24 January 2014

"Du Xuân", tranh đầu năm.


"Du Xuân", Oil on canvas, 24x36 inch (61x89 cm) by A.C.La

Trong nhiền năm qua ít có những trận bão tuyết và những cơn lạnh gay gắt ở Ontario như năm nay, trong những ngày Noel và trước Tết. Gió rít và tuyết bay ngang. Bậc tam cấp, lối đi bộ đóng băng. Người dân được khuyên không nên ra ngoài nếu không phải chuyện cấp bách. Lạnh quá có thể gây tử vong vì ngộp thở, đứng tim, chưa kể rất dễ trượt ngã.

Tuyết xuống suốt ngày đêm. Tuyết xuống ngập đường xá. Truyết đọng trên cành cây. Mưa ở nhiệt độ vừa đủ đông đá tạo thành những "thạch nhũ" nước đá thòng xuống từ cành cây. Thạch nhũ lớn dần và dài thêm mãi. Dưới sức nặng của trăm nghìn giọt nước đá bám chắc khiến nhiều cành cây trĩu xuống, có khi toác ra, gẫy đổ.

Mặt trời tìm cách ló rạng, buổi chiều rực rỡ. Cảnh phố xá bỗng đẹp lạ lùng. Hai hàng cây như không phải là những cây bình thường, chúng trở thành thứ cây trang hoàng ngày Noel. Trăm triệu giọt nước trên muôn nghìn nhánh cây li ti ngược chiều ánh mặt trời, long lanh đẹp hơn kim cương. Cả một con đường bỗng nhiên rực rỡ, huy hoàng. 

Tiếc quá không đem theo máy ảnh. Người ta đã chẳng nói: Giữa cái khắc nghiệt nhất vẫn bắt gặp những niềm vui khôn xiết, những niềm hy vong xôn xao.

Cười ra nước mắt là vậy. Cái tốt duy nhất - hay tệ hại nhất - của trại tù cải tạo chính là đã làm cho tù nhân cảm nhận được sự thèm muốn một miếng ba chỉ ghê gớm đến cỡ nào, và biết tận hưởng nó vào mùng một Tết và chỉ vào ngày đó mỗi năm.

Mùa đông chốn xưa có gió hú trong đêm lạnh, và việc đón Tết nừng Xuân là điều kiện phản xạ tạo ra sự thèm muốn miếng thịt ba chỉ kho và cơm trắng. Mùa đông bây giờ có lời khuyên không nên ra đường, có chút cảm hứng vẽ tranh khi nhìn ra cánh đồng tuyết sau nhà.

Một thi sĩ bạn từng tâm sự rằng tuổi này cần sống hơn cần viết. Không phải ít người chấp nhận ý tưởng này, nhất là những bạn già. Tuổi trẻ vồ lấy nhau mà sống. Tuổi trẻ không sống vội vã đâu. Họ sống thật. Tuổi già mới sống vội, vì sợ đời sắp qua. Sống quên sáng tác. Sống bỏ sáng tác.
Du hành hướng ngoại thơ hoang phế,
Rượu chát hương nồng nhạc lạc cung.
Khi nhận được thơ than vãn bạn bè đã bỏ mình mà đi - hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, một bạn già bèn trả lời:
Hỡi ơi, thơ đã xa xăm thế,
Còn gì, hoa/rượu, chút tình chung!
Hoa đã tàn và rượu đã lạt phếch thật sao?  Đưa tay sờ chân, chân còn ấm.
Vui xuân đồng trắng tuyết
Lạnh buốt như điểm huyệt
Lạc lõng ngỗng bay cao
Mải mê bầu nhiệt huyết!
Ngồi một mình bất giác nghêu ngao vài câu, rồi viết nó ra đây mong bạn bè xa gần đọc được. Để làm gì à?  ... để mong họ quay về sống nghêu ngao giống mình chứ còn để làm gì nữa!

Nghêu ngao trí tưởng tượng giữa cánh đồng tuyết vu vơ. Tâm tư bay lượn tìm điểm tựa trên màu trắng trinh nguyên. Buổi sáng mở mắt ra nhìn thấy tuyết. Buổi tối nhắm mắt trùm mền vẫn nhìn thấy tuyết. Tuyết trên đỉnh cao, tuyết dưới lũng sâu. Xin đừng trách tuyết tràn vào cả "Du Xuân", bức tranh đầu năm.

Tính tình thích phá cách, phá lệ. Chưa bao giờ vẽ ngựa tám con - tại sao lại phải 8 con? Ai bày đặt ra chuyện "bát mã hồi đầu" gì đó kể cũng lạ. Mà rồi còn lạ hơn nữa có nhiều người tin theo ... Nhưng phép vua còn thua lệ làng, thôi thì cũng một lần làm theo cái phong tục để khỏi mang tiếng giở hơi. Nhưng còn cái vụ tám con ngựa phải đầu đuôi nằm trót lọt trong bức tranh thì xin trả lại cho tranh phong thủy. Bố cục như thế thật là hoàn hảo, vuông tròn, "có đầu có đuôi". Nhưng tiện hạ cho rằng bức tranh đã chấm hết!

Trong thực tế khó gặp đúng 8 con ngựa. Chắc ngựa không biết rằng phải đi một đàn đúng tám con mới hên. Nếu chín con thì đành tìm cách loại con ngựa già ra khỏi đàn mặc dù nó đã có công dẫn dắt bầy ngựa đến đồng cỏ xanh, đến con suối mát hàng chục năm qua. Chắc ngựa không dị đoan và phi "nhân bản" như con người.

