10 July 2010

Truyện ngắn

"Thời đó, làm công an khu vực, ai cũng sắm xe gắn máy, riêng anh ta chỉ có chiếc xe đạp cũ, chứng tỏ anh ta là người có lương tâm"...
"Anh Hùng mà không được thả ra thì khó sống đó nghe!" Tư Được rút súng ra "Mầy hăm dọa tao phải không?" "Tôi đâu có súng mà hăm dọa. Tôi nói tôi không gặp anh Hùng thì tôi không sống nổi".

Xin mời quý anh chị cùng tác giả sống lăn lộn với lớp người bị xã hội mới, xã hội của tập trung, của tiếng kẻng ruồng bỏ, giữa ngay lòng Sài Gòn...
**
Tù cải tạo về năm 1981, đáng lẽ phải về quê ở miền Trung như giấy ra trại chỉ định, nhưng tôi ở lì tại Sài Gòn, coi như dân lậu. Tù ra trại mà về miền Trung còn khổ hơn ở tù (thật) nữa. Bấy giờ ở miền Trung, tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường xã nào cũng có những Hợp Tác Xã Mây Tre Lá Xuất Khẩu dành sẵn cho ngụy quân, ngụy quyền và gia đình tham gia sản xuất xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tù cải tạo về là được ưu ái trở thành xã viên ngay. Xã viên tù được đưa lên núi, bứt tranh, bứt đót (làm chổi đót) về làm hàng xuất khẩu. Chính quyền chở tù lên gần núi, bỏ đấy, độ vài tuần sau lên chở về. Tù phải tự túc lương thực, thuốc men, mùng mền chiếu chăn...vào rừng, lên núi, tự kiếm lấy chỗ mà ăn ở, chính quyền không biết đến, miễn sao đến ngày xe lên chở mây, tranh, đót về mà không đủ tiêu chuẩn (số lượng, chất lượng) qui định thì phải ở lại, tiếp tục bứt tranh đót còn thiếu cộng với tiêu chuẩn của kỳ kế tiếp. Chuyện thu nhập, xã viên không được thắc mắc, và ban chủ nhiệm hợp tác xã cũng không quan tâm. Họ cứ trả lời là hàng đưa đi rồi phải chờ "trên" bán được cho nước ngoài mới có tiền!

Ở Sài Gòn, tôi làm đủ thứ nghề. Từ bồi bàn, bán vé số, sửa xe đến đạp xích lô. Khi chuyện tôi đang kể đây xảy ra lúc tôi bán bánh mì thịt nguội tại góc đường Hiền Vương, Duy Tân, đối diện với tiệm phở Hương Bình. Lề đường, chỗ tôi đăt xe là nơi tụ họp của mấy tay tứ chiến giang hồ của xóm kinh tế mới Xóm Củi. Đây là những người từ kinh tế mới kéo về. Trước năm bảy lăm, họ là dân Sài Gòn, khi miền Nam sụp tiệm, họ được chính quyền việt cộng đưa đi kinh tế mới. Làm ăn trên kinh tế mới thất bại, họ kéo về Sài Gòn, ngủ bờ, ngủ bụi vì nhà cửa đã bán mất rồi. Họ thất bại ở kinh tế mới vì nhiều lý do, mà lý do chính là khi miếng đất được cấp phát để khai khẩn đã thục (trồng trọt được) thì nhà nước đuổi họ đi nơi khác, lấy đất làm nông trường hoặc cho đồng bào ngoài Bắc vào chiếm chỗ. Đúng ra nhà nước có cấp đất mới khác, (cũng hoang vu như trước đây, để khai khẩn tiếp) nhưng ai cũng ngán đến tận cổ rồi, họ bỏ về Sài Gòn. Gần mấy trăm nghìn người nằm đầy lề đường.

