24 July 2010

Cái Nhà Ở Mỹ

Cái Nhà Ở Xứ Mỹ



Người Việt mình thường nói "Sống cái nhà, thác cái mồ" Ý nói khi sống, cái nhà là căn bản, khi chết cái mồ, cũng là căn bản. Nhưng ở Mỹ thì có hơi khác. Sống ở Mỹ, phải cày muốn tắt thở vì cái nhà, mà chưa chắc cái nhà đó là "căn bản" của mình. Trả tiền nhà trễ là bị tống ra khỏi nhà. Và khi chết, nếu lúc sống không lo sẵn cho mình một chỗ để chôn, thì cũng có hi vọng con cái đem mình đi "thui" ra tro cho đỡ tốn. Nóng chịu sao thấu! Nhiều người kể, đã thấy xác người chết bỏ vô lò thiêu, khi nổi lửa lên, đương sự (người chết) ngồi bật dậy! Xem thế đủ biết, cái nóng đáng sợ đến bực nào, đến người chết cũng hoảng kinh! Tôi xin kể một chuyện thật về vợ của người bạn tôi. Khoảng năm 1989, ông bạn tôi, nhà ở gần chợ Bà Chiểu, có bà vợ bị bịnh chết, đem thiêu ở lò thiêu Tân Phú. Khi đưa quan tài đến lò thiêu thì phải xếp hàng chờ đến lượt, giống như ở Mỹ người ta chờ xét an toàn (inspection) xe vậy. Thế nên mấy cha con ra về, định ngày mai lên lấy tro. Trưa hôm đó, ông bạn tôi nằm thiu thiu ngủ với thằng con ba tuổi. Đột nhiên, thằng bé kêu thét lên "Nóng quá! Nóng quá trời ơi!" Ông bạn tôi giật mình, lay thằng bé dậy hỏi, nó bảo thấy mẹ nó về kéo chân nó. Hôm sau mới rõ, khi thằng bé kêu lên là lúc người ta đang thiêu mẹ nó. Ông bạn tôi người Công giáo, đâu có phịa chuyện người thân của mình thành ma quỉ được. Kể nghe cho vui chứ tôi không có ý dọa mấy ông bà trong hội cao niên, xúi đi mua đất trong các nghĩa trang làm chỗ sinh phần cho mình. Tôi cũng chẳng trẻ trung gì, nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện chết. Tôi ngán chuyện đó lắm. Phải nằm mãi trong sáu tấm ván, còn bị lấp đất lên, tối thui. Tưởng tượng đến đã thấy tù túng, bực bội muốn ngạt thở!
Bây giờ nói chuyện cái nhà ở Mỹ. Người Mỹ vừa mua nhà là nghĩ đến chuyện bán nhà, nên họ chỉ sơn sửa khi sắp bán nhà, còn người Việt mình, đa số, khi đã mua nhà rồi, thì cả chục năm sau, gửi thư đến, vẫn người đó nhận thư. Thế nên, người Việt mua xong nhà lại tốn thêm mớ tiền sửa sang, o bế cái nhà cho đúng ý mình.
Tôi xin kể chuyện tôi mua nhà ở Mỹ để quí vị nghe cho vui. Dĩ nhiên cũng giống như quí vị mua nhà chứ chẳng có gì khác.
Năm 1991, tôi qua Mỹ theo diện HO. Người bạn đồng môn vừa là bạn tù, vượt biên qua trước, bảo lãnh gia đình tôi về ở tạm nhà anh ta. Ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, đa số các nhà đều có tầng hầm, thường gọi là basement. Người Mỹ làm cái basement nầy để chứa máy giặt, máy sấy, máy nước nóng, máy điều hòa nhiệt độ (AC). Họ không nghĩ rằng sẽ có những người Việt Nam tị nạn như gia đình chúng tôi sẽ vào ở trong đó. Thế nên họ bắt ống nước, ống hơi dẫn nhiệt, ống nước thải, dây điện... chạy lung tung trên trần basement, chẳng khác gì mấy cái xưởng máy trong phim trinh thám mà James Bond thường mò vô để rình bọn tội phạm quốc tế hoặc phe Cộng Sản (Thời còn chiến tranh lạnh) sản xuất ba thứ hóa chất, bom nguyên tử, hỏa tiễn để "chơi" nước Mỹ vậy.
