22 January 2014

CHO BAY KỶ NIỆM LÊN TRỜI…

Lẽ ra tôi đã muốn viết những dòng chữ nầy ngay thời điểm thích hợp, nhưng tôi không muốn những tâm tình dàn trải lại có tính thời sự. Hơn nữa tôi cũng muốn một mình gặm nhấm chúng cho bằng thỏa trước khi kể lể nó ra với mọi người.

Ai cũng có những kỷ niệm riêng tây. Đối với phụ nữ, dường như chúng được cất giấu vào những ngăn riêng. Họ vốn được trời ban cho cái tính ngăn nắp mà! Đôi lúc cố ý hay tình cờ họ chợt thấy tấm ảnh của một thời đã qua, quyển lưu bút ngày xanh với những tấm ảnh cùng những dòng chữ ngô nghê thời nhỏ tuổi. Một lọn tóc được giữ lại thời mới biết điệu đàng, một chiếc lá khô có ý nghĩa riêng nào đó, một cánh phượng tàn, một nhánh lá thuộc bài…Hay “cao cấp” hơn là lá thư tình đầu tiên nhận được nếu họ có gan giữ lại…thì họ nhón lấy được ngay kỷ niệm. (nói nhỏ điều nầy: mỗi “Người đi qua đời tôi” của họ lại được sắp xếp vào những ngăn riêng biệt đấy!)

Riêng với bọn đàn ông thì chúng nó lại nằm trật-tự-trong-cái-lộn-xộn! Cuộc sống với những lo toan cơm áo và men rượu đã làm chúng nhạt nhòa dần đi rồi tan biến hồi nào không hay bởi bản tính vốn hời hợt. Bất chợt nếu có ai hỏi họ còn nhớ thằng A thằng B học chung hồi nẫm không thì vò đầu bóp trán một chút rồi nhăn răng cười trừ với cái lắc đầu thú nhận: Thua! Cũng có người đã thành đạt khi được nhắc lại những người bạn học thuở thiếu thời họ chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Tôi thì lại thích sống với kỷ niệm, nhất là ở lứa tuổi học trò và muốn lưu giữ chúng mãi trong tâm hồn. Tôi nâng niu từng chút một để thỉnh thoảng nhớ về và thấy càng ngày chúng càng sáng lóng lánh. Tôi có cái tật không bỏ được là hể có dịp là lôi chúng ra kể lể cùng mọi người với niềm vui sướng thỏa thuê.

Thời mới lớn, với tôi thì cái “sự chơi” nó quan trọng hơn cái “sự học”. Suốt thời gian bao nhiêu năm trời ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng có nhiều bạn học. Nhưng đa số chỉ là bạn chơi, để gọi là bạn thân chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Học trò con trai ngày xưa có rất nhiều trò chơi và với mỗi độ tuổi ngày càng trưởng thành thì những trò chơi cũng thay đổi theo. Cứ thằng nào cùng một trò chơi ở độ tuổi nào đó thì trở thành bạn của tôi hết nên nó cứ thay đổi xoành xoạch. Khi những Giờ-ra-chơi đã hết thì dường như tôi cũng quên dần đi những người bạn ấy. Tuy nhiên, cũng còn một vài người bạn học vẫn tồn tại chói sáng trong tâm tưởng tôi.

Sáng nay, trong tiết trời lành lạnh và ánh sáng đầu ngày còn chưa kịp ửng hồng những đám mây phía đàng đông, tôi ra đường đi đến tiễn đưa một người bạn chơi thân thiết của tôi lên đường về cõi vĩnh hằng. Trên đường đi, chính cái không gian se lạnh trong bóng đêm mịt mù với chút sương mai xui tôi nhớ về một kỷ niệm đáng giá của tôi với Nó.

Khoảng cuối năm 1963 nghĩa là sau khi có cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không biết vị nào trong Ban Giám Hiệu của Trường Trung Học Banmêthuột có cái “tối kiến” bắt lũ nhóc con trai chúng tôi lúc 5:30 sáng phải tập trung ở khoảng đất trống nằm chen giữa sau lưng Trường Sư Phạm Cao Nguyên và sân tennis của Ty Công Chánh Darlac để…tập thể dục. Úi dào! Suốt ngày bọn tôi có để cho chân tay nằm yên ngơi nghỉ được phút nào đâu mà cần phải tập với tành. Chao ôi! Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải bò dậy từ lúc 4:30 sáng để bỏ bụng chút gì rồi chạy tới trường tập thể dục quả là một cực hình đối với chúng tôi. Đi trong đêm tối mịt mùng với cái lạnh se sắt những ngày giáp tết của xứ Buồn muôn thuở để làm một việc không thực sự cần thiết vào thời khắc đó khiến trong đầu chợt nảy sinh ý nghĩ bọn chúng tôi giống như bị bắt làm khổ sai.

