Mùa mưa năm 1978.
Mưa đã già lắm rồi sâu trong rừng già Phước Long. Khởi đầu tiếng hạt mưa rơi nhẹ trên mái nứa của lán chúng tôi như tiếng thầm thì khêu gợi của một người con gái trong đêm khuya tĩnh lặng mời gọi một cuộc sum vầy ân ái. Quả thật chúng tôi còn trẻ lắm, mới quá nửa tuổi hai mươi chớ mấy! Sinh lực vẫn còn tràn trề trong những tấm thân ốm đói. Tiếng gọi như từ thiên thu vọng về vẫn chập chờn trong những giấc mộng vật vã hằng đêm, và thỉnh thoảng vẫn gặp những cơn mơ bùng nổ mạnh mẽ giải thoát cho những ức chế tình dục trong những tấm thân trai trẻ. Giật mình tỉnh dậy với cái cảm giác bàng hoàng, mở mắt nhìn vào bóng đêm mông lung dầy đặc bao phủ quanh mình và các bạn say ngủ cạnh mình, cơn sảng khoái bất chợt dịu nhẹ dần xuống trong một nỗi hoang mang nghĩ đến ngày về. Không biết bao giờ mới tới cái ngày ấy đây nhỉ? Thôi thì cứ đành để số phận mình trôi theo dòng đời đầy bất trắc trong nỗi đày đoạ tâm hồn.
Rồi nương theo gió rừng già sâu thẳm, những giọt mưa ngày càng nặng hạt. Mưa xối xả đến mịt mù trời đất. Những hạt mưa li ti lách qua khe hở của mái nứa lọt vào chỗ nằm của chúng tôi như một màn sương mỏng. Thôi cũng đành chịu trận chớ biết sao giờ.
Mưa sầm sập đổ xuống hết ngày nầy qua ngày khác. Đường rừng đất đỏ trơn như mỡ nên những chuyến tiếp tế hiếm hoi từ thị trấn đã lâu rồi không còn ghé lại chỗ chúng tôi. Chắc cũng hơn 3 tháng rồi. Thực phẩm đã cạn kiệt từ lâu, ngay cả đến những hạt muối cần thiết cũng đã là một món hàng khan hiếm.
Lúa rẫy thì chúng tôi trồng và thu hoạch chất đầy “khẳm ben” trong mấy cái kho để ven rừng, mỗi cái chứa được chắc khoảng 10 tấn. Kho được làm theo kiểu nhà sàn của người Thượng để tránh ẩm mốc và chuột bọ.
Hơn tháng nay, suất ăn hằng ngày của chúng tôi khi thì vài trái bắp còi cọc, khi thì vài củ khoai mì bằng cổ tay nhạt thếch. Hoàn toàn không có những hạt muối đậm đà. Tay chân đã bắt đầu run rẩy không kiểm soát được. Khát muối đến độ nếu vét được vài hạt muối hột còn sót lại, nhấm nháp với mấy củ khoai mì mà tôi nghe cái vị ngọt ngào của nó thấm đến tận cổ họng. Kỳ diệu thật!
Tất cả những rẫy bắp và khoai mì muôn trùng vây quanh chỗ chúng tôi đều tự tay mình phá rừng làm rẫy mới có được một màu xanh mướt trong mưa như bây giờ. Trong rừng già xanh thẳm thì không hiếm những thân cây ba bốn người ôm, nhưng chúng tôi chỉ được phát cho mỗi người chỉ có cái lưỡi rựa không. Đành lấy quần áo cũ quấn chuôi rựa lại mà phát mà chặt thôi. Dao rựa xài một thời gian đương nhiên phải cùn, nhưng lấy cái gì mà mài mà dũa? Cũng đành dang hết chút sức còm cõi ra. Hạ một cái cây rừng nếu trước đây chỉ cần 8 thành công lực thì nó sẽ đổ xuống, thì bây giờ ta xài luôn tới 12 thành công lực. Rồi cũng xong!
Làm A trưởng của một nhóm 15 “ông lớn”(sic), tôi thường phân công 12 tay đi trước để dọn dẹp sạch những cây nhỏ và cái đám dây leo chằng chịt cho rộng chỗ. Tôi và 2 tay “vạm vỡ” đi sau để thanh toán nốt những cây to còn lại. Chỉ tiêu cho mỗi đầu người là 600 mét vuông mỗi ngày. Sau khi đo đạc cắm mốc xong, tôi tính toán tiến độ làm việc như thế nào để buổi trưa chúng tôi vẫn có một giấc ngủ trưa trong rừng sâu dưới những tán cây râm mát. Đến buổi chiều khi nghe tiếng súng AK 50 nổ đoàng một cái, chúng tôi tập họp kiểm quân tại cửa rừng, anh chàng Đội trưởng đi quan sát lại phần đất được giao trong ngày. Hoàn thành chỉ tiêu rồi mới lếch thếch kéo nhau vể lán. Đố có ông vệ binh nào dám vác súng vào rừng để kiểm tra chúng tôi. Đã có trường hợp một vệ binh bị chém giật mất súng. Ngày hôm đó quả là một kỷ niệm hãi hùng với bọn chúng tôi.
