21 January 2021

Để Ta Nhớ Về Nhau Với Niềm Yêu Thương Chứ Không Phải Bằng Nỗi Đau!

Bà là một góa phụ lớn tuổi, chồng bà đã qua đời sau một tai nạn xe hơi. Kể từ đó, bà sống khép kín, không khóc than, không tâm sự với bất kỳ ai về cái chết của chồng. Hầu như ngày nào, bà cũng ngồi nhìn ra cửa sổ một cách vô định, không nấu ăn, không chăm sóc khu vườn và cả bản thân của mình nữa.

Con gái bà đã tìm mọi cách giúp mẹ vượt qua tình trạng bế tắc này nhưng thật vô vọng. Nhiều bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị chứng trầm cảm của bà nhưng vẫn hoài công, và đến một ngày người con gái dẫn bà tới gặp một bác sĩ tâm lý.

Lúc đầu, bà và bác sĩ chỉ ngồi quan sát nhau mà không trò chuyện. Trông bà khá trẻ so với cái tuổi bảy mươi, nhưng dường như trong bà không còn chút sức sống.

Người bác sĩ bắt đầu gợi chuyện, hỏi tại sao bà lại đến đây.

– Chồng tôi đã mất – Im lặng một lúc, bà nói tiếp – Các con tôi muốn tôi được khuây khỏa sau cái chết của cha chúng. Nhưng không ai có thể hiểu được cả.

– Tôi hiểu bà như mất đi một nửa cuộc sống của mình. Chỉ có chồng bà mới hiểu được nỗi mất mát ấy. Và cũng chỉ ông ấy mới biết được cuộc sống của hai người trước đây đã hạnh phúc đến nhường nào. – Bác sĩ nói.

Bà quay lại nhìn bác sĩ, đôi mắt màu nâu đen của bà không có một tia sáng nào cả.

– Nếu như lúc này ông ấy đang có mặt tại đây, bà sẽ nói gì?

Bà nhìn bác sĩ một lúc lâu rồi từ từ nhắm mắt lại. Bà bắt đầu nói – như thể đang nói với người chồng thân yêu của mình – về cuộc sống của bà từ khi không có ông. Bà kể cho ông nghe cảm giác của bà khi phải tự mình làm mọi việc mà trước đây hai người cùng làm. Bà cảm thấy thật sự khó khăn khi phải chấp nhận rằng ông thực sự không còn nữa. Bà thấy rằng còn nhiều điều bà chưa kịp làm và chia sẻ cùng ông… Và bà đã khóc, bà khóc rất nhiều như chưa bao giờ được khóc.

Đợi bà qua cơn xúc động, bác sĩ hỏi liệu có còn điều gì mà bà chưa nói với ông không. Bà bảo rằng bà rất giận ông vì ông đã để bà phải sống một mình khi về già, rằng ông đã không thực hiện lời hứa với bà.

– Ông ấy đã dạy cho tôi biết thế nào là tình yêu cuộc sống… – Bà tiếp tục kể. Vị bác sĩ vô cùng xúc động và ngạc nhiên khi nghe câu chuyện tình lãng mạn của hai người.

– Giả sử ông ấy đang ngồi đây, trước mặt bà, là tôi đây. Ông ấy sẽ hỏi bà điều gì về cuộc sống của bà trong suốt hai năm qua? – Bác sĩ hỏi.

– Anh ấy sẽ hỏi tôi “Tại sao em lại nhớ anh bằng một nỗi đau đớn vô bờ và hành hạ bản thân mình như vậy? Điều mong muốn lớn nhất trong cuộc đời của anh là mang đến cho em niềm vui mà”. Khi nói xong điều đó, một tia sáng hiếm thấy lấp lánh trong ánh mắt bà. Bà dường như được trở về với chính mình hai năm trước đó.

Qua lần trò chuyện đó, bà dần hiểu rằng không phải cứ đau buồn đắm chìm trong ký ức và giam mình trong một cuộc sống khép kín mới là tưởng nhớ đến nhau. Khoảng một năm sau, bà gửi cho bác sĩ tâm lý một tập gồm các bài viết trích từ tờ báo địa phương về tổ chức từ thiện mà bà đang tham gia – trong đó có những người như bà – cùng lời đề tặng: “Từ trong tuyệt vọng, tôi đã quyết định nhổ neo, căng buồm và lướt sóng ra khơi”.

Đứng trước mỗi một nỗi đau, mất mát nào đó, chúng ta dường như phải lựa chọn cuộc sống một lần nữa. Chúng ta không bắt buộc phải quên đi mọi thứ, nhưng thời gian sẽ chữa lành tất cả, để ta nhớ về nhau với niềm yêu thương chứ không phải bằng nỗi đau!

Helen Keller 

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...