Nhóm "kinh tế mới" chỗ tôi bán bánh mì được may mắn, ở trong một cao ốc (building) cao gần chục tầng, nằm trong hẽm Trần Tấn Phát, là con đường nhỏ, song song với đường Hai Bà Trưng, thông từ đường Phan Thanh Giản qua đường Hiền Vương. Đây là cao ốc của một tay tư bản xây cho người Đại Hàn, Phi Luật Tân mướn. Sau bảy lăm, chủ bỏ chạy ra nước ngoài, cao ốc bỏ trống, vì thế dân kinh tế mới kéo vào ở. Sau nầy nhà nước cộng sản muốn lấy lại, sửa chữa để làm khách sạn, nhưng dân kinh tế mới không chịu dọn ra. Nhà nước mới nghĩ ra một cách là, ai chịu đi kinh tế mới lần nữa, hoặc chịu đi nông trường thì sẽ được cấp một số tiền. Tiền đây là của một chú ba Tàu Đài Loan chi ra, chú thuê cao ốc nầy, sửa lại để làm khách sạn. Ai muốn tiền thì ký tên, lấy tiền, lên xe và sẽ được đưa lên nông trường. Hôm đó, ai cũng nhận tiền và lên xe. Già, trẻ, lớn, bé chất đầy cả chục chiếc xe tải, chạy một hàng dài. Khi đoàn xe ra quốc lộ thì đồng bào xin ngừng xe để đi tiểu. Mọi người xuống bờ ruộng tiêu tiểu. Họ ngồi trắng đồng. Bỗng nhiên có tiếng hô "Chạy bây!" Vậy là bọn thanh niên khỏe mạnh hò nhau chạy vào xóm, chỉ còn lại mấy ông bà già và bọn con nít (chưa biết chạy). Công an đi theo cũng đành chịu. Thành thử bọn khỏe mạnh thì về lại Sài Gòn, người già với trẻ con thì lên nông trường. Dĩ nhiên nông trường đâu có chịu nhận những của nợ đó. Xe phải chở họ về lại Sài Gòn, nhưng cái cao ốc đã được rào kín, có công an đứng gác, không ai được héo lánh đến. Thế là họ ngủ lề đường.

Chỗ tôi đặt xe bánh mì là nơi các cậu kinh tế mới làm chỗ nhậu nhẹt. Ở Sài Gòn, dân vô sản chỉ cần có rượu là "chủ yếu" còn món đưa cay, nếu kẹt lắm, thì chén nước mắm ớt đường với cục sỏi bỏ trong đó là thành đồ nhậu, ai "lỳ một lam" (làm một ly) xong, bốc cục sỏi, mút cái chụt cho hết nước mắm ớt dính trên cục sỏi, xong bỏ vô lại trong chén cho người khác mút tiếp. Đôi khi họ cũng mua được một thau xí quách gà của tiệm phở Hương Bình, (chỉ còn xương đúng nghĩa, sạch bóc như những nan quạt), đem về mút cũng phong lưu lắm rồi. Còn xương bò, heo, món xí quách cao cấp thì họ đâu đủ tư cách mà mong.

Buổi tối, khoảng tám, chín giờ, họ bắt đầu chương trình. Tờ báo trải ra, chai đế đăït ở giữa với cái ly nhỏ, một chút gì đó gọi là để đưa cay, một ca bự nước đá lạnh để "chữa lửa", thế là đủ cho cả chục người ngồi quanh khề khà với nhau. Nhậu hết họ sai thằng nhỏ nào lảng vảng quanh đó đi vô xóm mua rượu uống tiếp, đến gần sáng, khoảng một hai giờ, ai không có việc thì về nhà, "có việc" thì đi làm phận sự. Phận sự của mấy tay nầy là đào tường, khoét vách. Đó là nói theo "sách vở" chứ ở Sài Gòn, nhà xây, lấy gì mà đào, mà khoét. Thế nên việc của họ là bẻ khóa, trèo tường, nạy cửa...gì họ cũng lấy. Ban ngày họ đi lang thang trong các đường hẽm, chọn đối tượng và bắt đầu theo dõi sinh hoạt những người trong nhà. Thói quen ra sao, tài sản trong đó như thế nào, xâm nhập bằng cách nào? Nói tóm lại là điều nghiên kiểu "tứ khoái, nhất mạn" (làm gì cũng phải nhanh, chỉ dòm ngó nhà người ta là chậm). Khuya đến, họ ra tay. Họ thường đi với nhau vài ba người. Có khi thành công, có khi chẳng được gì. Nhiều lúc vào được trong nhà thì chủ nhà thức dậy. Thế là có một màn năn nỉ xin tha. Đại khái là "Xin các anh thông cảm, nhà tôi chẳng có gì đáng giá để các anh lấy đi. Xin quí anh đến nhà khác" Đó là những người khôn ngoan. Chớ dại mà la lối "Tao biết mặt tụi bây rồi. Tao đi báo công an còng đầu tụi bây" Báo công an thì công an ghi nhận để theo dõi, sẽ xử lý chứ công an cũng lo kiếm ăn, hơi sức đâu mà đi tìm bắt. Còn mấy tay đầu trộm đuôi cướp nầy chỉ lặn kỹ ít lâu, sau đó lại xuất hiện và đến nhà người đi tố cáo đó hăm dọa vài câu là chủ nhà mất ăn, mất ngủ. Con cái đi học, vợ đi làm, mình đi làm. Chẳng biết khi nào nó lụi cho một phát mà đề phòng, mà báo công an?

