Nguyễn Thanh Bạch
“Chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong vì lẽ cái giá phải trả cho loại hoà bình đó là ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau”(1).
Lời nói trên đây của Cựu Tống thống Hoa kỳ Ronald Reagan, tôi không mong muốn nó đúng 100%. Vì, nếu lời tiên đoán nầy đúng 100%,“ngàn năm tăm tối cho thế hệ sinh ra tại VN về sau”, thì tương lai của đất nước Việt Nam sẽ rất mờ mịt.Chắc chắn là tôi và những người VN cùng thế hệ với tôi sẽ không còn hi vọng sống còn cho đến lúc quốc gia VN có một ngày mai tươi sáng.
Thoả Hiệp Paris - hay nói cho chính xác hơn - Thoả Hiệp Hoà bình Paris (Paris Peace Accords-Accords de Paix de Paris) được ký kết ngày 27 tháng giêng năm 1973.
Với Thoả Hiệp Paris, vùng trời tự do của miền Nam bắt đầu có những đám mây mù che phủ, báo hiệu một tương lai đen tối cho tổ quốc Việt Nam.
Cựu Tổng thống Reagan, khi đề cập đến Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam, cho rằng thỏa hiệp nầy, thuộc vào loại “indesirable”, không nên có, cần phải tránh trong tương lai (2).
Diễn biến của các cuộc đàm phán, các chuyến “đi đêm” của ông Kissinger, đưa đến Hiệp định Paris đã nói lên thái độ của Chính phủ Hoa kỳ vào thời đó là muốn rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt.
Có thể nói Hiệp đình Paris là khởi đầu cho những biến cố đưa đến ngày 30 tháng tư năm 1975, là ngày quốc gia Việt Nam Cộng hoà bị xoá sổ, vì sự phản bội của người bạn đồng minh Hoa kỳ.
Hiệp định Paris có dự trù một cuộc tổng tuyển cử.
Về phía VNCH, để có thể tổ chức tổng tuyển cử, điều kiện tiên quyết là CS Bắc Việt phải hoàn toàn rút quân khỏi miền Nam. Đó là điều mà họ không bao giờ chấp nhận.
Về phía CS, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam đòi thả tất cả những người Cộng sản đang bị giam giữ và hai bên sẽ chọn người tham gia Hội đồng Quốc gia Hoà giải Dân tộc, gồm có ba thành phần : VNCH, MTGP và Lực Lượng thứ ba (không được VNCH đồng ý vì thân Cộng), chứ không bầu. Sau đó, Hội đồng đứng ra tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp cho miền Nam.
Từ ngày 19 tháng 3 năm 1973, hai bên gặp nhau tại hội nghị La Celle Saint-Cloud nhưng không đi đến đâu. Về phía Hoa kỳ, sau khi rút quân, tại Hoa kỳ, dân chúng không còn tha thiết đến sự sống còn của miền Nam VN nữa.. Chính phủ Hoa kỳ không còn hổ trợ đắc lực VNCH như trước, do thái độ tiêu cực của Quốc hội. Ngoài ra, ngay sau khi HH Paris được ký kết, Chính phủ Hoa kỳ còn đề nghị viện trợ cho VNDCCH (Hà nội) 3250 triệu đô la, còn thêm từ 1000 đến 1500 triệu đô la về thực phẩm và những nhu cầu khác nếu Hả nội thi hành nghiêm chỉnh HĐ Paris.
Trong khi đó, chiến tranh vẫn tiếp diễn. Phía CS Hà nội vẫn đựợc khối CS tiếp tục chi viện dồi dào; trong khi đó, về phía VNCH, Quốc hội HK giảm dần viện trợ quân sự. Ngày 29/6/1973, Quốc hội HK thông qua dự luật viện trợ cho nước ngoài,kèm theo môt tu chính án của hai nghị sĩ Clifford Case và Frank Church, qui định : Không có một kinh phí nào để yểm trợ trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ, trên không hoặc ngoài bờ biển Cam bốt, Lào, Bắc và Nam VN. Theo nhận xét của tuớng Westmoreland, đạo luật nầy đã “hoàn toàn trói tay tổng thống; ông ta chẵng có thể thực hiện được bất cứ một biện pháp phòng vệ nào ở Đông Nam Á”.
