31 August 2013

MỘT CHUYẾN ĐI HAY VỀ?, tùy bút

Đây chỉ là những cảm nhận của riêng tôi về một chuyến…thôi.

Tôi vẫn cứ phân vân về tiêu đề bài viết. Một chuyến ĐI hay VỀ. Nếu gọi là ĐI thì không đúng. Vì Banmêthuột như một quê hương của tôi, vậy là phải VỀ chứ. Còn nếu gọi là về thì nơi chốn ấy có còn ngôi nhà nào, con người nào chờ đón tôi không mà bảo là về?

6:00 AM Lâm Dũng online:

- Đi Banmêthuột không?

- Chi vậy?

- Dự đám cưới.

- Con ai?

- Cháu Thầy Liễn.

- Chừng nào?

- Tối mai đi.

- Gồm những ai?

- Chỉ có hai anh em mình

Nghe như có một tiếng gọi xa xăm từ phố núi vọng về mời gọi. Nói một cách văn vẻ như tiếng gọi từ rừng thẳm vọng tới con sói lạc bầy. Đang phân vân vì khá bất ngờ, không kịp chuẩn bị tinh thần đành hẹn lại sáng mai sẽ phone xác nhận chuyện đi.

Mất một chút thời gian để sắp xếp công việc. Lòng thì muốn lắm bởi là một dịp hiếm có nhưng trước khi đi ngủ vẫn chưa dứt khoát.

Sáng sớm hôm sau vừa online đã gặp ngay Lâm Dũng.

- Thế nào anh? Đã quyết định chưa?
- Rồi. Anh sẽ ra mua vé xe ngay.
- Bây giờ thêm chồng Chị Hồng B thay mặt Chị ấy nữa.

9:00 tối. Ba anh em gặp nhau tại Bến xe Miền Đông. Hỏi chuyện làm quen thì đã hơn 35 năm rồi Đệ mới có dịp trở lại Banmêthuột. Một sự ngạc nhiên quá lớn!

Tâm trạng tôi trong chuyến đi nầy khá phức tạp: Lâm Dũng là một người biết mặt qua các cuộc họp lần trước chứ chưa nói chuyện với nhau nhiều, là một người rất quen thuộc với BMT, lần nầy đi là vì công việc. Đệ chỉ lên Banmêthuột một lần hồi năm 1973 rồi thôi, coi như một người xa lạ hoàn toàn, lần đầu tiên đặt chân lên Banmêthuột. Tôi như một người đứng lưng chừng giữa hai trạng thái đó: Quen mà lạ, lạ mà quen.

Nhắc đến chuyện nầy, tôi lại nghĩ đến trường hợp của tôi. Sau khi bị “sụp hầm” về buộc phải đi làm ruộng. Tôi gặp một cô gái tuổi ngoài ba mươi, trong lúc ngồi nghỉ trưa chuyện vãn tôi có hỏi thăm về tình cảnh gia đình của cô ấy, cô mới thở dài trả lời:

- Ba em đã bỏ nhà đi 32 năm rồi chưa thấy quay trở lại anh ơi!
- Sao kỳ vậy?
- Em có nghe tin chỗ ở của Ba em nhưng đến tìm không gặp. Có nhắn lại nhưng không thấy Ông về.

Sao nghe có một chút gì chua xót trong câu trả lời của cô gái. Tôi không tin một người có thể từ bỏ một chỗ thân quen của mình đằng đẵng suốt hơn 30 năm trời mà không một lần quay trở lại, ít gì thì cũng có một vài con người có liên hệ hay một vài kỷ niệm nhắc nhớ chứ?

Vậy mà trường hợp ấy lại rơi đúng vào tôi. Lúc ấy, mỗi lần muốn đi đâu ra khỏi địa phương mình đang cư trú phải xin phép đi đường với địa chỉ nơi đến rõ ràng và với mục đích gì? Trường hợp của tôi chắc chắn là không được cấp giấy phép rồi vì lúc ấy phong trào Fulro đang khuấy động Tây Nguyên, hơn nữa tôi đâu có một địa chỉ nào nơi đó để tìm về.