Chuyện nhậu nhẹt của mấy tay anh chị nầy đã làm khổ mọi người không ít. Rượu vào lời ra, cứ thế họ nói cười, cãi cọ, chửi lộn, đánh lộn rồi còn ca vọng cổ, ca tân nhạc suốt đêm. Họ dùng cái thau nhôm đựng đồ nhậu gõ nhịp và đồng ca. Người trước, người sau, ai cũng cố sao cho tiếng hát của mình át tiếng người khác, thế là cứ ông ổng, lè nhè đến hai ba giờ sáng. Cả khu phố ồn ào còn hơn cái loa phóng thanh của ban văn hóa thông tin phường. Các nhà trên quãng đường Hiền Vương, Duy Tân quanh đó phải thao thức mà cầu nguyện các đấng linh thiêng "phù hộ" cho họ nhậu nhanh mà tan hàng cho sớm. Người chủ nhà có lề đường họ ngồi nhậu đau khổ hết sức mà không dám nói một tiếng. Bà ta cho tôi để xe bánh mì buổi tối là để choán chỗ, hi vọng họ sẽ đi chỗ khác mà nhậu. Vậy mà họ vẫn đến, vì lúc tôi đẩy xe bánh mì về, khoảng chín giờ tối là lúc họ mới bắt đầu chương trình. Bà chủ nhà nghĩ cách khác. Khi tôi đẩy xe bánh mì đi thì bà ta đem nước ra tạt ướt mem lề đường. Nhưng khổ nỗi Sài Gòn là xứ nóng, tạt nước độ mươi phút nước bốc hơi đi hết, lề đường thêm sạch mà lại mát mẻ, ngồi khoái cái bàn tọa, nằm ngủ lại càng sướng. Đôi khi họ ra sớm,ï nhậu ngay bên cạnh xe bánh mì của tôi. Thấy bộ dạng tôi, họ biết là tù cải tạo về nên rất tử tế, không làm phiền, đôi khi họ mời "Sư phụ, làm một ly cho ấm lòng!" Tôi lịch sự từ chối, họ cũng không nài. Đó là lúc họ mới khai mạc, khi họ xỉn mà từ chối thì coi chừng, ông thần ve chai đã nhập vào thì ông trời họ cũng coi như thảo giới "Sư phụ khi tụi nầy bụi đời nên không thèm uống với tụi nầy?" Nhiều khi thấy tôi đẩy xe về thì họ dặn "Nhớ gửi xe bánh mì xong ra với tụi nầy, nghe sư phụ!" Vậy là tôi phải ra ngồi chầu rìa chứ biết nhậu nhẹt gì đâu. Tôi thích ngồi nghe vì ngôn ngữ của họ rất đặc biệt. Họ thường nói tiếng lóng với nhau. Tôi phải nhờ người bên cạnh giải thích ý của câu nói. Thế rồi, xuất hiện một nhân vật.
Bữa đó đang nhậu thì một tay lên tiếng. "Con Qủi Cái đến tụi bay!" Từ xa đi lại một chị đàn bà, trên ba mươi tuổi. Cả bọn xun xoe chào hỏi "Mời Chị Hai ngồi"

Thì ra tên "Con Qủi Cái" chỉ để nói lén thôi. Cả bọn tránh ra một chỗ ngồi, một tên trải tờ báo ra, "Chị Hai" ngồi xuống, không buồn không vui và chị ta móc túi, lôi ra mấy tờ bạc "Qua tiệm phở coi còn xí quách không, nếu không lại đằng kia mua khúc chả lụa" Một cậu thò tay vơ bạc, đi nhanh qua bên kia đường "Thấy anh Hùng đến chưa?" "Chưa thấy, ảnh đến là ngồi với tụi nầy rồi" "Mấy giờ rồi?" Tôi nhìn đồng hồ "Gần mười giờ" Chị ta nhìn tôi "Ông Bánh Mì cũng nhậu à?" 'Tôi ngồi làm con quạ" Cả bọn cười ồ. Trước đó tôi có kể một chuyện vui. Là có chị đàn bà bán rượu đi qua một khu rừng, mệt quá, nằm ngủ bên đường. Ngày xưa, đàn bà mặc váy, khi ngủ váy bị tốc lên. Mấy con quạ nhào xuống mổ "cái đó". Chị bán rượu bực mình bèn mở hũ rượu ra bảo lũ quạ "Uống đi, để yên cho ta ngủ." Vậy mà lũ quạ vẫn cứ nhè chỗ đó mà thò mỏ gắp nữa. Bực mình chị chửi "Tiên sư chúng mầy. Rượu không uống mà cứ nhè thịt gắp mãi!" Ý câu chuyện là mỉa mai mấy tên phá mồi là con quạ, rượu không uống mà cắm đầu ăn.

