10 January 2014

TÌNH BẠN TRÊN XỨ NGƯỜI

Chu Tất Tiến.

Khi còn ở Việt Nam, hầu như những người thuộc thế hệ 54-75 đều biết bài thơ “Bác Đến Chơi Nhà” của Nhà Thơ Yên Đổ Nguyễn Khuyến:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Bài thơ đơn giản tựa như một lời giãi bầy với người bạn thân về tình trạng thanh bần của mình khi được bạn không chê nghèo mà vẫn đến thăm. Tuy nhiên, điều mà tác giả muốn nhấn mạnh ở đây, không phải là kể lể về sự thiếu thốn mà là sự thách thức về tinh bạn, nếu bạn thật tình muốn chơi với tôi, thì bạn phải chấp nhận những gì mà tôi đang có. Để đáp lại với sự thăm hỏi thân tình của bạn, tôi chỉ có thể tặng lại bạn một tấm lòng.

Ngày xưa ấy, tình bạn thật cao quý. Biết bao câu ca dao được phổ biến trong dân gian để chỉ về tinh bạn:
Đêm khuya chong ngọn đèn ngồi
Bâng khuâng nhớ bạn bồi hồi lá gan.
Hoặc là:
Ai ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.
Trên hết, sự giải thích về tình bạn sẽ rõ nét hơn với những câu sau:
Bạn bè là nghĩa tương thân,
Khó khăn, thuận lợi ân cần có nhau.
Bạn bè là nghĩa trước sau,
Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai
Vì:
Sống trong bể ngọc kim cương,
Không bằng sống giữa tình thương bạn bè.
Và:
Ra đi vừa gặp bạn hiền
Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời.
Từ những suy nghĩ ấy, mà ở Viêt Nam, bạn bè coi nhau như ruột thịt, không nề hà khó khăn, không quản ngại gian khổ khi chơi với nhau. Tuổi thanh niên gom góp được vài chục bạc, thì rủ nhau đi xi-nê, ăn kem. Có thể đạp xe đạp vài chục cây số đến thăm nhau, chỉ để cười đùa thỏa chí. Biết bạn gặp hoàn cảnh khó khăn, thì tận tụy vì bạn, cho đến khi giải quyết được mọi chuyện ổn thỏa. Thấy bạn nghèo, chỗ ở chật chội, có thể mời bạn tới nhà ăn ở. Lớn lên, có phương tiện xe gắn máy thì có thể băng đường một, hai trăm cây số, để tặng nhau một món quà. Khi có tình yêu hoặc lúc vất vả về tình trường, thi bạn bè là cố vấn sau cùng, trên cả cha mẹ và anh em. Khi đã đi làm có danh vọng, tiền bạc rủng rỉnh, thì nếu bạn hỏi: “Mày cho tao mượn vài trăm ngàn được không?” thì chỉ hỏi sơ qua lý do cần tiền, là mở tủ lấy tiền cho bạn, chẳng cần giấy tờ. Trường hợp bạn kẹt, không trả được, thì chỉ chửi thề vài câu, rồi cũng xong. Cùng lắm là đấm nhau vài cái… rồi đâu cũng vào đó. Cho mượn xe hơi là chuyện thường, có những người bạn thân đến nỗi hy sinh cho bạn mượn xe Vespa, Lambretta để mang đi cầm đồ, lấy tiền chi trả một chuyện gì khẩn cấp. Còn giữa những người bạn gái với nhau, nếu gặp bạn lừa gạt, cũng chỉ biết khóc lóc rồi thôi. Không có thưa kiện, hoặc tìm cách trả hận. Vì thế, ở quê hương, tình bạn thật là chỗ dựa quý giá cho một đời người.

Tuy nhiên, sau khi định cư ở xứ người, sự định nghĩa về tình bạn lại phải nhìn qua một lăng kính khác. Hình như ở quê hương thứ hai này, hai chữ “bạn bè” bị cắt ra làm hai, chữ “bạn” biến mất mà chỉ có chữ “bè”. Kéo bè đi ăn nhậu, đến vũ trường, đi Las Vegas.  Rủ bè để tổ chức văn nghệ, ca hát rình rang, hoặc tối thiểu cũng hát Karaoke. Gặp nhau thì vỗ vai thật chặt, khen bạn nức nở: “Chà, cà vạt đẹp quá! Mua ở đâu mà khéo thế?” Hoặc khen về cơ thể: “Well, hồi này sao trẻ trung thế? Bao năm rồi mà chẳng khác chi!” Nếu gặp ở Parking, thì khen xe đẹp, tiện nghi. Ăn cơm ở nhà bạn thì khen con cái bạn thành công, bãi cỏ xanh quá, hoa trồng đẹp quá…. Nếu chỉ có thế, thì có lẽ tình bạn sẽ kéo dài mãi cho đến hết đời với những lời khen tặng qua lại, mặc áo thụng mà vái lẫn nhau. Nhưng, cuộc đời đâu có trôi chẩy thản nhiên như vậy. Bất ngờ có một việc gì mà cần bạn yểm trợ về tài chánh, là coi như tình bạn chấm dứt ngay.

“Ông vẫn làm chính trị cho Dân Oan trên đài dữ dội, ông có thể làm Mạnh Thường Quân, yểm trợ cho tôi 500, cho một chương trình giúp trực tiếp cho Dân Oan không?” Lập tức ngay sau câu hỏi đó, người đặt câu hỏi bi coi như mới mắc Cúm Gà, Cúm Heo, mọi người cần phải xa lánh liền.

“Này, tôi đang cần tiền để làm chuyện này gấp, bạn cho tôi mượn vài trăm được không?” “Ồ! Được chứ! Chuyện nhỏ! Tôi sẽ tiếp tay với bạn!” Rồi cái chuyện nhỏ đó, sẽ thu nhỏ từ từ biến thành số không vì người hứa lèo đó đã biệt tích phương trời nào xa xôi mà điện thoại di động gọi không tới.

Tình bạn xứ người là như vậy đó. Người ta thường nói: “Lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông”, nhưng ở đây, cần thêm một câu: “Lấy tiền thử tình bạn!” mới đủ nét văn hóa của dân Việt di tản.

tháng giêng, 2014.

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...