Đại Hội Thụ Nhân tại Paris năm 2012 *
vì đó là lòng biết ơn và là tình hiếu đễ
Nguyễn Kim Quý
1) Khi một người Việt Nam tỵ nạn khước từ dấu chứng tỵ nạn của mình (không chào lá cờ truyền thống của mình) họ nghiễm nhiên chấp nhận vai trò cai trị của thể chế đã từng biến họ thành người tỵ nạn. Nói theo kiểu bình dị, họ là những người vô tổ quốc, là những kẻ tha phương cầu thực không hơn và không kém. (cựu sinh viên Thụ Nhân Bích Thủy)
2) Vì vậy, nếu một đại hội Thụ Nhân mà người tổ chức từ chối treo lá cờ Vàng thì sẽ không có tôi. (cựu sinh viên Thụ Nhân Huỳnh Văn Của)
Thưa quý giáo sư, quý anh chị trong đại gia đình Thụ Nhân,
Vì lý do riêng, tôi đã xin tạm ngưng sinh hoạt trên hai diễn đàn Thụ Nhân. Nhưng vì tên tôi được ghi trong mục cc và nằm trong phần mở đầu "thưa các thầy cô", và vì, nhất là, vấn đề treo hay không treo, chào hay không chào lá cờ VNCH đã đụng vào tử huyệt, bình dân hơn đụng vào lò xo trong người tôi, một nạn nhân của Việt Cộng, một người tỵ nạn không đội trời chung với Cộng sản dù họ là Việt Nam, Tàu, Cuba, Bắc Hàn, tôi mạo muội có ý kiến như sau:
1) Quốc kỳ VNCH là biểu tượng cho linh hồn của quốc gia miền Nam đã mất. Là căn cước của người quốc gia tỵ nạn. Tôi bỏ nước ra đi chỉ bởi vì lý tưởng quốc gia, tự do, không chịu nổi ách thống trị của Cộng sản, chứ không phải vì đi ăn mày miếng cơm manh áo tại Mỹ, tại Pháp. Nếu chối bỏ lá cờ quốc gia, chối bỏ căn cước tỵ nạn, tôi sẽ giải thích ra sao với con cháu và thế hệ tương lai, tại sao chúng được sinh ra, có mặt tại hải ngoại? Chối bỏ lá cờ quốc gia, chối bỏ căn cước tỵ nạn, tuyên bố không làm chính trị, không phân biệt Quốc gia, Cộng sản nữa, tôi sẽ là ai, gốc gác từ đâu? Vô lẽ tôi chui lên từ đất nẻ Washington DC, Paris, Bruxelles hay Oslo? Vô lẽ tôi không khác gì con cháu, ở các Chinatowns Mỹ, của những người Tàu bị bắt đến Mỹ để làm phu đường rầy xe lửa vào thế kỷ XIX? Hay tệ hơn, vô lẽ tôi chỉ là một trong thành phần "ma cô đĩ điếm" mà một Thủ tướng Việt Cộng nọ (chính xác, Phạm Văn Đồng) đã một lần thoá mạ những thuyền nhân, trong đó có tôi, trốn chạy trối chết chúng nó (mặc nhiên công nhận ông ta nói đúng, nếu tôi chối bỏ lý lịch quốc gia trong sáng của tôi qua việc chối bỏ lá cờ vàng)?
2) Khi bỏ chạy, tôi đã mất hết, chỉ còn lý tưởng tự do, và nhất là tấm lòng chung thủy và hiếu đễ đối với miền Nam, tức nước VNCH, nơi mà tôi được sinh ra, hoặc được nhận vào từ miến Bắc trong cuộc di cư vĩ đại 1954, đã nuôi dưỡng tôi, cho tôi cơm ăn, áo mặc, cho tôi học hành đến nơi đến chốn để trở thành ông này bà nọ, hãnh diện với đời, cho tôi được tự do, kể cả tự do vinh thân phì da, kể cả tự do, ngày nay, quên ơn quên nghĩa, kể cả tự do phản bội. Lá cờ vàng là biểu tượng của nước VNCH và của tấm lòng chung thủy và hiếu đễ của những người con đối với Tổ quốc.