Cái đói thường trực ám ảnh chúng tôi đến xanh cả mắt. Đi làm cỏ cho bắp, tôi lén bẻ những trái bắp non mới nhú những sợi xanh tơ như của một cô gái mới dậy thì mà cắn nuốt cả cùi để phi tang. Những hạt bắp non nó béo béo và có mùi như sữa. Sữa gì thì không phân định được rõ ràng. Ôi! Cái đầu nhạy cảm của tôi sao mà nhiều liên tưởng thế? Hết buổi lao động, mấy chục thằng “lon lá” phải xếp hàng để vệ binh lục túi coi có dấu trái bắp nào đem về không? Nhục thiệt!
Mình mày mò xới đất trồng rau, đắp đất vun vồng trồng khoai lang, mỗi chiều đi rẫy về hô hào anh em trong A ráng mỗi người vác một cây lồ ô về dựng quanh lán làm giàn trồng mướp. Rồi mỗi ngày phải xách từng thùng nước leo xuống leo lên một con dốc đứng múc nước suối tưới tắm cho chúng. Không ai nói gì cả. Đến khi có thể thu hoạch thì được tuyên bố: “Tất cả phải đem vào bếp lớn ăn chung, không được phép sử dụng cho cá nhân”.
Ừ, chung thì chung. Dại gì mà có ý kiến phản bác, chỉ tổ sanh hoạ.
Nhưng trong đầu đã toan tính cả. Đợi những đêm trời mưa tầm tã, vệ binh rúc hết vào chăn ấm, khoảng 3-4 giờ sáng ta bèn hành sự. Sáng mai thì ruộng rau muống chỉ còn trơ gốc, vồng khoai lang khi đào lên thì chỉ có đám dây khoai lằng nhằng, giàn mướp thì khi không ban đêm bị quạ về xơi tái hết.
Đi rừng công tác lẻ ngang qua rẫy bắp luôn thủ sẵn một cái bao cát Mỹ. Đố có thằng nào dám bẻ một trái bắp trộm, vì luôn luôn có cặp mắt quan sát của vệ binh trên chuồng cu. Nhưng tôi thì cóc có sợ. Đang đi thì bỗng dưng bị tụt quai dép râu hoặc bị muỗi cắn phải khum xuống. Mỗi lần như vậy thì một trái bắp đã bị lọt vào bao. Tới bìa rừng đi gom mớ củi khô đốt lên nướng bắp. Chao ôi! Cần gì phải phết mỡ hành lên trái bắp nướng mới thơm ngon? Khét một chút nhưng sao mà nghe ngọt lịm tới tận chân răng!
Đang ngồi chồm hổm thưởng thức những trái bắp nướng ngon lành thì nghe có tiếng chân sột soạt gần tới. Cả đám bung chạy tán loạn, chui rúc vào những bụi cây như cái đám gà rừng con khi thoáng thấy bóng người. Tôi bảo tụi mầy trốn đi, để mình tao ngồi đây chịu cho. Chớ bọn nó tới mà không thấy một bóng người sẽ lùng sục bắt ra hết cả đám. Hoá ra chỉ là một toán công tác lẻ như chúng tôi. Vậy là mấy thằng mới cũng sà vào thưởng thức bữa đại tiệc bắp nướng ngon thấu trời.
Kể thêm một chút về trái bắp ăn cắp. Ngày nọ, chúng tôi được lịnh lên Sư Đoàn bộ lãnh gạo. Mỗi thằng lấy cái quần sọc dưa tàn dư của tụi pilot Mỹ ở khách sạn Hilton Hà Nội phát cho. Cột thắt dây lưng lại, đổ khoảng 10 ký gạo vào hai ống quần rồi thắt gút lại. Cho cái quần nằm chễm chệ trên vai như cõng đứa con nít đem về. Ngang qua rẫy bắp ven đường ngồi nghỉ chân. Một thằng đói quá lén bò vào rẫy bẻ trộm một trái. Vệ binh trên chòi trông thấy hô đứng lại. Hãi quá, hắn bèn lòn trong rẫy chạy trốn. Thế là một phát đạn AK 50 được gởi theo. Oan nghiệt thay! Đầu đạn không ghim vào kẻ tội đồ mà lại tìm đến một thằng khác ngồi bên vệ đường. Chết ngay tại chỗ. Chúng tôi phản đối bằng cách để xác chết nằm cạnh vệ đường suốt một ngày để Ban Chỉ Huy làm việc với tay vệ binh. Nhưng sự phản đối chỉ như gửi vào cõi thinh không, bởi tay vệ binh xác định người chết là kẻ ăn cắp. Ăn cắp thì bị trừng trị thích đáng mới giữ được kỷ luật đám tội phạm đặc biệt nầy. Tên tội đồ ấy chắc phải ray rứt trong lòng hết cả một đời.
