Quan niệm về thời gian qua ca dao
(đi đôi với không gian)
Nguyễn Văn Nhiệm
Theo tài liệu Wikipedia thì hiện tượng sấm khai nguyên không phải là vụ nổ trong một không gian có sẵn, mà là sự xuất hiện của vật chất, không gian và thời gian cùng chung với nhau từ một đơn biệt tính nguyên thủy ( Der Urknall bezeichnet keine” Explosion “ in einem bestehenden Raum, sondern die gemeinsame Entstehung von Materie, Raum und Zeit aus einer ursprünglichen Singularität ). Điều đó có nghĩa là thời gian, không gian và vật chất xuất hiện đồng thời.
Ý nghĩa của tiếng sấm khai nguyên đã được ca dao nhắc nhở bằng những cuộc vui múa cờ, múa trống, múa lân vào dịp xuân, là lúc Âm Dương giao hòa, dân chúng vui chơi với biết bao hy vọng vào ngày mùa sắp tới, đồng thời cũng để tưởng nhớ đến tiếng sấm sáng tạo thuở ban đầu:
“ Mỗi năm vào dịp xuân sang,Em về Triều Khúc xem làng hội xuân.Múa cờ, múa trống, múa lân,Nhớ ai trong hội có lần gọi em.”
Trong ba ngày Tết, ngoài tiếng trống múa lân, tiếng pháo nổ cũng có ý nghĩa tương tự, hỗ trợ cho tiếng trống:
“ Vui gì bằng lễ nghinh ông,Đèn hoa pháo nổ ngập song ánh trời.Cuộc vui nhiều khách đến chơi,Giàu nghèo hỉ hả ăn chơi ba ngày.”
Từ đó, không riêng ba ngày Tết, hội xuân, mà có lẽ hội ăn mừng nào cũng có gióng trống vang lừng:
“ Làng ta mở hội ăn mừng,Chuông khua trống gióng vang lừng bốn bên.”
Đối với nhà nông, sấm chớp là hiện tượng thiên nhiên mang lại niềm tin và hy vọng:
“ Lúa chiêm đứng nép đầu bờ,Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.”
Lúa chiêm trồng vào mùa đông, đến đầu xuân ấm áp, có sấm chớp thì lúa bắt đầu trổ mạnh.
Tục ngữ cũng nói:
“ Sấm động gió tan “
Do đó người bình dân hầu như không khiếp sợ Thần Sấm quá đáng, họ tin Thiên Lôi chỉ ra tay trừng phạt những kẻ gian ác như ở câu “ Sấm động gió tan “ ( Gió là bão tố, cuồng phong dữ tợn ). Cho nên khi xuất trận tiêu diệt giặc cướp nước, chiến sĩ nghĩa quân thường gióng trống khua chiêng vừa làm hiệu lệnh thúc giục vừa nêu cao khí thế:
“ Tiếng trống rống ngàn quân “
Người ta cũng thường nói “giáng cho giặc cướp nước những đòn sấm sét“. Như vậy, nếu tách riêng câu:” Hãy nghe tiếng sấm phất cờ mà lên “ cũng có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, nghe tiếng sấm lệnh thì hãy nổi dậy phất cờ khởi nghĩa tiêu diệt giặc với sự phù trợ của Thần Sấm. Nghĩa thứ hai cũng nằm trong ý phù trợ, làm cho lúa trổ mạnh, đem lại ấm no cho muôn dân.
Con người là cái Đức của Trời Đất như sách Lễ Ký đã viết: “ Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã “.Điều đó xác định nhân tính là tính lưỡng hợp bao gồm Thiên Địa. Thiên chỉ tâm linh, thời gian được biểu diễn bằng đường dọc. Địa chỉ vật chất, hiện tượng, không gian được biểu thị bằng đường ngang. Tính lưỡng hợp đó cũng có giá tri chung cho vạn vật qua cái nhìn của con người, cái nhìn lúc nào cũng không rời khỏi cặp Lưỡng Nghi, Trời Đất:
“Đi xem Đất, về cất mặt xem Trời”
Người ta không có thể biết trực tiếp thời gian ra sao, mà chỉ có thể cảm nhận nó qua sự biến chuyển của vạn vật, sự vận hành của trăng sao, sự luân chuyển ngày đêm, bốn mùa:
“ Nguyệt rằng: ” Vật đổi sao dờiThân này vẫn để cho người soi chung.”
