ở đây, giữ gìn sạch sẽ, khỏi sợ trộm cắp nên họ để yên”. Hai cậu bụi đời thì thầm với nhau rồi cậu trung sĩ đứng lên, trịnh trọng thưa “Thưa, mấy khi thầy trò được gặp lại nhau, tụi em có ý kiến như thế nầy. Tụi em đi kiếm rượu và mồi nhắm để mấy ông thầy và tụi em lai rai đón giao thừa...” Một ông cười khan “Nghe văn chương của cậu là hiểu ý rồi đó. Tụi nầy vô sản, mấy cậu kiếm xị đế là đủ rồi, khỏi mồi miết phiền phức, tốn kém”  “Không bao nhiêu đâu. Mấy tiệm phở sắp đóng cửa, họ bán xí oách rẻ đui. Mình không lấy họ cũng đổ bỏ” “Khuya rồi, ai mà còn bán rượu nữa?” “Ông thầy khỏi lo. Tụi em là mấy con ma, chỗ nào không biết!”.

Buổi “tiệc đón giao thừa” gồm hai xị đế và thau xí oách (xương bò, xương gà) với một cái li nhỏ để trên một tờ báo được trải ra. Người nầy “vô” xong một li thì rót cho người kế tiếp, cứ thế xoay vòng. Nhờ hơi men, những câu nói nhát gừng đã thành rôm rả. Những người lăn lộn chiến trường thường lầm lì, ít nói, chỉ khi có tiếng súng nổ mới kích động được họ xông lên phía trước. Chính họ, những người trực tiếp chỉ huy trung đội, đại đội, dẫn dắt đồng đội tiến, thoái mới là người quyết định chiến trường. Giờ đây, chiến trường đã im tiếng súng, họ là kẻ chiến bại, là kẻ mất nước, bị đối phương khinh miệt, tù đày, hành hạ để trả thù. Người lính Việt Nam Cộng Hòa đã biến mất, chỉ còn lại những con người sống ngoài lề xã hội, vất vưởng, bơ vơ. Nhưng trong tâm tưởng người dân miền Nam, người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn là những người con oai hùng, hi sinh thân mình ngoài chiến trường để bảo vệ cho đồng bào được sống yên lành nơi hậu phương 

Buổi “tiệc” cuối năm càng về khuya càng thân mật, thỉnh thoảng có tiếng cười. Trong cái gia đình nhảy dù nhỏ đó với bốn thầy trò cùng nhắc lại những ngày chiến đấu đầy gian khổ, sát cánh bên nhau, giúp đỡ, che chở nhau trong những giây phút hiểm nguy, đối diện với kẻ thù... Tất cả đã là dĩ vãng, đã là những kỷ niệm mà họ cố quên. Cả cuộc đời với tuổi thanh xuân đẹp đẽ, sung sức nhất, họ đã dâng cho Tổ Quốc để rồi thành kẻ mất nước. Họ hỏi thăm nhau, ai còn, ai mất, những “ông thầy” trong đơn vị nầy, đơn vị kia. Cấp chỉ huy không thể nhớ hết binh sĩ dưới quyền, nhưng lính thì không bao giờ quên những “thẩm quyền” đã chỉ huy mình. 

Ngoài đường đã vắng bóng người. Những con đường như ngủ say dưới ánh đèn vàng vọt. Lúc đó đã vào khuya. Ðột nhiên, trong đêm vắng, vài tiếng pháo nổ lẻ tẻ, vang đến từ chợ Tân Ðịnh. Rồi như cùng hẹn trước, tiếng pháo đồng loạt nổ vang khắp nơi. Giờ giao thừa. Mọi người đón mừng chúa Xuân bằng những tràng pháo và lễ vật trên bàn thờ, trước cửa nhà. Bọn lính tráng chúng tôi, trước đây không bao giờ biết đến năm mới, năm cũ vì thường xuyên hành quân nơi rừng sâu, núi thẩm, họa hoằn đi ngang qua một xóm làng xơ xác nào đó, nhìn đồng bào nghèo khổ vì chiến tranh, thấy họ chẳng có gì để đón xuân mà ngậm ngùi, nay bỗng nhiên nghe tiếng pháo mà tưởng như thời còn chiến tranh, nhất là mùi thuốc súng mà người ta lấy thuốc đạn ra làm thuốc pháo. Suốt dọc hai bên đường Hiền Vương, đường Hai Bà Trưng tiếng pháo nổ liên tục chen lẫn với tiếng pháo tống, pháo đại khiến bản năng người lính bị kích động. Chúng tôi tưởng như mình đang bị bao vây bởi kẻ thù với những họng súng đang hướng về chúng tôi mà khạc đạn, rồi  những trái đạn đại bác, súng cối, hỏa tiễn đang trút lên đầu. Từ trên lầu, nơi chúng tôi đang ngồi, chủ nhà thòng xuống một dây pháo dài, nổ rang, những viên pháo đại rơi xuống đất, nổ chát chúa, xác pháo bắn vào chúng tôi, khói pháo mịt mù, nồng nặc muốn ngộp thở. Hai cậu cựu binh như bị đồng nhập, tay nắm lại, cằm bạnh ra, mắt trừng trừng nhìn hai ông cựu sĩ quan. Một cậu chồm tới, thét lên trong tiếng nổ hỗn loạn “Ðích thân! Ðích thân ban lệnh đi. Chả lẽ nằm đây chịu chết sao?”. Tôi quay nhìn. Hai ông cựu sĩ quan dù lắc đầu, mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không trước mặt. Rồi nước mắt họ ứa ra, trào xuống gò má xương xẩu như những giòng nước, long lanh ánh chớp của pháo nổ. Bỗng, một ông (sĩ quan dù) kêu lên, giọng điềm tỉnh.   