Theo đề nghị của HK, từ 17/5 đến 13/6/1973, Kissinger và Lê đức Thọ trở lại bàn họp ở Paris để “tìm cách cải thiện việc thi hành HĐ Paris”. TT Nixon đã nhiều lần khuyến cáo TT Thiệu thi hành HĐ Paris, không nên quá cứng rắn (như việc không chấp nhận Lực lượng thứ ba thiên Cộng), gởi nhiều bức thư xoa dịu, cam kết hoặc hăm doạ về nguy cơ bị Quốc hội HK cắt đứt viện trợ . Trong vòng ba tuần lễ, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/1973, TT Nixon đã gởi cho TT Thiệu 9 bức thư, mục đích là yêu cầu chấp nhận bản tuyên cáo chung Kissingger-Lê đức Thọ. Lá thư cuối cùng, ngày 13/6/1973, có lời lẽ gay gắt như sau : “Nếu Ngài tiếp tục từ chối thì coi như Ngài khước từ toàn bộ chính sách của tôi vẫn hằng ủng hộ Ngài, quí chính phủ và quí quốc. Tôi sẽ bắt buộc phải chiều ý Quôc hội và công luận HK chỉ yểm trợ vừa đủ những nhu cầu có tính cách nhân đạo cho nhân dân miền Nam. Chẳng cần phải nói dài dòng, nỗ lực của chúng tôi trên toàn cõi Đông dương sẽ chấm dứt.” TT Thiệu đành phải chấp nhận sau khi TT Nixon có lời cam két là sẽ trả đủa nếu BV vi phạm HĐ. Bản tuyên cáo chung được 4 bên ký kết (ngoại trưởng Trần văn Lắm đại dịện VNCH) ngày 13/6/1973, gồm có 14 điẻm mà HK và BV thỏa thuận để thi hành đúng đắn 21 điều khoản của HĐ Paris 1973.
Mối giao hảo giữa Lập pháp và Hành pháp HK càng ngày càng xấu. Phó TT Agnew phải từ chức, thêm vụ Watergate. Lợi dụng thời cơ, CS Hà nội ban hành lệnh tấn công ngày 15/10/1973, cho rằng VNCH đã lấn chiếm các vùng “giải phóng”.
Đồng thời, VNCH còn phải đối đầu với nhiều áp lực từ phía “bạn”. Ngày 15/11/1973, Hạ viện Mỹ ấn định mức viện trợ tối đa cho VNCH là 1126 triệu đô la so với 2270 triệu của tài khóa trước. Sau đó, Quốc hội Mỹ còn cắt giảm thêm, chỉ còn 900 triệu.
Ngày 6/5/1974, Thượng viện HK bỏ phiếu chấp thuận Tu chính án Kennedy : cấm sử dụng ngân khoản để chi dùng cho các nước Đông Nam Á. Họ cho rằng viện trợ cho VNCH chỉ kéo dài chiến tranh. TNS Edward Kennedy, người chủ xướng việc cắt viện trợ cho VNCH, tuyên bố : “Nếu không đặt trọng tâm vào việc thi hành những mục tiêu chính trị của HĐ Paris (thành lập Hội đồng quốc gia hoà giải, tổ chức tổng tuyển cử) thì những món tiền chi tiêu cho VNCH
không phải để cứu nạn nhân chiến tranh hay kiến thiết xứ sở mà chỉ để cho chính phủ VNCH kéo dài chiến tranh.”
Ở ngay trong nước, các nhóm đối lập đã vô tình tiếp tay cho CS. Các linh mục thiên tả biểu tình chống tham nhũng, các nhà sư thiên tả, các ký giả, báo chí đối lập nổi lên, tiếp tay gây thêm khó khăn cho Chính phủ.