*
“Đêm khuya thức dậy xem trời,Thấy sao bên Bắc đổi dời bên Đông.Làm sao cho hiệp vợ chồng,Cho lê hiệp nhãn, cho rồng hiệp mây.”
*
“ Tìm em cho đến La Thành,Những là mong nhớ đêm ngày.Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần.Mong cho hoa nở mùa xuân,Để cho khóm trúc mọc gần trỗ lan.”
*
“ Mai mưa, trưa nắng, chiều nồmTrời còn luân chuyển huống mồm thế gian.”
Những sự vận hành, biến chuyển trong thế giới hiện tượng đưa đến ý niệm thời gian qua ca dao đều có liên quan đến tâm tư, tình cảm của con người. Như vậy có thể nói rằng cơ cấu thời gian là sản phẩm của cảm xúc, lý trí của con người, có thể thay đổi khác nhau ở từng cá nhân, từng khu vực văn hóa. Như vậy có nhiều quan niệm khác nhau về thời gian và có thể được phân loại như sau:
Thời gian khoa học
Thời gian này là thời gian thường nghiệm được phân chia ra thành những quãng đồng đều một cách máy móc bên ngoài con người, hoàn toàn khách quan do nhu cầu đo đếm trong cuộc sống. Dụng cụ đo đếm thời gian hiện nay là cái đồng hồ:
“ Tích ta tích tắcNgày ngày đêm đêmChỉ giờ chỉ khắcNgười đời nhờ tôiLúc làm lúc chơiCó giờ có giấcNgày thức đêm ngơi “
Cái đồng hồ giúp con người sinh hoạt có giờ giấc. Lâu dần người ta có cảm tưởng như nó đồng hóa với thời gian, mà con người sống ở thế gian này khó thoát khỏi liên hệ với thời gian, cho nên tâm tư của người bình dân đôi khi được gởi gắm qua chiếc đồng hồ:
“Đồng hồ vàng, cây kim cũng bằng vàng,Anh đau tương tư, em đi hốt thuốc, phụ mẫu nàng không cho.”
*
“Đồng hồ liệt máy vì bởi sợi dây thiều,Anh xa em vì bởi cuộn chỉ điều se lơi.”
*
“ Cá buồn cá lội đó đây,Người buồn người biết giãi bầy cùng ai.Phương đông chưa rạng sao mai,Đồng hồ chưa cạn biết ai bạn cùng.”
Thời gian sinh lý
Khác với thời gian khoa học khách quan, thời gia sinh lý chi phối con người ở phương diện thể xác, nhưng chưa vươn tới ý thức. Nó tăng trưởng không đồng đều tùy theo từng người, theo tuổi tác. Ở tuổi già thì tế bào cơ thể hầu như ngưng dần sự phát triển, nhịp sống chậm lại, cho nên người ta thường nói: “ Tuổi già sức yếu “:
“Áo anh rách lỗ bằng sàng;Mẹ anh già yếu, cậy nàng vá may.”
*
“ Tay khoác màn loan kêu bớ bạn chung tình,Mẫu thân già yếu hai đứa mình dưỡng nuôi.”
Vì tuổi già sức yếu, cho nên người già lúc đi thường chống gậy và có thái độ ung dung:
“ Ung dung gậy trúc chống đi,Áo chùng chấm gót, mũ ni che đầu.Cụ ơi, cụ sắp đi đâu?Ra đình yến lão tiệc chầu vua ban...”
Tuổi trẻ thì ngược lại, họ có thời gian sinh lý mãnh liệt do cơ thể trên đà phát triển, nhịp sống thôi thúc, vội vã, hối hả, hăng hái, vồn vã:
“ Quả đào tiên bay nhảyNắng lấp lóa vừa trònCải mới trổ bông nonGà vừa thì nhảy ổ “
*
“ Lạ lùng anh mới hỏi thăm,Trăng kia đã đến hôm rằm hay chưa?- Trăng đang mười bốn chưa rằm,Lá dâu non còn đợi con tằm mới hăng.”