Khi chúng tôi đến Mỹ thì ông bạn tôi kêu thợ đến ngăn ra một phòng cho gia đình tôi trú ngụ. Anh thợ nầy cũng người Việt, loại tay ngang, làm rất nhanh nhưng cũng rất ẩu tả. Anh ta chỉ làm bốn bức vách cách nhiệt với cửa ra vào là thành một cái phòng! Đến mùa đông, (thường lạnh dưới 0 độ C) hơi lạnh từ các kẻ hở của vách cách nhiệt, bốc ra như sương khói, thấy rõ như hơi lạnh trong ngăn đá của tủ lạnh khi máy làm việc vậy. Lạnh đến độ đắp mấy cái mền cũng lạnh, đắp không kỹ, hơi lạnh từ chỗ hở luồn vào như cái lưỡi của con ma le, liếm cái lưng, cái bụng, nên người cứ run lên, vợ con cũng run cầm cập, ngủ không được. Vợ chồng tôi phải ôm thằng út hai tuổi vào lòng để truyền hơi ấm cho nó. Bấy giờ tôi mới hiểu, vì sao trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến luyện chưởng trong phòng lạnh mà lại "ngồi yên". Lạnh thế đó mà lại phải cởi áo quần ra thì dù có uống cả kí lô Viagra cũng vẫn cứ "teo" như thường. Lúc mới qua Mỹ, chưa quen giờ giấc nên cứ đến một, hai giờ trưa (ở Việt Nam là khuya) là tôi buồn ngủ ríu mắt, nhưng tối lại, hai mắt cứ mở thao láo, nằm để hát câu "Trời lập đông chưa em?...Ôi mùa đông của anh!"
Bạn sẽ hỏi "Sao không mua một cái máy sưởi điện về mà sưởi?" Có máy sưởi đấy chứ! Chủ nhà cũng có để sẵn một cái heater nhưng nhỏ chút xíu, mỗi cạnh chưa đến gang tay, để sát tay vào thì thấy ấm, nhưng dùng cho cả cái phòng thì chẳng hiệu quả gì. Tôi lại nghĩ trên lầu, chắc ai cũng lạnh như mình, nhưng họ "quen rồi" mình than lạnh thì lòi cái quê ra. Bấy giờ tôi chưa biết cái máy điều hòa nhiệt độ (AC) là gì cả! Mà cái máy nầy cứ chạy ầm ầm dưới basement, bên cạnh phòng chúng tôi, chỉ thổi hơi nóng lên tầng trên, nên cái basement vẫn là cái tủ đá lạnh ngắt.
Ở basement có thêm cái khổ nữa là nghe tiếng nước chảy trong các ống thoát nước. Tầng trên làm gì, dưới nầy biết hết. Nghe nước chảy ro ro mãi thì cầu cho trên đó tắm mau xong. Nước chảy cái ào rồi róc rách qua các ống bự trên trần basement lại tưởng tượng đến chất thải của con người đang vui vẻ jogging (chạy thể thao) vòng vèo trên đầu mình.
Chắc bạn lại hỏi "Sao không "mu" (move) chỗ khác? Ăn eo phe (welfare) thì có tiền chính phủ cho, tìm cái apartment mà thuê?" Thì tôi cũng nghĩ như bạn vậy. Nhưng hết mùa đông, ở basement lại mát vì nó nằm dưới đất. Hơn nữa, mình từ xứ cộng sản, đã từng ở tù cải tạo, ra tù thì bị ghè sát ván, nên sinh ra tâm lý đề phòng bất trắc. Tạm trú nhà bạn thì tiền trả ít hơn, dành giụm, "rủi có gì!", nơi xứ người còn xoay xở được. Có lẽ bạn không đồng ý? Tôi đọc chuyện, thấy có anh chàng bị lạc trong rừng tuyết, đói quá đi không nổi phải bò ra bờ biển, chiếc tàu vớt được, cho anh ta ăn bánh mì, anh ta lén dấu trong áo một lô bánh, đến độ người anh ta trông to phình ra. Đó là lo xa. Ngay chính tôi, khi còn ở Việt Nam, đi tù về mà lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một cái xách nhỏ, đựng áo quần, mùng mền, thuốc men. Hễ nghe công an gõ cửa là cầm luôn cái xách trong tay ra mở cửa. Ông cải tạo nào không làm như thế thì đáng phục vì họ lạc quan tếu. Thế nên, ông HO nào qua Mỹ, tìm được đồng nào, lận lưng đồng đó, xin đừng cười là keo kiệt.
