10 January 2021

Phim Tầu, phim Nhật, phim Hàn

 Trọng Đạt

Người Việt bây giờ mê phim Hàn Quốc
Thập niên 50 khi điện ảnh Á châu còn non kém, người Việt thích xem phim Âu, Mỹ, nhưng dần dần họ thưởng thức phim Tầu, Nhật nhiều hơn vì nền nghệ thuật này đã khá hơn trước và nó gần với người mình hơn, nay họ cũng thích phim Hàn quốc.

Ba nền điện ảnh Trung Hoa, Nhật và Hàn quốc được phổ biến tại nhiều nước Á châu, cả Việt nam cũng như cộng đồng hải ngoại.

Phim Tầu.

Trước hết tôi xin nói về nền nghệ thuật thứ bẩy này, người mình gọi chung phim ảnh do người Trung Hoa thực hiện là phim Tầu gồm phim của Trung Hoa Dân Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hoa Lục (Trung Cộng). Phim Tầu có từ thời thập niên 1920 nhưng sau này mới thịnh hành, người Trung Hoa có một nền văn hóa nghệ thuật cổ lâu đời, khi làm điện ảnh, họ cũng thực hiện được nhiều tác phẩm hay.

Nghề làm phim được du nhập vào Trung Hoa từ 1896, phim (câm) đầu tiên quay năm 1905 (Trận Dingjunshan) tại Thượng Hải, năm 1931 phim nói đầu tiên được thực hiện. Quân Nhật chiếm Thượng Hải 1937, các nhà làm phim di tản xuống Hồng Kông. Những năm 1941-1945 người Nhật kiểm soát kỹ nghệ phim Tầu. Sau Thế chiến thứ hai, Thượng Hải bắt đầu sản xuất phim ảnh, trong đó phim Mùa Xân Tỉnh Nhỏ được ca ngợi cho tới ngày nay.

Phim ảnh của Trung Hoa Dân Quốc nay hầu như không còn vết tích, mất nước vào năm 1949, 1950 nền văn hóa cũ đã bị chế độ Cộng Sản tiêu hủy hết. Năm ngoái tôi đã xem trên youtube và viết bài giới thiệu phim cổ điển đen trắng Mùa Xuân Tỉnh Nhỏ của Trung Hoa Dân Quốc quay năm 1948. Truyện tình cảm động, thanh cao này đã được Hiệp Hội Điện Ảnh Hồng Kông năm 2005 đánh giá là cuốn phim hay nhất mọi thời đại của Trung Hoa. Tiểu Thành Chi Xuân (1948) đã được nhiều người hâm mộ. Năm 2002 hãng phim của Hoa Lục và hai hãng phim Pháp Orly Films, Paradis Films, hãng phim Hòa Lan Fortissimo Films đã hợp tác bỏ vốn để quay lại (remake) cuốn phim xưa cũ này không ngoài mục đích bảo tồn văn hóa.

Phim Tầu Hồng Kông.

Mặc dù chỉ là một thành phố nhượng địa của Anh, với dân số khiêm tốn vài triệu người nhưng Hồng Kông đã giữ một địa vị lớn về sản xuất điện ảnh tại Á châu. Từ nhiều năm, Hồng Kông có nền kỹ nghệ điện ảnh đứng thứ ba trên thế giới sau Ấn Độ và Mỹ và là nước thứ nhì về xuất cảng phim. Đối với Tây phương, phim phổ thông hành động, võ thuật của HK được ưa chuộng và bắt chước dựa theo. Điện ảnh Hồng Kông là một nền nghệ thuật thương mại chú trọng về hài kịch, phim võ thuật không chú trọng hiện thực như Tây phương.

Năm 2010 doanh thu của điện ảnh HK là 1,339 tỷ đô la HK, năm sau 1,379 tỷ.

Lý Tiểu Long sinh tại California, Hoa Kỳ chỉ đóng những vai phụ tại Mỹ, khi hãng Golden Harvest HK hợp tác với Lý và đưa chàng lên đài danh vọng lừng lẫy tiếng tăm. Lý Tiểu Long đã đồng thời phổ biến môn võ Tầu khắp thế giới. Cuối thập niên 70 Golden Harvest là hãng lớn nhất HK đã ký hợp đồng với Jackie Chan, anh này đã khiến doanh thu lên cao trong suốt 20 năm. Phim của Lý phá kỷ lục tiền thu tại HK, ông là người đóng vai chính trong việc mở thị trường ngoại quốc cho HK.