Đã có một bài hát ra đời trong Trại để nói về nỗi mất mát đau thương nầy. Trong Trung Đoàn tội phạm hàng binh của chúng tôi có hơn 20.000 ông kẹ gồm 11 Tiểu đoàn. Có một nhóm “những người chịu chơi” tập họp lại thành lập một ban nhạc sống, phần đông ở Tiểu Đoàn 8. Chỉ có một cái đàn guitar thùng là nhạc cụ duy nhất làm bằng những miếng ván ép Mỹ còn sót lại và dây đàn được đánh lại bằng những sợi dây điện thoại của quân đội. Thế mà cây lục huyền cầm ấy so dây nắn phím nghe cũng hay hay, tuy nó không phải là tiếng vọng từ trên trời rơi xuống đầy hoa bướm mà giống như tiếng vọng từ dưới âm ti địa ngục vọt lên như hoà điệu với những nỗi khắc khoải của đám tù. Mỗi chiều Chủ Nhật được nghỉ ngơi, ban nhạc sống nầy lần lượt du ca qua các Tiểu đoàn để hát lại những lời xưa cũ, những mộng ước mong manh tan vỡ, những nhớ nhung khuất lấp, những mong đợi mỏi mòn. Và chỉ có cái đám “những con người cũng chịu chơi” mới dám tụ họp kín đáo mà nghe những giai điệu thổn thức tâm hồn ấy thôi!
Một lần được phân công đi nhổ khoai mì về ăn trừ cơm ở khoảng rẫy rất xa, thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu đấy. Đến chuyến thứ hai thì bước đi đã không vững, một tay lười biếng đã lẻn vào đám rẫy gần lán để nhổ. Vệ binh phát hiện, chú chàng hoảng hốt bỏ chạy làm rơi chiếc dép râu. Thế là tập họp điểm danh quân số. Chú chàng “sợ chạy mất dép” kia lòi ra ngay. Mời "ngài" lên Tiểu đoàn khung làm việc. Chẳng biết làm việc theo kiểu gì, khoảng 2 tiếng sau chúng tôi được gọi lên để khiêng cái xác hồn còn thoi thóp ấy về. Chú bị thảy xuống hầm sâu để làm cái việc gì không biết (cái chữ “sụp hầm” xài ở đây thật đúng nghĩa trọn vẹn). Khiêng về nằm đúng 10 ngày liệt giường mới bò dậy nổi mà húp chén cháo.
Để nói về một chuyến “ăn cắp của mình” thú vị nhất của tôi. Bắp trồng cho chúng tôi ăn thì họ đưa giống bắp loại thức ăn gia súc, hạt nó cứng ngắc. Phần bắp trồng riêng cho họ thì lấy giống bắp nếp mềm ngọt. Bắt chúng tôi phá rẫy trồng kề bên Trung Đoàn bộ.
Lần đó, chúng tôi được phân công một toán 8 người lên cất cho họ một cái nhà khoảng 120 mét vuông. Tôi và 3 tay nữa lãnh phần vào rừng đốn cây rồi lần lượt khiêng về. 4 tay còn lại thì lo lột vỏ, đẽo cột đẽo kèo dựng lên sườn nhà. Xong nhiệm vụ của mình, ngó quanh ngó quất thì đám bắp nếp đang độ thu hoạch lọt vào tầm ngắm của tôi. Rón rén một mình, tôi lần tới đám bắp non tơ đang độ xuân thì hơ hớ kia. Nhanh tay quơ vội khoảng chục trái cho vào trong áo treillis. Đang lui cui không để ý chung quanh thì nghe tiếng người, thấp thoáng 3 cán bộ Trung đoàn đang bước về phía tôi. Hoảng hốt, tôi chuồn ngay mà chưa kịp xoá đi dấu vết phạm tội. Những vỏ bắp còn vương vải khắp mặt đất thế kia mà.