Trong lúc ăn eo phe, tôi đã có một job (việc làm). Lúc đầu đi làm vệ sinh các cao ốc, nhưng bị người chủ thầu đồng hương bóc lột dữ quá, tôi nghĩ việc. Tên chủ nầy, miệng dẻo quẹo, lúc nào cũng nói nhân đạo "Tội nghiệp đồng hương! Để tôi cho mấy anh lãnh tiền mặt, chính phủ không biết. Nếu biết, họ cắt eo phe mấy anh còn bỏ tù nữa" Sau nầy tụi tôi mới biết là hắn bắt tụi tôi làm gấp đôi người khác. Hắn bảo tôi phải làm thay cho người chịu đứng tên trong paycheck của tôi.
Sau khi chia tay với tên chủ đồng hương ác ôn, tôi tìm được job khác là rửa chén dĩa, nồi niêu, làm vệ sinh cầu tiêu, phụ việc vặt cho mụ làm bếp của một nhà hàng người Á Châu (nhưng không phải người Việt). Nhiệm vụ tôi là buổi chiều đến sớm hút bụi nhà hàng, chùi cầu tiêu. Mụ nhà bếp cũng đến sớm để chuẩn bị thức ăn, đồ nhậu. Khoảng bảy giờ là khách bắt đầu đến lai rai. Mụ bếp nầy, trình độ tiếng Anh cũng chẳng hơn gì tôi nên đôi khi mụ ra dấu để sai tôi. Mụ thích bắt tôi đấm lưng, bóp chưn, bóp tay cho mụ. Lúc đó chỉ có tôi với mụ ta thôi. Mụ khoảng gần năm mươi, mập nu, mắt một mí, híp lại như mắt heo luộc, trên ngón tay không thấy đeo nhẫn cưới, chắc còn la ø"nàng trinh nữ...tên Thi". Đấm bóp cho mụ ta xong tôi mới được làm việc khác.
Một lần tôi đến, cửa mở nhưng không thấy mụ ta, dù tôi biết chỉ có mụ ta có chìa khóa mà thôi. Tôi đi hút bụi xong thì lấy đồ nghề đi chùi cầu tiêu. Khi vô phòng vệ sinh nữ, tôi vô tình mở cửa một ngăn, thấy mụ ta ngồi chóc ngóc trong đó (mà không gài cửa!) Tôi dội ngược, vội qua phòng vệ sinh nam làm việc. Sau đó thật lâu, tôi mới qua phòng vệ sinh nữ, thì mụ ta đã vào bếp. Vậy mà tối hôm đó, mặt mụ ta hầm hầm. Tôi thấy thế nói với bà chủ nhà hàng xin nghỉ việc.
Đó là những việc làm thêm, kiếm tí tiền còm mua cái xe cũ làm phương tiện đi lại. Sau khi hết eo phe, tôi làm thu ngân cho một cây xăng. Cây xăng nầy có hai chủ. Một ông Mỹ và một mụ Á Châu. Mụ ta không phải vợ ông Mỹ, có lẽ hùn hạp bằng "vốn tự có". Mụ cũng không phải người Việt.
Tôi nghe một anh chàng thợ người Việt làm ở đó kể rằng "Có lần tôi vô tình đẩy cửa văn phòng bà ta, thấy thằng thợ máy (người Trung Đông) đang bóp chưn cho bà ta. Tôi để ý, mỗi khi người chủ Mỹ kia đi vắng thì anh chàng thợ máy được gọi vào văn phòng để "bóp chưn bóp tay", nhưng sau nầy, tôi biết ý không vào, vả lại cửa đã khóa rồi. Mấy lần bà ta dụ tôi đi ciné, tôi lắc đầu thì bà ta bảo rằng " Cứ nói với vợ mầy là tao sai đi mua đồ phụ tùng xe" Tôi cũng lắc đầu"
Lại bóp chưn, bóp tay! Mụ nầy đi chân vòng kiềng. Sách tướng có nói "Đàn bà đi chân vòng kiềng, mỗi ngày không có đàn ông, sẽ phát điên!"