Thập niên 80, đầu thập niên 90 hạt giống từ thập niên 70 nở rộ, nền điện ảnh mới tân kỳ ra đời chiếm thị trường Đông nam Á khiến Tây phương chú ý tới HK. Trên thế giới HK là một trong những nền điện ảnh thịnh vượng, khu vực hoạt động là Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Nam Hàn…Họ cũng mở ra thoạt động bên Tây phương tại những khu Chinatown có nhiều người Hoa. Năm 1990 Điện ảnh HK bị suy thoái một phần do khủng hoảng tài chính tại Á châu, phần vì sản xuất nhiều quá, nay Hoa Lục thực hiện nhiều phim phổ thông cạnh tranh với HK.

Năm 1964 Hồng Kông thực hiện phim Between Tears and Smiles (Nửa Khóc Nửa Cười) đen trắng, tài tử chính Lý Lệ Hoa, được đề cử giải Oscar dành cho phim nói tiếng ngoại quốc nhưng không trúng giải. Thập niên 70 họ thực hiện nhiều phim chống Nhật như Big Sister (Chị Cả, Lý Lệ Hoa) nhất là là phim võ thuật Lý Thiệu Long như Tinh Võ Môn ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm, nghệ thuật trên trung bình.

Hồng Kông cũng thực hiện các loại phim tình cảm xã hội nhưng chú trọng nhiều vào các loại võ thuật, kiếm hiệp vì mục đích thương mại nhiều hơn. Thập niên 1970 điện ảnh Hồng Kông cũng cố gắng quay những phim vĩ đại giống như Ben Hur, Spartacus của Mỹ , hãng Run Run Shaw, Shaw Brothers thực hiện nhiều phim lịch sử Trung Hoa vĩ đại tốn kém như Tây phương. Phim Hồng Kông loại phổ thông đứng đầu tại Á đông nhưng họ không đoạt giải thưởng cao tại các Đại hội điện ảnh quốc tế như Cannes, Venise, Bá Linh.

Thập niên 90 thời kỳ huy hoàng của Hồng Kông với những bộ phim đã làm say mê lôi cuốn nhiều triệu khán giả qua những tác phẩm Kim Dung như Thần Điêu Đại Hiệp quay năm 1995, Tiếu Ngạo Giang Hồ năm 1996, Thiên Long Bát Bộ năm 1997..

Từ khi nhượng địa HK được Anh trao trả về Hoa Lục năm 1997 điện ảnh của họ yếu hơn trước.

Thập niên 50 tại miền nam VN, người mình thích xem phim Âu Mỹ vì nói chung nó hay hơn phim Á châu, nhưng dần dần phim Tầu về mặt phẩm ngày một tiến bộ hơn nên họ có khuynh hướng chuyển sang phim Á đông vì nó gần gũi với người Việt hơn.

Phim Tầu Đài Loan

Từ 1900 tới 1945 Đài Loan là thuộc địa của Nhật, phim ảnh do Nhật kiểm soát. Thập niên 60 Đài Loan được canh tân mạnh, chính phủ chú trọng kinh tế, phát triển, phim ảnh giai đoạn này bị kiểm duyệt, loại phim võ thuật, tình cảm thịnh hành.

Đợt sóng mới 1982-1990. Hãng phim Trung ương Đài Loan trợ giúp các nhà đạo diễn trẻ đợt sóng mới quay lại với hiện thực của đời sống.

Đợt sóng mới 1990-2010. Giai đoạn này bớt nghiêm túc hơn, Lý An là nhà đạo diễn nổi bật nhất, đưa điện ảnh Á châu tới tầm vóc quốc tế. Điện ảnh Đài Loan bị Hồng Kông và Holywood cạnh tranh, người Đài Loan nay thích coi phim Hồng Kông và phim Mỹ, điện ảnh trong nước nay bị phim ngoại quốc chế ngự. Điện ảnh Đài Loan yếu kém từ 1994 cho tới 1997 bị suy sụp, năm 2008 phục hồi với phim Cap N 7 rất ăn khách, doanh thu rất cao, được nhiều giải thưởng, phim ảnh Đài Loan phục hồi sau mười năm trì trệ .