*
“ Sóng vồn vã đưa thuyền ai chập chã,Hỡi cô em hối hả chèo thuyền.Hãy dừng tay ta nói chuyện tơ duyên,Sao cô vội vã quay thuyền bỏ đi.”
Trong dân gian vẫn thường nói: “ Thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương “. Đó là một phát biểu tổng quát về đặc tính của thời gian sinh lý, nhưng nó còn tùy thuộc vào tình trạng tuổi tác: Vết thương ở tuổi già lâu lành hơn ở tuổi trẻ. Ngoài ra, đặc tính đó còn tùy thuộc vào chủng loại: “ Chó liền da, gà liền xương “.
Thời gian tâm lý
Thời gian này được cảm thấy qua những mối cảm xúc, tâm tình và tùy theo mức độ sâu đậm mà có co giãn vắn dài. Cái gì mà mình mong đợi hay khi có tâm sự buồn rầu hoặc ăn không ngồi rồi thì thời gian dường như giãn ra:
“Đau chóng, đã chầy “( Mắc bệnh mau, lành bệnh thì lâu )
*
“ Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại “
*
“ Thức khuya mới biết đêm dài...”
*
“ Yêu nhau chẳng quản gần xa,Một ngày chẳng đến bằng ba bốn ngày.”
*
“ Một ngày không gặp mặt nhau,Tưởng chừng xa cách đã hầu ba năm.”
*
“ Có chàng nói một cười hai,Vắng chàng em biết lấy ai than cùng?Trời ơi! Có thấu tình chăng?Một ngày đằng đẵng coi bằng ba thu.”
*
“ Nhất nhật bất kiến như tam thu hề.Thăm em một chút anh trở lộn về,Kẻo mà con trăng kia nó lặn, tứ bề vắng tanh.”
*
“ Sầu đông càng khắc càng đầy,Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.”( Truyện Kiều- Nguyễn Du )
Trái lại, lúc vui mừng, hoan hỉ thì thời gian dường như co rút, dày đặc lại:
“ Ngày vui qua mau “
*
“Đèn Bạc Liêu sáng rỡ, đèn Chợ Sở sáng lòa,Anh gặp mặt em đây chưa kịp giao hòa,Gà kia vội gáy, chân trời hừng đông.”
Thời gian triết lý
Thời gian này đi sâu vào tâm thức của con người, cho nên tùy theo tình trạng và trình độ của tâm thức, nó có thể đi theo thời gian vật lý, sinh lý hay tâm lý và cũng có thể vượt thoát khỏi thời gian, tức Siêu Thời đạt đến Thường Hằng. Khả năng này trong giấc mơ tiên của Từ Thức cũng còn ở mức độ tương đối, chừng vài thế kỷ:
“ Trách chàng Từ Thức vụng suy,Cõi Tiên chẳng ở về chơi cõi trần.”
Người ta “ trách chàng Từ Thức vụng suy ”, nhưng có biết đâu Từ Thức đã từ bỏ lối suy tính vụn vặt chi ly ở Biệt Thời, Gian Thời để vươn lên Siêu Thời, tức cõi Tiên, cõi Vĩnh Cửu. Thế rồi chàng quyết định không ở mãi cõi Tiên, mà quay về rong chơi ở cõi trần. Như vậy là Từ Thức đã thể hiện Hòa Thời của Việt Đạo, giao hòa giữa Tục- Tiên: ở cõi Tiên mà không đoạn tuyệt với cuộc đời, về cõi Tục mà tâm hồn vẫn cứ an lạc, thanh thản như cõi Tiên. Điều này cũng tương tự như trường hợp Lang Liêu thời Hùng Vương, đã thể hiện Đạo Thái Hòa qua sự tích Bánh Dày- Bánh Chưng, tức là sự giao thoa giữa Vuông- Tròn. Như vậy Hòa Thời dung hợp tất cả các loại thời gian, cho nên người có tâm thức ở đợt Hòa Thời nhìn thấy xuyên suốt thời gian, mọi sự vật ở thế gian vừa chuyển, vừa hằng:
“ Trăm năm ý thiếp một lòng,Dầu ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai.Dầu cho đá nát vàng phai,Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào.”