Nhà tôi với nó gần nhau nằm chéo góc một ngã tư nên mỗi sáng sớm thay nhau hú hí rủ rê. Ba nó là một thương gia chuyên bán phụ tùng xe hơi nổi tiếng ở Banmêthuột (lũ học trò “mất dạy” lớp tôi hay gọi tên nó kèm với tên của phụ thân phía sau). Còn Ba tôi là một công chức nên cái sự giàu nghèo chênh nhau hẳn đã rõ ràng. Nhưng với những thằng nhóc chúng tôi thì cái sự ấy nằm ngoài vòng suy nghĩ nên rất thân thiết với nhau. Khi nó dậy sớm hơn qua gọi thì hai đứa cùng ngồi thổi phù phù chén cơm chiên Bà Nội tôi vừa làm sẵn cho mấy đứa cháu ăn sáng đi học, khi tôi dậy sớm hơn qua gọi thì nó kéo hộc tiền nhón vài đồng bạc lẻ để hai đứa chạy lên bến xe đò gần cột đèn ba ngọn để mỗi đứa xơi một tô bún riêu nghi ngút khói cho ấm bụng rồi ôm cặp chạy vù tới trường làm mấy động tác vớ vẩn buổi sớm mai. Một cử chỉ rất cảm động về tình bạn giữa chúng tôi là khi thấy tôi mặc không đủ ấm, nó lận theo một cái áo lạnh cũ của nó để tôi mặc thêm vào. Có bao giờ những hình ảnh đó còn lưu giữ trong tâm tưởng mầy không Dũng ơi! Dường như Trời ban cho nó bản tính thích bảo bọc người khác nên nó vẫn đối đãi với tôi như vậy cho tới…già khi đã chỉ còn có thể ngồi một chỗ. Chẳng biết ai khiến xui, sao nó cứ phải ngắm nghía cuộc sống riêng tư của tôi với tấm lòng trăn trở mãi thế!

Thôi thì biết bao nhiêu trò chơi trẻ con chúng tôi cùng tham dự ngoài sự cho phép của người lớn nên đòn roi ở nhà, bị phạt cấm túc ở trường cứ đều đều rơi xuống đầu những thằng nhóc ngỗ nghịch. Đá banh ngoài sân vận động suốt buổi, leo lên những cây phượng già bao bọc xung quanh bẻ hoa lấy cọng làm bì bắn lộn nhau đau đến tê điếng làm sưng vù, ở trần tắm mưa. Nhìn những con thuyền giấy chúng tôi thả trôi xuôi theo dòng nước mưa rồi thả trí tưởng tượng bay bổng cho giấc mộng sông hồ tới những bến bờ xa lăng lắc.  Buổi chiều khi có tiền thì đi tắm piscine, hết tiền thì có suối Bury, Hồ Trung Tâm, Thác Nhà Đèn...Nó là nhân vật đầu têu và năng nổ nhất trong việc đào trộm mấy củ khoai mì của người dân tộc về rồi xé vở nhóm lửa với mấy cành củi khô nhặt nhạnh quanh đó nướng lên ăn để chống cái lạnh và đói sau khi ngâm mình vẫy vùng đã đời dưới suối. Tay chân mồm miệng thằng nào cũng đen thui, nhìn nhau rồi cười khoái trá và quên béng ngay mấy mũi tên vừa bắn theo sàn sạt trên đầu để xua đuổi bọn đạo tặc. Tôi nhớ có lần bốn năm thằng nhóc tập trung lại trên gác nhà của nó chơi trò đánh nhau. Thôi thì cứ rượt đuổi nhau “lên bờ xuống ruộng” làm sàn gác gỗ cứ ầm ầm. Chỉ vài phút sau đó, gương mặt giận dữ của thân mẫu nó xuất hiện ở đầu cầu thang với cây chổi quét nhà lăm lăm trên tay và la lớn:
-        Đi ra ngoài chơi hết! Bọn mi tụ tập ở đây định làm Tạc-giăng hả?

Thế là cả đám nhóc len lén chuồn đi dưới sự giám sát của Bà như lũ cún cụp đuôi. Tập tành đi thọt bi-da khi dựng cây cơ đã muốn cao bằng đầu ở tiệm bi-da nằm trên đường Lý Thường Kiệt gần quán bar Paradise của chủ rạp xi-nê Lodo. Bắn bi ca-rê, bi chảo với đám thằng Minh ở dãy nhà nhân viên Tòa Đại biểu Chính phủ Cao nguyên Trung phần suốt trưa khi vừa tan buổi học sáng quên cả ăn cơm. Rồi đánh đáo tường ăn tiền với bọn con nít bán cà rem dạo trước hãng nước đá Lợi Dân đường Ama Trang Long, mấy cây cột ngoài hàng hiên của dãy lớp nằm cặp phía đường Hùng Vương lỗ chỗ cũng do bọn chúng tôi, cả cái nhà kho của Ty Công Chánh nằm phía sau dãy nhà công chức đối diện cổng trường cũng trở thành nạn nhân. Thảy banh lỗ, đánh đáo lỗ trong sân trường gây ồn ào…Những chuyện đó làm sao qua mắt được Thầy Tổng giám thị Liễn nên…cấm túc là chuyện đương nhiên.