Cả một đàn ngựa đang tiến vào tầm nhìn không phải chỉ có 8 con, mà đó là 8 con đầu đàn, có thể là khỏe nhất... Bức tranh chiều theo thị hiếu nhưng vẫn phá lệ như thường. Nó bao gồm một chất thiền nơi bầu trời tĩnh lặng và nó có cảnh động toả ra sinh khí khi vó câu đang lướt trên cánh đồng tuyết.

Nghệ thuật nhiều khi cần kích thích trí tưởng tượng và đôi khi đó chỉ là trí tưởng tượng  ..vu vơ.

Cám ơn NT, người đã cổ động tôi vẽ bức tranh này
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**
Gõ lên hình bên cạnh để phóng lớn

_________________________

Hãy ngắm cảnh đi để thấy đời còn đẹp lắm

Đọc bài Anh viết thấy buồn nhiều hơn vui. Tuy nhiên, những ai không thuộc vùng tuyết phủ thì nhờ bài viết của Anh, họ có thể hình dung ra cảnh đất trời thê lương như thế nào. Dù thê lương nhưng theo tác giả, nó cũng có nét đẹp riêng của nó. Điều đó không ai phản đối mà còn đồng ý với tác giả cả hai tay.

Tuy nhiên, bài viết của tác giả lúc nào cũng để lại cho người đọc một nỗi bâng khuâng, tiếc nuối! Từ bài viết trên mây, lúc tác giả quay về chốn xưa cho tới nay đã qua mấy mùa thu thay lá, mà sao vẫn còn thấy ngậm ngùi

Cuộc đời con người bao giờ cũng có những thăng trầm, vinh nhục không tránh khỏi. Bây giờ bão đã đi qua, gió đã ngừng thổi, vạn vật sẽ hồi sinh, sao tác giả vẫn còn như vương vấn chuyện ngày nào, ăn chén cơm tù? Hay lòng tác giả vẫn mãi khôn nguôi khi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tế Hanh?

                                 Cơn bão nghiêng đêm
                                 Cây gẫy cành bay lá
                                 Ta nắm tay em
                                 Cùng qua đường cho khỏi ngã
                                 Cơn bão tạnh lâu rồi
                                 Hàng cây xanh thắm lại...
                                 (Nhưng em đã xa xôi
                                 Và cơn bão lòng ta thổi mãi)

Đấy, Ngài họa sĩ có thấy không. Hàng cây xanh đã thắm lại tự lâu rồi. Hãy ngắm cảnh đi để thấy đời còn đẹp lắm, Ngài họa sĩ ơi! Và cũng để thấy mình còn rất "đáng yêu" trong mắt các ngắm giả nữa!

Hãy vui lên, hãy vui lên mà sống kẻo ngày dài sẽ phai mau, để không  thấy hối tiếc khi nhìn thời gian vùn vụt trôi qua. Không vội vã nhưng hãy sống từng giây, từng giây vì cuộc đời nầy vốn mong manh lắm!!!

Kính
Người Tị nạn Cộng Sản

_____________________________

Xem tranh "DU XUÂN" của A.C.La

Gần cuối năm Út Như Thương được ngắm một bức tranh về ngựa thật đẹp của họa sĩ Vĩnh A.C.La nhà mình. Cảm giác đầu tiên là bức tranh đẹp như một huyền thoại.

Không biết trong sách vở xưa và nay có điều gì liên quan đến Bạch Mã và Huyền Thoại không nhỉ, nhưng bức tranh đã làm NT. chợt nhớ đến thuyết Bạch Mã Luận của Công Tôn Long với câu nói lưu truyền "Bạch Mã Phi Mã"- ngựa trắng đâu phải là ngựa! Thế thì bức họa Du Xuân có ẩn ý nào đó với hàm ý "Du Xuân" nhưng chẳng phải là Du Xuân mà là Du Đông không nhỉ? Bởi vì Xuân đâu chả thấy chỉ thấy ngựa tung vó bên tuyết trắng !

Lại còn có thêm chút hồi tưởng về chòm sao Phi Mã, (tiếng La Tinh: Pegasus) là một trong 48 chòm sao Ptolemy và cũng là một trong 88 chòm sao hiện đại, mang hình ảnh con ngựa bay. Những chú ngựa trong tranh Du Xuân phải là bay trên tuyết trắng thì họa may mới có thể tung vó thế được... hãy thử bước đi trên tuyết xem nào...

Hay sẽ là những điều như người cầm cọ vẽ phệt màu trắng cho cả nỗi lòng rất riêng của mình cho cơn bão... tình được hóa trang thành bão tuyết bên kia khung cửa sổ?! Biết đâu đấy nhỉ? Để rồi từ đó NT. xóa dần đi những chú ngựa trắng, chỉ còn để lại một khung cảnh tuyết trắng để xem cảm tưởng mình thế nào - ô hay, cô đơn và giá rét ! Thế nhưng, khi đặt lại đàn ngựa vào tranh thì cảm giác ấy thay đổi liền tức khắc: Bầy đàn tung vó một cách oai hùng!

Nói gì thì nói, cái đẹp của bức tranh mà NT. thích nhất là nét trắng của thiên nhiên đã nhập tâm người cầm cọ để tất cả mọi màu sắc khác đều trở thành vô dụng, chỉ còn lại vài nét mong manh của màu đen làm ranh giới cho hình tượng. Bức tranh rất động trong một gam màu rất tĩnh!

Mong một ngày nào đó, sẽ đọc được tin: Bức tranh DU XUÂN của họa sĩ A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh trong buổi triển lãm ở đâu đó đoạt giải.... Nếu thế thì vui thật !

Út Như Thương

No comments:

Post a Comment

Trăng Không Già..., thơ