3) Tưởng nhớ, biết ơn nước VNCH trong phạm vi rộng lớn, đối với tôi, cũng như tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi trong phạm vi nhỏ hẹp hơn. Khi con cháu hội họp, vui chơi, ăn uống, nhảy nhót trong gia đình, trước bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, có đứa con đứa cháu nào đã đặt vấn đề nên hay không nên thắp một nén nhang tưởng niệm các cụ trước, rồi vui chơi sau, nên hay không nên bỏ phiếu để lấy biểu quyết thắp nhang? Treo cờ, chào cờ là một bổn phận đối với tổ quốc (đã mất), cũng như thắp nhang cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ (đã khuất) là một bổn phận, mà đã gọi là bổn phận thì còn gì để bàn cãi, bỏ phiếu lấy ý kiến?
4) Có người sẽ bảo, thắp nhang và treo cờ khác nhau. Đúng, khác nhau, bề ngoài. Dưới lăng kính nghị quyết 36. Các cộng đồng, đoàn thể, hội đoàn, kể cả tôn giáo, trường học của người Việt tỵ nạn hải ngoại, diễn đàn thân hữu, v.v... đều là đối tượng của Nghị quyết 36. Bọn lãnh đạo Việt Cộng, sau những năm thất bại, đã nâng Nghị quyết 36 lên hàng quốc sách (xin quý vị xem báo chí và tin tức internet trong nước), ra chỉ thị những tòa đại sứ và những tên nằm vùng triệt để thi hành Nghị quyết đó bằng mọi giá. Bằng cách gợi lên, với những lời đường mật, trong lòng người xa xứ nỗi nhớ quê hương, tuyển mộ nằm vùng bằng cách quẳng cho vài mẩu xương (nghĩa bóng), mời gọi những "khúc ruột ngoài ngàn dặm" (hết ma cô đĩ điếm, phản bội tổ quốc rồi, sướng nhé!) về du lịch đi (Nguyễn Minh Triết còn dụ: "gái Việt Nam bây giờ đẹp lắm..."), về làm ăn đi, xoá bỏ hận thù đi, đem tiền về xây dựng đất nước đi, cứu trợ thay cho chúng những người khốn khổ thuộc trách nhiệm của chúng, cho người ra ngoại quốc vắt cạn những con bò sữa hải ngoại, và những con bò sữa hải ngoại này đi vắt cạn những con bò sữa hải ngoại khác, đem tiền về VN phải chia tứ lục cho bọn cán bộ mới mua được cơ hội làm từ thiện, thương người, trong khi trong nước có kẻ đã sắm máy bay riêng, đi xe Rolls Royce đời mới, ở những dinh thự nguy nga, tiền hàng tỷ đô gửi trong chương mục ngoại quốc (tại sao không đến gõ cửa xin vắt sữa những con bò này?) -mà người tỵ nạn như tôi nằm mơ cũng không thấy. Bằng cách chia rẽ những người trong cộng đồng, đoàn thể, các trường Việt ngữ, cãi nhau như mổ bò về bất cứ vấn đề nào nằm trong mục thảo luận chương trình tổ chức, từ thực đơn ăn uống, mời ca sĩ nào hát nhảy đầm, cho đến việc treo hay không treo cờ VNCH. Và treo cờ hay không treo cờ mới là mục tiêu chính yếu của Nghị quyết. Một số không nhỏ đồng hương vô tình mắc bẫy Nghị quyết 36, còn số hữu tình thì được che đậy, nằm vùng rất kỹ bằng những cái cớ được nại ra, nhưng không thuyết phục.
Nói ra thì mang tiếng chụp mũ, không nói ra thì mang tiếng thụ động, ba phải, nín thở qua sông.
Tuy nhiên, VC không dám chỉ trích việc thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên, chúng để tự do, mặc dù chúng không ngu đến nỗi không hiểu rằng treo cờ quốc gia và thắp nhang tưởng niệm tổ tiên đều giống nhau, ít ra về ý nghĩa tinh thần. Nhưng bằng mọi cách, chúng phải tiêu diệt lá cờ quốc gia, lá cờ mà có một ông thầy chùa tại Beaverton, Oregon, tên Thích Ẩn Long (những Phật tử chân chính cho ông này là sư giả, xin xem tài liệu đính theo) công khai gọi trong một buổi thuyết pháp là "lá cờ ba que". Nhưng vì bản chất gian manh, láu cá nên VC dùng mánh lới khác. Ví dụ, tôi nghe nói, chưa có bằng cớ, ở Việt Nam bây giờ, trên một số bàn thờ tổ tiên gia đình có cả hình Hồ Chí Minh, và trong chùa, nhà thờ có tượng Hồ Chí Minh ngồi bên Chúa, Phật? Nếu đúng, VC đã tương kế tựu kế, lấy gậy ông đập lưng ông, trong vấn đề thắp nhang: cho thắp, cúng tế, để tỏ ra tự do, nhưng phải có Bác hiện diện. Trong vấn đề treo cờ, tại những trường học Mỹ, chẳng hạn, chúng vận động treo cả hai cờ, VC và VNCH, như giải pháp tạm thời, trước khí thế cao độ của đồng bào tỵ nạn tại Mỹ, trong khi chờ đợi một cơ hội khác. Nhưng đồng bào tỵ nạn không chịu các trường học Mỹ treo hai cờ. Phải treo cờ VNCH mà thôi. Và không phải không có lý do mà đa số các tiểu bang, thành phố Mỹ đã công nhận, cho treo lá cờ VNCH. Họ là người ngoại quốc, không mắc nợ gì với VNCH.