Phim ảnh Đài Loan nghiêng về đời sống, tình cảm, xã hội hơn là võ thuật, kiếm hiệp như Hồng Kông. Mặc dù đảo quốc này dân số đông gần gấp mấy lần Hồng Kông nhưng hoạt động phim ảnh không mạnh bằng. Trước 1975, nhiều người Việt tại miền nam ái mộ các phim tình cảm xã hội Đài Loan. Sau này thập niên 80, 90.. họ phát huy sản xuất các phim bộ nhiều tập dành cho truyền hình, nhiều phim dài hằng trăm tập hay mấy trăm tập nhưng vẫn lôi cuốn khán giả hết ngày này sang ngày khác.

Điện ảnh Đài Loan tuy thua Hồng Kông về phim phổ thông, võ thuật nhưng họ đoạt được khá nhiều giải thưởng cao tại các Đại hội điện ảnh quốc tế. Trên thế giới có nhiều Đại hội điện ảnh nhưng ba Đại Hội điện ảnh quốc tế uy tín và lâu đời nhất là Đại hội Venise (Ý) có từ 1932, sau đó Đại hội Cannes (Pháp) thành lập 1946 và Đại Hội Bá Linh có từ 1951.

Nhà đạo diễn nổi tiếng Lý An, người Mỹ gốc Đài Loan là người Á châu đầu tiên được giải Oscar, Golden Globe (Quả cầu vàng) và giải Hàn Lâm Viện Anh về đạo diễn xuất sắc và là nhà đạo diễn duy nhất được giải Gấu Vàng (Bá Linh) và Sư Tử Vàng (Venise) nhiều lần. Năm 2000 ông thực hiện cuốn phim nổi tiếng Ngọa Hổ Tàng Long.

Lý An được giải Oscar về đạo diễn hai lần khi ông thực hiện các phim Mỹ: năm 2005 (phim Brokeback Mountain) và năm 2012 (phim Life of Pi), phim Brokeback Mountain (Mỹ) cũng đoạt giải Sư Tử Vàng tại Venise, phim Life of Pi (Mỹ) được 3 giải Golden Globe (Mỹ) và 4 giải Oscars.

Phim Đài Loan đoạt giải thưởng lớn tại các Đại hội điện ảnh quốc tế gồm: A City of Sadness, năm 1989, đạo diễn Hou Hsiao Hsien, đây là cuốn phim đầu tiên của Đài Loan đoạt giải Sư tử vàng tại Venise. Năm 2012 phim này được giới phê bình và đạo diễn Tây phương coi là phim hay nhất mọi thời đại

Phim Lust, Caution năm 2007 (đạo diễn Lý An), đoạt giải Sư từ vàng.

Đài Loan cũng đoạt hai giải thưởng ưu hạng tại Đại hội điện ảnh Bá Linh , năm 1993 phim The Wedding Banquet được giải Gấu Vàng, đạo diễn Lý An, mấy năm sau 1996 Lý An lại đoạt giải Gấu Vàng với phim Sense and Sensibility

Điện ảnh Đài Loan về phim phổ thông không dồi dào như Hồng Kông nhưng có tầm vóc quốc tế về phương diện nghệ thuật, đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các đại hội điện ảnh có uy tín trên thế giới.

Phim Tầu Hoa Lục

Sau khi chiếm được toàn cõi Trung Quốc, điện ảnh Hoa Lục (Trung Cộng) chỉ có mục đích tuyên truyền. Năm Khi Việt Minh về tiếp thu Hà Đông Hà Nội năm 1954, chúng tôi có được xem một số phim Trung Hoa đỏ hồi đó như Cờ Hồng Trên Nuí Thúy, Bãi Vàng Bãi Bạc. Những phim này hình ảnh, âm thanh rõ, diễn xuất trung bình nhưng chuyện phim sặc mùi tuyên truyền nên nghệ thuật kém.