Bấy giờ coi như tôi có việc làm, tuy lương rất thấp. Vợ tôi thì đi may ăn công. Nghĩa là làm nhiêu ăn nhiêu. Ví dụ may cái túi áo giá mấy xu đó, ngày may được bao nhiêu túi áo cứ tính thành tiền mà lãnh, cố lắm, ngày được vài chục đô là tối đa. Thấy khó sống, vợ tôi đi bán "hotdog" (bán thức ăn và nước ngọt) trên một xe nhỏ (trailer) đặt dọc lề đường, thủ đôâ Hoa Thịnh Đốn (Washington DC). Cứ bán được trăm đô, chủ trả hai mươi đô. Cũng đỡ khổ, nhưng mùa đông, đã lạnh mà tuyết bay mù trời, chẳng có du khách nào ra đường cả, vậy là vừa bị lạnh mà bán tối đa được trăm đô, chủ chia cho hai mươi đô, bằng một giờ làm việc của một công nhân Mỹ hạng bét. Tóm lại gia đình tôi đủ sống qua ngày, với tiền eo- phe (trợ cấp trong 8 tháng đầu mới đến Mỹ cộng với food stamp, là phiếu thực phẩm), nhưng chả lẽ ở mãi dưới cái basement của người bạn?
Một người quen xúi mua nhà "Mầy mướn nhà cũng trả chừng đó, mua nhà cũng trả chừng đó hoặc hơn chút đỉnh, nhưng sau đó mầy sẽ có nhà, nếu mướn nhà, mầy hết mướn là ra tay không" Tôi nghe cũng có lý, nên có ý tìm nhà. Tôi xem báo hoặc xách xe lội xóm. Thấy giá nhà, tôi tính nhẩm. Với số lương lúc đó của cả hai vợ chồng (sau khi hết trợ cấp), thì dù có dán băng keo bốn cái miệng lại, nghĩa là không ăn uống, không tiêu xài gì hết, chúng tôi cũng không đủ trả góp tiền nhà hàng tháng. Tôi bàn với vợ tôi, tôi sẽ tìm thêm vài jobs nữa, vợ tôi nghỉ làm, đi học nghề hớt tóc. Thế là tôi làm ba jobs cả thảy, cũng chỉ một nghề thu tiền cho cây xăng. Buổi sáng, tôi dậy thật sớm, đến cây xăng thứ nhất làm việc, chiều, xong shift (buổi làm), tôi chạy thẳng qua cây xăng thứ hai, khuya mới về. Thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi "chơi" luôn cây xăng thứ ba. Tính ra tôi làm trên tám chục tiếng mỗi tuần. Tôi chịu đựng gần hai năm, khi vợ tôi học xong, ra nghề hớt tóc, uốn tóc, tôi nghỉ bớt, chỉ làm ở một cây xăng, nhưng làm thêm luôn ngày thứ bảy và chủ nhật, được tính overtime (tiền phụ trội vì làm trên bốn mươi giờ) cho đến bây giờ. Sau hơn ba năm, chúng tôi để dành được một ít tiền. Tôi lại tìm nhà để mua. Có người bạn chỉ cho tôi một ngôi nhà trong xóm, gần chỗ chúng tôi đang ở. Anh ta bảo "Nhà nầy lúc đầu đòi hai trăm nghìn đô, hai năm rồi, nghe nói bớt còn trăm sáu cũng không ai mua. Bây giờ có lẽ chủ tụt giá nữa. Anh đến xem" Tôi đến, thấy cái nhà đó giống cái chuồng gà công nghiệp bên Việt Nam, thấp tè, cũng không đến nổi. Nhưng sao giá thấp như thế mà không có ai mua? Tôi nghĩ nhà có ma, người ta sợ. Tôi gọi một ông bạn làm realtor (môi giới mua bán nhà). Ông bạn nầy đưa tôi vô nhà và bắt đầu chê nhà cũ, chỗ nầy phải sửa, cái kia phải thay, mục đích cho chủ nhà nghe. Realtor mà chê là phải đúng. Theo luật, người môi giới (realtor) bên mua không được tiếp xúc thẳng với chủ nhà mà phải liên lạc với môi giới bên bán. Anh ta xúi tôi vô gặp chủ nhà đòi bớt giá. Có lẽ mấy năm mà không bán được nhà, chủ nhà phát nản, nên sau một lúc kỳ kèo, chủ nhà chịu bán. Tính ra hơn ba năm chúng tôi mới ra khỏi cái basement của ông bạn.
