21 April 2013

Chùm Văn Nghệ: Địa Đàng (Tranh A.C.La - Thơ Lan Đàm)


Vườn Địa Đàng
(Eden)
Oil on canvas
24x36 inch (61x89 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**

PHÍA NGOÀI ĐỊA ĐÀNG
                     Gửi Nguyễn Thế Vĩnh

Từ trả lại tôi tình yêu đó,
Em bỏ về, trời đất lặng thinh.
Đêm hồng hoang, hồn tôi lộng gió,
Mảnh trăng gầy lạc lõng, buồn tênh.

Em để sau lưng nghìn kỷ niệm,
Thành ngục tù êm ái, xót xa.
Tôi đã trăm lần quên bịn rịn,
Vẫn vụng về, tìm lối không ra.

Tôi cứ sống với em, dư ảnh,
Nhớ nhung ngày, đêm lạc nhịp tim.
Lòng muốn van xin em ương ngạnh,
Trên từng cao, Chúa Phật im lìm.

Em biền biệt bên kia phố núi,
Tôi ngậm ngùi, nửa kiếp ăn năn.
Lầm lỡ, đành mang tròn nguyên tội,
Xa địa đàng, thôi cũng nghiệp căn.

LAN ĐÀM

**

Địa Đàng Đánh Mất

Nửa đời sương mù, nửa đời ăn năn. Cỏ vướng đôi chân tê dại. Những bước lảo đảo trên dặm trường đi kiếm lại người. Người không thấy, chỉ toàn mùi cỏ dại. Bồ công anh bay tơi tả che kín lối vàng vọt. Một bông hồng nhung còn sót giữa mảnh vườn hoang, bỗng nhiên rực rỡ. Em đã hái và Em đã tặng chỉ vì một lời trầm trồ. Rồi ánh mắt long lanh từ đấy.

Xuân muộn chưa về  Những ngày nắng ấm hụt hẫng, sượng sùng. Miếng cơm khó nhá như củ khoai hà. Chiều nay tuyết lại xuống và chim thôi hót báo lầm một mùa xuân. Bỗng nhớ Năng Gù bụi đỏ Tri Tôn. Nhớ Núi Bà Đen một ngày du ngoạn cây cối còn tỏa hơi mát sau một đêm mưa. Nhớ Pleiku với những con đường gồ ghề vắng lặng về đêm. Thông ba lá đong đưa huyền hoặc.

Và nhớ Thuận An sóng ngầm dễ chìm đắm. Vạt áo lụa ôm thân hình liêu trai một đêm khó quên. Tiếng ve sầu inh ỏi. Đập đá dưới cái nóng nhức nhối của xứ thần kinh đôi ba tuần nhộn nhịp với Chè Cồn. Huế - xứ của biến động - còn là chốn trầm buồn cho dù giữa mùa hè dưới ánh nắng chang chang. Những vạt cỏ lau ôm lấy chân bờ tường thành đổ nát rêu phong, nơi có loài chồn ẩn náu. Đôi khi chúng cũng không được yên thân với gậy gộc con người.

Đồi núi chập chùng. Tiếng chuông đỉnh cao lan tỏa không đủ sức kéo nỗi đam mê ra khỏi hố thẳm vật chất. Chỉ rừng thông như muôn thuở vẫn rung lên hòa nhịp thay con người. Chúng mình đã đánh mất Địa Đàng ngay từ thời tiên tổ Adam-Eve. Và từ đó đã lạc lối trên đường tìm về. Nhưng có Em cùng đi có thể đã tìm được. Thế nhưng tôi đã đánh mất ngay chính Em, từ khi chưa gặp.

A.C.La
 **

Cao xanh hỡi!
Ngắm bức tranh ĐỊA ĐÀNG  chắc ai cũng cảm thấy đó là một đời sống thanh bình thời CHỬA có con người. Sao mà đầm ấm, thương yêu, nồng nàn là thế. Tác giả khiến cho tôi phải chạnh lòng. Chạnh lòng là vì không biết tình cảm yêu thương, nồng thắm đó, tìm đâu ra trên thế gian nầy!

Nhưng mà hãy khoan. Chúng ta hãy gác lại cái tình cảm nhỏ nhoi của chúng ta mà nhìn xem hai CHÙM văn nghệ than thở. Hai tâm hồn trẻ trung, một than thở đã đánh mất địa đàng trong đó có Em. Một thở than rằng Em vẫn còn "trong" Địa đàng mà mình thì đã bị kẹt lại "ngoài" Địa đàng !!!

Cao xanh hỡi, sao mà ông không cất giữ giùm người thứ nhứt cái Địa đàng mà Người nầy đã để quên đâu đó. Và sao Ông không nắm tay, hoặc dẫn người bên ngoài vào bên trong, hoặc người ở bên trong ra bên ngoài Địa đàng (theo cách yêu cầu của họ) cho những kẻ yêu nhau không còn lạc mất nhau!

Đọc hai chùm văn nghệ trên TTR, tôi lại chạnh lòng nghĩ ...

Thế thì thôi, đâu có phép nhiệm mầu nào níu được thời gian để ta tìm lại thuở xưa, cái thuở mà Trời Đất Chưa Nổi Cơn Gió Bụi. Vậy thì đành thôi. Còn chút kỷ niệm thương yêu của ngày nào, giữ kỹ nó trong một ngăn nào đó của trái tim để làm kỷ niệm, kẻo thôi nó lại lạc mất thì chẳng còn gì nữa để mà luyến tiếc trên cái cõi Ta Bà nầy.

Hôm nào có thì giờ tôi sẽ tả bức chân dung mà tôi HỌA  ngài họa sĩ của TTR cho Anh đọc để biết Ngắm giả nghĩ về mình như thế nào

Kính chào Anh, hẹn gặp lại thư sau

Kính
HH

TB : không dám HỌA thơ nữa!!! Bây giờ quay sang HỌA chân dung để xem xem có khá hơn không (Họa thơ dễ biến thành HỌA lắm, còn không biết Họa chân dung có biến thành gì gì hay không . Nam mô Phật!!!)
______________
Xin hân hạnh có dịp đợi những lời phán của thầy  tướng số ở bên ý! (A.C.La)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...