Kỹ nghệ điện ảnh Hoa Lục phồn thịnh từ sau Cách mạng văn hóa , cuối thập niên 80 Hoa Lục nới lỏng kiểm duyệt nên các nhà đạo diễn thuộc thế hệ thứ năm như Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou), Trận Khải Ca (Chen Kaige).. thực hiện được nhiều phim giá trị đoạt giải thưởng tại các Đại hội quốc tế. Các nhà đạo diễn thế hệ này đã đóng góp nhiều siêu phẩm cho nghê thuật thứ bẩy, vì được sáng tác tương đối tự do nên họ có cơ hội trổ tài. Thập niên 80, 90.. họ thực hiện nhiều đề tài khác nhau như lịch sử, xã hội, tình cảm… và tránh né những đề tại đương thời, không đụng chạm chính trị, thời sự.

Hoa Lục là một phim trường lớn trên thế giới, về số lượng vào năm 2010 đứng hàng thứ ba. Năm 2012 Hoa Lục trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai trên thế giới về doanh thu. Năm 2014 doanh thu (tiền vé) của Hoa Lục là 29.6 tỷ Nhân dân tệ (tức 4 tỷ 8 US dollars) trong đó phim nội địa thu được 55%.

Phim ảnh nghệ thuật của họ hiện thực, phản ảnh nhiều phong tục tập quán xưa, chú trọng về nội dung thể hiện nhiều cá tính dân tộc rất kỳ lạ, đã lôi cuốn được nhiều khán giả mọi nơi trên thế giới. Tây phương bắt đầu chú ý tới điện ảnh Hoa Lục từ đầu thập niên 90, hai phim được chú ý nhất là Raise The Red Lantern, Đèn Lồng Đỏ Treo Cao quay năm 1991 đạo diễn Trương Nghệ Mưu và Farewell My Concubine, Hạng Võ Biệt Ngu Cơ quay năm 1993, đạo diễn Trần Khải Ca. Raise The Red Lantern mặc dù không được giải thưởng nhưng nổi tiếng đặc biệt, thể hiện những phong tục hủ lậu của nước Tầu xa xưa. Farewell My Concubine là cuốn phim đầu tiên của người Trung Hoa đoạt giải Nhành Dương Liễu Vàng tại Đại hội Cannes (Pháp) và nhiều giải thưởng khác, được giới phê bình điện ảnh Mỹ đánh giá cao.

Dưới đây là những phim Hoa Lục đã đoạt giải thưởng tại các Đại hội điện ảnh quốc tế:

Nhành dương liễu vàng (Pháp)

Farewell My Concubine, giải Nhành dương liễu vàng, Cannes năm 1993, đạo diễn Trần Khải Ca

Sư tử vàng (Ý)

The Story of Qiu Ju, Thu Cúc Đi Kiện, giải Sư tử vàng Venise năm 1992

Not one less, Không Thiếu Đứa Nào, giải Sư tử vàng năm 1999, Trương Nghệ Mưu

Still life, Đời Yên Tịnh, giải Sư tử vàng năm 2006, đạo diễn Jia Zhangke.

Gấu vàng (Bá Linh)

Red Sorghum, Kê Lương Đỏ, giải Gấu vàng năm 1988, Bá Linh, đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Woman Sesame oil maker, giải gấu vàng năm 1992, đạo diễn Xie Fei

Tuya’s Marriage, giải Gấu vàng năm 2007, đạo diễn Wang quan’n

Black Coal, Thin Ice, giải Gấu vàng năm 2014, đạo diễn Diao Yinan

Phim Hoa Lục phản ảnh hiện thực xã hội, có khi lồng vào những tình tiết lãng mạn, éo le. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã đóng góp cho nghệ thuật thứ bẩy qua nhiều đề tài khác nhau. Ngoài những phim được huy chương vàng kể trên, họ Trương cũng thực hiện nhiều phim giá trị khác: Năm 1990, ông thành công với phim Ju dou (Cúc Đậu), đoạt giải ưu hạng Golden Hugo tại Đại hội điện ảnh Quốc tế Chicago kỳ thứ 26

To Live quay năm 1994, (Anh Phải Sống), được giải thưởng của Ban giám khảo Đại hội Cannes 1994 và giải nam diễn viên xuất sắc, cuốn phim đã làm sống lại mấy chục năm lịch sử tang thương đau khổ của nước Trung Hoa cận đại.