Tháo chạy một đỗi, tôi chui vào một bụi lồ ô um tùm ngồi thụp xuống. Kéo cái áo nhà binh ra khỏi quần, tôi bắt đầu xử lý mấy trái bắp vừa ăn cắp. Má ơi! Một con rắn nhỏ bằng chiếc đũa đang phùng mang ở cái đầu hình tam giác “nghinh” tui. Biết là rắn độc, tui quơ cây đánh đuổi. Thế mà nó lại chạy vòng sang bên kia bụi lồ ô chờ đón. Đành phải dọn tiệm qua chỗ khác thôi! Nói dặm thêm một chút chỗ nầy. Cái giống rắn nó cực kỳ nhanh nhẹn dù chúng chẳng có chân. Một lần ban đêm tôi đi ngao du qua Tiểu Đoàn bạn, trên đường về chập choạng thì tao ngộ với một chú rắn dài khoảng 1 mét tám lớn bằng cườm tay. Bắt chước như người thượng, đi rừng lúc nào chúng tôi cũng phải có cái rựa vác trên vai. Cuộc tao ngộ làm tôi hồn phi phách tán thoáng qua. Định tâm lại, tôi đè cái cán rựa trên vai mạnh xuống, nhắm giữa thân con rắn to lớn ấy mà làm một nhát cực nhanh và cực mạnh. Ấy vậy mà con rắn như có mắt trên lưng, ngoắc đuôi một cái nó đã thoát khỏi lưỡi rựa trên đà lao xuống. Thiên nhiên quả kỳ bí thiệt!
Chuyện tiếp. Tôi bắt đầu tách từng hạt bắp nhỏ xíu trắng nỏn cho vào trong hai túi áo vì không thể khơi khơi mang một chùm bắp về nhà. Vừa xong thì nghe tiếng hú tập họp chỗ dựng nhà. Chết cha! Vậy là 3 tay cán bộ kia đã phát hiện kẻ đạo tặc rồi. Tập họp quân để kiểm tra đây. Tôi đành ngậm ngùi trút hết những hạt bắp trong túi áo ra ngoài đất về mình không để phi tang. Hoá ra không phải. Toán dựng nhà đã xong công việc. Gọi tập trung lại để đi về. Hú hồn! Tôi đành phải kiếm cớ xin 5 phút đi “gài mìn”. Trở lại chỗ cũ hốt vội vàng mấy hạt bắp trắng nỏn hồi nãy mà giờ thì đã tèm lem đất đỏ cho trở lại vào túi áo. Một phi vụ thành công!
Buổi chiều về trại, tôi lúi húi rửa sạch những hạt bắp rồi cho vào “cống” đút vào đám lửa đỏ rực của bếp lớn. “Cống” là một cái lon bằng tôle tự gò theo kiểu cái gà mèn đựng cơm có nắp đậy ở trên. Cái “cống” nầy cũng có một câu chuyện. Nguyên đi ngang bãi tha ma của người dân tộc Stiêng ở Phước Long, có một tấm tôle lạnh của Mỹ mà người nhà dùng che cái mả mới chôn. Thằng nào nhìn cũng thèm rỏ dãi mà đố có ai dám lấy vì biết chắc lấy của người chết về xài sẽ mang tai họa. Tôi thì chắc coi trời “bằng vung” nên mạnh dạn bước trên một thân cây ngã ngang dòng suối tới tấm tôle hấp dẫn kia “thó” liền.
Đem về nhờ anh bạn gò hai cái “cống”, hai cái sô xách nước mini. Tao một mầy một. Rõ ràng là chẳng bao lâu sau đó, cả hai thằng đều bị một trận bịnh nặng nằm liệt giường cả tháng trời. Lúc nằm trên giường một mình trong lúc các bạn đã đi lao động hết, tôi mới nhận ra là bầu trời “bao la” thiệt.
Đang chổng khu xoay trở cái “cống” trên ngọn lửa lớn, quản giáo từ khung xuống tập họp trại để quán triệt tình hình trời ơi đất hỡi gì đó. Đành bỏ đó mà chạy lên sân tập họp ngay. Tôi ngồi nghe mà lòng nóng còn hơn ngọn lửa lớn trong lò. Xong buổi quán triệt hơn 30 phút, tôi chạy như bay xuống nhà bếp. Lấy cây củi khêu ra thì hỡi ơi! Cái “cống” của tôi nó đã dòn rụm giống tờ giấy bạc trong bao thuốc lá sau khi đã đốt lên, và mấy hạt bắp thân yêu của tôi đã trở thành một đám than vụn lổn nhổn đen thui. Thẫn thờ ngồi nhìn kết quả một cuộc ăn cắp của mình gian truân đến thế mà bây giờ đã “xôi hỏng, bỏng không”.
Tôi muốn nhỏ xuống vài giọt “nước mắt cá sấu” ngậm ngùi quá!
Những câu chuyện kể của tôi gởi đến các bạn không phải là cái cách “dè bĩu quá khứ” đâu. Cũng chỉ là muốn trưng ra một mảng màu tối của bức tranh đời để làm nổi bật phần sáng sủa lên thôi. Như thế mình mới có một cái nhìn lạc quan mà vui sống chứ!
Thử nghĩ mà coi, nếu chỉ toàn màu hồng, màu xanh thì hoá ra đó chỉ là một bức vẽ của trẻ con ư?
