02 July 2010

Thư Paris

ĐẰNG SAU THẤT BẠI CỦA ĐỘI TUYỂN PHÁP

Như vậy là cả hai đội Pháp và Ý, hạng nhì và đương kim vô địch thế giới ( World Cup 2006 tổ chức ở Đức ) đều bị loại ngay vòng đầu của Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2010 đang diễn ra tại Nam Phi. Đội Pháp huề với đội Uruguay ( 0 – 0 ), thua đội Mexique ( 0 – 2 ) và thua đội chủ nhà Nam Phi ( 1 – 2 ). Càng thê thảm hơn nếu biết thêm là theo bảng xếp hạng cuối cùng của Liên Đoàn Túc Cầu Thế Giới FIFA tháng 5-2010, Pháp được xếp hạng 9, trong khi Nam Phi không có tên trong số 50 nước đầu của làng Túc Cầu thế giới. Đội Ý chỉ khá hơn một chút, huề với đội Paraguay ( 1 – 1 ), huề với đội Tân Tây Lan ( 1- 1 ) và thua đội Slovaquie hạng 34 thế giới ( 2 – 3 ).

Báo chí và dư luận dân chúng ở hai nước đều hết lời chỉ trích hai đội tuyển quốc gia, nhứt là hai huấn luyện viên Raymond Domenech của Pháp và Marcello Lippi của Ý. Hai từ ngữ được lặp đi lặp lại là « Thất Vọng » ( Déception ) và « Nhục Nhã » ( Honte ). Giới truyền thông gọi thất bại của đội Ý là một trận động đất nhỏ, vì qua 17 lần tham dự giai đoạn chót của giải Túc Cầu Thế Giới, đây là lần đầu đội Ý bị loại ngay vòng đầu. Ngược lại, đội Pháp sau khi đoạt chức vô địch thế giới năm 1998, và sau đó là vô địch Âu Châu năm 2000, đã từng bị loại ngay vòng đầu của giải Túc Cầu Thế Giới tổ chức ở Nhật và Nam Hàn năm 2002, không đá lọt lưới các đối thủ bàn nào : thua đội Sénégal 0 – 1, huề đội Uruguay 0 – 0, thua đội Danemark 0 - 2 , rồi đến giải Túc Cầu Âu Châu năm 2008 cũng lại bị loại ngay vòng đầu, với kết quả tệ hại, huề đội Roumanie 0 – 0, thua đội Hòa Lan 1 – 4, thua đội Ý 0 – 2.

Ông R. Domenech làm Huấn luyện viên đội tuyển Pháp từ sau giải Túc Cầu Âu Châu năm 2004 tổ chức ở Bồ Đào Nha, năm đó đội Pháp thua đội Hy Lạp 1 – 4 ở vòng Tứ kết. Sau thất bại thê thảm ở giải Âu Châu năm 2008 kể trên, báo chí và dư luận dân chúng yêu cầu bãi chức ông Domenech, nhưng Hội đồng lãnh đạo của Liên Đoàn Túc Cầu Pháp vẫn tiếp tục tín nhiệm ông Domenech. Ông Domenech là người đem lại nhiều tranh cải và chống đối hơn những người tiền nhiệm của ông trong chức vụ Huấn luyện viên Đội tuyển quốc gia. Trước hết là do cá tính của ông. Ông tỏ ra không thân thiện với giới truyền thông, càng ngày ông càng xa giới báo chí, có thể nói là ông ghét họ nữa. Ông tỏ thái độ bất cần đối với những chỉ trích của báo chí. Ông cũng không nhận được sự kính nể của những cầu thủ nòng cốt đã đem lại chiến thắng cho nước Pháp trong hai giải Túc Cầu Thế Giới năm 1998 và giải Túc Cầu Âu Châu năm 2000. Có người nói, đội tuyển Pháp vào được giai đoạn chót của giải Túc Cầu Thế Giới năm 2006, vào đến chung kết và thua đội Ý trong gang tấc ( hai bên thủ huề 1 – 1 sau khi đấu thêm giờ, phải dùng thể thức đá phạt đền để phân thắng bại : đội Ý ghi được 5 bàn, đội Pháp chỉ đá lọt lưới có 3 bàn ), không phải do tài dìu dắt của ông Domenech, mà do công của những cầu thủ cột trụ của hai giải 1998 và 2000. Người ta nêu bằng chứng là, sau một năm đá vòng loại 2004 – 2005, với những kết quả thảm hại, đội Pháp có nguy cơ bị loại. Tuy đã tự rút lui khỏi đội tuyển quốc gia trước đó, Zidane , trung vệ tấn công ( milieu offensif ), Makélélé, trung vệ đoạt bóng ( milieu récupérateur ) và Thuram , hậu vệ, trong số những cầu thủ nòng cốt đã góp phần tạo chiến thắng cho đội Pháp trong hai giải 1998 và 2000, tình nguỵện trở lại với đội tuyển quốc gia. Nhờ vậy đội Pháp đã qua được giai đoạn vòng loại, đi sâu vào giai đoạn chót của giải 2006, vào đến chung kết với đội Ý. Mặt khác, ông Domenech cũng tỏ ra lúng túng và bất nhất trong cách lựa chọn, sử dụng và điều hợp các cầu thủ của đội tuyển quốc