Năm 1995 Họ Trương chuyển sang đề tài Mafia, ông hoàn thành phim Shangai Triad, Tam Hoàng Thượng Hải, được giải thưởng hình ảnh đẹp tại Đại hội điện ảnh Cannes và vài giải thưởng của các hiệp hội điện ảnh Mỹ.

Họ Trương thực hiện được nhiều đề tài đặc sắc về lịch sử, xã hội, kinh dị…ông đã khôn ngoan vượt qua kiểm duyệt để nói lên những nỗi đau khổ của con người do sự sai lầm của lịch sử đè nặng lên số phận dân tộc Trung Hoa. Một phần thành công trong sự nghiệp của nhà đạo diễn nổi danh này do sự cộng tác của Củng Lợi, nữ minh tinh đã đóng góp nhiều cho điện ảnh Hoa Lục. Cô xuất hiện trong hầu hết những phim giá trị, nổi tiếng của Trương Nghệ mưu và Trần Khải Ca. Củng lợi đã được chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh vì cô đã đóng góp nhiều cho nghệ thuật thứ bẩy. Không những đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, Củng Lợi cũng được mời làm Chánh chủ khảo tại Đại hội điện ảnh Bá Linh năm 2000. Cô được coi là người đàn bà nổi tiếng thứ nhì tại Hoa Lục sau Giang Thanh.

Điện ảnh Hoa lục cũng thực hiện những phim vĩ đại, tốn kém như The Emperor and The Assassin, Vị Hoàng Đế và Kẻ Thích Khách, đạo diễn Trần Khải Ca, một cuốn phim vĩ đại giá trị

Thập niên 80, 90 họ cũng thực hiện nhiều phim phổ thông về dã sử, kiếm hiệp… nhưng không được bằng Hồng Kong. Hiện nay điện ảnh Hoa Lục đã vượt Hồng Kông về lãnh vực này.

Phim Nhật

Điện ảnh Nhật đã có từ hơn một trăm năm, nước Nhật là một trong những nước có nền kỹ nghệ phim ảnh lâu đời và lớn nhất trên thế giới. Năm 2011 Nhật sản xuất 411 phim (doanh thu 2 tỷ 388 đô la). Nhật bắt đầu làm phim từ 1897 (phim câm). Theo thăm dò Sigh & Sound (nguyệt san điện ảnh của Hàn lâm viện điện ảnh Anh Quốc) Nhật có 8 trong số 12 phim Á Châu hay nhất, trong đó phim Tokyo Story đứng đầu. Nhật đã được bốn lần trúng giải Oscars Mỹ dành cho phim nói tiếng ngoại quốc, Á châu không có nước nào được nhiều Oscars như vậy.

Từ 1897 tới thập niên 1930, thập niên 40 kinh tế xuống khiến điện ảnh Nhật cũng xuống theo, thời kỳ này phim ảnh phục vụ tuyên truyền cho Đế quốc Nhật. Thập niên 1950 hoàng kim của điện ảnh Nhật, ba phim Nhật trong giai đoạn này gồm Rashomon (1951), Bẩy Người Hiệp Sĩ (1954), và Tokyo Story (1953) đã được Sigh & Sound năm 2002 (qua thăm dò giới phê bình và đạo diễn) xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại (best film of all time) trên thế giới

Ba phim Rashomon, Bẩy Người Hiệp Sĩ và Ugetsu (1953) cũng đã đươc xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại (all time best) theo ý kiến các nhà đạo diễn quốc tế 1992 (Sight and Sound international film director poll 1992).

Trước thế chiến thứ hai nước Nhật ít liên hệ với ngoại quốc mấy nên điện ảnh Nhật ít được biết tới. Năm 1951, phim Rashomon (Lã Sanh Môn) do Akira Kurosawa thực hiện đoạt giải Sư tử vàng tại Venise và năm sau được giải Oscar của Hàn lâm viện Mỹ dành cho phim ngoại quốc. Siêu phẩm này đã được ca ngợi khắp nơi trên thế giới, Tây Phương bắt đầu chú ý tới điện ảnh Nhật từ sau Rashomon. Từ 1952 các nhà đạo diễn Nhật lên tinh thần họ làm nhiều phim đi dự giải và đoạt nhiều giải thưởng tại các Đại hội điện ảnh quốc tế.