HÙNG BI
Mưa đã già lắm rồi sâu trong rừng già Phước Long. Khởi đầu tiếng hạt mưa rơi nhẹ trên mái nứa của lán chúng tôi như tiếng thầm thì khêu gợi của một người con gái trong đêm khuya tĩnh lặng mời gọi một cuộc sum vầy ân ái. Quả thật chúng tôi còn trẻ lắm, mới quá nửa tuổi hai mươi chớ mấy! Sinh lực vẫn còn tràn trề trong những tấm thân ốm đói. Tiếng gọi như từ thiên thu vọng về vẫn chập chờn trong những giấc mộng vật vã hằng đêm, và thỉnh thoảng vẫn gặp những cơn mơ bùng nổ mạnh mẽ giải thoát cho những ức chế tình dục trong những tấm thân trai trẻ. Giật mình tỉnh dậy với cái cảm giác bàng hoàng, mở mắt nhìn vào bóng đêm mông lung dầy đặc bao phủ quanh mình và các bạn say ngủ cạnh mình, cơn sảng khoái bất chợt dịu nhẹ dần xuống trong một nỗi hoang mang nghĩ đến ngày về. Không biết bao giờ mới tới cái ngày ấy đây nhỉ? Thôi thì cứ đành để số phận mình trôi theo dòng đời đầy bất trắc trong nỗi đày đoạ tâm hồn.
Rồi nương theo gió rừng già sâu thẳm, những giọt mưa ngày càng nặng hạt. Mưa xối xả đến mịt mù trời đất. Những hạt mưa li ti lách qua khe hở của mái nứa lọt vào chỗ nằm của chúng tôi như một màn sương mỏng. Thôi cũng đành chịu trận chớ biết sao giờ.
Mưa sầm sập đổ xuống hết ngày nầy qua ngày khác. Đường rừng đất đỏ trơn như mỡ nên những chuyến tiếp tế hiếm hoi từ thị trấn đã lâu rồi không còn ghé lại chỗ chúng tôi. Chắc cũng hơn 3 tháng rồi. Thực phẩm đã cạn kiệt từ lâu, ngay cả đến những hạt muối cần thiết cũng đã là một món hàng khan hiếm.
Lúa rẫy thì chúng tôi trồng và thu hoạch chất đầy “khẳm ben” trong mấy cái kho để ven rừng, mỗi cái chứa được chắc khoảng 10 tấn. Kho được làm theo kiểu nhà sàn của người Thượng để tránh ẩm mốc và chuột bọ.
Hơn tháng nay, suất ăn hằng ngày của chúng tôi khi thì vài trái bắp còi cọc, khi thì vài củ khoai mì bằng cổ tay nhạt thếch. Hoàn toàn không có những hạt muối đậm đà. Tay chân đã bắt đầu run rẩy không kiểm soát được. Khát muối đến độ nếu vét được vài hạt muối hột còn sót lại, nhấm nháp với mấy củ khoai mì mà tôi nghe cái vị ngọt ngào của nó thấm đến tận cổ họng. Kỳ diệu thật!
Tất cả những rẫy bắp và khoai mì muôn trùng vây quanh chỗ chúng tôi đều tự tay mình phá rừng làm rẫy mới có được một màu xanh mướt trong mưa như bây giờ. Trong rừng già xanh thẳm thì không hiếm những thân cây ba bốn người ôm, nhưng chúng tôi chỉ được phát cho mỗi người chỉ có cái lưỡi rựa không. Đành lấy quần áo cũ quấn chuôi rựa lại mà phát mà chặt thôi. Dao rựa xài một thời gian đương nhiên phải cùn, nhưng lấy cái gì mà mài mà dũa? Cũng đành dang hết chút sức còm cõi ra. Hạ một cái cây rừng nếu trước đây chỉ cần 8 thành công lực thì nó sẽ đổ xuống, thì bây giờ ta xài luôn tới 12 thành công lực. Rồi cũng xong!
Làm A trưởng của một nhóm 15 “ông lớn”(sic), tôi thường phân công 12 tay đi trước để dọn dẹp sạch những cây nhỏ và cái đám dây leo chằng chịt cho rộng chỗ. Tôi và 2 tay “vạm vỡ” đi sau để thanh toán nốt những cây to còn lại. Chỉ tiêu cho mỗi đầu người là 600 mét vuông mỗi ngày. Sau khi đo đạc cắm mốc xong, tôi tính toán tiến độ làm việc như thế nào để buổi trưa chúng tôi vẫn có một giấc ngủ trưa trong rừng sâu dưới những tán cây râm mát. Đến buổi chiều khi nghe tiếng súng AK 50 nổ đoàng một cái, chúng tôi tập họp kiểm quân tại cửa rừng, anh chàng Đội trưởng đi quan sát lại phần đất được giao trong ngày. Hoàn thành chỉ tiêu rồi mới lếch thếch kéo nhau vể lán. Đố có ông vệ binh nào dám vác súng vào rừng để kiểm tra chúng tôi. Đã có trường hợp một vệ binh bị chém giật mất súng. Ngày hôm đó quả là một kỷ niệm hãi hùng với bọn chúng tôi.