gia, cũng như trong cách áp dụng chiến thuật và ứng biến đúng lúc ( timing ). Chẳng hạn từ lâu ông thường sử dụng đội hình 4-3-2-1 hoặc 4-2-3-1 với một cầu thủ tiền đạo làm mũi nhọn tấn công. Đột nhiên trong tuần lễ trước khi đến Nam Phi tham dự giai đoạn chót của giải Túc Cầu Thế Giới năm 2010, ông đã cho áp dụng đội hình 4-3-3 trong ba trận đấu giao hữu để chuẩn bị vào giải. Kết quả không khả quan : thắng chật vật đội Costa Rica 2-1, huề với đội Tunisie 1-1, nhưng ở cả hai trận đội Pháp đều bị dẫn trước, và tệ hơn nữa là trận chót thua đội Tàu (hạng 84 thế giới ) với tỷ số 0-1. Do đó trong ba trận vòng đầu với các đội Uruguay, Mexique và Nam Phi ông cho áp dụng trở lại đội hình 4-3-2-1, làm xáo trộn phản ứng phối hợp của các cầu thủ. Kết quả là đội Pháp đại bại và bị loại.

Ông Domenech cũng không có đủ uy quyền để khiến các cầu thủ tuân hành những lệnh của ông điều chỉnh vị trí của các cầu thủ trong trận đấu. Chẳng hạn trong trận đội Pháp gặp đội Mexique, theo báo chí cho biết cầu thủ Anelka, tiền đạo mũi nhọn tấn công, trong hiệp đầu đã lùi xuống phía sau quá sâu., trong thời gian nghỉ giải lao trong phòng thay quần áo, ông Domenech đã nhắc Anelka điều chỉnh và giữ đúng vị trí chiến thuật của mình. Anelka đã lớn tiếng cải lại và nhục mạ ông Domenech. Ông Domenech đã cho cầu thủ Gignac thay Anelka trong hiệp hai. Từ một nguồn tin không chính thức, nhật báo thể thao L’Équipe của Pháp đã đăng lời nhục mạ ông Domenech của Anelka, bị Anelka sau đó cải chính, cho biết những lời được báo chí đăng lại, không đúng là những lời của anh ta đã nói với ông Domenech.

Tuy nhiên câu nhục mạ ông Domenech của Anelka đã trở thành chuyện lớn, rất lớn. Liên Đoàn Túc Cầu Pháp đã căn cứ trên câu nói của Anelka được báo chí thuật lại, đã quyết định loại Anelka khỏi đội tuyển Pháp và buộc anh ta phải rời Nam Phi ngay. Ngày thứ bảy 19.6, Anelka đã lên máy bay rời Nam Phi.

Ngày hôm sau, Chúa nhựt, các cầu thủ của đội Pháp đồng loạt tẩy chay không chịu tập duợt chuẩn bị cho trận gặp đội Nam Phi vào ngày thứ ba, để phản đối quyết định của Liên Đoàn Túc Cầu Pháp khai trừ Anelka, trước sự kinh ngạc và chế nhạo của dư luận thế giới về sự thiếu tinh thần kỹ luật và thể thao của các cầu thủ đội Pháp. Sau đó như mọi người đều biết, đội Pháp đã thua đội Nam Phi, bị loại ngay vòng đầu và khăn gói về nước.