Tôi liếc trộm chị đàn bà, chị ta không cười. Dung nhan chị ta cũng không tệ lắm. Người có vẻ ốm yếu, khuôn mặt chị hơi thô, có góc cạnh như của đàn ông. Tóc tỉa ngắn đến mang tai, nước da trắng, cằm hơi bạnh, đặc biệt đôi mắt xếch, long lanh, ánh mắt lạnh lẽo, tàn nhẫn, khiến người khác e ngại. Khi chị ta liếc nhìn, tuy buổi tối, không thấy rõ, nhưng đôi mắt đó trông rờn rợn như phát ra ánh sáng của một lưỡi kiếm đang phạt ngang. Phải nói đây là cặp mắt có cô hồn, là mắt của người đã từng giết người. Tôi nghĩ vậ.y Nhưng dáng dấp đó thì làm sao mà giết được ai?! Trừ đôi mắt, chị ta chỉ là một người đàn bà tầm thường, chỉ xứng để nép vào cánh tay che chở của người chồng. Nhưng lối xun xoe của những tay đầu trộm đuôi cướp đối với chị khiến tôi cứ thắc mắc mãi, đoán chừng chị ta phải có một uy quyền khác thường nào đó khiến cho mấy tay giang hồ tứ chiến nầy nể mặt.

Qua nhiều lần ngồi chầu rìa với mấy tay bợm nhậu, những lúc không có chị ta, tôi làm như vô tình, hỏi vài câu về con người kỳ lạ đó. Đại khái, họ bảo cách tốt nhất là đừng chọc cho chị ta giận, chị ta mà buột miệng rủa một câu thì hậu quả sẽ đúng y lời chị ta. Sở dĩ người ta biết được điều đó là vì một lần chị chỉ mặt một tên dân phòng và nói "Mầy dám đụng đến anh Hùng thì bỏ mẹ mầy nghe mầy" Số là chị ta cặp bồ với một tay tù cải tạo về, anh ta tên Hùng. Tay nầy đạp xích lô, buổi tối thường tấp xe trước cây xăng, ngay ngã ba Hiền Vương-Duy Tân để chờ người đẹp. Khi chị ta đến thì anh ta chở chị đi ăn nhậu với nhau. Một lần thấy chiếc xích lô tối nào cũng đậu ở một chỗ vào một lúc nhất định, công an khu vực Tư Được đến hỏi và đuổi đi, nhưng lần sau anh ta vẫn đến, có khi nằm ngủ luôn trên xe nên Tư Được mới dẫn dân phòng đến định bắt anh ta về phường. Dân phòng là những cậu trai trẻ trong phường, bị trưng dụng phụ giúp cho công an trong các vụ bắt bớ, tịch thu hàng hóa người buôn bán, chiếm lòng lề đường, buổi tối thì canh gác, theo công an tuần rỏn.

Khi Tư Được, công an khu vực, dẫn dân phòng đến định áp tải chàng đạp xích lô về công an phường thì vừa lúc Chị Hai đến "Làm gì dữ vậy? Không cho người ta đậu xe thì để người ta đi. Anh nầy chờ ở đây để chở tôi đi công chuyện. Đi anh!" Chị ta leo lên xích lô thì một tên dân phòng, dựa hơi công an làm tàng "Phải bắt anh nầy về đồn công an". Tư Được, công an khu vực không nói gì nhưng tên dân phòng lại nắm tay Hùng xích lô lôi đi. Chị Hai hất tay tên dân phòng ra "Chết mẹ mầy nghe mầy! Buông ra!" Người ta xúm lại xem. Tư Được bỏ đi, tên dân phòng bị quê, nói vài câu hăm dọa vớt vát, nhưng hắn không ngờ câu rủa đó, khoảng mấy ngày sau trở thành "hiện thực". Mẹ tên dân phòng lăn ra chết. Người ta gắn câu rủa của Chị Hai với cái chết của mẹ tên dân phòng. Thực ra bà ta bị bịnh nặng đã mấy tháng nay rồi, nằm bịnh viện, bác sĩ chạy, khuyên đem về nhà chuẩn bị tang ma. Nhưng tin đồn cứ thế lan ra với biết bao tưởng tượng, thêm thắc khác. Nào là người nầy bị chị ta rủa mà bị xe tung, người kia bị mất xe gắn máy.