Trong một bài tập vẽ, Thầy Nguyễn Huy Quang cho đề tài vẽ bàn tay tùy chọn. Tôi chọn vẽ bàn tay trái của mình theo kiểu 3D đánh bóng hẳn hoi kẹp một hòn bi giữa ngón tay cái và ngón tay giữa cong xuống, những ngón tay kia xòe ra tạo hình khá đặc biệt. Còn nó thì vẽ cái bàn tay trái đang…kẹp một cây cơ bi-da. Hì…hì…Lúc trả lại bài thì nó lãnh đủ “những lời có cánh” từ Thầy Quang và đương nhiên là được xướng tên đầu tiên!

Cuối năm Đệ Tứ, nó biến đi đâu một thời gian. Khi trở về, nó rủ tôi ngự trên chiếc xe gắn máy hiệu Puch màu đỏ đã có lần tôi nhắc tới rồi xuôi ngược những khu phố bé tẹo buồn thiu, rong chơi trên những con đường lầm bụi đỏ. Một bữa, nó rủ tôi đi đánh bài ăn tiền. Bực mình tôi nói:
-        Còn con nít mà bày đặt! Tiền đâu mà đánh?
-        Yên chí. Có đây!

Nó rút trong túi ra một bao nylon nhỏ, trong đó đựng ba miếng kim loại màu vàng mềm dịu gồm hai miếng dài một miếng ngắn.
-        Một lượng vàng lá đây. Đủ chơi chưa?

Tôi sững sờ kinh ngạc. Một là lần đầu tiên trong đời thấy được một lượng vàng lá, hai là với lứa tuổi mười lăm mười sáu thì nó làm gì có được số vàng đó trong túi?

Tôi lo âu hỏi:
-        Chôm của bà già hả?
-        Đừng thắc mắc về chuyện đó. Cứ theo tao!
-        Thôi! Mầy đi một mình đi, tao không “hảo” chuyện đó.

Bái bai nó rồi, về nhà tôi vẫn cứ băn khoăn. Nhỡ như vô sòng bài số nó đỏ gom được của người ta hết, thì với thằng nhóc một thân một mình số nó lúc đó chắc bị đen thui. Có lẽ nó cũng lường trước chuyện đó nên muốn rủ tôi đi cho có bạn để có gì thì hai thằng…cùng chạy.

Muốn kể cho hết chuyện giữa tôi với nó thì…có mà tới Tết!

Chiến tranh đã xô đẩy chúng tôi mỗi người đi theo một con đường riêng với bao nhiêu cùng cực khổ đau, tan vỡ tương lai của lớp thanh niên thời đó. Mười người bạn học thì còn lại một hai sống với những hệ lụy của kẻ thua trận. Sau hơn hai mươi năm, tình cờ nó liên lạc lại được và đã đến thăm nhà tôi ở vùng ven thành phố nghèo khó.

Với gia thế sẵn có với điều kiện tốt hơn, nó lại muốn bảo bọc cuộc đời tôi bằng cách lôi vào làm việc chung trong Công Ty xây dựng của người anh cả. Rồi chúng tôi lại dong ruổi cùng nhau nhiều năm sau nầy qua các công trình xây dựng cấp Nhà Nước từ Sông Bé, Sàigòn, Ayun-Pa của Gia Lai…Cùng nhau lúc nầy nhưng không phải để chơi đùa mà là kiếm sống. Cuộc sống lán trại dãi dầu mưa nắng lang bạt kỳ hồ suốt mấy năm ròng đằng đẵng cực khổ quá, tôi quay về lại Sàigòn đi làm cho một Công Ty liên doanh. Thế là mối liên lạc lại bị cắt đứt một lần nữa.

Sau nầy tôi có tìm lại nhà nó mấy lần nhưng không gặp. Mãi đến khi nó bị tai biến mạch máu não phải ngồi một chỗ, tránh tiếp xúc với những người bạn cũ, hỏi thăm lần hồi tôi mới gặp lại. Đến thế rồi mà sau khi hỏi thăm cuộc sống hiện tại nó vẫn muốn tiếp tục bảo bọc tôi. Gọi điện thoại liên lạc với con của một người bạn thân lúc còn trong Mike Force Pleiku nhờ tạo điều kiện giúp đỡ tôi. Nhưng thói đời mà! Lúc đương thời thì tiếng nói còn có trọng lượng, khi hết thời thì nó như gió thổi qua tai.

