28 August 2013

Lá Thư Miệt Dưới

NỖI BUỒN MẤT MÁT
* Nguyễn Triệu Việt


Cuộc đời tác giả bản nhạc Ai Về Sông Tương

Về Tháng 5 vừa qua, Nhạc sĩ Văn Giảng (VG) tức Thông Đạt đã từ trần tại Melbourne - Úc, hưởng thọ 89 tuổi. Theo Nhạc sĩ Lê Dinh thì NS Văn Giảng sinh năm 1924 tại Huế trong một gia đình trung lưu. Ông thừa hưởng thiên phú gia tộc về âm nhạc vì ông nội của VG cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc rất giỏi nên ông cũng có khiếu về âm nhạc từ thuở nhỏ, nghe người ta chơi nhạc khí nào là ông về mò mẫm tự học lấy và thành công trong việc xử dụng loại nhạc khí đó. Loại đàn dễ học nhất là đàn mandoline, khi bắt đầu ông học đàn măng cầm và sau đó lần đến tây ban cầm.

Có giai thoại, một người bạn lớn tuổi hơn ông biết đàn tây ban cầm, VG muốn tầm sư học đạo, đến nhà ông này để nhờ chỉ dạy nhưng người này bắt ông phải trả công bằng một cây đàn guitar. VG làm gì có tiền nên về nhà tự học lấy và chỉ một thời gian sau, ông vượt qua mặt ông "thầy hụt" kia và ông này phải nhờ VG chỉ lại. Nhờ có biệt tài như vậy mà nhạc sĩ VG có thể xử dụng rành rẽ nhiều nhạc khí cổ kim, trở thành một nhạc sĩ tài giỏi và đào tạo rất nhiều môn sinh có trình độ sau này.

Nhạc sĩ Văn Giảng còn nổi bật trong lãnh vực văn hóa. Mọi thứ, mọi việc ông đều tự học như vừa làm giáo sư âm nhạc ở Huế, ông vừa tự học để rồi sau đó lặn lội vào Saigon thi lấy bằng tú tài và cử nhân. Ông tốt nghiệp Anh văn ở Hội Việt-Mỹ và trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc ở ngoại quốc, được xuất dương du học tại trường Âm nhạc lớn của Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Ở Hoa Kỳ, VG đã tốt nghiệp với lời khen của Ban Giám khảo và được cấp thêm học bổng để nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó ông trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.

Nhạc sĩ VG nổi tiếng với bài hành khúc "Lục Quân Việt Nam" ra đời vào năm 1950 mà mọi người Việt Nam, từ cậu học sinh đến anh tân binh ở quân trường cũng như tất cả quân nhân QL/VNCH đều biết. Bài hát khi được đồng ca luôn đem lại cho người nghe một cảm giác hăng say cương quyết, nung chí anh hùng.

Cũng theo NS Lê Dinh, một giai thoại khác khá lý thú như sau: Trong thập niên 1940, 1950, ở Huế ai cũng biết ông Tăng Duyệt (TD), giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế chuyên in ấn và phát hành một số nhạc phẩm ít oi của thời đó. Là nhạc sĩ, VG chơi thân với ông TD vì một số hành khúc của ông đều do nhà xuất bản của ông TD ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông TD có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ VG chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về tình ca không phải sở trường của VG. Không cần trả lời, nhạc sĩ VG về nhà, âm thầm lấy giấy bút viết bài "Ai Về Sông Tương", đề tên Thông Đạt, một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc VN thời đó. Bản "Ai Về Sông Tương" được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Saigon và cả nước đều nghe "Ai Về Sông Tương" của Thông Đạt.

Sau nhiều lần được nghe bài "Ai Về Sông Tương" quá hay trên làn sóng điện, qua các đài phát thanh, ông Tăng Duyệt gặp VG và hỏi ở trong giới nhạc, VG có biết Thông Đạt, tác giả bài "Ai Về Sông Tương" là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm này nhưng VG tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai! Rồi một hôm có hai người bạn trẻ của VG là NS Đỗ Kim Bảng, tác giả bài "Mùa Thi" và nhà văn Lữ Hồ tình cờ đến nhà VG chơi và thấy bản thảo bài "Ai Về Sông Tương" với tuồng chữ và lối chép nhạc của nhạc sĩ VG trong xấp nhạc trên bàn viết nên nói cho ông TD biết. Ông này mới lái xe ngay tới nhà VG và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một ca khúc với thể điệu "Blues" tha thướt trong tay để mà ngân nga những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó. Nhạc phẩm "Ai Về Sông Tương" đã chiếm kỷ lục tái bản thời đó với 6 lần in thêm trong tháng đầu tiên và được thính giả Đài Phát thanh Pháp Á chọn là bài nhạc hay nhất trong năm 1949.

Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sinh sống ở Huế bất an - ông Tăng Duyệt, bạn thân của ông đã chết trong biến cố này - nhạc sĩ VG vào Saigon lập nghiệp từ năm 1969 và ông nhanh chóng hòa hợp với nhịp sống âm nhạc của thủ đô, soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia - Sóng Nhạc, dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình. Năm 1970, ông được huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống VNCH với sáng tác phẩm "Ngũ Tấu Khúc" (Quintet for Flute and Strings). Cùng năm này, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ VN gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại Osaka (Nhật Bản).

Sau 1975, nhạc sĩ Văn Giảng kẹt lại Việt Nam cho đến năm 1981 mới vượt biên đến đảo Natuna (Nam Dương) và sau đó được chuyển đến đảo Pulau Galang. Ở đây, trong 6 tháng, VG sáng tác được một số bài nói lên thân phận lạc loài của người dân mất nước mà bài đầu tiên là "Natuna người tình đầu" cùng một số 70 ca khúc khác.

Ngày 20/5/1982, VG định cư tại Úc. Nơi đây, ông tiếp tục con đường âm nhạc, soạn và xuất bản nhiều sách nhạc lý như cách dùng hợp âm, tự học tây ban cầm, hòa âm, sáng tác, học hát, học đàn v.v... kể cả sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, chẳng những dành cho thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại mà cho cả người ngoại quốc muốn học hỏi và tìm hiểu về nền âm nhạc Việt Nam. Ông là một con người giản dị, khiêm nhường, không thích phô trương với một gia tài âm nhạc to lớn như thế của mình ẩn náu nơi một góc trời Đông sau ngày mất nước quả thật là một người đáng kính nể, đáng tôn thượng trong làng âm nhạc Việt Nam. NS Lê Dinh kết luận.

Sau đó đúng một tuần lễ, phu nhân của nhạc sĩ Văn Giảng là bà Ngô Thị Bạch Đẩu cũng đã theo chồng xuống suối vàng sau khi đi rải tro chồng ra biển, trở về nhà bà bị nghẽn tim và từ trần. Hưởng thọ 85 tuổi. Tình yêu của hai vợ chồng đã sống và chết gần như cùng lúc. Thật là một cuộc tình trọn vẹn và hi hữu hiếm có trên thế gian.

Hồi sinh sau khi đã qua đời đến 40 phút.

Nay sang đề tài khác. Trong lãnh vực y khoa, tại Úc, nhiều người đã được cứu sống sau khi đã qua đời đến 40 phút. Theo BS Stephen Bernard tại bệnh viện Alfred thì kỹ thuật y khoa mới này chỉ vừa được thử nghiệm trong 2 năm qua và kết quả rất lạc quan nên ông hy vọng sắp tới sẽ có thể phát triển đến các bệnh viện khác ở Victoria.

Bệnh viện Alfred ở thành phố Melbourne - Úc đã dùng 2 phương pháp y khoa mới cứu sống được 3 nạn nhân xác nhận là đã qua đời trước đó. Một trong ba nạn nhân trên là ông Colin Fieldler, 39 tuổi ở thành phố Melbourne bị nhồi máu cơ tim và đã yêu cầu nhân viên cấp cứu chở đến bệnh viện Alfred. Thật may mắn cho ông vì đây là nơi duy nhất áp dụng kỹ thuật mới trong việc hồi phục nhịp tim đập bằng cách sử dụng một máy hô hấp tự động liên tục trên vùng ngực (the CPR machine) cùng lúc với máy bơm khí oxygen vào tim và phổi để giữ sinh khí cho các phần nội tạng.