Chuyện đụng độ giữa tên dân phòng với Con Quỉ Cái thì tôi có thấy, vì xe bánh mì của tôi cách chỗ họ cãi cọ khoảng năm ba thước, nhưng phần sau, tức là phần mẹ tên dân phòng chết thì tôi không biết, sau đó mới nghe kể lại. Từ đó, không ai dám chọc giận chị đàn bà, sợ chị ta vô tình rủa cho một câu thì bỏ mẹ. Người ta gọi lén chị là Con Qủi Cái.

Thế rồi Tư Được, tay công an khu vực bị dính chấu. Tư Được là trung úy công an, từ bộ đội chuyển ngành. Anh ta hơi nặng tai nên nói chuyện với anh ta phải lớn tiếng. Anh ta bảo, thời trong bộ đội, phụ trách bắn B 40 nên bị ù tai. Anh ta rất "đàng hoàng", tuy đôi khi cũng ra oai cho đúng cương vị của mình, chứ chẳng làm khó dễ ai. Thời đó, làm công an khu vực, ai cũng sắm xe gắn máy, riêng anh ta chỉ có chiếc xe đạp cũ, chứng tỏ anh ta là người có lương tâm. Tôi vẫn còn nhớ ơn Tư Được đã không đuổi xe bánh mì của tôi. Tôi ở quận Mười, đến quận Ba hành nghề mà không nhờ người quen xin phép, tối thiểu là công an khu vực, đã là việc "coi thường chính quyền địa phương" rồi, lại còn chiếm lòng lề đường để buôn bán thì chuyện bị hốt xe bánh mì về phường chỉ là thời gian. Vậy là thời gian đầu, Tư Được dẫn xe đạp đến, vẻ mặt nghiêm nghị bảo "Dẹp vô! Ai cho ông bán ở đây?". Tôi ú ớ, chẳng biết trả lời sao!? Tôi nghĩ đến cách mà người khác thường làm, là phải có gì đó cho anh ta mới mong yên thân. Tôi bèn nhờ một người quen chuyển đến Tư Được một số tiền. Tư Được không nhận. Nhưng kể từ hôm đó, Tư Được không đuổi xe bánh mì của tôi nữa. Mỗi khi tuần rỏn, anh ta dẫn xe đạp ngang qua trước xe bánh mì của tôi nhưng làm như không thấy tôi. Tư Được người Nam. Có lẽ thời ở trong bưng, anh ta bị sốt rét "ăn" qua lục phủ ngũ tạng nên mặt anh ta, xám đen, sần sùi kiểu người bị bịnh gan. Tôi không chứng kiến cảnh đụng độ giữa Tư Được với Con Quỉ Cái, chỉ nghe kể rằng Tư Được dẫn dân phòng bắt Hùng xích lô, Con Quỉ Cái lúc đầu năn nỉ, sau lớn tiếng cự cãi với Tư Được mà Hùng xích lô vẫn bị dân phòng bắt lên công an phường. Đối với "ngụy quân, ngụy quyền" thì nhà nước cộng sản, bất cứ cấp nào, xã hay phường, ấp đều có quyền sinh sát vô tội vạ. Đến cơ quan nhà nước mà thấy người gác cổng (bảo vệ) quát nạt người nào trước cổng là biết người bị quát nạt là tù cải tạo về, đến xin giấy tờ gì đấy. Thời đó, vợ bỏ chồng, anh em xa nhau, bạn bè, xóm giềng tránh mặt bọn tù cải tạo về là chuyện bình thường. Thế nên chuyện Hùng xích lô bị bắt chẳng ai thắc mắc, chỉ có Con Quỉ Cái là lồng lộn lên, vì đó là người yêu của chị ta. Năn nỉ, rồi lớn tiếng lý sự cũng không hiệu quả, cuối cùng, chị ta nhẹ nhàng với Tư Được một câu "Anh Hùng mà không được thả ra thì khó sống đó nghe!" Tư Được rút súng ra "Mầy hăm dọa tao phải không?" "Tôi đâu có súng mà hăm dọa. Tôi nói tôi không gặp anh Hùng thì tôi không sống nổi" Vậy mà chỉ sáng hôm sau, nghe nói Tư Được phải lên công an quận nhận Hùng xích lô về và trả lại chiếc xích lô. Có người phịa chuyện là tối đó, trong giấc ngủ, Tư Được bị ác mộng sao đó nên phải lo mà thả Hùng xích lô ra. Tôi nghĩ, có lẽ Tư Được nhân đạo thì đúng hơn. Đạp đổ nồi cơm của người khác, anh ta không muốn.