Nhưng quyết định sai lầm của Liên Đoàn Túc Cầu Pháp tiếp tục tín nhiệm ông Domenech, sự thiếu khả năng, uy tín và uy quyền của ông Domenech trong việc dẫn dắt đội tuyển Pháp chưa đủ để giải thích sự thất bại của đội Pháp. Các cầu thủ của đội Pháp cũng có một phần trách nhiệm lớn. Trong tuần lễ trước ngay khai mạc giải Túc Cầu Thế Giới 2010 ở Nam Phi, sau kết quả tệ hại của ba trận giao hữu, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy gần 80% những người trả lời tin rằng đội Pháp sẽ không qua được vòng đầu. Và họ có lý do. Điều người ta chê trách là , khác với lớp cầu thủ đàn anh của hai thập niên trước, phần lớn các cầu thủ trong đội Pháp hiện nay thiếu tình yêu màu áo của đội tuyển quốc gia, thiếu cả tinh thần đồng đội, mỗi người chỉ vì mình. Nhiều lần người ta thấy một cầu thủ chỉ muốn làm bàn cho cá nhân, không đưa bóng cho một đồng đội ở một vị trí thuận lợi hơn mình để làm bàn. Họ cũng thiếu quyết tâm và hăng hái trong trận đấu. Nhiều lần người ta thấy một cầu thủ Pháp bị đối phương tranh mất bóng, đứng ngẩn ngơ , thay vì cố gắng chạy theo đoạt lại bóng. Mặt khác, theo tin tức báo chí, các cầu thủ của đội Pháp chia thành nhóm chơi thân với nhau , không thù nghịch nhưng không hòa hợp với một vài cầu thủ khác, kết quả là thiếu sự phối hợp, tinh thần liên đới và đồng đội trên sân. Điều quan trọng hơn nữa là trong đội Pháp hiện nay không có một cầu thủ nào đủ tài và uy tín để dẫn dắt các đồng đội trên sân và ngoài sân. Thập niên 1980 đội Pháp có Platini, thập niên 1990 có Deschamps, sau đó có Zidane, những thủ quân có tài, có uy tín, được tất cả đồng đội nể phục và nghe lời chỉ dẫn. Từ năm 2008, Thierry Henry làm thủ quân của đội cầu Pháp. Henry là cầu thủ tiền đạo tấn công có tài, khoác áo đội tuyển Pháp 123 lần, có số lần ghi bàn thắng cho đội Pháp cao nhứt trong số các cầu thủ đá cho đội tuyển Pháp từ trước tới nay, 51 lần. Nhưng anh ta đã 32 tuổi, đang đá thuê cho đội câu lạc bộ  Barcelonne, Tây ban nha, đang xuống dốc, vì bị thương nhiều lần, nên chỉ là cầu thủ phòng hờ, không còn là cầu thủ chính thức nữa. Dự giải ở Nam Phi lần nầy, anh ta cũng chỉ là cầu thủ phòng hờ của đội Pháp, và mất luôn chức thủ quân , được Ông Domenech giao cho cầu thủ Patrice Evra. Anh nầy là cầu thủ hậu vệ, chỉ khá hơn các đồng đội khác một chút, nhưng không có sức hấp dẫn và uy tín cao để lãnh đạo toàn đội.

Nếu thất bại ê chề của đội Pháp ở giải Túc Cầu Thế Giới năm 2002, chỉ bị giới truyền thông và dân chúng ồn ào phê phán, chỉ trích trong ba ngày, sau đó tình hình lắng dịu dần, thì thất bại của đội Pháp năm nay trở thành một biến cố lớn, một chuyện quốc gia đại sự. Theo tin tức từ báo chí, ngay sau khi đội Pháp thua đội Nam Phi ở trận thứ ba, Tổng thống Pháp Sarkozy điện thoại cho cầu thủ Henry, cựu thủ quân của đội Pháp, yêu cầu anh nầy đến gặp ông ngay khi về đến Pháp. Sáng thứ năm 24.06, máy bay vừa đáp xuống phi trường Bourget, cầu thủ Henry được hộ tống đi thẳng tới điện Élysée gặp Tổng Thống Pháp. Nội dung cuộc tiếp kiến nầy không được tiết lộ và không được công bố. Ngoài ra sau khi có tin các cầu thủ của đội Pháp làm reo, không chịu tập duợt cho trận đấu thứ ba, bà Rochelyne Bachelot, Bộ trưởng Y tế và Thể thao, được chỉ thị của Tổng Thống Sarkozy lưu lại Nam Phi để chấn chỉnh tinh thần của cầu thủ trong đội tuyển Pháp, vì rõ ràng cả ông Domenech và ông Escalettes, Chủ tịch Liên Đoàn Túc Cầu Pháp không còn làm chủ được tình hình nữa, nhưng cố gắng vào giờ chót của bà không còn tác dụng đối với tinh thần rã rời của các cầu thủ Pháp, họ như những chú gà trống mắc mưa, không còn sức đập cánh và xung trận nữa. Bà Bachelot còn hứa là sẽ cho tiến hành cuộc điều tra sâu rộng cách hoạt động, điều hành và trách nhiệm của Hội đồng lãnh đạo Liên Đoàn Túc Cầu Pháp đưa đến thất bại của đội tuyển Pháp, và lên tiếng kêu gọi ông Escalettes từ chức Chủ tịch. Tổng Thống Sarkozy còn triệu tâp Thủ Tướng F. Fillon, bà Bộ Trưởng Bachelot, bà Phụ tá Bộ trưởng phụ trách thể thao Rama Yade tham dự một phiên họp đặc biệt về túc cầu Pháp. Đi xa hơn nữa, sau buổi họp đó, Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ triệu tập đại hội khoáng đại ( les États généraux ) về túc cầu Pháp vào tháng 10, bà Bachelot ra điều trần trước Quốc hội ( l’Assemblée Nationale, xin hiểu là Hạ nghị viện, vì Pháp cũng có Thượng nghị viện, gọi là le Sénat ) về thất bại của đội tuyển Pháp, sau đó bà yêu cầu Quốc hội cử một Ủy ban điều tra về thất bại nầy. Tin giờ chót cho biết sáng thứ tư 30.06 ông J.P.Escalettes, người đã từ chức Chủ Tịch Liên Đoàn Túc Cầu Pháp hai hôm trước, và ông Domenech đã ra trình bày ý kiến của họ trước Ủy Ban Văn hóa của Quốc Hội Pháp về thất bại của đội tuyển túc cầu Pháp.