Thế là mỗi lần có dịp đi ngang qua bến xe Banmêthuột, tôi cứ hay quanh quẩn tới lui nhìn ngó những khuôn mặt hành khách coi có ai quen với mình không để bắt chuyện cho đỡ nhớ. Nhưng tới mấy chục lần không gặp được ai cả nên tôi cũng chán không còn ra đó nữa. Rồi thì cuộc mưu sinh vất vả của một đối tượng đặc biệt như tôi đã cuốn phăng mình theo cơm áo, không còn thì giờ mà nghĩ đến chuyện trở lại đất xưa. Bẵng đi hơn ba mươi năm, tình cờ anh bạn thân còn ở Banmêthuột biết được số điện thoại của nhà tôi gọi về rủ lên chơi, thậm chí gởi tiền xe theo đường bưu điện tới nhà như một điều kiện bắt buộc thì tôi lên đường liền.

Tôi cũng đã có một ngày về, nhưng bàng hoàng và tiếc nhớ quá! Cảnh cũ người xưa đâu sao không còn nữa? Không đến nổi biển hoá nương dâu nhưng sau hơn 30 năm thật quá đổi thay. Giữa con phố ngàn vạn lần qua mà như ở chốn người dưng giống Trần Huy Sao viết trong “Thơ Banmêthuột”. Đứng ở góc đường phóng tầm mắt qua mấy khối phố, tôi tự hỏi sao người ta làm cái phố núi nhỏ quá! Cũng có bao nhiêu đường đất ngắn ngủi đó mà ngày xưa mình đã phải trải mấy lòng.

Nhớ lại lần đầu tiên khi xe đò thả tôi xuống đường Y-Jut vào lúc 2:30 sáng, tôi đứng ngớ người không biết đây là đâu bởi khung cảnh đã hoàn toàn đổi khác không còn một chút gì của ngày xưa có thể khơi gợi ký ức quay về.

Chỉ qua lần đầu như vậy, rồi như câu ca dao:
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.”
Quen hơi bén tiếng rồi thì mỗi lần có dịp là tôi thót lên xe đò ngay để trở về chốn cũ, lúc thì đi ban ngày, lúc ban đêm miễn là thuận tiện giờ giấc rảnh rang vốn hiếm hoi của mình. Chỉ là đi chơi cho vui, cho đỡ nhớ thôi chớ chẳng có một mục đích cụ thể nào khác. Lúc thì ở nhà bạn, lúc ở khách sạn…bất chừng.

Quốc lộ 14 bây giờ ngày càng tồi tệ so với chuyến đi mới nhất của tôi cách đây 4 tháng. Thời gian đi phải mất thêm hơn 1 tiếng đồng hồ nữa nhưng sự dằn xóc trên con đường thì tăng gấp đôi. Qua khỏi Gia Nghĩa chút nữa thì bị tai nạn giao thông. Trong đêm tối mịt mùng, phía trước là ánh đèn pha đi ngược chiều, tài xế xe đò đang chạy với tốc độ cao canh đường để tránh vừa lọt ánh đèn pha. Khi đến sát thì chiếc xe tải đang vượt qua một chiếc xe khác đang đậu nên họ phải lấn sang trái. Vừa kịp nhìn thấy đuôi xe tải trước mặt tài xế vội ngoặc tay lái sang phải xém chút nữa bị lọt xuống lề đường vì đoạn đường đó đang sửa chữa lớn, người ta đang đổ đất thêm mở rộng mặt đường nhưng chưa đạt được độ cao so với mặt đường. Hú hồn!

Xe bỏ chúng tôi xuống Banmêthuột lúc hơn 6:00 sáng gần cây xăng Ngã Sáu trong hơi gió sớm còn vương chút sương mai chưa tan hẳn lành lạnh. Vươn vai hít đầy lồng ngực cái không khí Tây Nguyên cho đầy buồng phổi một cách sảng khoái. Những mệt mỏi sau một đêm không ngủ như bay mất theo cơn gió. Lâm Dũng hỏi bây giờ đi bộ hay đi taxi về khách sạn Damsan. Tôi đâu biết nó nằm ở đâu, nhưng đang thích thú nên đề nghị đi bộ cho vui. Thế là 3 người dắt díu nhau đi bộ về khách sạn. Đệ có lẽ không quen đi bộ nên có vẻ mệt, và đi đã khá lâu sao chưa thấy tới? Ai có dè khách sạn nằm sau lưng trường Trung Học nên đoạn đường cũng khá xa. Có một quán cà phê ven đường nhìn xuống thung lũng có con suối chảy ngang dẫn xuống piscine, tôi đề nghị ghé vào uống ly cà phê sáng. Cô bé chủ quán khá dễ thương. Quán có cả Wifi nên bọn tôi lôi laptop ra check mail luôn.