Khi dọn vào, tôi mới biết lý do người ta chê. Nhà quá cũ, tuổi cũng trên nửa thế kỷ. Thiết kế hết sức kỳ cục! Cái máy điều hòa không khí (AC) đặt ngay giữa nhà, ba căn phòng nhỏ chút xíu vây quanh. Khi cái máy (AC) đó chạy thì giống như xe lửa qua cầu. Nghe ầm ầm, nhà rung rinh như động đất. Mà nó chạy cho còn quí. Mùa đông mở máy, con quái vật đó chỉ kêu lên chứ không "chạy" Nghĩa là hơi cũng có xịt ra nhưng lạnh ngắt. Không thấy hơi nóng đâu cả! Tôi gọi cho một người thợ quen. Anh ta đến "Có sửa cũng xài tạm, phải thay cái mới" Sửa xong, nó có nóng chút đỉnh, nhưng anh thợ vừa đi khỏi thì hơi nóng cũng theo anh ta đi đâu mất! Đành mua mỗi phòng một cái hít (heater) nhỏ xài tạm.
Đến mùa hè, mở máy lạnh, cũng có hơi chứ không mát được chút nào. Tôi lại kêu anh thợ "Ông đến coi giùm, mở máy nó chạy nhưng không xịt hơi lạnh gì cả!" Anh ta đến, bảo "Bôm ga!". Bôm ga xong, nó cũng chỉ thổi hơi nóng chứ chẳng lạnh chút nào! Anh thợ bảo "Cái máy AC nầy có lẽ là sản phẩm đầu tiên từ ngày phát minh ra máy lạnh, nên nó không lạnh" Chúng ta đều biết, cây cối trong vườn, vật dụng trong nhà đều có sự sống của nó. Vì mình không nghe được chúng tâm sự, chứ nghe được thì cái máy lạnh nhà tôi ắt phải chửi thề dữ lắm "Tao già sáu bảy chục tuổi rồi mà còn bắt xịt hơi nóng rồi xịt hơi lạnh. Mầy hỏi ông già mầy có xịt nổi không mà bắt tao xịt?" Sau cái máy AC thì đến mấy cái vòi nước. Tắt nước rồi mà nước vẫn chảy, giống như mấy bà đi cắt mắt, nhắm mắt mà mắt vẫn mở vậy. Kêu thợ đến thay xong thì nước lại nghẹt, chỗ nào cũng nghẹt, nước không chịu thoát đi, nhất là cái phòng vệ sinh! Kêu thợ, anh ta đến "Nhà nầy cũ quá rồi. Mấy cái ống thoát nước bằng gang, bị rỉ sét nghẹt cứng rồi" "Bây giờ phải làm sao?" "Thì đục tường mà thay ống mới" Lại tốn thêm mớ tiền nữa! Nếu kể ra cho đủ các phiền toái, bực mình khi mua nhà cũ thì chẳng bao giờ hết. Mái nhà dột, thay mái xong thì đến mấy cánh cửa. Cửa nào cũng hở, mùa đông hơi lạnh theo các khe hở vào nhà, lại kêu thợ! Lại móc túi! Tiền trong ngân hàng chỉ đủ trả mấy cái bills (giấy đòi tiền) điện, nước, rác, điện thoại, bảo hiểm xe.
Kể ra tụi tôi cũng liều mạng mua nhà, chứ lương hướng chẳng bao nhiêu. Nhưng tụi tôi cũng gặp may. Thứ nhất là vợ tôi làm nghề hớt tóc ngày càng đông khách rì quếch (request: khách đến chỉ yêu cầu một người thợ mà họ thích) nên tiền "típ" cũng khá, đủ đi chợ thỉnh thoảng còn cho tôi đi uống cà phê với bạn bè. Thứ hai là chúng tôi không quen biết nhiều, nên không bị mời đi ăn cưới, đi dự tất niên, tân niên các hội đoàn, các hội đồng hương, các buổi ra mắt sách, ra mắt thơ, các buổi nhạc thính phòng, nhạc hội tình yêu, thi nhạc giao duyên...nên đỡ tốn. Phiền nhất là đám cưới. Đi đâu lớ ngớ gặp ông bạn mới quen, bị hỏi một câu "Tháng sau đám cưới cháu, mời anh chị. Có đi được không?" Nếu lỡ miệng trả lời "Đi chớ! Đi cho cháu nó vui mà mình cũng được gặp bạn bè trò chuyện" Vậy là tốn trăm đô phong bì lại thêm cái nạn phải ăn lại những món mà đám cưới nào, nhà hàng nào cũng giống nhau.