Xin liệt kê dưới đấy những phim Nhật đã đoạt huy chương vàng tại các Đại hội quốc tế

Giải Nhành Dương Liễu Vàng tại Cannes (Pháp)

-Địa Ngục Môn, 1954 đạo diễn Kinugasa, phim mầu Eastman color đầu tiên

-Kagemusha, 1980, đạo diễn Akira Kurosawa

-La Ballade de Marayama, 1983, đạo diễn Imamura

-Con Lươn, 1997, đạo diễn Imamura

Giải Sư Tử Vàng (Ý)

-Rashomon, 1951, đạo diễn Akira Kurosawa

-Người Phu Xe, 1958, Hiroshi Inagaki

Giải Gấu vàng, Bá Linh

-Bushido: The Cruel Code of the Samurai, 1963, đạo diễn Tadashi Imai

-Spirietd Away, 2002, đạo diễn Miyazaki

Trong số các nhà đạo diễn nổi tiếng của Nhật thập niên 50 như Kinugasa (Địa Ngục Môn, 1954), Mizoguchi (Ugetsu, 1953), Kon Ichikawa (Hạc Cầm Miến Điện 1956).. chỉ có Akira Kurosawa được giới phê bình và đạo diễn Tây phương kính nể. Ông đã được các nhà phê bình điện ảnh Mỹ coi như nhà đạo diễn lớn nhất thế giới và là người có nhiều ảnh hưởng nhất với điện ảnh thế giới.

Bà Pauline Kael, nhà phê bình điện ảnh của báo New Yorker viết “có lẽ Kurosawa là nhà làm phim hiện đại lớn nhất (Kurosawa is perhaps the greatest of all contemporary film craftmen…) . Kevin Thomas nói Kurosawa được nhiều người coi như nhà đạo diễn lớn nhất thề giới (báo Los Angeles times), Theo Kevin Thomas các nhà đạo diễn lớn của Mỹ như Steven Spielberg, George Lucas, Francis Cappole, Martin Scorses…đều công nhận Kurosawa là người có nhiều ảnh hưởng nhất với điện ảnh Mỹ cũng như điện ảnh thế giới (primal influence).

Akira Kurosawa sinh 1910 mất 1998 tại Đông Kinh, bắt đầu làm phim từ 1942 nay đã được khoảng 30 cuốn nhưng chỉ vào khoảng hơn 10 cuốn được chiếu tại ngoại quốc, hầu hết là giá trị. Đa số các phim của ông do tài tử nổi tiếng Toshiro Mifune thủ vai chính, dưới đây là một số tác phẩm của Akira đã chiếu tại VN và Mỹ (tôi đã được xem)

-Rashomon 1951, Sư tử vàng

-Bẩy Người Hiệp Sĩ, 1954 giải Sư tử bạc

-Ngai Vàng Đẫm Máu, 1957 dựa theo vở MacBeth của Shakespear.

-Thành Trì Ẩn Khuất, 1958 giải Gấu Bạc

-Yojimbo, 1962, giải nam diễn viên xuất sắc tại Venice .

-Kagemusha, 1980 giải Nhành Dương Liễu Vàng

-Ran, 1985 dựng lại vở King Lear, đạo giải Oscar về trang phục.

Như đã nói trên, Nhật có khoảng ba, bốn phim được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại mà riêng Kurosawa đã có hai phim (Rashomon và Bẩy Người Hiệp Sĩ). Các phim của ông được nhiều nước đem quay lại (remake) đa số xin phép Akira nhưng cũng có vài trường hợp không. Có khoảng gần 20 phim quay lại của Kurosawa gồm Mỹ, Ý, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan, ở đây tôi không kể những phim Nhật. Ngoài ra có nhiều phim chịu ảnh hưởng của Kurosawa phần nhiều của Mỹ.

Rashomon có 3 phim remake

-Outrage, Mỹ 1956, quay lại, đạo diễn Marin Ritt, tài tử Paul Newman, Claire Bloom.

-L’année Dernìere à Marienbad, phim Pháp, 1961chịu ảnh hưởng nặng của Rashomon, được Sư Tử Vàng 1962.

-Năm 1960 đạo diễn Mỹ Sidney Lumet cũng quay lại phim Rashomon dành cho truyền hình.