Lần cuối cùng tôi còn thấy mặt nó khi chỉ còn sống được vài ngày. Yếu lắm rồi, nhưng vẫn còn tỉnh táo nhận ra người bạn với thân tình. Tôi trách nó chơi chi cho mút chỉ, không biết dành lại chút sức lực để sống thêm mà ngó chuyện đời chuyện người. Vài ngày sau thì được tin nó mất. Cuộc viếng thăm ấy tôi chẳng mong muốn điều gì trừ cái tình giữa tôi với nó và tôi chắc nó cũng sẽ mang cái tình ấy về trời cùng với khuôn mặt xấu xí của tôi.

Tiễn đưa nó trong buổi sáng sớm mùa đông hơi lạnh nầy, tôi nhìn quanh chẳng thấy ai quen. Toàn những khuôn mặt xa lạ và xem chừng còn ít tuổi hơn chúng tôi, chắc là bà con hay bạn bè của con nó thôi. Bao nhiêu cái tình của nó trao đi cho người, đến giờ phút cuối nhận lại được sao nghe chừng quạnh quẽ thế!

Nhớ lại lúc thân phụ người qua đời vì một viên đạn không biết được bắn ra từ nòng súng nào còn ghi lại dấu vết trên lưng ghế lái của chiếc xe Jeep ca-pôt cao, một đám tang thật trọng thể với rất đông người đi đưa. “Những người bắt tay bằng tay trái” ở xứ Banmêthuột lúc đó tập họp đông đủ khiến tôi ngưỡng mộ vô cùng. Bây giờ những người còn lại trong số đó, tôi chẳng thấy một ai đến đưa tiễn chú sói con ngỗ nghịch ngày nào lên đường về cõi thiên thu. Khi vừa thăm nó lúc sắp qua đời, tôi báo tin liền cho một huynh trưởng hướng đạo học cùng lớp vì sợ không còn kịp trông thấy nhau lần nữa, nhưng anh bận việc riêng không đến được. Mãi sau một hôm khi thân xác nó đã hóa thành tro bụi anh mới tới được nhà do sự thông tin không chính xác ngày giờ. Anh gọi điện thoại hỏi tôi nó được quàn ở đâu mà sao nhà cửa vắng tanh? Tự nhiên tôi phát bực vô lối và cằn nhằn anh:

-        Tất cả đã xong! Trễ rồi còn hỏi làm chi nữa?

*****
Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi nhắc tới những kỷ niệm nầy và cho bay về phía mặt trời, ở đó có nó bởi nó lấy biệt danh là Dũng Soleil mà (nghe cũng có chút ngạo mạn dzữ!). Thân xác nó đã biến thành tro bụi, anh linh nó chắc được bay về chốn mà nó mong muốn. Thôi thì cứ nhận lấy những tâm tình của một người bạn thân thiết nhớ về mầy khi gõ những con chữ nầy rồi gặm nhấm cho đỡ cô độc nghe.
Chắc là ở đó nó hiểu được tình tôi.

HÙNG BI
CHS TH BMT 1960-1968

**
THÌ THẦM VỚI BẠN

Cho bay kỷ niệm lên trời…
Nhớ làm chi nữa một thời đã qua?
Bay lên tới dải ngân hà
Để mầy hiểu được lời ta thâm tình
Có còn ai ở cạnh mình
Hay là một bóng linh đinh cùng trời?
Dũng ơi! “Hoàn tất” cuộc chơi
Rũ đi hệ lụy một đời thịnh suy
Lẽ đời sống ký thác quy
Ở nơi mầy đến, tà huy không về
Không còn có những đêm mê
Rượu nồng gái đẹp tứ bề vây quanh
Chơi cho hết cả ngày xanh
Lấn sang tóc bạc, cũng đành: “Trời cho!”
Mầy khôn tránh khỏi con đò
Khỏi ăn cháo lú, khỏi lò dò chi
Sa chân địa ngục a tì
Hỏa thiêu thân xác mầy đi về trời
Chắc là mầy nhớ…Dũng ơi!
Bao nhiêu kỷ niệm bạn chơi thuở nào
Dẫu rằng có chút hư hao
Tâm tình cho nhận, biết bao nỗi lòng
Thôi thì nhớ chữ sắc không
Thong dong nhẹ bước phiêu bồng cõi tiên
Thiên thu ôm mộng cô miên
Rời xa cõi tạm…an nhiên mỉm cười.
 s@...

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...