Ở xứ Mỹ nầy, mỗi khi đi dự đám cưới, bà nào cũng ước mình được như bà Âu Cơ. Đẻ trăm trứng, nở trăm con, nuôi chúng lớn lên, dựng vợ gả chồng cho chúng. Ngày cưới, cứ nhắm người bạn nào mà mình không có cảm tình mà gửi cho một cái thiệp mời thì coi như kẻ thù gục ngã. Tiếp theo ngồi nặn óc, cố nhớ lại mấy năm nay, những ai đã mời mình đi ăn cưới con họ, thì gửi thiệp đến, nhất là những con mẹ nào đặt điều đã mời mình đi dự "Kỷ niệm lễ thành hôn, năm năm, mười năm" Coi như cưới lại lần nữa. Cũng khăn voan choàng đầu, cũng áo cưới lượt bà lượt bượt, quay vô một bộ, chạy ra một bộ, rồi năm bảy kiểu tóc trong một đêm, rồi cắt bánh, rồi mời rượu nhau, hai cái tay tròng tréo nhau, vừa cười vừa uống rượu, rồi anh chị kéo nhau ra khai mạc đêm dạ vũ. "Thấy mà gai con mắt! Già ngắt mà làm bộ ngây thơ!" Trăm bà đều gầm gừ trong đầu như thế, nhưng miệng vẫn tươi cười khen anh chị đẹp đôi "Trông trẻ măng mà tình tứ hết sức!"
Nói cho vui thôi chứ trước giờ có ai được như bà Âu Cơ đâu. Nhưng tôi biết (trước bảy lăm) có một gia đình có đến ba mươi sáu người con. Ở một thành phố nhỏ miền Trung, có một ông nhà buôn nọ có hai bà vợ. Hễ bà lớn sinh đôi thì bà nhỏ cũng sinh đôi. Ông ta lập thêm một tiệm buôn cho bà nhỏ. Thành phố tôi, hai tiệm buôn đó cũng vào hạng lớn, buôn bán tấp nập. Hai tiệm buôn cách nhau chưa tới cây số. Thỉnh thoảng, buổi tối ông chạy xe Mobilette (xe gắn máy của Pháp) đến thăm bà nhỏ, khi ra về, không hiểu sao chiếc xe gắn máy đó thường không chịu nổ máy. Loại xe nầy, muốn máy nổ phải đạp như đạp xe đạp rồi vô ga là nó chạy tiếp, không cần đạp thêm. Ông chủ tiệm buôn lần nào ra về, đạp nó không chịu nổ máy, cứ khẹt khẹt, khè khè rồi im. Ông ta lại tiếp tục đạp. Khi máy vừa nổ thì ông cũng vừa đến nhà! Ai bảo đồ vật không có tư tưởng, tình cảm? Nó theo phe bà vợ lớn, hành ông ta cho bỏ ghét.
Thời đó khoảng cuối năm năm mươi, giá như năm hai nghìn mà ông ta ở quận Cam, có lẽ ra đường, ai thấy ông bà từ xa đã lo phú lĩnh. Sợ ông ta mời ăn cưới. Mà dù có bà con hay bạn bè quen thân cũng không ai dám mời vợ chồng ông ăn cưới con mình. Rủi bị mời lại ba mươi sáu lần, e chết giấc chứ không cách nào chịu nỗi.