Cái đói thường trực ám ảnh chúng tôi đến xanh cả mắt. Đi làm cỏ cho bắp, tôi lén bẻ những trái bắp non mới nhú những sợi xanh tơ như của một cô gái mới dậy thì mà cắn nuốt cả cùi để phi tang. Những hạt bắp non nó béo béo và có mùi như sữa. Sữa gì thì không phân định được rõ ràng. Ôi! Cái đầu nhạy cảm của tôi sao mà nhiều liên tưởng thế? Hết buổi lao động, mấy chục thằng “lon lá” phải xếp hàng để vệ binh lục túi coi có dấu trái bắp nào đem về không? Nhục thiệt!
Mình mày mò xới đất trồng rau, đắp đất vun vồng trồng khoai lang, mỗi chiều đi rẫy về hô hào anh em trong A ráng mỗi người vác một cây lồ ô về dựng quanh lán làm giàn trồng mướp. Rồi mỗi ngày phải xách từng thùng nước leo xuống leo lên một con dốc đứng múc nước suối tưới tắm cho chúng. Không ai nói gì cả. Đến khi có thể thu hoạch thì được tuyên bố: “Tất cả phải đem vào bếp lớn ăn chung, không được phép sử dụng cho cá nhân”.
Ừ, chung thì chung. Dại gì mà có ý kiến phản bác, chỉ tổ sanh hoạ.
Nhưng trong đầu đã toan tính cả. Đợi những đêm trời mưa tầm tã, vệ binh rúc hết vào chăn ấm, khoảng 3-4 giờ sáng ta bèn hành sự. Sáng mai thì ruộng rau muống chỉ còn trơ gốc, vồng khoai lang khi đào lên thì chỉ có đám dây khoai lằng nhằng, giàn mướp thì khi không ban đêm bị quạ về xơi tái hết.
Đi rừng công tác lẻ ngang qua rẫy bắp luôn thủ sẵn một cái bao cát Mỹ. Đố có thằng nào dám bẻ một trái bắp trộm, vì luôn luôn có cặp mắt quan sát của vệ binh trên chuồng cu. Nhưng tôi thì cóc có sợ. Đang đi thì bỗng dưng bị tụt quai dép râu hoặc bị muỗi cắn phải khum xuống. Mỗi lần như vậy thì một trái bắp đã bị lọt vào bao. Tới bìa rừng đi gom mớ củi khô đốt lên nướng bắp. Chao ôi! Cần gì phải phết mỡ hành lên trái bắp nướng mới thơm ngon? Khét một chút nhưng sao mà nghe ngọt lịm tới tận chân răng!
Đang ngồi chồm hổm thưởng thức những trái bắp nướng ngon lành thì nghe có tiếng chân sột soạt gần tới. Cả đám bung chạy tán loạn, chui rúc vào những bụi cây như cái đám gà rừng con khi thoáng thấy bóng người. Tôi bảo tụi mầy trốn đi, để mình tao ngồi đây chịu cho. Chớ bọn nó tới mà không thấy một bóng người sẽ lùng sục bắt ra hết cả đám. Hoá ra chỉ là một toán công tác lẻ như chúng tôi. Vậy là mấy thằng mới cũng sà vào thưởng thức bữa đại tiệc bắp nướng ngon thấu trời.
Kể thêm một chút về trái bắp ăn cắp. Ngày nọ, chúng tôi được lịnh lên Sư Đoàn bộ lãnh gạo. Mỗi thằng lấy cái quần sọc dưa tàn dư của tụi pilot Mỹ ở khách sạn Hilton Hà Nội phát cho. Cột thắt dây lưng lại, đổ khoảng 10 ký gạo vào hai ống quần rồi thắt gút lại. Cho cái quần nằm chễm chệ trên vai như cõng đứa con nít đem về. Ngang qua rẫy bắp ven đường ngồi nghỉ chân. Một thằng đói quá lén bò vào rẫy bẻ trộm một trái. Vệ binh trên chòi trông thấy hô đứng lại. Hãi quá, hắn bèn lòn trong rẫy chạy trốn. Thế là một phát đạn AK 50 được gởi theo. Oan nghiệt thay! Đầu đạn không ghim vào kẻ tội đồ mà lại tìm đến một thằng khác ngồi bên vệ đường. Chết ngay tại chỗ. Chúng tôi phản đối bằng cách để xác chết nằm cạnh vệ đường suốt một ngày để Ban Chỉ Huy làm việc với tay vệ binh. Nhưng sự phản đối chỉ như gửi vào cõi thinh không, bởi tay vệ binh xác định người chết là kẻ ăn cắp. Ăn cắp thì bị trừng trị thích đáng mới giữ được kỷ luật đám tội phạm đặc biệt nầy. Tên tội đồ ấy chắc phải ray rứt trong lòng hết cả một đời.