Trong lúc đó thì các bác sĩ chỉ tập trung vào phần điều trị cho tim đập lại. Nhờ vào phương pháp này, ông Fiedler đã sống lại sau khi tim ngừng đập 40 phút. Chuyện này xảy ra cho ông Fiedler vào tháng 6 năm ngoái tức đã gần một năm qua. Từ đó đến nay có thêm 7 người tại bệnh viện Alfred được cứu sống sau khi đã thật qua đời từ 40 đến 60 phút nhờ dùng cách trên. Vận động viên bơi lội Clara Carney cũng là một trong những người may mắn này. Ông Fiedler tâm sự rằng sau khi hồi sinh ông rất biết ơn các bác sĩ ở đây và quý trọng cuộc sống nên ông đã bỏ hẳn hút thuốc và không còn để những chuyện nhỏ trong đời gây căng thẳng vướng bận cho ông nữa.

Để kết hợp 2 phương pháp mới này, BS Bernard cho biết bệnh viện phải luôn luôn có 3 bác sĩ kinh nghiệm về hồi sức túc trực và máy móc thì sẵn sàng trong tư thế hoạt động bất cứ lúc nào. Hiện nay chỉ có 3 máy tại bệnh viện Alfred và công ty chế tạo máy này đang chuẩn bị để sản xuất thêm.

Thần thánh nào cũng không thể truyền niềm tin và nghị lực cho những người bại não mà không biết mình bại não.

Về vụ anh Nick Vujicic, người Úc - là một thanh niên không tay, không chân đã đến Việt Nam nói chuyện đời về ý chí và nghị lực của một con người bị tàn tật hoàn toàn và cảm nhận của anh sau 2 ngày ở đất nước VN. Cuộc nói chuyện của anh đã gây nhiều tranh luận kẻ bênh người chống. Nhưng trước hết chúng ta hãy nghe những suy nghĩ của anh qua cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn xả Vỉa Hè ở VN để có thể tìm hiểu sự kiện một cách khách quan.

Khi hỏi anh thấy gì và cảm nhận gì sau 2 ngày ở đó, anh cho hay chẳng thấy gì ngoài dây điện và đầu người. VN thật dễ chịu với sự cuồng nhiệt. Anh bảo anh đã chứng kiến những giọt nước mắt ở khắp nơi trên thế giới, nhưng không ở đâu người ta khóc khi đi xem xiếc thú cả. Vì anh là người tàn tật hoàn toàn nên anh nhìn thấy sự tò mò trong mắt nhiều người. Trong chương trình của anh ở khắp nơi trên thế giới, anh đồng ý để những người khuyết tật được ôm mình, để họ cảm nhận bằng xương bằng thịt ý chí và nghị lực. Nhưng ở đất nước VN, rất nhiều người lành lặn chỉ muốn đến gần để chụp ảnh với anh như chụp ảnh với ngọn tháp Eiffel. Hơn nữa, anh không thích việc nhiều người đến chỗ cái bàn của anh, cúi người và định… xin lỗi. Bởi điều mà một người không chân tay như anh muốn nói với họ là các bạn hãy đứng trên đôi chân của mình và đừng bao giờ cúi đầu. Khi người ta đã cúi đầu có phải là người ta sẽ phải gập gối không?

Hỏi về lý do tại sao anh lại có ý tưởng nói chuyện với giới doanh nhân Việt. Anh cho hay ban đầu anh chỉ định tiếp xúc với sinh viên và khoảng 9,000 trẻ em đường phố. Nhưng sau đó, phía VN đề nghị anh tiếp xúc với giới doanh nhân. Họ đưa ra số liệu là hàng trăm ngàn doanh nhân phải bỏ trốn, tự tử, hoặc vào nhà thương điên. Họ nói doanh nhân Việt giờ còn tuyệt vọng hơn những người khuyết tật. Và vì thế anh đồng ý nói chuyện và chủ đề đưa ra là “Đừng bao giờ bỏ cuộc”. Nói thật, anh không tin việc cứ lao đầu vào rọ là một giải pháp khôn ngoan. Nhà giàu tuyệt vọng nguy hiểm hơn nhà nghèo, bởi người ta sẽ bị "sốc" nặng và suy sụp rất nhanh khi không quen với sự tuyệt vọng. Anh nghĩ sự tuyệt vọng nào cũng cần được giúp đỡ, nhất là sự tuyệt vọng của những người bình thường. Anh tin là anh có đủ kinh nghiệm thương trường để nói chuyện và thuyết phục giới doanh nhân Việt? Câu đầu tiên mà anh nói với họ là các bạn hãy nhìn xem: “Tôi đã kiếm được 1,6 triệu USD ở một đất nước đang suy thoái kinh tế. Hãy tìm mọi cơ hội trong mọi hoàn cảnh”.

