27 January 2021

Thư Việt Nam

Cuộc sống này đáng trân trọng biết chừng nào

Em mừng lắm khi nhận được thư anh. Đợi đến cuối tuần, thư thả và tinh thần lắng đọng mới hồi âm cho anh.

Cảm ơn trời đất đã để anh em mình còn sống sót và còn liên lạc được với nhau sau ba mươi tám năm. Trong bấy nhiêu năm đã có biết bao nhiêu ly tan, tao loạn, nước mất nhà tan. Thật tội cho anh đã trải qua sáu năm trong ngục tù cộng sản, những giây phút lênh đênh «năm ăn năm thua» trên biển cả. Thật hãi hùng nhưng vẫn còn may mắn đến được bến bờ tự do. Còn biết bao người khác, trong đó những người thân quen đã chẳng bao giờ đặt chân được đến đất liền. Cảm nhận được mình xấu số nhưng còn may mắn trong số những người xấu số khác để thấy cuộc sống này đáng trân trọng biết chừng nào. Sau một thời gian lưng chừng hơn nửa tuổi thọ của một đời người lại mừng tái ngộ với cố nhân. Cuộc đời thật đẹp anh ạ!

Sau 30 tháng tư, em sống lây lất ở Sài-gòn mấy tháng rồi quay về Ban Mê Thuột với bố mẹ già. Em lập gia đình rồi chôn chặt cuộc đời ở đây không dứt ra được nữa. «Nàng dâu Hành Chánh» khóa 20 là bạn thân với Như Thương thời trung học. Cuộc sống dưới gọng kìm kẹp của cộng sản ở tỉnh nhỏ thật khốc liệt. Thòng lọng lý lịch đè con người miền Nam xuống đáy xã hội, phải cố thẳng lưng ngoi lên tìm chút không khí để thở theo cách riêng của mình. Em đã làm đủ mọi nghề tay chân để tồn tại cùng với nhà em và năm đứa con !!!!!. Năm 1995, Cộng đồng Pháp ngữ tuyển giáo viên dạy ngôn ngữ Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp cho chương trình song ngữ Pháp-Việt, em tham gia như giáo viên dạy toán bằng ngôn ngữ Pháp. Thế là thoát được nghề lao động chân tay vinh quang. Em chuyển về Sài-gòn từ 2007, khi các cháu tìm được học bổng toàn phần của chính phủ Hoa Kỳ và Singapore. Nhẹ gánh gia đình, hiện nay em chuyển sang dạy toán theo chương trình trung học Hoa Kỳ.

Một ngày cách đây mấy năm đang lang thang trên mạng, bất ngờ truy cập vào trang langchai*, cả một khung trời QGHC mở ra trước mắt. Mừng như người trôi dạt bao năm trên biển cả vớ được cái phao to! Mừng nhất là nhận ra tên anh, vui vì anh «được» phục chức «chánh hương hội» hay «tiên chỉ» gì đó em không nhớ. Em say sưa ngắm các bức sơn dầu anh họa. Sao anh tài hoa thế ! Ngày xưa ở Dalat mỗi lần ghé chỗ anh chơi, em thấy anh hay nghe nhạc, em cứ ngỡ anh chỉ thích nhạc thôi. Ngoài ra em còn thích đọc các bài viết của anh Trọng Đạt, đượm mùi thuốc súng, và « Paris có gì lạ không em » của anh Quan Minh. Một ngày ngỡ ngàng khi trang ĐS 14 đột ngột biến mất. Một thời gian dài không bỏ được thói quen vào langchai để rồi lại thẫn thờ khi trang ĐS 14 vẫn trống vắng.

Cảm ơn anh đã cho em truy cập vào tiengthongreo, êm đềm nhưng cũng thê thiết như tiếng thông reo dưới ánh ráng chiều ở Dalat 38 năm trước đây. Đọc bài Đừng khóc tôi, viết cho anh Lại Tịnh Xuyên nghe buồn quá. Don’t cry for me Argentina nghe càng da diết nữa! Em còn cả một kho tàng trong tiengthongreo để thưởng ngoạn, «nhâm nhi» và … bùi ngùi. Năm 2008 em quay lại thăm Dalat. Không gian xưa còn đấy nhưng mọi thứ đã thay đổi nhiều lắm và … không còn thông để mà reo nữa.

Sẽ còn nhiều dịp anh em mình nhắc lại khung trời Dalat. « Jeunesse, adieu, jasmin du temps ! J’ai respiré ton frais parfum. »

(Trích từ thư của một đồng môn, xin miễn hài tên)
__________
(*) "Làng Chài", tên Website của anh chị em CSV Vancouver, Canada, thiết lập từ rất sớm trước cả Web ĐS14, tiền thân của diễn đàn Tiếng Thông Reo. Web "Làng Chài" do đồng môn Vũ Minh Ngọc, ĐS16, chủ xướng, thiết trí và điều hành. (TTR)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...