Đã có một bài hát ra đời trong Trại để nói về nỗi mất mát đau thương nầy. Trong Trung Đoàn tội phạm hàng binh của chúng tôi có hơn 20.000 ông kẹ gồm 11 Tiểu đoàn. Có một nhóm “những người chịu chơi” tập họp lại thành lập một ban nhạc sống, phần đông ở Tiểu Đoàn 8. Chỉ có một cái đàn guitar thùng là nhạc cụ duy nhất làm bằng những miếng ván ép Mỹ còn sót lại và dây đàn được đánh lại bằng những sợi dây điện thoại của quân đội. Thế mà cây lục huyền cầm ấy so dây nắn phím nghe cũng hay hay, tuy nó không phải là tiếng vọng từ trên trời rơi xuống đầy hoa bướm mà giống như tiếng vọng từ dưới âm ti địa ngục vọt lên như hoà điệu với những nỗi khắc khoải của đám tù. Mỗi chiều Chủ Nhật được nghỉ ngơi, ban nhạc sống nầy lần lượt du ca qua các Tiểu đoàn để hát lại những lời xưa cũ, những mộng ước mong manh tan vỡ, những nhớ nhung khuất lấp, những mong đợi mỏi mòn. Và chỉ có cái đám “những con người cũng chịu chơi” mới dám tụ họp kín đáo mà nghe những giai điệu thổn thức tâm hồn ấy thôi!
Một lần được phân công đi nhổ khoai mì về ăn trừ cơm ở khoảng rẫy rất xa, thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu đấy. Đến chuyến thứ hai thì bước đi đã không vững, một tay lười biếng đã lẻn vào đám rẫy gần lán để nhổ. Vệ binh phát hiện, chú chàng hoảng hốt bỏ chạy làm rơi chiếc dép râu. Thế là tập họp điểm danh quân số. Chú chàng “sợ chạy mất dép” kia lòi ra ngay. Mời "ngài" lên Tiểu đoàn khung làm việc. Chẳng biết làm việc theo kiểu gì, khoảng 2 tiếng sau chúng tôi được gọi lên để khiêng cái xác hồn còn thoi thóp ấy về. Chú bị thảy xuống hầm sâu để làm cái việc gì không biết (cái chữ “sụp hầm” xài ở đây thật đúng nghĩa trọn vẹn). Khiêng về nằm đúng 10 ngày liệt giường mới bò dậy nổi mà húp chén cháo.
Để nói về một chuyến “ăn cắp của mình” thú vị nhất của tôi. Bắp trồng cho chúng tôi ăn thì họ đưa giống bắp loại thức ăn gia súc, hạt nó cứng ngắc. Phần bắp trồng riêng cho họ thì lấy giống bắp nếp mềm ngọt. Bắt chúng tôi phá rẫy trồng kề bên Trung Đoàn bộ.
Lần đó, chúng tôi được phân công một toán 8 người lên cất cho họ một cái nhà khoảng 120 mét vuông. Tôi và 3 tay nữa lãnh phần vào rừng đốn cây rồi lần lượt khiêng về. 4 tay còn lại thì lo lột vỏ, đẽo cột đẽo kèo dựng lên sườn nhà. Xong nhiệm vụ của mình, ngó quanh ngó quất thì đám bắp nếp đang độ thu hoạch lọt vào tầm ngắm của tôi. Rón rén một mình, tôi lần tới đám bắp non tơ đang độ xuân thì hơ hớ kia. Nhanh tay quơ vội khoảng chục trái cho vào trong áo treillis. Đang lui cui không để ý chung quanh thì nghe tiếng người, thấp thoáng 3 cán bộ Trung đoàn đang bước về phía tôi. Hoảng hốt, tôi chuồn ngay mà chưa kịp xoá đi dấu vết phạm tội. Những vỏ bắp còn vương vải khắp mặt đất thế kia mà.