Được hỏi sao số tiền trả cho anh trong vài buổi diễn thuyết lại lớn đến thế? Anh bảo chắc quý bạn cho là đắt?! Anh nói cựu tổng thống Mỹ từng được trả 750 ngàn dollar cho một bài diễn thuyết ở Hồng Kông, nhưng bài diễn thuyết đó không thể truyền niềm tin và nghị lực sống. Hơn nữa, cứ 4 năm, hoặc cùng lắm là 8 năm nước Mỹ lại cho ra đời thêm một diễn giả, trong khi trên thế giới chỉ có một Nick. Anh cho là anh có giá hơn Bill (Clinton) bởi vì anh không đứng diễn thuyết bằng chân. Anh bảo các bạn thấy đó, tôi cũng không có tay. Nhưng liệu ai có thể mở chìa khóa trái tim và niềm tin bằng tay bao giờ.

Được hỏi ở VN cũng có những người khuyết tật nhưng sao họ lại không thể thành công như anh? Anh bảo rằng nếu anh ở VN có lẽ anh cũng sẽ phải lê la đầu đường xó chợ nào đó bởi các tòa nhà và phương tiện công cộng ở VN thật khủng khiếp đối với người khuyết tật.

Nhưng khi được hỏi tại sao anh đã khuyên các bạn trẻ hãy học tập gương "Uncle Hồ"? Anh cho đây là bí quyết kinh doanh mà đáng lẽ anh không nên chia sẻ. Đại khái là mỗi khi đến một quốc gia nào đó anh thường nhìn vào tờ giấy bạc. Tờ giấy bạc in hình của ai anh chắc chắn sẽ tìm hiểu về người đó. Có người nói với anh ở VN đang có phong trào học tập "tấm gương đạo đức" của người có chân dung trên tờ giấy bạc và anh nghĩ nếu nói điều gì về lãnh tụ của họ có lẽ họ sẽ thích. Ví dụ như nếu sang Bắc Triều Tiên, anh sẽ nói với họ cần học tập theo gương Kim Chính Nhật, Kim Chính Vân v.v...

Khi hỏi anh sẽ còn trở lại Việt Nam? Anh trả lời "Có lẽ là không. Tôi đã nhìn thấy sự thất bại của mình. Thần thánh gì cũng không thể truyền niềm tin và nghị lực cho những người bại não mà không biết mình bại não".

Đó là những câu trả lời của anh Nick. Về phần những người không đồng ý với anh ta thì họ cũng có những nhận định riêng.

Trong bài viết "Chuyện bạn tôi và chuyện đất nước" của một tác giả nọ, ông ấy viết: "Hôm nay người tàn tật nổi tiếng nhất hành tinh - Nick Vujicic được chính quyền cho nói chuyện với nhân dân về khả năng và nghị lực vượt lên chính mình. Tự nhiên họ nhớ đến câu chuyện của bạn bè còn lại ở VN. Ở nước Việt hiện tại đâu thiếu những tấm gương đáng kính để làm cho thế hệ trẻ noi theo. Sao không lấy nó làm hình ảnh cho cuộc sống mai sau. Có phải vì những tấm gương ấy đã không còn phù hợp với mục đích dân vận?"

Nick Vujicic được tiền hô hậu ủng được thuê giá hơn 30 tỷ đồng Việt Nam tương tương 1,5 triệu đô la chỉ 3 ngày đến nói chuyện ở Việt Nam để làm công tác dân vận chỉ lối doanh nhân Việt bằng tinh thần ông Hồ, thì họ cũng thấy rợn người cho cái kiểu kiếm tiền vô nhân đạo của Nick Vujicic. Họ cho rằng cậu Nick Vujicic kiếp này bị không tay không chân, tật nguyền là do quả báo của kiếp trước. Còn với những kẻ đã bỏ tiền ra thuê Nick để làm công tác dân vận trong khi kinh tế suy sụp, nhân dân đói khổ để làm chuyện mà đảng cầm quyền đã không còn lòng tin ở dân nữa, thì quá nhẫn tâm và đừng hòng có một tương lai tử tế. Hãy chống mắt mà xem. Trời luôn có mắt."

Đó là lời kết luận của một người không đồng ý với chuyến đi nói chuyện của người hoàn toàn tàn tật Nick Vujicic./-

* Nguyễn Triệu Việt

.

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...