Anh bước vào giai đoạn lú lẫn (Alzheimer) ở cuối đời. Mấy năm nay anh đã thay đổi rất nhiều. Bắt đầu anh quên quên nhớ nhớ, tiếp đến là anh dễ xúc động, anh hay khóc. Mấy năm trước, nghe cô bạn đọc Thơ của anh, anh cười, anh nhớ lại, đọc tiếp theo, chỉ độ một năm sau đó, anh không đọc theo nữa, anh chỉ nghiêng đầu lắng nghe, rồi bật khóc.
Hình như anh biết được người kia vừa nói ra những câu gì rất thân yêu, rất thân thuộc với mình và điều đó làm anh xúc động, anh khóc rưng rức.
Chị lại nhỏ nhẹ dỗ anh:
- Nín đi, nín đi, Thơ của anh, cô ấy nhớ đấy mà, phải vui chứ.
Anh nghe chị, ngoan như em bé, lau nước mắt, bằng mấy ngón tay, rồi cười, một nụ cười rất thơ trẻ.
Những năm kế tiếp, anh bắt đầu quên mặt họ hàng, quên mặt những người bạn thân, anh chỉ nhớ có chị thôi. Anh 85 tuổi, chị 80 tuổi. Hai vợ chồng già sống với nhau, con trai, con gái đều có gia đình. Đứa ở xa, đứa ở gần cũng vậy thôi. Một năm tụ họp gia đình đôi ba lần vào dịp Lễ, Tết.
Khi anh mới bắt đầu lãng quên, sức khỏe anh vẫn còn tốt, sáng sáng chị chở anh tới Gym. Chị bơi lội, anh ngồi ngoài nắng hóng mặt trời. Chị đi chợ, đi tới nhà bạn họp mặt luôn luôn có anh đi theo. Mỗi ngày anh một chậm hơn và quên nhiều hơn nhưng anh vẫn tự lo được vệ sinh cho mình, chị chỉ cần nhắc.
Rồi bỗng một ngày anh không làm gì một mình được nữa, chị phải phụ anh. Cơ thể chị nhỏ quá so với anh, chị không thể khênh vác, tắm gội cho anh được.
Anh bắt đầu ngu ngơ như một đứa trẻ còn mặc tã, mà anh đang mặc tã thật, chị không thể nào khênh, đỡ anh làm những việc vệ sinh cá nhân cho anh. Chị gọi con, con trai chị từ Tiểu bang xa về tìm Home Care để gửi Bố vào.
Tìm mãi mới được một nơi gần nhà, Mẹ chỉ lái xe có 8 phút là thăm được Bố. Số tiền hơi cao, nhưng để con lo.
Con ở lại thêm vài ngày nữa yên tâm có chỗ tốt cho Bố mà Mẹ không phải đi xa, muốn thăm Bố lúc nào cũng được.
Chị ngậm ngùi:
- Ừ thôi con về nhà với vợ, con đi.
Mấy hôm có con, chị yên tâm. Con đi rồi, chị một mình trống trải, thấy căn nhà của mình sao nó rộng mênh mông thế này, căn nhà không có anh bỗng tự nhiên thành xa lạ, giống như chính chị cũng vừa dọn vào một ngôi nhà mới, chị buồn trống cả hồn. Buổi tối đi ngủ chị nghĩ tới anh ở nhà mới với những người xa lạ chắc anh còn buồn hơn chị bây giờ. Thương anh quá, chị mong sao cho đến sáng để vào thăm anh.
Anh đã ở nhà mới được hai tuần, mỗi ngày chị tới thăm, người ta không cho chị vào hẳn phòng anh, ngay cả phòng khách cũng chưa được vào vì đang thời Đại Dịch, họ đưa anh ra ngoài hàng hiên, nơi đó có sẵn mấy cái ghế cho anh chị ngồi gặp nhau. Chị thấy anh sạch sẽ, tươm tất chị cũng mừng, nhưng mỗi lần thấy anh hiền lành như một đứa trẻ ngoan, chị lại mủi lòng.
Sao anh thay đổi nhanh thế! Gặp chị anh không vui, chị đứng lên về anh không buồn, trên nét mặt anh chị không thấy một cảm xúc nào, anh nhìn chị như nhìn cái cây hay bức tường trước mặt, ánh mắt anh không vui, không buồn.
Con chim sẻ sà xuống sân cỏ trước mặt hai người, chị cầm tay anh lay lay, chỉ anh, anh nhìn mà như không nhìn, ánh mắt anh không biểu lộ một cảm xúc nào.
Khi tới thăm anh, chị cứ đinh ninh là khi anh bước ra, thấy chị, ánh mắt anh sẽ sáng lên, miệng anh sẽ mỉm cười và khi chị bịn rịn chia tay về, ánh mắt anh sẽ buồn buồn, tay anh sẽ nắm chặt tay chị. Nhưng không, anh thản nhiên đứng lên đi vào, không hề quay đầu lại.
Chị không thấy anh khổ, không thấy anh buồn hay vui. Hình như anh không còn cảm giác buồn vui nữa. Sao anh thay đổi nhanh thế!
Chị nghĩ tới ba tháng mùa Đông sắp tới, người ta đã cho chị biết là sẽ không có thăm viếng vì trời lạnh người già yếu không thể ra ngoài hiên được và thân nhân vẫn chưa được quyền vào bên trong, nếu đại dịch vẫn còn.
Chị nghĩ tới nét mặt vô cảm xúc của anh, nghĩ tới hình ảnh anh đi vào không hề quay đầu lại và chị đứng ứa nước mắt nhìn theo dáng cái lưng im lặng của anh khuất sau cánh cửa.
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó, chị cũng không được nhìn thấy, mặc dù nó vẫn hiện hữu.
Bất giác chị ôm mặt mình nấc lên.
Trần Mộng Tú
No comments:
Post a Comment