Mấy hôm sau vụ rắc rối, một buổi tối, hai anh chị, Hùng xích lô và Chị Hai (Con Qủi Cái) đích thân đến chỗ xe bánh mì của tôi, mời tôi đi nhậu. Tôi thối thác "Tôi xin cám ơn lòng tốt của anh chị, nhưng tôi không biết nhậu" Hùng xích lô khẩn khoản "Tôi chỉ có anh là tù cải tạo với nhau, mời anh đến chung vui với hai đứa tôi." "Nhưng nhậu ở đâu?" "Gần đây thôi. Khi anh bán xong, dọn dẹp xe bánh mì là tụi nầy sẽ đưa anh đi" Tối đó, sau khi bán xong, gửi xe bánh mì, tôi đạp xe theo chiếc xích lô, có Con Quỉ Cái ngồi trên đó. Tưởng đến hàng quán nào đó, không ngờ lại vào một biệt thự đang xây dở dang "Nhà ai mà vô đây?" "Anh yên trí lớn. Đây là nhà cán bộ thứ dữ, chẳng ai dám động đến. Nhà thầu cho bọn nhân công ngủ lại để canh chừng vật liệu. Tối nào cũng nhậu lai rai. vì anh không chịu đi với tụi nầy, chứ tụi nầy thường kéo nhau về đây"

Ngôi biệt thự gần như đã hoàn tất, chỉ còn vách chưa quét vôi, vật liệu còn ngổn ngang. Chúng tôi lên tận lầu ba thì thấy đầy đủ mấy tay "nhậu thường trực" ngồi ngoài hè phố, chỗ tôi hành nghề bánh mì thịt nguội. Đặc biệt, trong nhóm người ngồi quanh đó có một chị đàn bà, tuổi khoảng bốn mươi. Chị nầy thì tôi có thấy mấy lần đến nhậu với đám đệ tử lưu linh. Lúc nào chị ta cũng tỏ vẻ rất thèm rượu, nhưng chỉ vài ly là đã ngật ngừ say, lúc đó họ đuổi chị ta về nhà ngủ, vì nếu nhậu tiếp, chị ta sẽ nằm lăn ra đó ngủ luôn đến sáng.

Thấy Chị Hai và Hùng xích lô đến, cả bọn đứng lên đón mừng và mời ngồi vào chỗ được xem là long trọng đối với họ. Riêng tôi, họ bắt ngồi bên chị đàn bà mê uống rượu đó. Đúng là bữa tiệc thịnh soạn, có đủ heo quay, vịt quay, phá lấu...đặt trên một tấm ny lông, có chén đũa tử tế. Rượu thì để sẵn mấy chai. Cả bọn có vẻ nghiêm trang chứ không lốc chốc như thường thấy. Hùng xích lô có mấy lời. "Đáng lẽ chúng ta đến nhà hàng, nhưng không được tự do ăn nói. Bữa nay tôi mời quí anh chị đến là để chung vui với chúng tôi, trên ý nghĩa là tôi được công an thả ra, nhưng chính là để nói lời tạm biệt với các bạn. Lý do thì hai đứa tôi không thể nói rõ hơn. Bây giờ mời quí bạn tự nhiên"