Một điều rất thú vị là lần nầy trở lên Banmêthuột, tôi thấy cái địa danh xưa thời tôi ở đó đã xuất hiện trở lại trên các bảng hiệu khá nhiều. Rất hài lòng! Một cái ĐƯỢC của riêng tôi. Vừa leo lên phòng thì Thầy Liễn điện thoại tới hỏi thăm và gọi Lâm Dũng tới chụp hình đám rước dâu vì đã tới giờ.

Vội vàng rửa mặt cho tươi tỉnh rồi thay đồ lên taxi phóng đi ngay. Ông “phó nhòm” Lâm Dũng quả là rất bận rộn trong chuyến đi nầy. Xong lễ tại nhà lại xuống Chùa Khải Đoan làm lễ tiếp. Đây quả là một nét mới cho đám cưới của những gia đình theo đạo Phật vì tôi mới thấy lần đầu. Họ cũng muốn dần dần theo những lễ nghi như đạo Công Giáo đám cưới phải đi đến nhà thờ để Cha xứ làm lễ hôn phối trước bàn thờ Chúa. Cũng là một sắc thái đặc biệt mà ở đồng bằng không thấy.

Thầy Liễn dặn sau khi làm lễ xong sẽ trở lại nhà đàng gái để ăn trưa, nhưng tôi thấy quan viên hai họ đông đúc quá nên khều chàng Đệ nói với Lâm Dũng chúng tôi đánh bài chuồn. Tôi lại dẫn chàng Đệ tản bộ theo những con phố Banmêthuột trở về quán cà phê ven đường Hai Bà Trưng uống cà phê để có dịp nhìn lại khung cảnh cũ và thả trí tưởng tượng thưởng thức cái thú vị của việc tản bộ đêm trên đường phố Banmêthuột ra sao mà nhiều người đi qua vẫn còn nhắc nhớ mãi về chúng? Thực tình tôi cũng không ngờ đoạn đường lại xa đến thế! Chúng tôi ở Sài Gòn đã có thói quen cứ hễ ra khỏi cửa là thót lên xe gắn máy nên chẳng bao giờ phải đi bộ cả. Anh chàng mỏi chân rồi buột miệng: Bộ anh tính đi bộ về tới khách sạn luôn sao? Làm tôi cứ phải “động viên”: Sắp tới rồi! Nhưng tự tôi cũng chả biết chừng nào mới tới.

Bước vào quán cà phê thì người ngồi đông kín hết bàn. Đã quá 9:00 sáng rồi mà sao người ta ở đây còn "hưỡn" dữ! Cái khung cảnh đẹp của dãy bàn sát vỉa hè đã hư hao nhiều làm tan vỡ một phần những kỷ niệm đẹp của riêng tôi. Một đám đàn bà con gái người Bắc di dân tự do ngồi kế bên cứ nghĩ quán cà phê là nhà họ hay đang ngồi ngoài chợ nên cứ chuyện trò oang oang làm chúng tôi mất hứng phải dọt gấp.

Ngủ trưa một giấc ngắn đã nghe tiếng Thầy Liễn lên tận phòng coi tình hình mấy thằng học trò già cất công từ Sài Gòn lên đây như thế nào? Quả thật cảm động với sự chăm sóc của Thầy. Mới trao đổi vài câu thì có điện thoại giục Thầy về để chuẩn bị cho buổi tiệc chiều.

Ba người lại phải lôi nhau qua quán cà phê trước khách sạn nói dóc để giết thì giờ. Gần 5:00 chiều về để lo chuẩn bị bộ vía cho buổi tiệc. Cứ ngỡ như người Sài Gòn, thiệp mới đám cưới ghi 5:00 nhưng thường thì đến gần 7:30 mới nhập tiệc nên chúng tôi khá đủng đỉnh cho việc chuẩn bị. Nếu không có sự hối thúc của Lâm Dũng chắc là chúng tôi đã đến trễ giờ. Vừa lên taxi đi được một đoạn đã có điện thoại của Thầy hỏi đã đi chưa? Quan khách tới đầy đủ cả rồi!

Ui trời! Tới nhà hàng Thanh Lịch thì đã chật kín khách. Đến mấy trăm người đa số cũng từng ngồi chung dưới một mái trường, nhưng chẳng ai quen biết tôi mà tôi cũng chẳng quen biết ai, giống như mình đi tới một xứ lạ!