Ý thức về thời hằng nằm ngay trong tâm thức của con người, là một lòng (nhấttâm) cho dầu trong thế gian có biến dịch, đổi dời.
Theo ý nghĩa của tiếng sấm khai nguyên, thì không thể nào tách biệt vật chất, thời gian, không gian ra riêng rẻ được. Nếu có sự phân chia thì cũng chỉ tạm thời do nhu cầu tri thức, cho nên khi nói về cơ cấu thời gian thì thật ra là cơ cấu thời không vũ trụ. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa vũ trụ như sau: “ Bốn phương và trên dưới là vũ. Xưa qua nay lại là trụ = Không gian và thời gian= Thế giới ( Univers )” . Theo thuyết tương đối của Albert Einstein ( 1879-1953 ) thì ánh sáng khi chiếu qua những khối vật rất nặng, tức qua những hấp dẫn lực rất lớn thì chậm lại và cong đi. Sự chậm lại này có liên hệ với sự chậm của thời gian và sự cong của ánh sáng có nghĩa là không gian biến dạng. Một cái đống hồ nguyên tử đo thời gian rất chính xác đặt ở mặt đất chạy chậm hơn khi đặt ở trên cao trong không khí. Thời gian không những được xác định như thế ở sự vật ngoại tại, mà còn được xác định tương tự ngay trong nội tâm của chủ thể nhận thức như ở thời gian sinh lý, thời gian tâm lý. Thời gian triết lý do trình độ tâm thức qui định: Ở Gian thời thì thời gian là thời gian khoa học được đo đếm bằng đồng hồ một cách máy móc, lạnh lùng, là vũ thuộc Địa. Siêu thời là đã vượt thoát thời gian, không còn lệ thuộc vào dụng cụ đo đếm nữa, là trụ thuộc Thiên. Khi vũ và trụ giao hòa thì sẽ làm ra vũ trụ với cơ cấu thời không co giãn tùy theo trình độ của tâm thức: ý thức về thời gian của Từ Thức khác với những người thân khi chàng từ giã cõi Tiên về dưới cõi trần. Với các bậc giác ngộ thì thời gian co giãn ngắn dài tùy tâm, ở nơi đây cũng là ở nơi đó, tuy ở cõi trần tục mà lúc nào cũng an nhiên tự tại chẳng khác nào ở cõi Tiên. Đó là Hòa thời của Việt lý, loại thời gian thể hiện lưỡng nhất tính của con người, ở Gian thời mà không thấy thời gian kéo dài ra và con người còn muốn thoát thời gian để vươn tới miền vĩnh cửu.
Một điều rất lý thú là trong lý thuyết tương đối, Einstein đã cho biết dạng thức giãn nở của thời gian qua công thức xác định khối lượng của một vật như sau:
m0
m= ---------
Trong đó mẫu số xác định hệ số giãn nỡ của thời gian ( Zeitdilatation ), c= 300.000 km/sec là tốc độ ánh sáng. Khi vật đứng yên thì v=0, hệ số giãn nở của thời gian bằng 1. Do đó: m= m0 , nghĩa là khối lượng của vật lúc đứng im. Khi vật chuyển động với tốc độ bình thường thì sự thay đổi khối lượng không đáng kể, nên rất khó nhận ra sự khác biệt. Nhưng khi vật chuyển động với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng thì hệ số giãn nở thời gian tiến về 0, do đó khối lượng m sẽ vô cùng lớn. Lúc đó, theo công thức: E = m thì năng lượng E lại càng vô cùng lớn.
Hình tượng vuông tròn của cơ cấu thời không
Cơ cấu thời không trong Việt lý được biểu thị qua cặp hình tượng vuông-tròn, là tính lưỡng hợp, lưỡng nhất. Vuông biểu thị thế giới hiện tượng, vật chất, Địa, không gian. Tròn biểu thị thế giới tâm linh, tinh thần, Thiên, thời gian. Tư tưởng này đã thấm nhập vào tâm tư của người bình dân và để lại ấn dấu trong tiềm thức của họ bao đời qua những vần ca dao, tục ngữ:
“ Tu cầu gia đạo vuông tròn,Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền.”