Không may cho đất nước ta, TT Thiệu, cũng như các nhà lãnh đạo VNCH thời chiến tranh, chỉ là những người do” thời thế tạo nên anh hùng”, không phải là những nhà chánh trị, những người lãnh tụ tài ba, ỷ lại vào viện trợ đồng minh. Những người lãnh đạo nầy lại quá tùy thuộc vào Mỹ quốc để tồn tại. TT Thiệu tưởng rằng HK đã đâu tư nhiều vào VNCH, nên không thể bỏ rơi VN. Ông đã bám chặt quyền lực, tu chính hiến pháp kéo dài nhiêm kỳ tổng thống và tái ứng cử nhiêm kỳ thứ ba. Ông đã chủ trương thắng CS bằng chiến tranh, không tin rằng có thể hoà giải với CS, nhưng không đủ sức thuyết phục hàng ngũ quốc gia đoàn kết để chống lại Cộng sàn.
Nay, không còn đủ viện trợ quân sự, ông co cụm chiến thuật, trách HK, với lời tuyên bố “viện trợ nhiều thì giữ nhiều, viện trợ ít thì giữ ít”. Ngày 13/3/1975, TT Thiệu ra lệnh rút bỏ Vùng I, đưa 2 sư đoàn nhảy dù và thuỷ quân lục chiến về bảo vệ Sài gòn. Sau đó, rút bỏ Quân đoàn 2, di tản lưc lượng vế cố thủ Phú Yên.
Do việc rút quân vô kế hoạch, trong vòng không đầy một tháng, 5 sư đoàn bộ binh, các đơn vị thuộc 5 binh chủng, nhiều đơn vị tổng trừ bị và toàn bộ lực lượng nghĩa quân và địa phương quân đã tan rã.
Môt tỷ đô la vũ khí đạn dươc, 5 thành phố và 16 tỉnh lọt vào tay CS.
Ngày 9/4/1975, quân CS tiến tới phòng tuyến Xuân lộc.
Ngày 14/4/1975, thảo luận về tình hình Đông Nam Á với TT Ford, các nghị sĩ trong Uỷ ban ngoại giao Thượng viện đã nói với ông :”chúng tôi bằng lòng chấp nhận một ngân khoản lớn để di tản, nhưng viện trợ quân sự thì một xu cũng không”. Ba ngày sau, Thượng viện bác bỏ việc tăng quân viện cho VNCH, đồng thời chấp nhận cho TT Ford được sử dụng quân đội di tản người Mỹ đi ra khỏi VN.
Với chiến dịch di tản Babylift, ngày 4/4/1975, có 300 trẻ mồ côi cùng với một số nhân viên sứ quán HK, được di tản nhưng chẳng may, phi cơ gặp nạn rơi xuống một nơi cách Sài gòn 16 cây số, chỉ có 170 người còn sống sót. Từ 4 đến 19/4/1975, với 30 chuyến bay, HK đã di tản trên 2000 em đến Mỹ và khoảng 1300 em đến Canada, Úc và 1 vài nước Âu châu. Kế tiếp là nhân viên làm việc cho HK và gia đình, các viên chức VNCH, vv. HK dự trù khoảng 174 ngàn người.
Ngày 18/4/75, đạo luật về viện trợ quân sự được thượng viện HK thông qua cho 1976, 3 tỷ đô la, nhưng không có dự trù cho VNCH.
Ngày 21/4/1975, TT Thiêu từ chức. Ông Trần văn Hương ,PTT, thay thế. TT Ford tuyên bố “Đối với HK, chiến tranh VN đã kết thúc”.
Ngày 22/4/75, sư đoàn 18 rút khỏi Xuân lộc sau 13 ngày chống cự.
Ngày 23/4/75, Thủ tướng Nguyễn bá Cẩn đệ đơn từ chức
Ngày 24/4/75, Ông Trần văn Hương mời tướng Dương văn Minh nhận chức Thủ tương nhưng ông DVM đã yêu cầu ông TVH từ chức.
Sau khi lên làm Tồng thống, 8 giờ ngày 29/4/75, ông DVM yêu cầu Mỹ rời khỏi VN trong vòng 24 giờ.