Buổi tiệc chắc chỉ còn chờ “ba chàng ngự lâm pháo thủ” nầy tới là khai mạc thôi. “Nổ” một chút vậy mà, nhưng tôi nghĩ chắc Thầy đợi chàng phó nhòm thì đúng hơn, vì Thầy phải đem những tấm hình đám cưới nầy về Mỹ để…trình lên “thẩm quyền”.

Thầy ra đón chúng tôi vui mừng ra mặt và đưa vào bàn VIP dành sẵn. Vừa an vị thì buổi lễ bắt đầu. Cũng có những bài diễn văn ngắn, những thủ tục thường lệ của một đám cưới. Và cuối cùng là câu cám ơn của Thầy về sự hiện diện của Quý quan khách rồi chúc quý vị một buổi tối ngon miệng. Thế là tiếng bát đũa, tiếng khui bia, tiếng mời mọc bắt đầu.

Bàn VIP gồm có Thầy Nguyễn Đình Liễn, Cô Phạm Thị Mười, Thầy Trần Thế Vũ, hai vợ chồng chủ Khách sạn Damsan Sinh và Đào, Linh, “chủ chợ” Trần Văn Tam và ba người chúng tôi. Vừa tới bàn tôi sà vào kế Thầy Vũ và bắt tay:

- Chào Trần Thế Vũ! Kiều Văn Hùng nè! Nhớ tui hôn?

- Không nhớ. Hồi xưa không có râu, bây giờ có râu thì làm sao mà nhớ?

Một câu trả lời hết sức…hồn nhiên.
Cùng học với nhau suốt mấy năm trung học, xa cách nhau hơn 40 năm, gặp nhau trao đổi chỉ vài câu chiếu lệ thế thôi. Tôi tưởng như tuổi mới lớn của mình đã đánh mất đi một mảng rồi.

Đệ ngồi kế bên hỏi nhỏ:

- Thầy anh hả? Hồi xưa ổng dạy anh môn gì? (Vì thấy "Thầy" đầu tóc bạc phơ mà khuôn mặt tôi chắc còn…son trẻ!)

- Ừm! Thầy dạy tui môn…bắn bi.

Một dấu hỏi tổ chảng hiện lên gương mặt Đệ.

- Hì…Hì…Ổng học cùng lớp với tui đó, còn nhỏ thua tui một tuổi lận.

Một sự ngạc nhiên tột cùng. Vũ có may mắn là ông Trời ban cho phước lớn, râu tóc bạc phơ và cũng là thầy dạy toán cho những thế hệ sau, đức cao vọng trọng nên được nhiều người ở Banmêthuột rất kính trọng. Hầu như buổi họp mặt Thầy trò nào cũng đều có mặt của ông. Còn tôi tuy cùng một thời, nhưng do bản tính vẫn còn yêu người, yêu đời, mộng sông hồ vẫn còn chảy trong huyết quản, vẫn thích ngắm nhìn gió thổi mây bay, thích thưởng thức những bông hoa đẹp, thích nhìn con chim đang dẫu mỏ hót trên cành nên Ông Trời nhấn tôi xuống khoảng 10 tuổi để “cho mầy chết luôn với những cái thích dớ dẫn!”

Ăn uống, nâng ly trong những câu chuyện đầy vẻ ngoại giao trong tiếng hát hò trên sân khấu. Tức cười nhất là có một chàng ca sĩ trung niên, khoác một cái áo pa-đờ-xuy đen như mấy chàng ca sĩ nước ngoài trông thật lố bịch! Nhưng được cái giọng ca khoẻ khoắn và trầm ấm hát những bản nhạc xưa rất hay nên đánh tan sự mất thiện cảm ban đầu của tôi với chàng: Bây giờ tháng mấy, Nỗi lòng người đi và một bài nữa tôi không nhớ tựa đề.

Tan tiệc đến chào Thầy ra về, chắc nhìn thấy mấy thằng học trò ở Sè-Goòng tội nghiệp lặn lội đường xa lên đây để chung vui với gia đình nên Thầy bảo là sẽ mua vé máy bay cho tụi tôi trở về.

- Thầy ơi! Cứ để tụi em tự lo. Lớp học trò không lo cho Thầy thì thôi, có đâu để Thầy lo ngược trở lại?

- Không được! Mới lên mà về liền bằng xe đò mệt lắm!

