07 March 2011

Giới thiệu bài đọc

Mất cắp

Một nhà báo bị mất cắp, kẻ cắp đã lấy trộm của gia đình anh hàng tỉ đồng. Cuối cùng anh bị tên trộm đó mưu sát vì hắn bị anh phát giác, và anh phải sang thế giới mới. Đau đớn cho anh nhà báo ấy, tên trộm chính là kẻ đồng sở hữu tài sản với anh, kẻ đó vừa buộc phải tự thú và bước chân vào chốn lao tù. Gia đình anh hoàn toàn đổ vỡ, tan nát: Anh chết, mẹ của các con anh đi tù, có thể còn lãnh án tử hình về tội giết người. Hai đứa trẻ của gia đình ấy bơ vơ, hàng tỉ đồng nợ nần còn đó…

Trên đây là những thông tin vắn tắt về vụ nhà báo Hoàng Hùng ở Long An bị giết hại bằng cách tẩm chất cháy và đốt gây bỏng nặng, sau đó tử vong tại bệnh viện chợ rẫy – Sài Gòn. Chung quy vấn đề cũng bắt nguồn từ chuyện mất cắp…

Ở đời có rất nhiều thứ có thể bị mất cắp: Tài sản, tiền, tình, lòng tin vv... Có trường hợp đòi lại được những gì đã mất, nhưng nhiều trường hợp là “một đi không trở lại”.

Người dân nghèo ở Việt Nam hôm nay đang bị mất cắp hàng ngày. Tên trộm bất nhân cứ thẳng tay thò vào túi móc tiền người dân mà họ không hề hay biết. Họ không biết thật, vì có 50 ngàn đồng trong túi, một người công chức nọ tiêu trong một buổi sáng đã gần hết: Mua báo, uống cà phê sáng, ăn một tô phở, còn lại đúng 10 ngàn đồng, anh ta đã hết tiền để đủ mua một lít xăng…

Anh ta chợt nhớ lại: Chỉ cách nay khoảng 3 năm thôi, với 50 ngàn trong túi, anh ta đã đủ chi cho cá nhân trong hai ngày, có 2 bữa sáng bình dân, và còn dư tiền đổ xăng cho chiếc xe máy Tàu cà tàng, chiều về còn mua cho đứa con đang học cấp 1 mấy cây kem. Tên trộm nào đã lấy mất của anh 50% số tiền? Không ai khác, đó là tên Gía, nói đầy đủ là “giá cả leo thang”, hay là nạn lạm phát.

Hãy làm một con tính tạm ước rất nhỏ thôi, người giàu bù cho người nghèo, mỗi ngày một người dân Việt Nam mất cắp trung bình là 20 ngàn đồng. Nếu nhân với khoảng 85 triệu dân, con số đó sẽ là 1 ngàn 700 tỉ. Nếu lấy số này nhân với 30 ngày trong tháng và 365 ngày trong năm thì con số đó thật khủng khiếp. Đó là chỉ nói đến lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu. Nếu liệt kê ra các giao dịch tài chính, và lưu thông tiền tệ khác trên đất nước Việt Nam, thì đó mới là con số mất cắp đáng quan ngại, cố thể làm sụp đổ nền tài chính quốc gia…

Chuyện tiền bạc, nếu bị mất cắp thì có thể “khéo co thì ấm”, và hồi phục bằng cách cắt giảm chi tiêu, tăng cường lao động. Nhưng còn có nhiều thứ khác thì không thể tiết kiệm hay “chế biến” cách nào, vì nó vô hình và mang những giá trị cũng khá trừu tượng. Ta hãy cùng liệt kê ra xem, người dân Việt Nam còn đang bị mất cắp những gì?

Mất cắp nguồn gốc. Không phải ngẫu nhiên mà nhà sử học Dương Trung Quốc tuyên bố: “Thế hệ chúng ta sau này mất gốc hoàn toàn. Nếu có tiếp cận phương Tây thì chỉ là tiếp cận văn minh bề ngoài, phương tiện sống, kiến thức. Chẳng hạn chúng ta biết tiếng Anh, nhưng không hiểu nền văn minh của Anh là như thế nào”. Thật vậy, nếu làm một cuộc khảo sát nhỏ thì sẽ thấy đại đa số học sinh, sinh viên ngày nay không thuộc Lịch Sử nước nhà, không hiểu đâu là cội nguồn dân tộc, không biết gì về văn hiến ngàn năm…