 - “418, đây 314, xin tác xạ, hết”

Ông ngồi bên cạnh (sĩ quan pháo binh), trả lời. 

 - “314, đây 418, xin tác xạ, hết”.

Thế rồi cuộc trao đổi truyền tin diễn ra.

- “Lệ Hằng, phải 1.5, lên 2.3 một khói nổ chạm. Bắn khi sẵn sàng, hết” 

-“Lệ Hằng, phải 1.5 lên 2.3, một khói, hết” 

 - “Hướng 800, gần lại 100. Một khói, hết”. 

- “Hướng 800, gần lại 100, một khói, hết”

 - “Hỏa tập cận phòng. Năm tràng, bắn hiệu quả, hết”. 

- “Năm tràng, bắn hiệu quả, hết” ...

Giọng hai ông bạn tù của tôi vẫn mạch lạc, điều động nhịp nhàng pháo binh yểm trợ như trong một trận chiến sắp nổ ra. Tôi hình dung một đại đội dù đóng quân trên một ngọn đồi, địch quân theo dõi, bao vây và tìm cách tràn ngập. Các toán tiền đồn gọi về báo động. Toàn đơn vị đã sẵn sàng chờ địch. Hai ông cựu sĩ quan dù như đang cùng hồi tưởng lại một một kỷ niệm chiến đấu nào đó đã xảy ra và hai cậu cựu binh cũng là những người đã từng tham dự những trận đánh đẫm máu... 

 Cuộc trao đổi truyền tin trong tiếng pháo giao thừa vẫn tiếp tục. Hỏa tập như càng lúc càng kéo gần vị trí đóng quân trong khi tiếng pháo vẫn chát chúa, khi xa, khi gần. Rồi tiếng pháo cũng lơi dần. Người chủ nhà trên lầu đã đốt hết dây pháo, nhưng ông ta lại gắn thêm một dây pháo nữa, lần nầy ông ta chập ba bốn phong pháo vào với nhau nên pháo nổ càng dữ dội, và như cao hứng, những căn nhà kế bên cũng đem pháo ra đốt tiếp. Tiếng nổ càng dồn dập, khói càng mịt mù. Ông bạn tù lại cao giọng 

 -“Các hỏa tập cũ đều kéo vào 50, sẵn sàng bắn, vị trí sắp bị tràn ngập, hết” 

-“Hỏa tập cũ kéo vào 50, bắn, hết” ... 

Cuộc trao đổi trở nên căng thẳng, gấp rúc khiến tôi nhớ lại những trận tấn công biển người của đối phương. Hai cậu cựu binh ngồi chết sửng, thỉnh thoảng cựa quậy như không chịu đựng được các bắp thịt và thần kinh đang căng lên hết mức. Vẫn giọng bình tỉnh.

-“418, đây 314, địch tràn ngập vị trí. Hỏa tập tối đa, nổ chụp ngay trên đầu tôi, hết”

-“Xin 314 nhắc lại, hết”

-“418, đây 314, địch tràn ngập vị trí, hỏa tập tối đa ngay trên đầu tôi, hết”

Giọng ông pháo binh khàn khàn, đẫm nước mắt.

- “Bắn trên đầu bạn ư?”

-“418, đây 314. Có bao nhiêu ông phang hết lên đầu tôi. Ðó là lời cuối cùng”

-“314, đây 418, xin xác nhận lại. Nghe tôi không? Xin 314 trả lời... Vâng, hỏa tập tối đa trên đầu bạn. Vĩnh biệt 314”...                                   

Tiếng pháo giao thừa đã dứt. Cả thành phố im lặng như đang mặc niệm tử sĩ. Vẳng lại từ xa vài tiếng nổ lẻ tẻ, rời rạc rồi lịm dần, tưởng chừng như chiến trường đã bị kéo trôi đi xa, chỉ còn lại cảnh bình địa hoang tàn.    

Phạm Thành Châu    

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...