Trở lại ba mươi sáu người con của ông chủ tiệm buôn. Chúng đông lúc nhúc đến độ ngày Tết chúng chúc Tết cha mẹ, khi lì xì mừng tuổi các con, ông bố không nhớ rõ tên con, cứ hỏi "Mi tên chi?" Một lần tôi lên lầu nhà ông ta, thấy giường ngủ của các cô cậu đặt hai dãy như trong bệnh viện. Nếu theo tiêu chuẩn ở Mỹ, mỗi đứa một phòng riêng, phải cần một cái hotel mới đủ. Ba mươi sáu người con của ông chủ tiệm buôn hay ăn chóng lớn, học hành lại thông minh, năm nào cũng lên lớp, thi đâu đậu đó. Thời tiểu học, trung học chúng học gần nhà, chẳng tốn kém gì. Xong tú tài hai chúng phải ra Huế, lên Đa Lạt, vô Sài Gòn học đại học. Tiền học, tiền trọ, tiền ăn, tiền tiêu vặt, sách vở... phải lo đủ cho các con. Vậy là chỉ mấy năm thôi. Ông ta từ tư bản bóc lột, bỗng quá độ, tiến thẳng lên vô sản chuyên chính. Bán được bao nhiêu, cứ lên bưu điện mà nộp vô mấy cái bưu (ngân) phiếu, chuyển cho các con, bảo sao không sạt nghiệp! Thế nên khi miền Nam sập tiệm, năm 75, nghe nói ông được biểu dương "vô sản tiên tiến" khỏi cần "cải tạo công thương nghiệp" vì ông đã vô sản rồi. Nhưng các con ông lại có vấn đề. Chúng học giỏi, ra trường tất nhiên làm quan to, có chức có quyền trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Vậy là lịch sử tái diễn. Giống như chuyện Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, đám con ông, một nửa lên núi, vô rừng học tập cải tạo, một nửa nhanh chân xuống biển làm thuyền nhân đi tìm tự do.
Đọc đến đây, làm gì bạn cũng kêu lên "Lạc đề rồi ông ơi! Nói chuyện cái nhà ở Mỹ đi!"
Vâng! Chuyện mua nhà ở Mỹ của vợ chồng tôi cách đây hơn mười năm, thuộc thế hệ thứ nhất của dân HO. Tiếng tây tiếng u không rành, sau gần chục năm trong tù cải tạo, tuổi cao, sức khỏe suy nhược, tâm trí khật khùng, đương nhiên phải làm những việc nặng nhọc, vất vả và bẩn thỉu mà lương hướng chẳng bao nhiêu.
Nhưng mình không có cái nhà để cho con cái đi, về, cũng tủi thân chúng.
Đến thế hệ thứ hai. Con của mấy ông HO học hành nên người thì chuyện chúng mua nhà (phải nhà mới xây, trên nửa triệu) coi như chuyện lẻ tẻ. Vì lương của chúng có thể gấp ba lương của cha mẹ chúng góp lại. Nếu người phối ngẫu (vợ hay chồng) của chúng cùng tốt nghiệp đại học thì khỏi nói, chúng xài còn sang hơn người Mỹ bản xứ.
Nhưng dù sao, mỗi khi vợ chồng chúng bồng cháu về thăm ông bà nội, ông bà ngoại, chắc chắn chúng vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi vì lao động chân tay vất vả của cha mẹ còn phảng phất trong nhà. Chúng cũng như nghe được tiếng lịch kịch của cha mẹ dậy rất sớm đi làm. Rồi đến khuya, đang ngủ, chúng nghe tiếng mở cửa, tiếng đóng cửa của cha mẹ đi làm về. Công việc của cha mẹ chúng đâu có ngồi trước cái computer như chúng mà phải chịu đựng tuyết lạnh hay cái nóng nung người ngoài trời, kiếm mấy đồng một giờ về nuôi chúng ăn học, trả tiền nhà, tiền điện nước.
Chắc bạn sẽ hỏi "Vậy cái nhà chuồng gà của anh bây giờ ra sao? Sửa lại chưa? Bán, mua nhà khác chưa?" Xin thưa, vợ chồng tôi vẫn ở nhà đó. Có điều lạ, sau đó, nhà vùng tôi ở đột nhiên lên giá. Ông bạn realtor hỏi tôi "Nhà ông bây giờ bán ba trăm nghìn, có người mua ngay" Nghĩa là giá hơn gấp đôi. Nhưng tôi trả lời "Để sau nầy con tôi bán"
Bụi hoa ngoài sân tôi cũng thương, những vết bẩn trên tường các con tôi làm bẩn, tôi cũng thương (và cứ để nguyên cho đến bây giờ). Vả lại, vợ chồng tôi đã lớn tuổi, chẳng muốn ganh đua, hơn thua ai. Ngu gì mua cái nhà nhiều phòng, chỉ ngủ một phòng, để rồi cày mà nuôi mấy tên tư bản, cho vay cắt cổ.
Ai đến tuổi tôi cũng thế thôi: "Sống qua ngày, chờ qua đời!"

Phạm T Châu

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...