Cả bọn, nãy giờ cứ nhìn các món "nem công, chả phượng" đó mà nuốt nước miếng, chỉ chờ câu nói vừa dứt là cầm đũa, nâng li. Có lẽ từ ngày "giải phóng" đến nay, họ chưa hề thấy miếng thịt quay, con vịt quay nên tối đó, họ gắp thật tình, vồn vã như lâu ngày gặp lại bạn tri âm. Cả tôi nữa, gần cả chục năm tôi mới được thưởng thức lại miếng thịt quay, phá lấu. Tôi không biết uống rượu, nhưng hôm đó cũng vui vẻ nuốt đại thứ nước thơm nồng nàn nhưng cay xé họng. Một cái li nhỏ dùng để rót rượu, mỗi người một li đầy, uống xong rót đầy, đưa qua người bên cạnh, cứ thế xoay vòng. Tôi nhấm một chút thôi, còn lại trong li, tôi đưa cho chị đàn bà ngồi bên cạnh cứu bồ. Rượu đi từ cổ họng xuống bao tử, đến đâu tôi biết biết đến đó. Chị đàn bà ngồi bên tôi được mọi người lưu ý là không được uống nhiều, phải ăn cho no trước đã. Chị ta không hề nói tiếng nào, không cười, không nhìn ai, chỉ chăm chú ăn và nhìn chừng cái li rượu để chờ đến lượt mình.

Rượu vào lời ra nhưng không ồn ào náo nhiệt như mấy bữa nhậu ngoài đường. Tôi đã thấm rượu, thấy ngầy ngật khó chịu định đứng lên thì một tay, có vẻ như đại ca đến lôi tôi ra ngoài hành lang "Tôi thấy sư phụ đỏ mặt là biết sư phụ sần sần trong người rồi. Bữa nay tụi tui để sư phụ được ưu tiên một, nghĩa là sư phụ chơi trước bọn nầy sẽ tiếp theo" Tôi ngạc nhiên "Còn mục gì nữa đây? Tôi chơi môn gì mà được ưu tiên như vậy?" "Sư phụ vờ hay không biết thật?" "Tôi không biết thực mà! Mục gì coi bộ hấp dẫn dữ vậy?" Anh ta nói tỉnh bơ "Con nhỏ ngồi bên sư phụ chịu chơi hết mình. Hễ nó nhậu vô, say rồi thì nằm đó, đứa nào muốn chơi cứ chơi. Tụi tôi thường dẫn nó lên đây nhậu rồi thay phiên nhau chơi. Bây giờ nó xỉn rồi, là lúc nó khoái mục đó lắm. Sư phụ chỉ cần nắm tay nó đưa vô phòng bên cạnh là nó sẽ ôm sư phụ cứng ngắt, không "làm" không được với nó đâu. Nó chửi cho" Tôi tìm cách thoái thác "Trước đây tôi cũng lính tráng, cũng chơi bời dữ lắm, nhưng khi đi tù về, tôi bị "liệt" rồi, chẳng làm ăn gì được. Nếu tôi dẫn cô ta vô phòng mà không làm gì cả thì chỉ làm trò cười cho các anh và cô ta thôi" "Hay là sư phụ vô phòng trước, tôi đưa nó vô sau. Trong phòng có chiếu gối sạch sẽ lắm. Đóng cửa lại là sư phụ yên tâm"

Anh ta nói cách gì tôi cũng lắc đầu. Khi vào lại chỗ ngồi, mọi người hình như đã biết chương trình được vạch sẵn như thế nên họ nhìn tôi cười cười, coi tôi như nhân vật chính quyền sắp cắt băng khánh thành một cơ sở quan trọng, nhưng anh chàng kia nói "Sư phụ không chịu" Bấy giờ chị đàn bà mới nhìn tôi ngạc nhiên, rồi chị ta làm như say, tựa người vào tôi. Nhưng tôi đứng lên nói lời từ biệt và cám ơn các bạn đã có hảo ý mời tôi nhậu còn cho tôi cái hân hạnh đặc biệt đó, nhưng tôi phải về vì tôi không muốn làm phiền chủ nhà thức khuya để chờ cửa. Hùng xích lô cũng đứng lên để tiễn tôi xuống lầu. Khi bắt tay từ giả, tôi hỏi "Lúc nãy anh nói tạm biệt, vậy anh đi đâu?" "Chưa biết đi đâu, nhưng hai đứa tôi nhất thiết phải trốn khỏi vùng nầy. Anh coi. Ít bữa nữa công an sẽ túa ra tìm hai đứa tôi" "Hai ông bà có làm gì đâu mà họ phải tìm kiếm?" "Tôi nói nhưng anh đừng cho ai biết. Con bồ tôi đã rủa là Tư Được khó sống, vậy là chỉ mấy hôm nữa thôi, nhiều lắm là vài tuần, Tư Được sẽ chết" "Bộ cô ta rủa ai là người đó lãnh đủ sao?" "Nói chuyện chơi, nó có rủa cũng không sao, nhưng khi nó giận thực, nhất là có ai làm khó dễ tôi chuyện gì thì khó thoát khỏi tay nó. Rủa lúc đó xong, khuya về, nó ra trước sân, kêu tên kẻ thù rồi đọc thần chú lâm râm, thấy khiếp lắm!" "Anh mà dính với chị ta thì chắc chắn anh không dám mèo mả gà đồng rồi" "Nó tốt với tôi lắm. Tôi không nỡ phản bội nó đâu"