- Dạ không sao đâu Thầy, tụi em quen rồi.

Tôi không cho đó là những lời khách sáo lấy lòng mà nó xuất phát tự tấm chân tình của Thầy. Chỉ là vài câu nói thôi nhưng thực sự làm chúng tôi cảm động.

Về khách sạn chẳng biết làm gì, ba chúng tôi lại kéo nhau lang thang tìm một quán cóc ngay góc trường xưa của mình nhậu tiếp.

Ngước nhìn lên nơi chốn mình đã trải qua hết một thời mới lớn mà giờ đây không thể nào đặt chân vào nữa. Men rượu bừng lên mặt trong cơn gió lạnh se sắt của Banmêthuột sao dưng không tôi nghe lòng mình buồn quá đỗi. Thời gian đã trôi qua không thể nào quay trở lại, tuổi trẻ đã mất đi thì những xúc động tươi nguyên của tuổi mới lớn cũng khốn cùng.

Trở về phòng gần 12:00 khuya, đứng nhìn qua ô cửa kính, bên kia đồi đã từng là một chốn thiên đường tuổi nhỏ của tôi cũng đã vuột trôi, lòng nghe như chùng hẳn xuống và lạnh lẽo theo cơn gió đêm đã dậy ngoài kia.

Những tưởng có thể sống lại chút kỷ niệm ngọt ngào với người bạn cùng lớp, nhưng đã KHÔNG CÒN.

Tình cảm của người Thầy cũ với một đứa học trò tưởng đã hư hao theo năm tháng nhưng không ngờ nhận ĐƯỢC một mối tình thâm! Có những điều trong cuộc sống, dù đã qua tuổi 60 lâu rồi với những sự từng trải, nhưng tôi vẫn không ngờ bây giờ mình hiểu được thêm vài điều mới lạ.

Tây Nguyên đang ở mùa khô và thiếu nước trầm trọng. Trên đường về lại Sài Gòn, nhìn những đám cà phê ven đường đứng im phăng phắc chịu đựng cái khô hạn không còn chút mơn mởn ngày nào cũng hơi buồn cho người trồng.

Tuy nhiên, đến đoạn đường giữa DakMil và Daksong tôi lại ĐƯỢC thấy vài đoá hoa Dã Quỳ quá lứa còn sót lại lẻ loi trong đám cây ven đường vàng rực dưới ánh mặt trời như những nụ cười tiễn biệt một đứa con xa. Tôi lại thấy mình như hoà lẫn vào cái không gian gió núi mây ngàn đã ăn sâu và nằm kín tận đáy hồn tôi.

HÙNG BI


NGHE NHỮNG TÀN PHAI
Anh ngồi “nghe những tàn phai”
Bồi hồi xao xuyến lắt lay trong hồn
Thời gian vó ngựa tẩu bôn
Bốn mươi năm cũ dập dồn lướt nhanh
Thuở nào mái tóc còn xanh
Bây giờ đã thấy điểm quanh mây trời
Vàng son ngày cũ rụng rơi
Hồn anh bỗng thấy chơi vơi ngậm ngùi
Qua rồi những tháng ngày vui
Sân trường bạn cũ lấp vùi thời gian
Đời anh đã lắm gian nan
Bàn tay chai sạn thi gan với đời
Nheo hai con mắt mù khơi
Trán nhăn má hóp ngó thời gian bay
Hững hờ cầm chút vàng phai
Ngỡ như vọng lại chân ai dấu hài
Em xưa buông xõa tóc dài
Mắt xanh môi thắm như bài tình ca
Gởi hồn theo đám mây xa
Bao nhiêu ước vọng trổ hoa ngập lòng
Áo bay thấp thoáng nhớ mong
Gót son bụi đỏ môi cong điệu đàng
Vậy thôi lòng đã vương mang
Xây bao mộng đẹp anh chàng theo đuôi
Mộng mơ giờ đã trôi xuôi
Tay bồng tay bế bùi ngùi tuổi xuân
Chân chim in vết phân vân
Đầu mày cuối mắt bao lần bủa vây
Tình cờ ta gặp nhau đây
Thời gian xa quá tình gầy hư hao
Nụ hoa tươi thắm năm nào
Một đàn con cháu làm sao bây giờ?
Thôi đành giả tảng ngó lơ
Đêm về anh viết bài thơ nhớ tình.
s@...

No comments:

Post a Comment

Trăng Không Già..., thơ