TT Ford ra lệnh di tản khỏi VN từ sáng ngày 29/4/75. Trực thăng bốc người di tản ra Hạm đội 7 ngoài khơi Vũng tàu. Đại sứ HK Martin ôm lá cờ Mỹ lên trực thăng rời khỏi Sài gòn đúng 4 giờ 58 phút sáng ngày 30/4/75. Chiếc trực thăng Chinook sau cùng rời Sài gòn lúc 8 giờ sáng ngày 30/4/75, chở theo 11 lính Thuỷ quân lục chiến HK bảo vệ Toà Đại sứ. Lúc đó , vẫn còn khoảng 400 người chen lấn tại cổng Toà Đại sứ, chờ được di tản.
10giờ 24 phút ngày 30/4/75, TT DVM lên tiếng kêu gọi quân lực VNCH buông súng, đầu hàng CS.
11giờ 30 phút ngày 30/4/75, xe tăng CS ủi sập cổng vào Dinh Độc lập, treo cờ Việt cộng trên nóc Dinh, buộc TT DVM đầu hàng.
Theo thống kê chính thức, có khoảng 130 ngàn người được di tản vào những ngày cuối tháng tư năm 1975.
Một sư kiện chính trị nên biết trong những ngày cuối tháng tư năm 1975 là Kế hoạch Mérillon
( Mérillon là Đại sứ Pháp)..
TT Pháp Giscard d’Estaing, với sự tiếp tay của nghị sĩ Paul d’Ormano, trưóc kia là chủ đồn điền tại Đông dương, chủ trương thành lập Chánh phủ liên hiệp trung lập tại miền Nam gồm có VNCH, MTDTGPMN, phe hoà hợp hoà giải Dương văn Minh. Thủ tướng Trung cộng Chu Ân Lai sẵn sàng hợp tác vơi Pháp, cùng các nước vùng Đông Nam Á (trừ Nam Dương). Ngày 22/4/75 : DVM gặp Dại sứ Pháp, ông Mérillon. Pháp hứa viện trợ 300 triệu francs; sẽ vận động với các nước châu Âu 290 triệu đô la US, viện trợ về kinh tế, văn hoá, nhân đạo vv…
Nhưng kế hoạch bất thành vì CS Bắc Việt, thừa thắng xông lên, đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ miền Nam.
***
Ngày 30 tháng tư năm 1975, vào lúc 15giở 30, ông DVM, vị Tổng thống cuối cùng của VNCH tuyên bố trên đài phát thanh rằng Chính phủ Sàigon.. được giải tán ở mọi cấp . Những lời nói nầy đánh dấu cái chết của quốc gia VNCH và chấm dứt chiến tranh VN, đã kéo dài hơn 15 năm. Hàng ngũ quốc gia tan rã trong sự tủi nhục.
Mặc dầu tôi là một viên chức dân sự VNCH, nhưng tôi cho mình là một kẽ chiến bại. Đứng trong hàng ngũ Quốc gia, tôi đã thua trận cùng với những người lính Quốc gia. Chúng tôi đã mất nước. Và tôi chấp nhận sẽ phải chịu đựng sự đối xử của người Cộng sản Việt Nam dù có tàn bạo đến đâu, sẽ đến với tôi sau ngày miền Nam lọt vào tay CS.
Tôi không ân hận vì tôi đã phục vụ cho chính nghĩa quốc gia cho đến giờ phút cuối.. Tôi thông cảm với những người chiến sĩ quốc gia đã phải chịu đựng sự gian khổ, bao nhiêu người lính quả cảm đã bị tàn phế, đã phải hy sinh tánh mạng trong hơn hai mươi năm để rồi chuốc lấy sự thảm bại nhục nhã của kẽ bại trận.
***
Đã 37 năm qua, trong đó có 11 năm tù đày ở các trại cải tạo từ Nam chí Bắc và 4 năm trong nhà tù lớn là nước VN xã hội chủ nghĩa, tôi nghĩ đến thân phận đau buồn của môt nước nhỏ cứ phải luôn luôn sống tuỳ thuộc vào nước đàn anh. Đến lúc thấy không còn cần thiết nữa thì nước nhỏ bị nước lớn hy sinh một cách dễ dàng để tránh sự ràng buộc, sự vướng víu cho mình.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”!
Đây là một bài học quí giá cho thế hệ mai sau, khi ra gánh vác việc nước.
Nguyễn Thanh Bạch
(30/04/2012)
________
Tác giả là một đồng môn QGHC
No comments:
Post a Comment