Tháo chạy một đỗi, tôi chui vào một bụi lồ ô um tùm ngồi thụp xuống. Kéo cái áo nhà binh ra khỏi quần, tôi bắt đầu xử lý mấy trái bắp vừa ăn cắp. Má ơi! Một con rắn nhỏ bằng chiếc đũa đang phùng mang ở cái đầu hình tam giác “nghinh” tui. Biết là rắn độc, tui quơ cây đánh đuổi. Thế mà nó lại chạy vòng sang bên kia bụi lồ ô chờ đón. Đành phải dọn tiệm qua chỗ khác thôi! Nói dặm thêm một chút chỗ nầy. Cái giống rắn nó cực kỳ nhanh nhẹn dù chúng chẳng có chân. Một lần ban đêm tôi đi ngao du qua Tiểu Đoàn bạn, trên đường về chập choạng thì tao ngộ với một chú rắn dài khoảng 1 mét tám lớn bằng cườm tay. Bắt chước như người thượng, đi rừng lúc nào chúng tôi cũng phải có cái rựa vác trên vai. Cuộc tao ngộ làm tôi hồn phi phách tán thoáng qua. Định tâm lại, tôi đè cái cán rựa trên vai mạnh xuống, nhắm giữa thân con rắn to lớn ấy mà làm một nhát cực nhanh và cực mạnh. Ấy vậy mà con rắn như có mắt trên lưng, ngoắc đuôi một cái nó đã thoát khỏi lưỡi rựa trên đà lao xuống. Thiên nhiên quả kỳ bí thiệt!
Chuyện tiếp. Tôi bắt đầu tách từng hạt bắp nhỏ xíu trắng nỏn cho vào trong hai túi áo vì không thể khơi khơi mang một chùm bắp về nhà. Vừa xong thì nghe tiếng hú tập họp chỗ dựng nhà. Chết cha! Vậy là 3 tay cán bộ kia đã phát hiện kẻ đạo tặc rồi. Tập họp quân để kiểm tra đây. Tôi đành ngậm ngùi trút hết những hạt bắp trong túi áo ra ngoài đất về mình không để phi tang. Hoá ra không phải. Toán dựng nhà đã xong công việc. Gọi tập trung lại để đi về. Hú hồn! Tôi đành phải kiếm cớ xin 5 phút đi “gài mìn”. Trở lại chỗ cũ hốt vội vàng mấy hạt bắp trắng nỏn hồi nãy mà giờ thì đã tèm lem đất đỏ cho trở lại vào túi áo. Một phi vụ thành công!
Buổi chiều về trại, tôi lúi húi rửa sạch những hạt bắp rồi cho vào “cống” đút vào đám lửa đỏ rực của bếp lớn. “Cống” là một cái lon bằng tôle tự gò theo kiểu cái gà mèn đựng cơm có nắp đậy ở trên. Cái “cống” nầy cũng có một câu chuyện. Nguyên đi ngang bãi tha ma của người dân tộc Stiêng ở Phước Long, có một tấm tôle lạnh của Mỹ mà người nhà dùng che cái mả mới chôn. Thằng nào nhìn cũng thèm rỏ dãi mà đố có ai dám lấy vì biết chắc lấy của người chết về xài sẽ mang tai họa. Tôi thì chắc coi trời “bằng vung” nên mạnh dạn bước trên một thân cây ngã ngang dòng suối tới tấm tôle hấp dẫn kia “thó” liền.
Đem về nhờ anh bạn gò hai cái “cống”, hai cái sô xách nước mini. Tao một mầy một. Rõ ràng là chẳng bao lâu sau đó, cả hai thằng đều bị một trận bịnh nặng nằm liệt giường cả tháng trời. Lúc nằm trên giường một mình trong lúc các bạn đã đi lao động hết, tôi mới nhận ra là bầu trời “bao la” thiệt.
Đang chổng khu xoay trở cái “cống” trên ngọn lửa lớn, quản giáo từ khung xuống tập họp trại để quán triệt tình hình trời ơi đất hỡi gì đó. Đành bỏ đó mà chạy lên sân tập họp ngay. Tôi ngồi nghe mà lòng nóng còn hơn ngọn lửa lớn trong lò. Xong buổi quán triệt hơn 30 phút, tôi chạy như bay xuống nhà bếp. Lấy cây củi khêu ra thì hỡi ơi! Cái “cống” của tôi nó đã dòn rụm giống tờ giấy bạc trong bao thuốc lá sau khi đã đốt lên, và mấy hạt bắp thân yêu của tôi đã trở thành một đám than vụn lổn nhổn đen thui. Thẫn thờ ngồi nhìn kết quả một cuộc ăn cắp của mình gian truân đến thế mà bây giờ đã “xôi hỏng, bỏng không”.
Tôi muốn nhỏ xuống vài giọt “nước mắt cá sấu” ngậm ngùi quá!
Những câu chuyện kể của tôi gởi đến các bạn không phải là cái cách “dè bĩu quá khứ” đâu. Cũng chỉ là muốn trưng ra một mảng màu tối của bức tranh đời để làm nổi bật phần sáng sủa lên thôi. Như thế mình mới có một cái nhìn lạc quan mà vui sống chứ!
Thử nghĩ mà coi, nếu chỉ toàn màu hồng, màu xanh thì hoá ra đó chỉ là một bức vẽ của trẻ con ư?
HÙNG BI
No comments:
Post a Comment