Mất cắp danh dự. Chúng ta đã mất hết danh dự, khi nhượng bộ cho Trung Quốc nhiều vị trí chiến lược quan trọng trên đường biên giới đất liền, mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Ngư dân Việt Nam bị bắt cóc đòi tiền chuộc ngay trên vùng biển của quê hương mình. Nhiều trường hợp người Việt gây án, quậy phá ở nước ngoài, cướp bóc, buôn bán ma túy, trồng Cần Sa vv… Hiện nay có hàng chục ngàn (con số thực có thể lên đến hàng trăm ngàn) cô dâu Việt lấy chồng Đài, chồng Hàn, chồng Trung, mà để trở thành nàng dâu xứ lạ, mỗi người đã phải trải qua những cuộc “coi mắt” hoàn toàn lõa lồ cho những gã đàn ông ngoại xem, như một món hàng. Thậm chí có cả chục phụ nữ Việt tình nguyện làm thuê bằng cách đẻ mướn cho người nước ngoài, không phải bằng phương pháp cấy ghép trong ống nghiệm mà là thụ tinh trực tiếp – Một hình thức mang thai hộ hết sức vô nhân đạo - Trước đây chưa từng được nghe trên thế giới, vừa bị phát hiện tại Bangkok – Thái Lan. Chẳng phải vô cớ mà tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã phải thốt lên “tôi nhục nhã khi mang hộ chiếu Việt Nam”.

Mất cắp nhân tính. Ngày nay nếu không có việc cần thiết thì không mấy người lương thiện nào thich bước ra khỏi nhà mình. Vì ra khỏi cửa là có thể gặp cướp bóc, chém giết, hãm hiếp tràn lan, người ta sẵn sàng lao vào ẩu đả nhau, đâm chém, thậm chí dùng cả súng để hạ sát nhau, nguyên nhân xuất phát chỉ vì một va chạm nhỏ trong giao thông, mà một lời xin lỗi cho cả hai phía là đã quá đủ để làm hòa. Đến nỗi, không hiểu vì thiếu hiểu biết hay căm ghét cuộc đời nghèo túng của mình mà muốn trả thù đời, một số người trồng rau chỉ vì một bó rau giá vài ngàn bạc, đã sẵn sàng sử dụng thuốc trừ sâu cực độc, sẵn sàng phun các loại hóa chất, và cả dầu nhớt vào rau trước ngày thu hoạch, rồi vô tư đem bán…

Mất cắp văn hóa. Người nước ngoài đến Việt Nam không thể đoán được gạch lát nền các trung tâm sinh hoạt văn hóa công cộng như Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô, Nhà hát lớn ở Hà Nội, Sân khấu Lan Anh, Trống Đồng, Nhà hát kịch ở Sài Gòn làm bằng loại đá hoa nào. Kỳ thực nó được các nam thanh nữ tú dùng bã kẹo cao su “tô điểm” thành những hoa văn có một không hai. Rồi lễ hội hoa trở thành lễ hội cướp hoa, Đường phố, vườn hoa, công viên ở những nơi đông người, sau những ngày lễ và mỗi tối thứ bảy đều ngập ngụa rác thải. Chưa bao giờ người ta lại lo lắng cho nền văn hóa bị vong bản như ở Việt Nam hiện nay. Mọi thứ đều được đặt trên giá trị đồng tiền. Thanh thiếu niên càn quấy, tụ tập lập băng đảng đua xe, hút chích, thác loạn. Người ta quay cuồng, hối hả trong sự đảo điên, mà đích đến chỉ là vật chất, tiền bạc và nhục dục…

Mất cắp giáo dục. Chưa bao giờ và có lẽ là không có nơi nào trên thế giới xảy ra quá nhiều những chuyện tày trời về tha hóa, mất đạo đức trong ngành Giáo dục và quan hệ thầy trò như ở Việt Nam: Thầy giáo cưỡng dâm học sinh, đưa học sinh vào con đường bán dâm cho các đại gia cán bộ nhà nước, học sinh chém cô giáo vì bị cho điểm kém, thầy cô say sưa móc túi phụ huynh học sinh trong “dịch vụ” học thêm dạy thêm. Rồi chuyện chạy lớp chạy trường, nạn bằng cấp giả mạo, bằng cấp thật kiến thức giả, Bộ giáo dục loay hoay hàng chục năm trời vẫn không thể cho ra đời, dù chỉ một bộ sách giáo khoa tiểu học cho hoàn chỉnh (chưa dám nói đến các cấp cao hơn), thôi thì đủ thứ chuyện ngang tai trái mắt vô phạm trong ngành Giáo dục…