Phim Bẩy Người Hiệp Sĩ quay 1954 là cuốn phim được giới phê bình Mỹ quí trọng và ca ngợi nhiều nhất, có ít nhất bẩy (7) phim quay lại từ Bẩy Người Hiệp Sĩ.

-The Mangificent Seven, 1960, phim Mỹ đạo diễn tài danh John Sturges (người đã thực hiện phim miền tây nổi tiếng Gunfight At OK Corral 1957) các tài tử nổi tiếng Yul Brynner, Horst Bucholz, Charles Bronson, Jame Coburn. Phim remake nhưng không xin phép tác giả Akira (unauthorized)

-The Return of The Magnificent Seven, 1966, phim Mỹ đạo diễn Burt Kennedy, cũng tài tử trọc Yul Brynner

-Gun of The Magnificent Seven, 1969, phim Mỹ, đạo diễn Paul Wonkos, tài tử George Kennedy, Jame Whitmore.

-Battle Beyond the Stars1980, phim Mỹ, đạo diễn Murakani và Roger Korman. Không xin phép tác giả (unauthorized)

-Seven Warriors, 1989, phim Hồng Kông, đạo diễn Terry Tong

-The Magnificent Seven, 1998, Mỹ, đạo diễn Geof Murphy, tài tử Micheal Bien, Eric Close

-Samurai 7, 2004, phim Mỹ-Nhật dành cho TV, đạo diễn Takizawa

Năm 1960 John Sturges thực hiện Magnificent Seven, Bẩy Chàng Dũng

Sĩ, sau đó năm 1966 rồi 1969, 1998 người ta tiếp tục quay lại vì thấy đề tài ăn khách.

Ngoài ra phi miền tây Wild Bunch, 1969, đạo diễn Peckinpah được các nhà phê bình coi như chịu ảnh hưởng của Bẩy Người Hiệp Sĩ.

Phim Yojimbo cũng đã được quay lại hai lần .

-A Fisful of Dollars (Một nắm dô la), 1964, phim Ý-Tây Ban Nha- Đức, đạo diễn Ý nổi tiếng Sergio Leone , tài tử Clint Eastwood , Mariannae Koch.

Đây là cuốn phim cao bồi kiểu Ý nổi tiếng, được coi như một cuộc cách mạng trong đề tài cao bồi miền tây. A Fisful of Dollars bắt chước Yojimbo gần như hoàn toàn nhưng không xin phép tác giả Akira. Phim này rất ăn khách khiến Akira Kurosawa viết thư cho Sergio Leone khen hay và nói đã bắt chước theo phim của ông và đòi chia tiền bản quyền. Cuối cùng thưa ra pháp đình, tòa xử Akira được 15% tiến doanh thu phim này trên thế giới.

-Last Man Standing, 1996, phim Mỹ, đạo diễn Walter Hill, tài tử nổi tiếng Bruce Willis, đề tài băng đảng Mafia Texas, có xin phép tác giả.

Thành Trì Ẩn Khuất (The Hiden Fortress) có một phim quay lại.

-The Last Day of Hsianyangaka, 1968, Phim Hồng Kông Đài Loan đạo diễn Fu Di Lin.

Phim Kagemusha, 1980 có một phim quay lại.

-Masquerade, 2012, Nam Hàn, đạo diễn Chang-min Choo, không xin phép tác giả

Nói chung có vào khoảng 20 phim quay lại của Kurosawa chưa kể nhiều phim chịu ảnh hưởng của ông như cuốn phim nổi tiếng Star Wars (Mỹ)

Điện ảnh Nhật cũng thực hiện phim lịch sử vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành có chiếu ở Sài Gòn thập niên 60, nay họ cũng quay được nhiều đề tài tình cảm, xã hội có ý nghĩa.

Nhật cũng thực hiện nhiều phim bình dân phổ thông từ thập niên 60, họ đua đòi theo Tây phương qua nhiều đề tài găng tơ, cờ bạc, bắn giết … nhưng phẩm chất kém đôi khi rẻ tiền thua xua phim Hồng Kông, Đài Loan.

Người Việt thích xem phim nghệ thuật của Nhật thập niên 50, 60 nhưng không chuộng loại phim phổ thông bình dân của họ như phim Tầu có thể vì phong tục tập quán khác lạ hơn.