Huống chi tôi là một người thọ ơn đất nước, quốc gia miền Nam?
Cuối thư, tôi xin hoàn toàn đồng ý với anh Huỳnh Văn Của và chị Bích Thủy, đặc biệt về những câu tôi đã trích ra trên từ thư của anh, chị. Tôi biết sẽ có những phản ứng, như thời gian trước đây, từ phía những anh chị không đồng quan điểm. Nhưng không sao, vì đây là xứ sở tự do, dân chủ và tôi đã quá quen với những cuộc tranh luận về chính trị, và một lần đã bị kiện vì một bài viết chống nằm vùng và VC tại Portland, vụ kiện mà tôi, sau khi tai qua nạn khỏi, vẫn thấy hãnh diện. Một điều duy nhất tôi sợ, là khi ngôn từ và phương cách, mức độ đối thoại đã vượt quá lằn ranh truyền thống phải có, dù sao, giữa thầy và môn sinh, hay ngược lại giữa môn sinh và thầy, giữa môn sinh và môn sinh.
Tôi có thể im lặng, cầu an, để yên thân, cho đến hết tuổi già, cho xong kiếp người. Nhưng không, tôi đã lên tiếng, để yểm trợ một số cựu sinh viên Thụ Nhân, có vẻ ít ỏi, đã dám viết rõ ràng, không mập mờ, hàng hai, bằng giấy trắng mực đen, lập trường "quốc gia" (tôi chưa nói "chống Cộng") vững chắc của mình, đã dám viết lên những điều mình cho là đúng. Tôi đã lên tiếng, để chứng tỏ tư cách một người tỵ nạn chân chính còn nhớ và biết ơn tổ quốc VNCH và lá cờ vàng thân yêu của tôi, lá cờ mà quân dân cán chính miền Nam đã một thời hy sinh xương máu để bảo vệ cho đến phút cuối của ngày 30/4/1975 và bây giờ còn tôn vinh, nâng niu xem như một lẽ sống, một lẽ chết, chứ không phải là một sự chọn lựa, một vấn đề mang ra để bỏ phiếu. Tôi đã lên tiếng, để vong linh những người đã chết cho tôi, vì tôi, thay tôi trước đây khỏi phải tủi hổ. Tôi đã lên tiếng, vì tôi là một người, không muốn thua những "con cá hồi" của chị Bích Thủy, hoặc không muốn là một con thò lò (hay thần giữ cửa Janus trong thần thoại cổ) hai mặt, lúc vàng lúc đỏ, hay nửa vàng nửa đỏ, hay đỏ nhiều hơn vàng, như màu áo của một Hồng Y VN khi ông qua Úc tuyên bố, đỏ vàng giống nhau.
Vả lại, vì tôi chỉ có một đời để sống. Sống không thẹn với quốc gia, với tổ tiên, cha mẹ, không thẹn với chính mình, với con với cháu mình.
Tôi dùng chữ "tôi", vì đây là ý kiến cá nhân, chứ không phải đề cao "cái tôi đáng ghét". Xin quý vị thông cảm.
Kính chào quý vị. Chúc quý vị an bình, thanh thản trong tâm hồn, và những ngày thật vui.
GS Nguyễn Kim Quý
Cựu giáo sư Viện Đại Học Đà Lạt
____
* Các cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt ở các nước Âu Châu sẽ tổ chức Đại Hội Thụ Nhân tại Paris năm 2012, trong đó phe bỏ phiếu không treo cờ VNCH đang thắng thế. Phe ủng hộ treo cờ, quá ít, đang cần sự yểm trợ tinh thần của chúng ta, những người quốc gia chống Cộng, dù họ không lên tiếng yêu cầu.
No comments:
Post a Comment