Người ta có thể nghĩ rằng Tổng Thống và chính phủ Pháp đã chính trị hóa và quan trọng hóa quá đáng thất bại của đội Pháp trong giải Túc Cầu thế giới ở Nam Phi, trong khi chính phủ Pháp đang còn nhiều việc quan trọng hơn phải giải quyết như tìm các biện pháp hữu hiệu để đưa nước Pháp sớm ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, tài chánh hiện nay, giải quyết tình trạng

thất nghiệp cho hơn hai triệu rưỡi người không có việc làm, nhứt là giải quyết thành công hồ sơ nóng bỏng về việc cải tổ hệ thống hưu trí ở Pháp đang được tranh luận gay gắt giữa chính phủ, giới chính trị, giới công đoàn chủ và người làm công, và dư luận dân chúng Pháp. Công việc chấn chỉnh lại đội tuyển túc cầu Pháp nhiều lắm chỉ cần giao cho Phụ tá Bộ trưởng phụ trách thể thao phối hợp với các giới chức thẩm quyền trong làng túc cầu Pháp giải quyết.

Ông R.Domenech mãn giao kèo với Liên Đoàn Túc Cầu Pháp vài ngày tới, để lại cho người kế nhiệm một đội tuyển Pháp gần như tan rã, phải tốn nhiều công sức để xây dựng lại. Nhưng điều đầu tiên và quan trọng mọi người đều nhận thấy là phải cải tổ Hội đồng lãnh đạo Liên đoàn Túc Cầu Pháp để tạo mọi thuận lợi cho tân huấn luyện viên đội tuyển Pháp, Laurent Blanc. Giới hâm mộ túc cầu Pháp đặt nhiều kỳ vọng ở cựu cầu thủ hậu vệ thòng ( libéro ) rất vững chắc và hữu hiệu nầy, một cầu thủ nòng cốt đã góp phần rất lớn cho đội cầu Pháp đoạt chức vô địch thế giới năm 1998 và vô địch Âu châu năm 2000. Anh là huấn luyện viên trong ba mùa bóng vừa qua đã giúp đội câu lạc bộ Bordeaux đạt được những thành công lớn trong làng túc cầu Pháp.

NQMINH PARIS

PS. Trong suốt bài nầy tôi chỉ dùng chữ Túc Cầu mà không dùng chữ Bóng Tròn hay Bóng Đá. Xin được giải thích. Lúc đầu người Việt Nam dùng chữ Túc Cầu để dịch chữ Football, môn thể thao do người Anh đưa ra. Ở miền Nam trước tháng 4.1975 có dùng thêm chữ Bóng Tròn. Sau năm 1975, từ miền Bắc, chữ Bóng Đá được dùng rộng rãi trên cả nước. Nhưng nhận thấy chữ Bóng Tròn dùng ở đây không chính xác, vì trong cả ba môn thể thao : Basketball ( Bóng Rỗ ), Football và Handball ( ở trong nước hiện nay dịch là Bóng Ném ) đều dùng trái bóng tròn chỉ khác nhau về kích thước lớn nhỏ của quả bóng. Chữ Bóng Đá cũng không chính xác, vì trong môn Rugby ( Bóng Bầu Dục ), cầu thủ dùng tay để ôm, thảy và chuyền bóng và dùng cả chân để đá bóng. Còn trong môn Football, cầu thủ có quyền dùng đầu để chơi bóng, nhưng tuyệt đối không được dùng tay, trừ thủ môn, và dùng chân là chủ yếu; có lẽ chính vì vậy mà người Anh đã đặt tên cho môn thể thao nầy là Football. Dù chủ trương càng dùng ít chữ hán việt càng tốt, nhưng để khỏi câu nệ và ngây ngô, như cách dùng những chữ” lính thủy đánh bộ” thay cho” thủy quân lục chiến”, tôi không dùng chữ “bóng chân” mà đề nghị dùng chữ Túc Cầu đã có từ lâu để chỉ môn Football của người Anh.

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...