18 January 2021

Người bạn ...hoa bằng lăng!

Gửi Tôn Thất Tuệ

Theo thời gian cái hừng hực bớt nóng bỏng, cái đam mê bớt ngấu nghiến, cái bực bội chỉ còn là cái chép miệng thở dài,

Cũng may là cái đẹp người ta thích giữ, cái bực bội dễ quên. Có như vậy mới sống được. Sống vui. Vui mà sống. Những cái không vui thì "thây kệ". Trong "Trưa Nắng Nơi Tạm Dung"*, quần áo bám bụi, mồ hôi nhếch nhém, tưởng như cuộc đời chẳng còn gì. Ấy thế mà không ngờ vẫn còn một cành bằng lăng sắc hoa tim tím đang mỉm cười: không phải với gió? nhưng là với ta?

Người mẹ nào lòng cũng bao la. Mẹ thiên nhiên cũng vậy, luôn luôn tìm lời an ủi. Hoa bằng lăng chẳng phải vô tình đứng đó nhưng rõ ràng nhánh hoa được gửi xuống như một lời an ủi, vỗ về những người không còn biết tâm sự cùng ai ngoài chính mình. Nhánh bằng lăng đong đưa tươi vui như thế, vậy mà có người cứ đòi chặt bỏ. Thế mới biết lời an ủi không phải ai cũng biết đón nhận!
"Tôi đau đớn nhìn hai gốc cây đen sì mất trong đống cỏ mục và chính chúng cũng bắt đầu mục. Tôi nhất quyết không bao giờ cho đốn cây bằng lăng."
Một lần nữa tác giả lại bắt gặp hoa bằng lăng nở nơi xứ người. Chúng tôi cùng sống trong một trại tạm giữ hai năm ở Thái Lan trước khi được nhận đi định cư ở nước thứ ba, tôi và anh, người viết những hàng "Trưa Nắng Nơi Tạm Dung" rất chân tình và an nhiên ấy.

Trong "Trưa Nắng Nơi Tạm Dung", những nét mờ nhạt của trại tù cải tạo đã làm nổi bật những cánh hoa bằng lăng tim tím. So với những năm đằng đẵng tù đầy ấy thì nay một vài năm bị tạm giữ nơi đây có đáng chi.

**

Thảm họa và thiên tai. Những toa xe chở dầu trật bánh nổ như những trái bom, thiêu rụi làng xóm. Những cơn mưa tầm tã như thác lũ trút xuống thành phố của miền ôn đới, chưa từng thấy. Lụt lội bất ngờ. Cư dân hoảng hốt ...
"Trong tháng bảy nầy tôi đều gởi email cho các thân hữu ở Canada thăm hỏi. Tôi biết chắc anh cùng các thân hữu ấy đều an toàn trước những thiên tai do lầm lỗi con người hay do thiên nhiên. Nhưng tôi vẫn email để cầu mong tất cả tiếp tục an lành."
Nói là bạn, nhưng về văn chương học thuật anh là bậc thầy. Anh không viết nhiều, nhưng những nhận định của anh về nhiều vấn đề thường rất đúng dắn, chính xác, mang nhiều ý nghĩa khơi mở. Nhiều khi những chia sẻ của anh tựa hồ như những vỗ về an ủi:
"Tôi hay ngắm những bức tranh của anh và tôi thấy có một nét chung: luôn có một yếu tố riêng rẽ giữa một bối cảnh rất nhiều yếu tố chằng chịt với nhau như một lữ hành có cá tính riêng giữa một đám đông; cô đơn mà không cô quạnh."
Mà:
"Sự cô đơn chính là yếu tố quan trọng trong cuộc sống và nghệ thuật"
Suy tư thường đến trong cảnh cô đơn. Nhiều người nghĩ thế, anh nghĩ thế, vì đó là tự nhiên. Rõ ràng cô đơn ở đây, nguồn của sáng tác, chính là một ân huệ chứ không phải một nghịch cảnh. Có thể nào nghĩ rằng nghệ sĩ thường nuông chiều cô đơn, nâng niu nó như một người bạn đường quí giá...

Khúc Ca Nắng Hạ, sơn dầu

Biết rằng có người đứng ngắm tranh mình vẽ đối với họa sĩ đã là một niềm hạnh phúc. Nếu người thưởng ngoạn lại chia sẻ cảm nghĩ thì còn gì vui hơn. Nhưng rất tiếc khi thưởng thức một áng văn thơ, một tác phẩm nói chung, người thưởng ngoạn thường dừng lại không nói ra những cảm xúc hay phân tách khiến tác giả nhiều khi thấy tựa như đã đem kết quả tim óc của mình gắn vào hỏa tiễn phóng lên không trung, không phải để lên mặt Trăng hay vào sao Hỏa mà là lạc vào không gian vô tận.

Buồn thay cất tiếng gọi mà không nghe được tiếng trả lời, đến như cả âm vang của tiếng gọi dội về từ rừng núi cũng không!

Cám ơn anh, người bạn ...hoa bằng lăng.

A.C.La
__________ 
(*) Tùy bút, Tôn Thất Tuệ, đã đăng.

1 comment:

  1. Mến tặng người Nghệ Sĩ chưa từng gặp mặt:

    Xem Tranh "Khúc Ca Nắng Hạ"


    Mỹ nữ đượm buồn mắt trông xa
    Vạt nắng ưu tư sáng chói lòa
    Khúc ca tâm tưởng bờ môi thẳm
    Cô đơn là tiếng của lòng ta.

    SongNhi 2/19/16

    ReplyDelete

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...