*
“ Mẹ tròn con vuông “
*
“ Trên đầu em đội khăn vuông,Trông xuống dưới ngực cau buồng còn non.Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,Mặt mũi vuông vắn chồng con thế nào?”
Hình ảnh ngựa-rồng:
Cặp hình ảnh này được xem tương đương với vuông- tròn. Ngựa chạy trên đất, rồng bay lên trời. Ở kinh Dịch:
Quẻ Kiền: “ Phi long tại Thiên “Quẻ Khôn: “ Tẫn mã hành Địa “.
Ở ca dao:
“ Anh đi đâu ba bốn dặm đường,Gặp con xà Long Mã chữ đương ai đề.”
( Ba bốn dặm đường: 3-4 gợi hình ảnh tròn-vuông. Chữ đương: yêu đương, hướng về sự chung thủy).“ Rồng chầu ngoài Huế,Ngựa tế Đồng Nai,Nước sông trong sao lại chảy hoài .Thương người xa xứ lạc loài tới đây.”( Chảy hoài: nước sông vừa chuyển vừa hằng. Thương người xa xứ: Tình thương chung thủy không phân biệt địa phương, nghĩa là siêu vượt thời không. )
Hình ảnh ngựa chim:
Ngựa chạy trên đất, chim bay lên cao, mà loài quý như Hạc chỉ Tiên, lý tưởng con người phải tự nỗ lực vươn tới:
“ Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn,Cả cái dù không che được cán ở tay.Gừng già, gừng rụi, gừng cay,Anh hùng càng cực, càng dày nghĩa nhân.”
Biểu tượng dọc ngang:
Cặp biểu tượng này cũng có ý nghĩa tương tự như vuông tròn, ngựa rồng nói trên. Dọc ngang là tính lưỡng nghi căn cơ của Đạo Việt, Việt lý chi phối con người cũng như vạn vật, mà khởi đầu là Cơ, chỗ giao thoa giữa Thiên Địa, Động Tĩnh, Hữu Vô. Cơ là tác động mà chưa hiện hình nên còn rất tế vi, khó thấy. Cơ là cái điềm, mà người ta có thể thấy trước khi nó thành hình. Hệ Từ Hạ có viết: “ Quân tử kiến cơ nhi tác “: Bậc quân tử thấy Cơ vừa máy động thì hành động ngay. Cơ là đầu mối của công trình sáng tạo của Tạo Hóa ở đợt căn cơ, chỗ tương giao dọc ngang, đan dệt thành thế giới vạn vật trong đó có con người với cuộc sống phong phú, đa diện. Tư tưởng uyên nguyên này đã bén rễ, ăn sâu vào tiềm thức cộng thông trong dân gian qua cách sinh hoạt, mà dấu vết còn ghi lại trong kho tàng ca dao quý giá:
Đan đát:
Vật liệu dùng để đan đát là cây tre do tính dẻo dai của nó. Thân tre có nhiều lóng thẳng, rỗng ruột: “ Tiết trực tâm hư “ Vì thế đã từ lâu Việt Nho lấy tre làm biểu tượng chỉ những bậc đạt nhân quân tử. Những bước để hoàn thành việc đan đát đồ dùng: chặt che, vót nan, gầy, đan đát,lận, nứt. Theo kinh nghiệm trong dân gian thì ngay từ bước đầu, công việc chặt tre cũng phải rất thận trọng:
“ Nhất đánh giặc, nhì chặt treNhất chặt tre, nhì ve gái.”
Nhiều vật dụng đan đát cần thiết trong đời sống đều được làm ra theo phương pháp thủ công, cho nên những động tác liên kết dọc ngang của từng nan tre dần dần tích lũy nơi tiềm thức mà ý thức không hay biết. Chính động tác đó tình cờ lại phù hợp với đường hướng tâm linh giúp con người có thể sống nhuần nhuyễn theo nhịp căn cơ mà những người giàu có, ăn không ngồi rồi ít có cơ hội :
“ Cùng nghề đan thúng, túng nghề đan nia.”hay:“ Nghèo đan thúng, túng đan nong.”