Phim Hàn

Triều Tiên trước 1945 là thuộc địa Nhật, sau Thế chiến thoát khỏi ách nô lệ nhưng đất nước bị chia đôi. Tại Nam Hàn từ 1953 phim ảnh được chính phủ nâng đỡ không đánh thuế. Thập niên 50 điện ảnh Hàn Quốc tăng cả về phẩm lẫn lượng, những năm đầu thập niên 50 chỉ sản xuất có 5 phim nhưng tới 1959 đã quay được 111 phim, từ 1960-1961 được tự do sáng tác. Khi Park Chung Hee lên giữ chức Tổng thống năm 1962, chính phủ kiểm soát phim ảnh nghiêm ngạt, phim nhập cảng cũng như trong nước bị hạn chế. Số phim quay hàng năm giảm từ 71 xuống còn 16.

Giai đoạn phục hồi từ 1973-1979 trong khi giai đoạn trước là mùa đông của điện ảnh Hàn quốc.

Từ 1997 tới nay điện ảnh Hàn quốc phục hồi, cuối thập niên 90 doanh thu phim khá hơn phim Mỹ vì chính phủ hạn chế nhập cảng phim ngoại quốc. Sau đó vì muốn ký hiệp ước thương mại với Mỹ chính phủ lại cho nhập cảng phim, nay tại Đông nam Á, Nam Hàn cũng như nhiều nước rất sợ Holywood cạnh tranh. Hàn quốc xuất cảng sang Mỹ một năm 2 triệu đô trị giá trong khi nhập phim Mỹ lên tới 36 triệu. Từ 1997, phim Hàn Quốc thịnh hành không những ở Hàn quốc mà cả Á Châu.

Năm 1999, phim Shiri nói về gián điệp Bắc Hàn âm mưu đảo chính tại Hán Thành bán được hai triệu vé tại Hán Thành còn vượt cả Titanic của Mỹ. Thập niên 2000, doanh thu điện ảnh Hàn quốc rất cao, các phim như JSA, My Sassy Girl, Silmido được hàng chục triệu người coi.

Năm 1987 phim The Surrogate woman, Người Đàn Bà Đẻ Thuê được giải diễn viên nữ xuất sắc tại Venice, Ý. Thập niên 2000 Hàn Quốc thực hiện một số phim nghệ thuật có nhiều nét độc đáo như Xuân, Hạ, Thu, Đông năm 2003, phim này khá nổi tiếng, Scent of Summer (2003) một truyện tình lãng mạn, Cây Cung (The Bow), năm 2005.

Về phương diện nghệ thuật Hàn quốc đã thực hiện được một số phim hay nhưng không có tầm vóc quốc tế như điện ảnh Nhật, Hoa Lục, Đài Loan và không được giới phê bình điện ảnh Tây phương chú ý. Từ trước tới nay Nam Hàn chỉ được một giải thưởng huy chương vàng duy nhất: Giải Sư tử vàng (Ý) với phim Pietà, năm 2012, đạo diễn Kim Ki Duk

Nay Hàn Quốc thực hiện nhiều phim phổ thông với nhiều đề tài đa dạng về tình cảm, xã hội, gián điệp, võ thuật, thời phong kiến xa xưa… Lối làm phim của họ mới hơn điện ảnh Tầu không dựa trên luân lý cổ. Mặc dù phong tục tập quán cũng như lối sống không gần với Việt Nam bằng Trung Hoa nhưng phim Hàn lại được người mình hâm mộ trong khoảng hơn mười năm trở lại đây.

Họ khai thác những ưu điểm như tài tử đẹp một phần nhờ giải phẫu thẩm mỹ, trang phục mỹ thuật, phong cảnh hữu tình, nhạc đệm du dương….Phim tình cảm, xã hội Hàn quốc thường nhẹ nhàng hơn phim Tầu, đó là những ưu điểm mà phim Hàn đã được thịnh hành ở trong nước cũng như tại hải ngoại.

Điện ảnh Việt Nam nay quay lại nhiều phim Hàn, gần đây Sao Đổi Ngôi một phim tình cảm xã hội quay lại (remake) nhẹ nhàng, dễ thương, tài tử Việt Nam đóng giỏi nhưng nó cho thấy nội dung câu chuyện từ một xã hội khác xa lạ hơn.

© Trọng Đạt

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...