Quả nhiên độ một tuần sau, trong khi tôi đang bán bánh mì thì có một công an đến hỏi tôi "Có thấy thằng đạp xích lô tấp bên kia đường với con bồ của nó không?" "Tôi không để ý nhưng hình như anh đạp xích lô và cô bồ anh ta không thấy xuất hiện" "Khi nào thấy thì chạy ngay đến công an phường báo cho chúng tôi. Anh mà không báo cáo ngay hoặc báo động cho chúng nó biết để trốn đi thì đừng trách chúng tôi. Anh bị khép tội còn nặng hơn tụi nó nữa" "Tôi chẳng dại gì mà không đi báo cáo ngay. Xin quí anh yên trí"

Thế rồi cái đám nhậu đó thỉnh thoảng vẫn tùng tam tụ ngũ chỗ tôi bán bánh mì. Họ không hề nhắc đến Con Qủi Cái và Hùng xích lô. Tôi sợ họ bị bắt, họ không dại gì mà xuất hiện ở vùng nầy, nhưng công an sẽ lùng sục khắp thành thị, thôn quê, cũng có ngày họ bị dính. Mà nghèo như họ thì tiền đâu mà vượt biên!

Tết năm đó, đối với tôi cũng như ngày thường, vì tôi sống xa gia đình, một mình, trọ nhờ nhà người quen. Gia đình người nầy cũng nghèo, chẳng thấy sửa soạn tết nhất gì ngoài hộp mứt, vài cái bánh chưng để trên bàn thờ. Sáng Mồng Một, tôi đạp xe vào xóm kinh tế mới trong đường Trần Tấn Phát, vùng tôi hành nghề bánh mì thịt nguội, định gặp ai thì chào và chúc tết vài câu cho ra vẻ mình cũng đón Xuân như thiên hạ. Nhưng dân kinh tế mới sống lề đường ở đó hình như không có lịch nên không biết tết là gì. Chín mười giờ sáng Mồng Một mà họ vẫn còn ngủ trong mấy tấm ni lông, chỉ có vài người thò đầu ra khỏi mùng, ngồi ngáp vặt. Tôi gặp anh chàng đã cù rủ tôi "làm việc" với chị đàn bà tối hôm đó. Anh ta hỏi tôi "Đi đâu sớm vậy, sư phụ?" "Đi chúc tết anh đây" "Chúc thì tôi cám ơn chứ nhà cửa đâu mà mời sư phụ vô nhà" "Định mời anh lại đằng kia làm ly cà phê nói chuyện chơi" Chúng tôi ra góc đường có quán cà phê vĩa hè, gọi hai ly với vài điếu thuốc, ngồi phì phà. Tôi hỏi "Sao lối rày không thấy Hùng xích lô với chị bồ của anh ta? " "Họ đi rồi" "Đi đâu? Anh có biết tin tức của họ không?" "Vượt biên" "Không chắc đâu. Tiền, vàng đâu mà vượt biên?" "Con Qủi Cái coi lùi xùi vậy chứ khá lắm đó. Anh nó ở bên Mỹ, gửi quà về, tiền thiếu khối chi. Hai đứa đi mấy lần mà không lọt, lần nầy đã đến đảo. Có viết thư về. Họ hỏi thăm mọi người, cả Ông Bánh Mì, là sư phụ, họ cũng gửi lời thăm. Họ cũng nhắn lời thăm Tư Được, nhưng Tư Được đâu còn mà hỏi thăm" "Ủa, chớ Tư Được đi đâu?" "Đi đâu! Ung thư gan, vô bịnh viện mổ nhưng không chịu nổi. Chết rồi" "Tội nghiệp, Tư Được cũng là người tốt, không thấy làm khó dễ ai" "Nhưng thằng chả chơi dại, chọc Con Quỉ Cái, bị nó rủa cho. Con đó mà mở miệng rủa ai điều gì thì gặp ngay chóc điều đó"

Phạm Thành Châu

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...