Con đường tâm linh khác con đường duy vật. Tâm hư mới có thể đạt nhân, trái lại nhiều tham dục thì vong thân. Con đường tâm linh hướng nội, càng vào thì càng ít về lượng mà phẩm thăng tiến. Ngược lại, con đường duy vật hướng ngoại, càng ra càng phóng tán, lượng tăng, phẩm mất dần. Nhắc lại câu châm ngôn Triết: “ Nội hàm càng nhỏ, ngoại hàm càng lớn “. Như vậy,Tâm càng trống rỗng thì càng có khả năng bao trùm khắp vạn vật và cũng vì thế mà những câu ca dao dưới dạng nguyên ngôn, tức diễn đạt nguyên lý căn cơ một cách cô đọng thì thường đa nghĩa:
“ Liệu bề đạt đặng thì đan,Đừng gầy rồi bỏ thế gian chê cười.”
Đan là công việc đan đát, nhưng lại có ý nghĩa tổng quát là gầy dựng, tạo tác bằng nguyên lý giao thoa dọc ngang căn cơ, rồi từ đó khai triển đầy sáng tạo, làm xuất hiện ở thế gian biết bao công trình mà ở đây xin nói đến tình duyên, một đề tài không bao giờ lỗi thời, nghĩa là vượt thời gian :
“ Gặp đây anh hỏi thực nàng,Tre non đủ lá đan sàng được chăng?Chàng hỏi thì thiếp xin thưa,Tre non đủ lá đan chưa được sàng.Ngoài chợ có thiếu gì giang,Mà chàng lại nỡ đan sàng tre non.Đan sàng có gốc tre già,Tre non đủ lá được là bao nhiêu?”
*
“ Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng,Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?- Đan sàng thiếp cũng xin vâng,Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng?”
*
“ Lọt sàng xuống nia “ ( Tục ngữ )Ca dao:“ Vì sàng cho gạo xuống nia,Vì em anh phải đi khuya về thầm.”
Nong, nia đan khít, sàng thưa hơn. Khít hay thưa đều có công dụng riêng của nó, đó là đặc tính chung của vật dụng từ nong, nia, sàng cho đến phên, mành, sáo:
“ Dày che mưa, thưa che gió “
Từ đan sàng đến kết võng:
“ Anh về chẻ nứa đan sàng,Tước đay kết võng cho nàng ru con.”
Rồi đến lưới:
“ Ngó lên trượng lưới phơi dùn,Nàng tiên phải đọa anh hùng sa cơ.”
Võng, lưới được kết, đan có mối thắt của hai sợi dọc ngang, thời không. Phơi dùn chỉ yếu tố thuận duyên kém.
Chiếu, giường cũng được làm ra theo nguyên tắc kết hợp dọc ngang ấy:
“ Ai về đường ấy hôm mai,Gởi dăm điều nhớ, gởi vài điều thương.Gởi cho từ chiếu đến giường,Gởi cho đến chốn buồng hương em nằm.”
Canh cửi:
Canh cửi là dệt vải theo lối thủ công. Canh là sợi dọc trên khung cửi hay máy dệt đã luồn qua go và khổ, phân biệt với sợi ngang, gọi là chỉ:
“ Trai mong chiếm bảng đề danh,Gái thời dệt vải vừa nhanh vừa tài.”
Canh cửi, dệt vải là nghề trang nhã của phụ nữ khi xưa, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng khi xao lảng, bỏ bê thì hạnh phúc sẽ mất đi như câu chuyện Ngưu Lang- Chức nữ: Chức Nữ sau khi kết duyên với Ngưu Lang thì trở nên lười biếng, bỏ bê việc canh cửi nên bị Trời phạt lấy sông Ngân Hà phân cách:
“ Vị gì một dải sông Ngân,Làm cho Chức Nữ chẳng gần Ngưu Lang.”
Xao lãng, bỏ bê việc canh cửi có nghĩa bóng là lơ là đời sống tâm linh, chạy theo thú vui vật chất, cho nên bị Trời phạt, bị đau khổ, không có chân hạnh phúc. Sợi dọc biểu thị con đường tâm linh rất quan trọng trong cặp lưỡng nghi dọc ngang, cũng như sợi chỉ dọc quan trọng trong việc dệt vải. Sợi dọc này nhờ đến go, là bộ phận của khung cửi dùng để luồn và đưa nó lên xuống trong khi dệt:
“Đố ai dệt vải đừng go,Nấu cơm đừng lửa anh cho nén vàng.”