Mất cắp sự công bằng. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, nó chỉ mang tính tương đối. Nhưng chưa bao giờ nó lại thể hiện việc bị mất cắp rõ rệt như hiện nay. Câu nói “con vua thì lại làm vua” chẳng có sai. Nếu là con cái một quan chức cấp huyện trở lên đến trung ương, hay từ cỡ giám đốc chẳng hạn, thì chắc chắn người đó sẽ có cơ hội vào học tại các trường có đầu ra “ngon ăn”, tức là dễ kiếm việc làm, lương cao, có việc ở thành thị. Cao hơn thì sẽ được đi du học nước ngoài bằng tiền tham nhũng, hoặc bằng tiền học phí công khai do nhà nước chi trả. Chưa bao giờ lũ con ông cháu cha lại ngông nghênh hợm hĩnh, cao ngạo và trác táng như hiện nay. Người ngay thẳng, chống tiêu cực, thì bị trù dập trả thù dã man và hèn hạ. Hệ thống công quyền đang tự tạo ra những mối quan hệ giữa các cá nhân nắm quyền ở mọi cấp, bằng một sợi dây xích nhằng nhịt, kết nối bởi tiền – Quyền, giống như một băng đảng xã hội đen. Một sự đảo lộn trật tự đến chóng mặt, quay cuồng…

Mất cắp quyền sống. Một con người sẽ chỉ là một con vật nửa người khi bị tước quyền sống, quyền tự do. Bởi vậy nhân loại mới đặt vấn đề Nhân quyền lên hàng đầu trong các quyền sống của con người. Nhưng ngày nay chuyện đó là chuyện xa sỉ ở Việt Nam. Anh muốn chỉ trích ai cũng được, lên án ai cũng được, nhưng trừ chính quyền ra. Nếu vi phạm điều này thì ngay lập tức có “hai chiếc Còng”, đó là điều 88 Bộ luật hình sự sẽ “bập” vào tay anh. Anh có đất đai, nhà cửa nhưng không được trao đổi, mua bán vì rơi vào một dự án treo. Anh có nhà nhưng không được sửa chữa vì đây là phố cổ, làm gì cũng phải cần được nhà nước cho phép vv và vv… Tóm lại con người của anh chỉ thuộc về anh một phần, còn lại thì thuộc quyền của Đảng, của nhà nước, anh có quyền sở hữu thân thể nhưng không có quyền sở hữu hành vi chính đáng của mình…

Mất cắp lòng tin. Hệ lụy và là kết quả của mọi sự mất cắp, đó là mất lòng tin. Lòng tin là cái mà người ta thường phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng nên, nhưng nó lại rất dễ bị mất đi, vì chỉ cần “một sự bất tín” là “vạn sự bất tin” ngay.

Trước đây người dân tin vào Đảng, vào bác Hồ, vì được nghe tuyên truyền là “Bác và Đảng sống cho dân cho nước”. Nhưng rút cục, bác Hồ cũng là người dối trá, tự viết sách ca ngượi bản thân mình (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch - Trần Dân Tiên), bác cũng có vợ, thậm chí còn có tới hai, ba vợ (Tăng Tuyết Minh, Nông Thị Xuân…). Mà trái khoáy ở chỗ: Vợ Bác cũng không nhận, con Bác cũng chẳng dám công khai.

Đối với Đảng thì ngày nay các “quan” Đảng từ cấp xã phường đến trung ương, họ đều là những người giàu có hơn hẳn người dân lao động. Một bộ phận lớn cán bộ nhà nước đã trở thành các đại gia, triệu phú, tỉ phú tiền Dollar Mỹ, nhờ vào tham nhũng, cướp bóc, bòn rút của dân, của quốc gia, bằng đủ mọi hình thức. Người dân mạnh ai nấy sống cho riêng mình, xã hội đã phân hóa rõ ràng tầng lớp bị trị và kẻ thống trị. Nhà nước sợ nhân dân nổi loạn chống chính quyền, nhân dân sợ nhà nước lừa dối, đàn áp. Vậy còn ai tin ai?

Mất cắp, đó chính là kết quả của sự thờ ơ, bàng quan của mỗi người dân với cuộc sống. Nếu ta không cảnh giác, không ngăn chặn, chúng ta sẽ còn tiếp tục mất, và còn mất nhiều hơn, toàn diện hơn. Hãy cảnh giác với những tên trộm ngày, là quan chức nhà nước, mặt bóng nhẫy, đi xế hộp mặc complete, mở miệng ra là nói “vì dân, do dân”. Bọn chúng mới đích thị là những tên đã gây nên các vụ trộm và vấn nạn mất cắp trên toàn cõi Việt Nam.

Lê Nguyên Hồng

(Nguyễn Minh T., Mississauga gìới thiệu)

No comments:

Post a Comment

Yêu cũng đáng ngại thật... Ai bỏ đi trước sẽ chết!

- Bức tranh "Ai bỏ đi trước sẽ chết" "Một bức tranh với giá trị nhân văn sâu sắc, ngay cả khi cô gái nói rằng nếu chàng trai ...