Ca dao cho thấy việc dệt vải, dệt lụa không phải chỉ đơn thuần là sinh hoạt nghề nghiệp, mà qua đó người bình dân còn gởi gắm tâm tình, ý tưởng nữa:
“ Anh dốc kén cho đặng người kim chỉ,Nên chi làm cho phải tóc tơ.Bởi vậy nên anh mới ước mơ,Cũng như người dệt lụa giữ hờ mối anh.”
Trong bài ca dao trên, câu nào cũng có những chữ gây ấn tượng: dốc kén, tóc tơ, kim chỉ, ước mơ, dệt lụa, giữ mối. Cây có cội, nước có nguồn thì tình yêu theo quan niệm truyền thống trong dân gian qua ca dao cũng có đầu mối tơ duyên:
“ Sông sâu nước chảy xuôi dòng,Tiếc chi người nghĩa thiếu dây tơ hồng se duyên.”
Dây tơ hồng se duyên là đầu mối, là sự giao thoa dọc ngang nguyên thủy, là nguyên lý lưỡng hợp thái hòa của Hòa thời, mà người bình dân thi vị hóa, điển hình hóa là Ông Tơ, Bà Nguyệt:
“ Ngó lên Cồn Lác, ngó xuống Cồn BàngAnh thương em ruột thắc gan vàngBiết Ông Tơ, Bà Nguyệt sẵn sàng se duyên.”
Hình ảnh Ông Tơ, Bà Nguyệt không phải là dấu hiệu của sự mê tín, có toàn quyền quyết định tình duyên từ bên ngoài, mà người bình dân đã ý thức được khả năng chủ động của con người qua ước nguyện, thề nguyền gắn bó chân thành của chính mình, chứ không phải hoàn toàn phó thác:
“Ước gì nguyện được như nguyền,Ước gì chỉ thắm se duyên tơ đào.”
Tinh thần nhân chủ được thể hiện qua quyết tâm tự mình quay tơ, se chỉ thắm, tỏ thái độ bất tín nhiệm, phiền trách Ông Tơ:
“ Ai làm anh phải xa em,Cho cây xa cội, cho đêm xa ngày.Đêm với ngày anh quay chỉ thắm,Sợi thẳng sợi dùn nghĩ mà giận Ông Tơ.”
Việc tỏ thái độ đó đôi khi đến độ “ mạnh tay “ chứng tỏ tính nhân chủ cao độ trong tinh thần văn hóa truyền thống Việt Nam xưa:
“ Bắc thang lên đến tận Trời,Bắt ông Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay.Đánh rồi lại trói vào cây,Hỏi ông Nguyệt Lão đâu dây tơ hồng?”
Ước mơ, thề nguyền là nguyện vọng trăm năm hạnh phúc, là vượt thoát thời gian, hướng về vĩnh cửu, là Đạo thường hằng:
“Được vàng được bạc trên tay,Em không mừng rỡ bằng nay gặp chàng.Trèo lên khung cưỉ dệt hàng,Cửi kêu lăng líu, dạ thương chàng líu lăng.Lời thề dưới nước trên trăng,Trăm năm không bỏ Đạo hằng cùng anh.”
Đạo hằng là Đạo thủy chung siêu vượt thời gian. Muốn giữ được Đạo hằng này thì phải thấu suốt và nắm vững đấu mối căn cơ, tức là hướng về tâm linh để lập lại quân bình đối với thế giới hiện tượng, vật chất đầy mâu thuẫn:
“ Trăm năm ý thiếp một lòng,Dầu ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai.Dầu cho đá nát vàng phai,Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào.”
*
“ Anh đi làm ruộng ba trăng ( giăng ),Ở nhà em giữ Đạo hằng chớ sai.”(Trong "Con Đưnờg Văn Hóa Việt", sắp xuất bản)
Nguyễn Văn Nhiệm
No comments:
Post a Comment